Trong những ngày tháng 5 này, khắp dải đất hình chữ S và nhiều nơi trên thế giới, Lễ kỷ niệm 130 năm ngày sinh của Bác - Nguyễn Ái Quốc - Chủ tịch Hồ Chí Minh được tổ chức trọng thể.
Ở đó, người ta cùng nhau ôn lại những kỷ niệm không bao giờ quên về Bác. Khắc ghi lại ý chí, khát vọng vì Dân, vì Nước của Bác. Và truyền cho nhau cảm hứng Độc lập, Tự do, Hạnh phúc cho Nước, cho Dân của Bác để đi tiếp hành trình mà Người đã dẫn dắt dân tộc Việt Nam bao năm qua. Nói đến Bác Hồ, từ người già đến trẻ, không chỉ người dân Việt Nam mà nhiều người dân ở các quốc gia trên thế giới đều dành cho Bác những lời nói quý trọng, thân yêu nhất và sự ngưỡng mộ một con người cao quý mà bình dị, bởi Người đã hy sinh cả đời mình đấu tranh giành độc lập, tự do cho Dân tộc, hạnh phúc cho Nhân dân.
Hồi ức về Bác của một Việt kiều
Một ngày tháng 5, tôi đến thăm bà Đoàn Bích Việt, 68 tuổi, ở 309 phố Giảng Võ, phường Cát Linh (quận Đống Đa - Hà Nội). 60 năm đã trôi qua, nhưng hình ảnh Bác in đậm trong tâm trí của bà từ những ngày đầu tiên khi bà cùng gia đình và 922 kiều bào từ Thái Lan trở về nước, ngày 10/1/1960, được Bác Hồ và lãnh đạo Nhà nước cùng nhân dân thành phố Hải Phòng đón tại cảng Hải Phòng, năm đó bà Việt mới 8 tuổi.
Bà Việt kể: “Cha bà là ông Đoàn Xuân Hùng, mẹ của bà là Trần Thị Nhỏ, người gốc Huế sang sinh sống tại Mục Đa Hản (Mukdahan-Thái Lan) đã lâu, nghe theo lời kêu gọi của Bác Hồ trở về xây dựng quê hương, năm 1960, gia đình bà cùng với 70.000 Việt kiều Thái Lan đã đăng ký về nước.
Trong chuyến tàu đầu tiên về nước có tất cả 922 kiều bào chủ yếu là gia đình cán bộ, người bị chính quyền Thái Lan bắt bớ, tù đày, gia đình neo đơn. Tất cả số Việt kiều này khi trở về nước đều đăng ký về miền Bắc sinh sống.
Tàu cập cảng Hải Phòng, mọi người rất mệt mỏi do say sóng, nhưng khi đặt bước chân đầu tiên lên mảnh đất của Quê hương ai nấy đều tỉnh táo, vui mừng, phấn khởi.
Bỗng có tiếng ai đó trong đoàn kiều bào reo to “Bác Hồ, Bác Hồ”, vậy là cả đoàn người đều hào hứng, người nọ truyền tai cho người kia, không ai bảo ai và đều hô lớn “Bác Hồ, Bác Hồ”. Vì còn nhỏ nên tôi được bố tôi bế trên tay, tôi nhìn thấy một ông cụ râu tóc bạc phơ, mặc một bộ quần áo kaki màu trắng bắt tay bố tôi và xoa đầu tôi khi vừa từ trên tàu bước xuống. Hình ảnh lần đầu tiên đó đã theo tôi đến tận bây giờ”.
Sau khi trở về Thủ đô Hà Nội, bà Việt được đi học tại trường Lý Thường Kiệt (phố Nguyễn Thái Học), rồi lần thứ 2 bà cùng các bạn được vào Phủ Chủ tịch tặng hoa Bác Hồ nhân dịp sinh nhật Bác. Bà và tất cả các học sinh là con em Việt kiều được Bác chia kẹo cho ăn, được nghe Bác căn dặn phải học tập thật giỏi để sau này lớn lên xây dựng quê hương, đất nước giàu đẹp.
