Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ năm, ngày 13 tháng 4 năm 2017 | 4:16

Bắc Giang: Có “bóng quan”, doanh nghiệp tha hồ “khoét” khoáng sản

Với chiêu bài “đào ao, thả cá”, một hộ gia đình ở xã Việt Tiến (huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) liên tục đào các ao lớn để múc đất sét mang đi bán kiếm lời. Từ 1 văn bản của ông Nguyễn Văn Linh, Chủ tịch tỉnh Bắc Giang ký, khu đất rộng hằng nghìn mét vuông tại thôn 4 xã Việt Tiến, đã biến thành công trường khai thác. Điều lạ, việc cấp phép cho khai thác đất sét này có đúng quy định của Luật Khoáng sản hay không? Các cơ quan chức năng ở đâu? Cần phải sớm làm rõ trách nhiệm!


Hiện trường đào ao thả cá của hộ ông Nguyễn Văn Long.

“Nhờ vía quan”

Theo phản ánh của người dân, từ cuối năm 2016 đã có nạn đào đất sét ở đây mang đi bán. Bà con cũng thấy thỉnh thoảng có các cơ quan chức năng xuống kiểm tra. Nhưng thay vì phải chấn chỉnh “chủ đất” đào sâu có theo thiết kế hay không, giám sát các hoạt động về môi trường như thế nào thì hầu như “đoàn kiểm tra” nào sau khi “bắt tay” gia chủ lại hoan hỉ ra về, ai cũng phấn khởi, kể cũng lạ!


Xe chở đất đi bán.

Trong lúc tác nghiệp tại đây, phóng viên được khá nhiều người dân địa phương (xin được giấu tên) sinh sống tại xã Việt Tiến (huyện Việt Yên) vô cùng bức xúc cho biết: thời gian qua, cả làng náo loạn và ô nhiễm bởi đoàn xe tải chở đất kìn kịt suốt đêm ngày. Nguyên do chủ yếu là xuất hiện một ông tên Thắng (Giám đốc Công ty Mạnh Thắng) tìm về đây. Ông Thắng có tiền nên đã hỏi mua rất nhiều đất ao, vườn của nhân dân trong thôn, nhưng mục đích chính của ông này là khai thác đất sét.

Đất sét bắt đầu được khai thác từ cuối năm 2016 đến nay. Với lý do “cải tạo ao” cho các hộ dân, cụ thể như trường hợp nhà ông Long và ông Ka đang sinh sống trên địa bàn xã, đám khai thác khoáng sản (đất) đã mặc sức tung hoành. Đất sét do Cty Mạnh Thắng múc đào rất sâu, khoảng từ 6-7m, có đến hàng nghìn khối đất sét được chuyển đến nhà máy gạch của Cty TNHH Bình Sơn (địa chỉ tại thôn Kẹm, xã Minh Đức, huyện Việt Yên) để bán.

Qua tìm hiểu và điều tra về vấn đề này, dư luận đặt câu hỏi: “Tại sao Cty Mạnh Thắng lại có thể ngang nhiên đào bới xới lộn ở đây?”, phóng viên được biết “tất cả là nhờ có “lệnh bài” của Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang” nên doanh nghiệp này có thể thoải mái đào đất, khai thác khoáng sản đi bán. Cụ thể, ngày 15/3/2017, UBND tỉnh Bắc Giang có văn bản số 717/UBND-TN do ông Nguyễn Văn Linh, Chủ tịch UBND tỉnh ký gửi cho Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT), UBND huyện Việt Yên, UBND xã Việt Tiến và cá nhân ông Nguyễn Văn Long.


Nhờ “lá bùa” 717/UBND-TN của Chủ tịch Nguyễn Văn Linh mà đất được khai thác ồ ạt, bừa bãi.

Lãnh đạo tỉnh ghi rõ: cho phép hộ ông Nguyễn Văn Long được cải tạo đất trên diện tích 1.930,9m2 tại thôn 4, xã Việt Tiến, huyện Việt Yên (thuộc khu đất đã được Chủ tịch UBND huyện Việt Yên cho phép chuyển dịch cơ cấu sử dụng đất nông nghiệp sang nuôi trồng thủy sản và trồng lúa), với độ sâu hạ thấp bình quân 3m (đáy ao thấp hơn cốt nền nhà ở cấp 4 nhà ông Nguyễn Văn Lượng 3,5m) để nuôi trồng thủy sản. Nhưng có mặt tại hiện trường, bằng trực quan phóng viên thấy độ sâu ở đây vượt mức quy định của Chủ tịch tỉnh cho phép. Còn về phía “gia chủ” Nguyễn Văn Long, với sự đỡ đầu của doanh nghiệp Mạnh Thắng thì kể từ khi có “lá bùa” do Chủ tịch tỉnh ký, họ ngang nhiên đào xới, bất biết. Hậu quả là người dân sinh sống xung quanh khốn khổ vì ô nhiễm môi trường, còn lợi tức thì lại vào túi các tư nhân “ma mãnh”.

