Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ ba, ngày 8 tháng 6 năm 2021 | 10:58

Bắc Giang tổ chức Hội nghị trực tuyến xúc tiến tiêu thụ vải thiều

Ngày 8/6, UBND tỉnh Bắc Giang tổ chức Hội nghị trực tuyến xúc tiến tiêu thụ vải thiều tại 30 điểm cầu trong nước và quốc tế. Trong đó 22 điểm cầu trong nước, 8 điểm cầu tại các nước: Nhật Bản, Úc, Singapore, Trung Quốc.

 Toàn cảnh Hội nghị.

 

Phát biểu tại Hội nghị, ông Phan Thế Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, cho biết, năm 2021, trước bối cảnh chung của đại dịch Covid-19, song, Bắc Giang đã quản lý chặt chẽ các đối tượng F0 không để lây ra cộng đồng; Lục Ngạn (vùng Vải thiều lớn nhất của tỉnh) không Covid, với những cách làm năng động, sáng tạo và triển khai các giải pháp hết sức cụ thể, quyết liệt để bảo vệ Vùng Vải thiều.

Có thể khẳng định, “Vải thiều Bắc Giang chất lượng cao nhất từ trước đến nay, có hương vị thơm ngon, chất lượng vượt trội, quả to, vỏ đỏ, hạt nhỏ, cùi dày” là những đặc trưng riêng, làm nên thương hiệu vải thiều nổi tiếng trong và ngoài nước.

Đến nay, quả vải thiều của tỉnh Bắc Giang đang được bảo hộ nhãn hiệu tại 8 quốc gia (Trung Quốc, Mỹ, Nhật, Úc, Hàn Quốc, Singapore, Lào, Campuchia). Tháng 3/2021 vải thiều Lục Ngạn - Bắc Giang đã trở thành sản phẩm nông sản đầu tiên của Việt Nam được chính thức bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản, đã mở đường cho việc thúc đẩy bảo hộ chỉ dẫn địa lý vải thiều tại các quốc gia khác; đồng thời, là "giấy thông hành" để vải thiều Lục Ngạn - Bắc Giang xuất khẩu vào các thị trường lớn, tiềm năng khác.

 

 Ông Phan Thế Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang phát biểu tại Hội nghị.

 

Để Vải thiều có chất lượng cao nhất đáp ứng yêu cầu của tất cả các thị trường trong nước và quốc tế tỉnh Bắc Giang đã kiên trì thực hiện nhiều biện pháp như: hỗ trợ, hướng dẫn, tư vấn người trồng vải thiều kỹ thuật canh tác, chăm sóc vải thiều; việc ghi chép truy xuất nguồn gốc; kiểm tra, giám sát nội bộ và giám sát từ bên ngoài; thử nghiệm biện pháp che màn để hạn chế sâu bệnh...

Nhân rộng mô hình hợp tác xã, nhóm hộ liên kết sản xuất để đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất và liên kết theo chuỗi giá trị; mở rộng diện tích trồng vải thiều theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP... hướng tới 100% vải thiều theo tiêu chuẩn VietGAP. Cùng với đó, giám sát chặt chẽ các vườn vải tham gia mô hình vải thiều hữu cơ; lắp camera giám sát, nhật ký chăm sóc điện tử; tạo nên Vải hữu cơ có nhiều ưu điểm vượt trội.  

Thực hiện quản lý nghiêm ngặt các mã số vùng trồng vải thiều theo tiêu chuẩn VietGAP; GlobalGAP; các mã số vùng trồng đối với thị trường Nhật Bản, Trung Quốc, Úc, Singapore  và các nước trên thế giới.

Năm nay sản lượng vải thiều tỉnh Bắc Giang ước đạt 180 nghìn tấn. Trong bối cảnh dịch Covid -19 diễn biến phức tạp song việc tiêu thụ vải thiều thời gian qua cơ bản thuận lợi, sản lượng tiêu thụ đến ngày 7/6 đạt hơn 53 nghìn tấn ở thị trường trong nước và xuất khẩu.

 Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương. 

