Ngày 22/3/2013, Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Quyết định số 935/QĐ-BYT phê duyệt Đề án xây dựng và phát triển mô hình phòng khám bác sỹ gia đình giai đoạn 2013 - 2020.
Sau 5 năm triển khai, dù có nhiều ưu điểm và đạt một số kết quả, nhưng vẫn còn nhiều khó khăn cần sớm được tháo gỡ để nhân rộng mô hình này tại các địa phương.
Còn mới
Bác sĩ gia đình (BSGĐ) chính là tuyến khám - chữa bệnh đầu tiên, nơi theo dõi sức khỏe ban đầu, sàng lọc và chữa trị những bệnh thông thường.
BSGĐ hoàn toàn khác với bác sĩ đến khám tại nhà. Khám tại nhà chỉ là đến khám và đi về, mang tính nhất thời, còn BSGĐ là mô hình chăm sóc sức khỏe lâu dài, liên tục, có tính cộng đồng cao bởi họ còn có nhiệm vụ tham gia hướng dẫn phòng bệnh, phát hiện sớm bệnh cũng như kiểm soát bệnh mạn tính.
Theo Quyết định 1568/QĐ-BYT, mô hình tổ chức của phòng khám BSGĐ được xác định gồm: Trạm y tế tuyến xã hoạt động theo nguyên lý y học gia đình và phòng khám BSGĐ.
Trong đó, có phòng khám BSGĐ tư nhân (bao gồm cả phòng khám, chữa bệnh ngoài giờ hành chính có nhu cầu hoạt động theo mô hình phòng khám BSGĐ); phòng khám BSGĐ thuộc bệnh viện đa khoa tuyến huyện (bệnh viện nhà nước).
Nhiệm vụ của trạm y tế tuyến xã hoạt động theo nguyên lý y học gia đình, trước hết là thực hiện nhiệm vụ của trạm y tế xã theo quy định tại Thông tư số 33/2015/TT-BYT ngày 27/10/2015 của Bộ trưởng Bộ Y tế hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ của trạm y tế xã, phường, thị trấn nhưng phải theo nguyên lý toàn diện và liên tục.
Với mô hình này, BSGĐ đảm đương ba vai trò chính: khám lâm sàng, y tế dự phòng và bác sĩ tâm lý cho bệnh nhân. Ngoài kiến thức chuyên môn, BSGĐ cũng phải có kiến thức tổng quát về xã hội, tâm lý, kinh tế, văn hóa, quản lý y tế… để không những chỉ chăm sóc điều trị bệnh mà còn có thể tư vấn, hướng dẫn bệnh nhân kiến thức tăng cường sức khỏe, phòng bệnh, hỗ trợ về tâm lý và xã hội.
Bác sỹ Trần Bùi Quang Dương, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Gia Lâm (Hà Nộ) cho biết, hoạt động BSGĐ đối với các nước trên thế giới đã có từ lâu, tuy nhiên đối với nước ta thì hoạt động này hoàn toàn mới mẻ. Đây là hoạt động rất tốt cho tất cả mọi người, vì nhờ có đội ngũ BSGĐ nên việc thăm khám, theo dõi sức khỏe của mọi người được quan tâm thường xuyên, bệnh tật được phát hiện kịp thời tại ngay thời gian đầu và được xử lý điều trị theo đúng phác đồ, hiệu quả điều trị cao. Đây là mô hình rất cần được phát triển.
Bà Trương Thị Hương, có địa chỉ tại ngõ 125 phố Nguyễn Văn Cừ (Hà Nội) cho biết, gia đình bà và một số người bạn đã sử dụng mô hình BSGĐ từ mấy năm nay, tùy theo các gói dịch vụ mà BSGĐ thực hiện việc chăm sóc sức khỏe đối với người dân khi tham gia vào mô hình này.
“Điều mà tôi nhận thấy ở mô hình BSGĐ mang lại là việc thăm khám của bác sỹ đối với các thành viên trong gia đình của chúng tôi diễn ra theo định kỳ, khi có sự cố về sức khỏe BSGĐ đã trực tiếp đến xử lý kịp thời. Do có việc theo theo dõi sức khỏe thường xuyên nên sự cố về sức khỏe của các thành viên trong gia đình tôi được phát hiện và điều trị kịp thời”, bà Hương chia sẻ.
Còn theo bác sỹ Phạm Như Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế quận Long biên (Hà Nội): “Hiện nay, trên địa bàn quận Long Biên, tỷ lệ bệnh nhân mắc các bệnh mạn tính và bệnh không lây tăng trong cộng đồng dân cư như huyết áp cao, tim mạch, máu nhiễm mỡ, tiểu đường… Trong giai đoạn đầu của bệnh, phương pháp điều trị mang tính dự phòng, hệ thống BSGĐ có thể can thiệp sớm trước khi đưa đi điều trị tại bệnh viện nhằm tránh lây nhiễm.
