Mây là nguyên liệu sản xuất các mặt hàng thủ công mỹ nghệ; sa nhân tím là cây dược liệu quý.
Đồng bào H’re thu hoạch sa nhân tím.
Hai cây trồng này đều có giá trị kinh tế, thị trường tiêu thụ ổn định và giá trị xuất khẩu cao, thích ứng rộng trên nhiều chân đất có tán rừng, có khả năng bảo vệ rừng và bảo vệ môi trường.
Trên địa bàn huyện Ba Tơ, mây nước và sa nhân tím sinh trưởng, phát triển dưới tán rừng tự nhiên, tạo thêm nguồn thu nhập cho người dân trên địa bàn. Tuy nhiên, bà con thu hoạch chủ yếu tự phát, chưa biết ứng dụng tiến bộ kỹ thuật nên sản phẩm của hai cây trồng này ngày càng cạn kiệt. Trước thực tế đó, Trạm Khuyến nông huyện Ba Tơ đề xuất thực hiện dự án: “Trồng và phát triển cây mây nước, cây sa nhân tím dưới tán rừng phòng hộ cho đồng bào dân tộc H’rê” nhằm giúp người dân sống bằng nghề vườn rừng và những người tham gia quản lý, bảo vệ rừng phòng hộ có thêm nguồn lợi lâm sản ngoài gỗ dưới tán rừng.
Dự án được triển khai tại các thôn Con Dốc, Bùi Hui và Nước Đang, xã Ba Trang, huyện Ba Tơ. Qua 3 năm triển khai với 3 đợt trồng (1/2013, 7/2014, 3/2015), dự án đã xây dựng mô hình với tổng diện tích 100 ha/106 hộ, trong đó diện tích cây mây nước là 80 ha/75 hộ, cây sa nhân tím 20 ha/31 hộ.
Đợt 1 trồng vào tháng 1/2013 tại Con Dốc, Bùi Hui với diện tích 22,4ha, trong đó cây mây nước là 20,4ha. Qua theo dõi thấy: Khả năng tái sinh rễ ở giai đoạn cây con chậm. Từ sau năm thứ 2, cây có tốc độ sinh trưởng chồi và nhánh lá vươn nhanh hơn, đều hơn. Đến nay, sau hơn 3 năm trồng, cây đã phân cành lá từ 4-5 cành, cao 1-1,2m, tán lá so với gốc rộng 40-50cm. Với khả năng sinh trưởng như hiện nay, dự kiến đến năm thứ 4, cây mây vươn lóng; đến năm thứ 5 có sợi mây leo lên cây giá đỡ; đến năm thứ 6 thu hoạch lứa đầu và các năm tiếp theo thu hoạch quanh năm.
Mô hình cây sa nhân tím có diện tích 2ha, đến nay, các thân thảo đã cao 1-2m, thân ngầm bò dưới mặt đất dài bình quân 1-1,2m. Cây sa nhân tím được trồng dưới tán rừng thưa, ít cây gỗ lớn nên sinh trưởng khỏe hơn, có vườn sau 2 năm trồng đã ra trái. Điển hình là vườn của ông Phạm Văn Sơn (làng Leo, thôn Bùi Hui), tháng 6/2015 sa nhân tím đã ra hoa, đậu quả bói, năng suất thực thu 30kg/0,5ha, với giá bán 250.000 đồng/kg, đem lại nguồn thu 7,5 triệu đồng. Năm 2016, các vườn đều ra hoa kết trái.
Đợt 2 (tháng7/2014), dự án tiếp tục triển khai trồng 22,6ha, trong đó diện tích cây mây nước là 14,6ha. Hiện, chiều cao cây đã đạt 30-40cm, phân cành lá từ 2-3 cành.
Cây sa nhân tím được trồng với diện tích 8ha. Sau 2 năm trồng, cây đã đẻ 2-3 chồi, chồi mẹ cao từ 0,5-0,6m, các chồi sau cao trung bình 30-45cm, thân ngầm bò dưới mặt đất dài bình quân 25-40cm, cây sinh trưởng khỏe và ra hoa vụ tháng 6/2016.
Đợt 3 (tháng 3/2015), dự án thực hiện tại thôn Nước Đang với tổng diện tích 55 ha, trong đó, cây mây nước 45ha; cây sa nhân tím 10ha. Từ tháng 5 đến tháng 8/2015, do thời tiết nắng nóng nên khả năng phát sinh rễ và phát triển của cây chậm, tỷ lệ sống cây mây nước đạt 80%, cây sa nhân tím 85%. Đến nay, sau 1 năm trồng, cây mây nước đã phát triển chồi lá non, cây sa nhân tím đẻ được 2-3 chồi.
Để giúp các hộ dân tiếp cận tiến bộ kỹ thuật, dự án đã tập huấn kỹ năng cho 17 trưởng nhóm và 3 cán bộ thôn ở xã Ba Trang để tổ chức cho các hộ dân trong nhóm trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất và hoạt động nhóm. Đồng thời, tổ chức 17 lớp tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho 510 người.
Ông Huỳnh Thương, Phó chủ tịch UBND huyện Ba Tơ, cho biết: Kết quả đạt được từ dự án có ý nghĩa thiết thực, giúp đồng bào H’rê làm quen với kỹ thuật trồng cây mây nước và sa nhân tím dưới tán rừng phòng hộ, từ đó tạo việc làm ổn định cho người dân địa phương.
Với kết quả đạt được, dự án đã góp phần nâng cao ý thức của người dân trong việc bảo vệ rừng, tạo vùng nguyên liệu lâm sản ngoài gỗ, đáp ứng nhu cầu thị trường và tăng hiệu quả kinh tế hộ gia đình.
Phương Dung
Thực hiện Tiểu dự án 2, Dự án 3, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030 (Chương trình MTQG 1719) về phát triển vùng trồng dược liệu quý theo chuỗi giá trị, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS&MN, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội việc làm, tăng thu nhập, góp phần nâng cao mức sống, xóa đói giảm nghèo cho bà con người DTTS.
Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.