 

Với thị trường tiêu thụ, đến nay, vải thiều đã được kết nối tiêu thụ ngay từ đầu vụ trong hệ thống phân phối bán lẻ tại các siêu thị: Aeon, Mega Market, Lotte, Central Retail (GO! BigC), Vinmart+, Saigon Co.op…, các chợ đầu mối hoa quả ở TP. Hà Nội, TP. HCM, tỉnh Đồng Nai... Bên cạnh đó, Bắc Giang mở rộng, phát triển các thị trường các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên, Tây Nam bộ.

Đối với thị trường xuất khẩu, Trung Quốc tiếp tục được xác định là thị trường truyền thống. Cơ quan chức năng của Trung Quốc đã chấp thuận thêm 11 cơ sở đóng gói mới năm 2021, nâng tổng số cơ sở đóng gói toàn tỉnh hiện nay là 300 cơ sở. Tỉnh Bắc Giang đã có văn bản trao đổi, đề nghị Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam, Cơ quan chức năng của tỉnh Quảng Tây, tỉnh Vân Nam và các cơ quan cửa khẩu hỗ trợ công tác xuất khẩu vải thiều sang thị trường Trung Quốc.

Với thị trường Nhật Bản, các khâu sơ chế, bảo quản, xông hơi khử trùng đã được chuẩn bị đầy đủ, sẵn sàng, Cục Bảo vệ thực vật Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là đơn vị thực hiện giám sát công tác xông hơi khử trùng, kiểm dịch thực vật trước khi xuất khẩu theo đúng yêu cầu của Nhật Bản. Đã có nhiều doanh nghiệp tham gia thu mua và xuất khẩu vải thiều sang thị trường Nhật Bản.

Cùng với đó, tỉnh Bắc Giang tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu vào các thị trường: Mỹ, Úc, EU, Singapore, Thái Lan, Hàn Quốc, Malaysia... Các vùng trồng vải thiều đều đáp ứng yêu cầu nghiêm ngặt của thị trường xuất khẩu.

 

 Tại Hội nghị diễn ra lễ công bố và trao văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý vải thiều Lục Ngạn tại Nhật Bản.  

 

Đặc biệt, năm 2021, tỉnh Bắc Giang khuyến khích các doanh nghiệp mở gian hàng trên các Sàn thương điện tử: Alibaba, Giun-Nan, Sàn 24 giờ, Sen đỏ, Pót-mát, Vỏ sò; thúc đẩy các hoạt động tiêu thụ vải thiều trên mạng xã hội, các fanpage trên Facebook, zalo…Tỉnh Bắc Giang đã làm việc với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương, Vụ Bưu chính, Bộ Thông tin và Truyền thông hỗ trợ đưa sản phẩm vải thiều tiêu thụ trên các sàn thương mại điện tử.

Phát biểu tại điểm cầu tỉnh Bắc Giang, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất - kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm ở cả thị trường trong nước lẫn xuất khẩu.

Thực hiện mục tiêu kép vừa phòng chống dịch bệnh an toàn, vừa phát triển kinh tế, Bộ Công Thương đã chủ động phối hợp các Bộ, ngành và địa phương tập trung giải quyết các vấn đề về chính sách, tạo cơ chế thuận lợi cho phát triển thị trường và lưu thông hàng hóa.

Bộ cũng phối hợp với các địa phương đẩy mạnh hoạt động kết nối, xúc tiến tiêu thụ nông sản nhằm tháo gỡ khó khăn cho bà con nông dân, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nông sản đặc biệt tại các khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh như Bắc Giang.

 

 Các đại biểu khai trương gian hàng vải thiều trên sàn Alibaba.com và các sàn thương mại điện tử. 

 

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, điểm mới trong hoạt động phối hợp, hỗ trợ các địa phương tiêu thụ nông, lâm, thủy sản năm nay đó là, Bộ đã chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ chủ động làm việc từ sớm với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp liên quan, mở rộng cả kênh phân phối truyền thống và hiện đại, chú trọng khai thác các kênh trực tuyến, thương mại điện tử cho nông sản trên thị trường trong nước, lấy thị trường trong nước làm nền tảng. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu với sự vào cuộc quyết liệt của hệ thống cơ quan thương vụ Việt Nam trên khắp các thị trường quốc tế. Trong đó, ưu tiên hỗ trợ tiêu thụ quả vải thiều của Bắc Giang, Hải Dương đang vào vụ hiện nay.

