Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ ba, ngày 16 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 13 tháng 5 năm 2016 | 2:31

Bác Hồ sống mãi với Tây Nguyên

Trong chuyến công tác Tây Nguyên, điều khiến tôi nhớ và xúc động nhất là được nghe những câu chuyện được gặp Bác Hồ của các cựu chiến binh Tây Nguyên. Mỗi câu chuyện một ý nghĩa khác nhau, nhưng đều là ký ức sống động và chân thực nhất về nhân cách vĩ đại của vị cha già dân tộc.

Ông Ka Pa Tơ kể lại kỷ niệm của mình với phóng viên.

Người đầu tiên chúng tôi gặp là ông Ka Pa Tơ, người may mắn được 3 lần gặp Bác. Ông nhớ lại: “Lần đầu tiên tôi gặp Bác là vào ngày 1/6/1956, nhân dịp Trung ương Đoàn phối hợp với Bộ Giáo dục tổ chức gặp mặt đại diện học sinh toàn quốc tại Vườn hoa Bách Thảo (Hà Nội),  khi đó tôi mới 16 tuổi. Lần thứ hai, tôi gặp Bác Hồ vào năm 1957 tại Trường Dân tộc Trung ương Gia Lâm (Hà Nội) khi Người đến thăm trường. Lần thứ ba, tôi gặp Bác vào năm 1964 - khi đang học năm thứ ­2 tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Lần nào cũng vậy, Bác để lại trong tôi nhiều ấn tượng và cảm xúc sâu sắc”.

Đến nay, đã bước vào tuổi “thất thập cổ lai hy” nhưng hình ảnh Bác Hồ kính yêu vẫn hằn sâu trong tâm trí ông Ka Pa Tơ. Những lời dặn dò ân cần của Người luôn trở thành động lực để ông nỗ lực phấn đấu học tập và rèn luyện. Bởi vậy, trải qua nhiều cương vị công tác, có thời kỳ (1965-1969) công tác ở mặt trận Đắk Glei đối mặt với muôn vàn hiểm nguy, ác liệt... nhưng ở hoàn cảnh nào, cương vị nào, ông cũng luôn nhớ lời dặn của Bác luôn cống hiến hết mình xây dựng quê hương, xây dựng đất nước ngày càng “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”.

Cũng là một trong những cựu chiến binh vinh dự được gặp Bác, cho đến giờ, những ký ức đẹp đẽ về Người vẫn được bà Y Xuôi lưu giữ trong tâm trí. Bà nhớ lại: “Được cán bộ cách mạng đưa cho xem ảnh Bác Hồ giữa đại ngàn Tây Nguyên hùng vĩ, chưa hiểu thật nhiều về Người nhưng lòng tôi phấn chấn hẳn lên”. Cô gái Xê-Đăng khi ấy đã có niềm tin mãnh liệt, như được truyền thêm lửa để rồi đi đến quyết định xuống núi, theo bộ đội Việt Minh làm cách mạng.

Tháng 9/1960, bà Y Xuôi nhập học tại Trường Dân tộc Trung ương (Mễ Trì, Hà Nội). Trong lễ mít tinh kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động 1/5/1962 tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), trường có tuyển chọn bốn học sinh, trong đó, bà Y Xuôi là nữ duy nhất để lên tặng hoa Bác Hồ và Đoàn Chủ tịch. “Cảm giác lúc đó thật xúc động, khó tả”, bà Y Xuôi nhớ lại.

Lần thứ hai bà được gặp Bác Hồ là dịp kỷ niệm Ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6/1963, bà tiếp tục được chọn là người đi đầu trên tay cầm bó hoa tặng Bác. Bác ân cần nói chuyện với thiếu nhi, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng cũng ra đón đoàn cùng Bác và bế bà Y Xuôi vào lòng, ngồi cạnh phía sau Bác Hồ.

Lần thứ ba là lần Bác Hồ vào thăm Trường Dân tộc Trung ương, Bác căn dặn nhiều điều nhưng bà Y Xuôi nhớ nhất là: “Phải chăm chỉ, cố gắng học tập và phải giữ gìn kỷ luật như quân đội, cống hiến hết mình cho nhân dân!”.

“Ba lần gặp Bác Hồ, tuy thời gian rất ngắn ngủi nhưng đã để lại trong tôi ấn tượng, kỷ niệm không bao giờ quên. Đó chính là niềm động viên, khích lệ tôi trong suốt chặng đường rèn luyện, phấn đấu sau này”, bà Y Xuôi xúc động.