Tại các phòng khám BSGĐ, nhân viên y tế cơ sở cũng có thể tư vấn và chia sẻ những thông tin về bệnh cho bệnh nhân. Đối với bệnh nhân mắc các bệnh mạn tính, BSGĐ tiến hành kê đơn để mua thuốc điều trị”.
Phó cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) Nguyễn Trọng Khoa cho biết, BSGĐ là bác sĩ đa khoa thực hành, chăm sóc toàn diện và liên tục cho người bệnh, có mối quan hệ lâu dài và bền vững với người bệnh, là những thầy thuốc gắn với dân và gần dân nhất. BSGĐ là bác sĩ hướng về gia đình, biết rõ từng người bệnh trong gia đình họ, xem xét vấn đề sức khỏe của người bệnh trong hoàn cảnh của cộng đồng và lối sống của người đó trong cộng đồng.
Việc triển khai mô hình BSGĐ tại tuyến y tế cơ sở như trạm y tế xã, bệnh viện tuyến huyện… sẽ giúp đầu tư chất lượng dịch vụ y tế cao hơn, tay nghề bác sĩ được nâng cao hơn, giúp người dân tiếp cận dịch vụ chất lượng ở gần nơi mình sống nhất. Điều quan trọng là việc phát triển và mở rộng mô hình BSGĐ góp phần không nhỏ trong việc giảm tải việc khám - chữa bệnh và điều trị tại các cơ sở y tế tuyến Trung ương.
Khó khăn khi thực hiện
Việt Nam bắt đầu triển khai đề án đào tạo BSGĐ từ năm 1999, đến nay cả nước có 8 cơ sở đào tạo chuyên môn bác sĩ định hướng y học gia đình, chuyên khoa 1, chương trình ba tháng y học gia đình… Đã có hàng nghìn bác sĩ được cấp chứng chỉ hành nghề BSGĐ trên cả nước, tuy nhiên có đến hơn 50% số BSGĐ do thời gian đào tạo ngắn nên chưa hiểu và chưa thực hiện khám, chữa bệnh theo nguyên lý y học gia đình. Trong khi đó, một số nơi triển khai phòng khám bác sĩ gia đình nhưng bác sĩ lại chưa được đào tạo, tập huấn về chuyên ngành y học gia đình.
Tại các phòng khám BSGĐ, hầu hết chỉ có trang thiết bị phục vụ khám - chữa bệnh thông thường như ống nghe, nhiệt kế, đèn pin, búa phản xạ... Bên cạnh đó, số thuốc còn hạn chế, đặc biệt tại trạm y tế thiếu số lượng và chủng loại thuốc theo danh mục, thậm chí không đủ khám - chữa bệnh thông thường.
Cũng theo ông Khoa, hiện nguồn nhân lực có chuyên môn về y học gia đình còn thiếu, chưa đáp ứng yêu cầu. Đồng thời, chưa xây dựng được quy chế phối hợp, chuyển tuyến và trao đổi thông tin phù hợp giữa các phòng khám BSGĐ với hệ thống khám - chữa bệnh trong quá trình quản lý bệnh nhân.
“Chưa kể, việc thanh toán BHYT các dịch vụ mô hình phòng khám BSGĐ còn gặp nhiều khó khăn, phí dịch vụ khám - chữa bệnh tại nhà còn mang tính tự phát, chưa được thanh toán BHYT”, ông Khoa nói.
Bác sỹ Thái Thị Ngọc Thúy, Trưởng Phòng khám BSGĐ, Trưởng Bộ môn Y học gia đình, Trường Đại học Y Dược Cần Thơ, cho biết: Mặc dù mô hình BSGĐ đã được triển khai, nhưng đến nay nhiều người đến đây khám - chữa bệnh vẫn không biết được đây là phòng khám BSGĐ.
Hiện tại, người bệnh chưa tin tay nghề của BSGĐ nếu không phải là bác sỹ có chuyên môn, kinh nhiệm làm tại bệnh viện nào đó.
Ngoài ra, thu nhập của bác sỹ trong mô hình BSGĐ còn thấp,chưa tuyển dụng được người giỏi chuyên môn để có thể chăm sóc sức khỏe và điều trị bệnh cho bệnh nhân ngay từ ban đầu.
Việc luân chuyển bác sỹ ở tuyến trên về cơ sở không đảm bảo được sự tin tưởng của bệnh nhân, vì bác sỹ luân chuyển không làm việc lâu dài ở các tuyến y tế cơ sở và trong mô hình BSGĐ.
Đâu là giải pháp?