Về cơ bản việc tổ chức tiêu thụ quả vải thiều của Bắc Giang đến thời điểm hiện tại tương đối thuận lợi; trong đó 60% là tiêu thụ trong nước, 40% xuất khẩu sang Trung Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ; không có hiện tượng ép giá, ép cân đảm bảo hiệu quả cho người sản xuất. 

 

 Lễ xuất hành đoàn xe vải thiều tiêu thụ tại thị trường trong nước và quốc tế.

 

Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ánh Dương nhấn mạnh, Bắc Giang có vùng trồng cây ăn quả tập trung lớn nhất miền Bắc, vải thiều Bắc Giang được sản xuất theo quy trình an toàn, hữu cơ, có hương vị thơm ngon, bổ dưỡng, quả to, vỏ đỏ, hạt nhỏ, cùi dầy, làm nên thương hiệu nổi tiếng và đứng vững trên thị trường trong và ngoài nước, được người tiêu dùng rất ưa chuộng.

Hằng năm, vải thiều Bắc Giang có mặt ở trên 30 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Riêng mùa vụ này, vải thiều tươi Bắc Giang đã được bày bán rộng rãi ở thị trường trong nước và Trung Quốc, Australia, Nhật Bản, Singapore...

Để đáp ứng nhu cầu của khách hàng, trong bối cảnh tình hình dịch Covid- 19 trên toàn thế giới, tỉnh Bắc Giang đã xây dựng 3 kịch bản thu hoạch và tiêu thụ vải thiều năm 2021; đồng thời, đã triển khai hàng loạt các hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ tiêu thụ vải thiều và các sản phẩm nông sản của tỉnh, có thể nói đây là hoạt động xúc tiến thương mại “con thoi”. Đặc biệt, đã phát huy tinh thần hữu nghị, hợp tác với các bạn hàng truyền thống, có sự liên hệ, trao đổi, phối hợp chặt chẽ từ các bạn hàng quốc tế, các tỉnh, thành phố bạn và doanh nghiệp, doanh nhân kinh doanh nông sản.

Trong khuôn khổ Hội nghị, ban tổ chức đã công bố và trao văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý vải thiều Lục Ngạn tại Nhật Bản; khai trương gian hàng vải thiều trên sàn Alibaba.com và các sàn thương mại điện tử; lễ xuất hành đoàn xe vải thiều tiêu thụ tại thị trường trong nước và quốc tế...

 

 

 

 

Hoàng Văn
Ý kiến bạn đọc
  • PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    Với tinh thần tương thân tương ái, vừa qua, Đoàn Thanh niên Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) đã tổ chức chương trình từ thiện “Xuân tình nguyện 2024” để thăm hỏi, động viên và trao quà đến các em học sinh nghèo, các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại xã Nậm Chảy, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Đây là hoạt động hưởng ứng tinh thần Tháng Thanh niên và Năm Thanh niên tình nguyện của tuổi trẻ PVcomBank.

  • Thanh Hóa: Hỗ trợ gạo cho đồng bào dân tộc, miền núi để bảo vệ, chăm sóc rừng

    Thanh Hóa: Hỗ trợ gạo cho đồng bào dân tộc, miền núi để bảo vệ, chăm sóc rừng

    Mới đây, Tổng cục Dự trữ Nhà nước đã quyết định xuất hơn 1.266,829 tấn gạo để hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện miền núi Thanh Hóa đã có thành tích tốt trong công tác chăm sóc, bảo vệ và phát triển rừng.

  • Quảng Ngãi: Trao tặng 1.050 hộp sữa Vinamilk cho các cháu học sinh

    Quảng Ngãi: Trao tặng 1.050 hộp sữa Vinamilk cho các cháu học sinh

    Thường trực Tỉnh Hội, Đội Tình nguyện viên Chữ thập đỏ tỉnh Quảng Ngãi vừa trao tặng 1.050 hộp sữa Vinamilk 180ml cho 35 cháu học sinh điểm trường thôn Tà Vay thuộc trường mầm non Đăk Ra Pân, xã Sơn Long, huyện Sơn Tây.

Top