Về làng Nú Vai, xã Đắk Kroong (Đắk Glei - Kon Tum) gặp ông Sô Lây Tăng, chúng tôi không chỉ được nghe câu chuyện được gặp Bác Hồ mà còn cảm nhận được tinh thần yêu nước quật cường của người dân nơi đây. Ngày ấy Đắk Kroong bị giặc đốt mất hai làng, bà con phải chạy sang Lào, ly tán khắp nơi, người mất, người còn. Lên 8 tuổi, ông Sô Lây Tăng cùng cha mẹ về nơi chôn nhau cắt rốn. Khi ấy cách mạng về làng, người dân tưởng là giặc nên chạy trốn. Ông bị đau nên không chạy được, bộ đội cho ông thuốc uống rồi khỏi bệnh. Được giác ngộ, ông là người đầu tiên trong làng cắt tóc (ngày ấy già, trẻ, trai, gái ai cũng để tóc dài) và làm liên lạc. 

Cậu bé Tăng đóng khố, cởi trần ngày đêm không quản hiểm nguy vượt núi cao, suối sâu mang những thông tin nóng hổi phục vụ cách mạng. Đã nhiều lần bị lộ, ông phải chui vào bụi le, ngụp xuống suối để trốn. Lại những đêm rét mướt, giữa núi rừng thâm u, bao gian nan khó nhọc nhưng được bộ đội tin giao, không việc nào ông không hoàn thành. Chiến công thầm lặng của người chiến sĩ giao liên nhỏ tuổi đã góp phần làm nên chiến thắng của trận Đắk Pet. 

Kon Tum giải phóng (1954), khi ấy ông mới 15 tuổi. Trong đoàn quân đi bộ từ làng Nú Vai đến Kon Tum dự lễ chiến thắng ông vẫn nhớ như in có vị cán bộ cách mạng nói rằng: “Tăng này, mày có muốn đi gặp Bác Hồ không?”. Lúc ấy, ông chưa biết Bác Hồ là ai, nhưng trong ông luôn cháy lên niềm tin mãnh liệt vào cách mạng, vào những người đã dạy bảo, dìu dắt mình nên ông đồng ý ngay.

Rồi ông được cử ra Bắc học tập và ngày 1/6/1955, ông Tăng cùng các bạn học sinh Thủ đô vào Phủ Chủ tịch báo cáo thành tích học tập với Bác Hồ và các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Sự kiện này trở thành kỷ niệm không bao giờ phai đối với ông.

Với tình cảm sâu nặng và niềm tin son sắt dành cho Bác, đồng bào các dân tộc Kon Tum đã chung vai sát cánh, đoàn kết đi theo Đảng và Bác Hồ, làm nên những kỳ tích cả trong chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, xây dựng và phát triển quê hương, đất nước. Bác Hồ luôn ở trong lòng người dân Kon Tum nên hiện nay, trên địa bàn tỉnh xuất hiện ngày càng nhiều mô hình, tập thể, cá nhân tiêu biểu, điển hình trong việc vận dụng linh hoạt, sáng tạo những bài học từ tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh vào công việc, cuộc sống hàng ngày. Từ những câu chuyện kể về tấm gương đạo đức Bác Hồ dưới cờ vào sáng thứ hai đầu tuần ở các thôn, làng, trường học; “Hũ gạo tiết kiệm” của chị em phụ nữ cho đến phong trào thi đua “Thanh niên Kon Tum làm theo lời Bác”, thiếu nhi Kon Tum phấn đấu học tập, rèn luyện trở thành cháu ngoan Bác Hồ... ngày càng lan tỏa.

Và có một điều không thể phủ nhận, những cây “xà nu đại thụ” như ông Sô Lây Tăng, ông Ka Pa Tơ, bà Y Xuôi mãi tỏa mát “con đường cách mạng” giữa đại ngàn Tây Nguyên hùng vĩ.

Nhất Nam

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    Với 28 lần hiến máu nhân đạo, trình dược viên Từ Thị Tuyên (SN 1989), xã Thạch Thắng, Thạch Hà (Hà Tĩnh) đã trở thành tấm gương sáng trong các hoạt động an sinh xã hội, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng…

  • PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    Với tinh thần tương thân tương ái, vừa qua, Đoàn Thanh niên Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) đã tổ chức chương trình từ thiện “Xuân tình nguyện 2024” để thăm hỏi, động viên và trao quà đến các em học sinh nghèo, các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại xã Nậm Chảy, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Đây là hoạt động hưởng ứng tinh thần Tháng Thanh niên và Năm Thanh niên tình nguyện của tuổi trẻ PVcomBank.

  • Thanh Hóa: Hỗ trợ gạo cho đồng bào dân tộc, miền núi để bảo vệ, chăm sóc rừng

    Thanh Hóa: Hỗ trợ gạo cho đồng bào dân tộc, miền núi để bảo vệ, chăm sóc rừng

    Mới đây, Tổng cục Dự trữ Nhà nước đã quyết định xuất hơn 1.266,829 tấn gạo để hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện miền núi Thanh Hóa đã có thành tích tốt trong công tác chăm sóc, bảo vệ và phát triển rừng.

Top