Sau hơn 10 năm xây dựng nông thôn mới (NTM), đến cuối 2021, huyện Ba Tơ (Quảng Ngãi) có 2 xã là Ba Động và Ba Cung đạt chuẩn NTM, 1 xã đạt 18 tiêu chí và 15 xã còn lại đạt 10 - 14 tiêu chí.
Di tích quốc gia đặc biệt
Cuộc khởi nghĩa Ba Tơ nổ ra ngày 11/3/1945 với 278 đội viên du kích, sau 2 ngày Nhật đảo chính Pháp ở Việt Nam, tạo lập chính quyền mới ở huyện Ba Tơ và tỉnh Quảng Ngãi, cũng như sự ra đời Đội du kích Ba Tơ - tiền thân của lực lượng vũ trang Liên khu V. Cuộc khởi nghĩa Ba Tơ đã cho thấy tinh thần chủ động, linh hoạt, sáng tạo của tổ chức cơ sở Đảng Cộng sản Đông Dương tại Quảng Ngãi và tinh thần cách mạng hăng hái của người dân Việt Nam, trong đó có đồng bào Kinh - Thượng ở Ba Tơ, đã đi vào lịch sử đấu tranh anh dũng của dân tộc Việt Nam.
Ba Tơ chú trọng phát triển sản xuất, nâng cao đời sống người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Khởi nghĩa Ba Tơ là cuộc khởi nghĩa từng phần đầu tiên trong cả nước nổ ra và giành thắng lợi. Thắng lợi của cuộc khởi nghĩa Ba Tơ ngày 11/3/1945 đã tạo tiền đề cho phong trào đấu tranh cách mạng của tỉnh Quảng Ngãi phát triển mạnh mẽ, tiến tới Tổng khởi nghĩa giành thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và ảnh hưởng to lớn đến phong trào cách mạng của các tỉnh Nam Trung kỳ và là một trang sử ngời sáng trong lịch sử Quảng Ngãi và lịch sử cả nước.
Cuộc khởi nghĩa Ba Tơ nổ ra và giành thắng lợi, chính quyền cách mạng huyện Ba Tơ được thành lập vào ngày 12/3/1945 là chính quyền cấp huyện đầu tiên của tỉnh Quảng Ngãi và cả nước trong thời kỳ tiền khởi nghĩa – 1945.
Năm 1980, quần thể các địa điểm di tích về cuộc khởi nghĩa Ba Tơ và Đội du kích Ba Tơ được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận, xếp hạng và cấp Bằng di tích lịch sử - văn hóa quốc gia.
Năm 2010, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân trong thời kỳ chống Pháp cho Đội du kích Ba Tơ.
Tháng 8/2013, Thủ tướng Chính phủ có quyết định công nhận các xã Ba Vinh, Ba Giang, Ba Động, Ba Chùa, Ba Thành và thị trấn Ba Tơ thuộc vùng An toàn khu của Trung ương ở Quảng Ngãi trong thời kỳ chống Pháp.
Ngày 25/12/2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2082/QĐ-TTg công nhận các địa điểm về cuộc khởi nghĩa Ba Tơ là Di tích quốc gia đặc biệt.
Căn cứ theo Hồ sơ di tích đã được Chính phủ xếp hạng, Di tích này gồm 11 điểm di tích: Khúc sông Liêng (thị trấn Ba Tơ), Lò gạch Nước Năng (thị trấn Ba Tơ), Nhà đồng chí Trần Quý Hai (thị trấn Ba Tơ), Chòi canh Suối Loa (xã Ba Động), Đồn Ba Tơ (Đồn Khố Xanh) tại thị trấn Ba Tơ, Nha kiểm lý (thị trấn Ba Tơ), Sân vận động Ba Tơ (thị trấn Ba Tơ), Bãi Hang Én (xã Ba Vinh), Bến Buôn (xã Ba Thành), Chiến khu Nước Lá- Hang Voọt Rệp (xã Ba Vinh), Chiến khu Núi Cao Muôn (xã Ba Vinh).
Việc Chính phủ ban hành Quyết định xếp hạng Di tích lịch sử Địa điểm về cuộc khởi nghĩa Ba Tơ là Di tích quốc gia đặc biệt là sự kiện có ý nghĩa sâu sắc, thêm một lần nữa khẳng định mảnh đất và con người Ba Tơ đã có những đóng góp tích cực vào lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, duy trì, vun đắp tình đoàn kết Kinh - Thượng gắn bó keo sơn.
Ba Tơ trên hành trình xây dựng NTM
Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ Phạm Xuân Vinh cho biết, Ba Tơ triển khai xây dựng NTM khi tất cả các xã trên địa bàn thuộc huyện nghèo theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP, với xuất phát điểm quá thấp so với yêu cầu của Bộ tiêu chí quốc gia về NTM; việc xây dựng để đạt các tiêu chí và đạt chuẩn xã NTM đòi hỏi phải xây dựng kế hoạch với khối lượng thực hiện nhiều, nhu cầu kinh phí lớn trong khi nguồn ngân sách hỗ trợ thực hiện Chương trình giai đoạn đầu (2011-2015) rất hạn hẹp.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XVIII xác định thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với xây dựng NTM là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện giai đoạn 2015-2020.
Sau hơn 10 năm xây dựng NTM, đến cuối 2021, huyện Ba Tơ có 2 xã là Ba Động và Ba Cung đạt chuẩn NTM, 1 xã đạt 18 tiêu chí và 15 xã còn lại đạt 10-14 tiêu chí.