Trái Luật Khoáng sản?

Mục sở thị tại hiện trường, phóng viên nhận thấy: những tố cáo và kiến nghị của người dân là có cơ sở. Đường bê tông nông thôn bị băm nát không thương tiếc. Bùn đất rơi vãi nhão nhoét. Cái ao đang đào không rõ sâu bao nhiêu mét nhưng cả chiếc máy xúc cao lênh khênh đưa lọt thỏm trong dự án.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Xuân, Chủ tịch xã Việt Tiến cho biết: Trước đây, họ đã đào xong 1 cái ao, hồ nhà ông Long rồi. Lần đó, xã rất vất vả, liên tục rình rập và bắt quả tang được sai phạm. Về phía UBND huyện và Công an huyện cũng đã phạt mấy lần. Lần này gia đình ông Nguyễn Văn Long lại cho đào tiếp một cái ao nữa. Xã cũng chỉ biết vậy.


Xe tải tàn phá đường xá.

Còn ông Hiền, trưởng xóm 3 xã Việt Tiến cho biết: Thời gian qua, Công ty Mạnh Thắng đào một số ao, đầm ở đây để khai thác đất sét làm hư hỏng hết đường bê tông của nhân dân. Nhân dân đã yêu cầu Công ty Mạnh Thắng ký cam kết bao giờ khai thác xong đất sét thì phải làm trả lại đường cho nhân dân. Vừa rồi có 2 cái ao nhà ông Long và ông Ka đã đào xong. Nhưng 2 cái ao đó là “đào trộm”, mặc dù bị các cơ quan xuống kiểm tra. Lần này, chả hiểu sao ông Nguyễn Văn Long lại đào tiếp một cái ao, nhưng lạ thay lại thấy ông Long “chìa ra” một tờ giấy “thủ tục” để trấn an bà con. Ông Hiền cũng thẳng thắn “tố giác”, ở đây, nói là đào ao, nhưng thực chất là 1 dạng khai thác đất sét đi bán kiếm lời.

Nhận định về sự việc trên, luật sư Hà Thị Thanh (Đoàn Luật sư Hà Nội) nhìn nhận: Việc khai thác khoáng sản phải theo đúng Luật Khoáng sản. Ở đây, việc UBND tỉnh Bắc Giang cho cá nhân ông Nguyễn Văn Long “đào ao, thả cá” đã đúng quy định của luật pháp hay chưa? UBND tỉnh Bắc Giang có biết rằng, núp phía sau ông Long là doanh nghiệp Mạnh Thắng “chống lưng” hay không?... để rồi lợi dụng vào “bóng” của UBND tỉnh Bắc Giang mà phía chốc từ ao thả cá thành đại công trường khai thác khoáng sản, trái với các quy định của pháp luật trước sự thờ ơ, ngó lơ của lực lượng Cảnh sát môi trường PC49 (Công an Bắc Giang), lực lượng TNMT địa phương.

Đã đến lúc các cơ quan cấp trên cần nghiêm khắc xem xét các kiểu lách luật ở địa phương để rồi Nhà nước mất dần các nguồn khoáng sản.

Báo Xây dựng sẽ tiếp tục phản ánh về vấn về này.

Theo Đà Giang/Xây dựng

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hàng ngàn người đổ về thị trấn Sông Đốc (Trần Văn Thời - Cà Mau) để xem cuộc đua vỏ lãi kỳ thú. Thị trấn ven biển này cũng là nơi 70 năm trước diễn ra sự kiện tập kết ra Bắc lịch sử.

  • Dòng chảy tri thức - Hành trình tri thức không thể thiếu vắng hình bóng “Người lái đò”

    Dòng chảy tri thức - Hành trình tri thức không thể thiếu vắng hình bóng “Người lái đò”

    Hòa cùng không khí cả nước, chào mừng 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/1982 - 20/11/2024, tri ân sự đóng góp, hy sinh của thầy, cô giáo - những “Người lái đò” thầm lặng, đưa nhiều thế hệ học trò đến với bến bờ tri thức.

  • Thắp sáng ước mơ cho các em học sinh Làng Nủ

    Thắp sáng ước mơ cho các em học sinh Làng Nủ

    Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.

Top