Trong tâm trí của bà cho đến ngày hôm nay, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là một con người vĩ đại, Người luôn luôn quan tâm và chăm lo cho cuộc sống của nhân dân, đặc biệt đối với kiều bào trở về nước.
Vinh dự là “Bộ đội Cụ Hồ”
Trung tá Lê Thanh Long, 92 tuổi nguyên là Chuyên gia quân sự Việt Nam tại Lào, hiện đang sinh sống ở phố Nguyễn Sơn (Long Biên – Hà Nội) tâm sự, trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, khi cùng với quân đội Pathets Lào chiến đấu, chúng tôi đã từng được căn dặn “Giúp bạn chính là giúp mình” trong thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi các đơn vị bộ đội được giao nhiệm vụ giúp nước bạn Lào tác chiến ở Thượng Lào ngày 3/4/1953.
Lời căn dặn đó của Bác thể hiện tư tưởng về tinh thần đoàn kết quốc tế cao cả, giúp đỡ các nước láng giềng đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng đất nước, thể hiện trách nhiệm với cộng đồng quốc tế, vì vậy, chúng tôi đã đem hết sức lực, trí tuệ của mình đóng góp vào công cuộc đấu tranh, kháng chiến của Cách mạng Lào giành thắng lợi.
Hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn sáng mãi trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và phát triển đất nước, Bác là niềm tin cho chiến thắng, là tấm gương mẫu mực cho sự hy sinh, rèn luyện và đấu tranh của những người cách mạng. Bác rất gần gũi với mọi tầng lớp nhân dân, luôn quan tâm đến đời sống của nhân dân. Học Bác, học tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác, lòng ta thấy trong sáng hơn. Những người được hỏi đều nói vậy.
Với những người lính đã vào sinh ra tử như chúng tôi, hình ảnh của Bác tạo lên sức mạnh vô cùng lớn để cho chúng tôi có thêm nghị lực trong chiến tranh bảo vệ đất nước. Những ngày tháng 5 này, nghĩ đến Bác, không riêng gì tôi, đồng đội tôi cũng luôn tự hào được làm “Bộ đội Cụ Hồ”.
Dạy học sinh luôn ghi nhớ công ơn Bác Hồ
Cô giáo Hoàng Thị Hường, giáo viên trường mầm non Sơn Ca (quận Long Biên) cho biết, tôi sinh ra và lớn lên vùng đất cửa ngõ phía Bắc của Thủ đô Hà Nội vào năm nhân dân ta làm lên chiến thắng Điện Biên Phủ trên không.
Không được gặp Bác nhưng những câu chuyện về Bác được học từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường luôn làm cho tôi xúc động, đặc biệt là tình yêu thương của Bác dành cho các cháu thiến niên, nhi đồng. Những lời căn dặn của Bác đối với thiếu niên, nhi đồng khi Người còn sống luôn luôn là mục tiêu, lý tưởng để chúng tôi học tập và phấn đấu.
Khi trưởng thành, làm cô giáo, chăm sóc và dạy dỗ các con đang ở lứa tuổi mầm non, tương lai của Đất nước, tôi luôn lấy những câu chuyện về Bác Hồ để kể cho các con nghe, những câu chuyện rất bình thường giản dị nhưng lại toát lên tình yêu thương bao la, vô bờ bến của Bác dành cho trẻ em, có sức hút đến lạ kỳ đối với các em nhỏ.
Đã sinh nhật Bác lần thứ 130, tôi cảm thấy mình thật may mắn và hạnh phúc khi được sinh ra ở đất nước có Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Bác luôn là một vì sao sáng, sáng nhất trên đời.
Những câu chuyện kể về Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại của nhân dân Việt Nam cũng như nhân dân trên toàn thế giới sẽ còn được truyền lại mãi cho các thế hệ mai sau.
Bác đã đi xa, nhưng hình ảnh Bác vẫn luôn in đậm trong trái tim của mỗi người dân Việt Nam. Trong những ngày này, nhớ Bác, nhớ một tình yêu bao la..
Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.
Thời gian qua, tỉnh Nghệ An triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, cơ chế, chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nâng cao ý thức tự lực, tự cường vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo nên diện mạo mới cho nông thôn miền núi xứ Nghệ.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.