Giai đoạn 2021- 2022, huyện Ba Tơ phấn đấu có thêm 6 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, xã Ba Động đạt chuẩn NTM nâng cao và không còn xã dưới 15 tiêu chí. Tuy nhiên, bộ tiêu chí quốc gia mới về NTM có nhiều tiêu chí cao hơn giai đoạn trước, vì vậy, cần nỗ lực chỉ đạo và sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị. Tập trung nguồn lực xây dựng đô thị thị trấn Ba Tơ (vùng ATK), phấn đấu đến cuối năm 2025, thị trấn đạt các tiêu chí đô thị loại 5, năm 2030 đạt cơ bản tiêu chí đô thị loại 4.
Xây dựng NTM từng bước đi vào đời sống, được cụ thể hóa thành tiêu chí, nội dung, phong trào cụ thể. Hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn ngày càng được xây dựng hoàn thiện theo quy hoạch, từng bước đáp ứng nhu cầu sản xuất và dân sinh, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn. Kinh tế và tổ chức sản xuất đang dần được đổi mới để đảm bảo yêu cầu nhiệm vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; vấn đề văn hóa, xã hội, môi trường được quan tâm, an ninh quốc phòng được giữ vững.
Chương trình đã có tác động tích cực và sâu sắc trong đời sống xã hội ở nông thôn trên địa bàn huyện. Cụ thể, về mặt kinh tế - xã hội, giúp hoàn thiện hệ thống hạ tầng thiết yếu (điện, giao thông, trường học, trạm y tế, cơ sở vật chất văn hóa, hạ tầng thương mại,…) là cơ sở để người dân phát triển giao thương, tổ chức sản xuất, phát triển kinh tế nông nghiệp, thương mại, ngành nghề nông thôn, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần.
Đường xã được đầu tư “cứng hóa” đạt chuẩn 97,5km/154,19km theo quy hoạch (đạt tỷ lệ 63,23%); đường thôn 242 tuyến dài 141,4 km được đầu tư xây dựng cứng hóa trên 53% đảm bảo sạch và không lầy lội vào mùa mưa. Đến nay, 19/19 xã đều có đường ô tô đến trung tâm xã được nhựa hóa, cứng hóa...
Chương trình đã tạo điều kiện để mọi thành phần trong xã hội được thụ hưởng thành quả xây dựng NTM, nhất là đối với người nông dân; kết quả thực hiện với nhiều mô hình phát triển sản xuất, mô hình các phong trào (thắp sáng đường quê, 5 không - 3 sạch,…)…
Phát triển sản xuất, phát triển ngành nghề nông thôn
Những năm qua, huyện Ba Tơ luôn quan tâm chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt các chính sách dân tộc, miền núi. Trong đó, tập trung huy động các nguồn lực để đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, phát triển sản xuất, nâng cao đời sống người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đặc biệt là triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết 30a, Chương trình 135, chính sách hỗ trợ nhà ở, đất sản xuất cho người dân. Trong quá trình thực hiện, huyện ưu tiên nguồn vốn đầu tư, hỗ trợ người dân chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi ngành nghề, cho vay vốn phát triển sản xuất. Vì vậy, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện giảm đáng kể. Đặc biệt, tháng 3/2022, Ba Tơ đã chính thức ra khỏi danh sách huyện nghèo giai đoạn 2021 - 2025.
Từ đầu năm 2022 đến nay, UBND huyện Ba Tơ tiếp tục chỉ đạo thực hiện phát triển sản xuất nông lâm nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất. Giá trị sản xuất nông nghiệp 6 tháng đầu năm đạt 543,89 tỷ đồng, đạt 56,04% kế hoạch năm, tăng 8,93% so với cùng kỳ năm 2021.
UBND huyện Ba Tơ đã phê duyệt kế hoạch thực hiện các mô hình khuyến nông thuộc nguồn vốn ngân sách huyện năm 2022, điều chỉnh mô hình chăn nuôi bò thịt năng suất chất lượng cao bằng nguồn giống từ trang trại bò sữa Vinamilk Quảng Ngãi sang hỗ trợ trâu đực giống cho vùng cao Ba Giang, kiểm tra mô hình thâm canh sắn bền vững quy mô 3ha tại các xã Ba Vì, Ba Tô, Ba Thành (giống kháng bệnh virus khảm lá); tiếp tục theo dõi tình hình thực hiện các mô hình từ năm 2018-2021.
Về đào tạo nghề cho lao động nông thôn, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên tổ chức 01 lớp, với 30 học viên nghề chăn nuôi gia súc, gia cầm (thời gian đào tạo dưới 3 tháng).
“Thời gian tới, Ba Tơ tiếp tục xây dựng NTM để nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân; nâng cao chất lượng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn phát triển nông nghiệp với công nghiệp, dịch vụ; gắn phát triển nông thôn với đô thị; xã hội nông thôn dân chủ, ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; môi trường sinh thái được bảo vệ; quốc phòng và an ninh, trật tự được giữ vững”, Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ Phạm Xuân Vinh tin tưởng.
Tối 22/11, tại Bảo tàng tỉnh Phú Yên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề “Bến Vũng Rô và hoạt động tiếp nhận chi viện từ những chuyến Tàu Không số”. Hoạt động nhằm hướng đến kỷ niệm 60 năm Bến Vũng Rô tiếp nhận chuyến hàng đầu tiên của Tàu Không số (28/11/1964 – 28/11/2024).
Thời gian qua, tỉnh Nghệ An triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, cơ chế, chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nâng cao ý thức tự lực, tự cường vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo nên diện mạo mới cho nông thôn miền núi xứ Nghệ.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.