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, kinh nghiệm các nước và thực tiễn cho thấy, có khoảng 80-90% người dân bị bệnh nhẹ đều có thể được khám và điều trị tại tuyến y tế cơ sở. Đây là tuyến chăm sóc hiệu quả cho người mắc các bệnh mạn tính, những bệnh nhẹ, tránh tốn kém tiền bạc, tránh bị bệnh nặng mới đi chữa bệnh.
“Thực tế, có ít nhất 30-40% bệnh nhân điều trị tại tuyến Trung ương có thể điều trị tại tỉnh, 30-40% tuyến tỉnh có thể điều trị tại huyện, 30-40% tuyến huyện có thể được chăm sóc tại xã. Có bệnh viện tuyến Trung ương khám tới 5-6 nghìn/ngày, trong khi tuyến xã chỉ khám cho 2-3 người/ngày. Vì sự nghiệp chăm sóc sức khỏe toàn dân, chúng ta phải tăng cường y tế cơ sở mà mô hình đơn giản nhất là sẵn có trạm y tế xã/phường”, Bộ trưởng cho hay.
Theo Bộ trưởng, với nhiệm vụ trong công tác dự phòng, chăm sóc sức khỏe ban đầu, chăm sóc bà mẹ trẻ em, dinh dưỡng và giờ khám chữa bệnh BHYT, việc lồng ghép nguyên lý y học gia đình với mô hình BSGĐ rất thuận lợi để triển khai chăm sóc sức khỏe người dân ngay từ tuyến đầu.
Bộ trưởng đề nghị các cơ sở y tế tuyến Trung ương tập trung làm kỹ thuật cao, phải giảm từ khám 5-6 nghìn người/ngày xuống dưới 4 nghìn người/ngày. Bên cạnh đó, Sở Y tế cần phải đưa nhân lực xuống trạm y tế xã và Trung tâm y tế huyện, đẩy danh mục kỹ thuật, thuốc xuống trạm y tế xã, phường.
Phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi cho rằng, đầu tư cho y tế cơ sở phải đồng bộ cả 3 lĩnh vực gồm chuyên môn, cơ sở vật chất, máy móc thiết bị. Trước những hạn chế và bất cập của y tế cơ sở, Bộ Y tế đang tập trung xây dựng mô hình trạm y tế theo nguyên lý y học gia đình với các nguyên tắc “liên tục - toàn diện - lồng ghép - phối hợp - dự phòng - gia đình - cộng đồng”, nhằm giúp nâng cao chất lượng dịch vụ khám - chữa bệnh tại tuyến cơ sở, qua đó thu hút người bệnh về với trạm y tế xã, phường.
Ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), cho biết, để giải quyết vướng mắc trong triển khai mô hình BSGĐ, Bộ Y tế đang xây dựng thí điểm mô hình 26 trạm y tế đạt chuẩn tại 8 tỉnh, thành phố với đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị và đội ngũ nhân lực có trình độ để thực hiện tốt công tác tư vấn truyền thông giáo dục sức khỏe, phòng bệnh và tổ chức tốt việc khám, chữa bệnh theo nguyên lý y học gia đình, quản lý hiệu quả bệnh không lây nhiễm. Nếu thí điểm, thành công mô hình sẽ được nhân rộng trên cả nước.
Thời gian tới, Bộ Y tế xác định tiếp tục nhân rộng và phát triển mô hình bác sĩ gia đình trên phạm vi toàn quốc, phấn đấu đến năm 2020 có ít nhất 80% số tỉnh, thành phố triển khai mô hình này.
“Trên địa bàn quận Long Biên hiện có 4 bệnh viện lớn là Đa khoa Đức Giang, Bệnh viện Tâm Anh, Bệnh viện Bắc Hà, Bệnh viện Tâm thần Hà Nội, chủ yếu điều trị cho bệnh nhân nội trú, kinh phí điều trị khá cao. Nếu các bệnh thông thường, mạn tính được BSGĐ điều trị, sẽ giảm tải cho các bệnh viện chuyên sâu. Chúng tôi đã có kế hoạch đưa bệnh nhân mắc bệnh mạn tính về các trạm y tế phường để điều trị”, bác sỹ Dũng cho hay.
Hiệu quả của mô hình BSGĐ là quá rõ, đây là một trong những biện pháp làm giảm tải việc khám - chữa bệnh tại các cơ sở y tế tuyến Trung ương, từ đó việc chăm sóc sức khỏe cho các bệnh nhân nặng ở đây được tốt hơn và hiệu quả hơn, giảm chi phí khám - chữa bệnh. Bệnh nhân mạn tính và không lây, khám - chữa bệnh tại các cơ sở y tế có mô hình BSGĐ sẽ có điều kiện để thăm khám và điều trị hơn, không mất nhiều thời gian và chi phí như điều trị tại các cơ sở y tế tuyến Trung ương.
Các chuyên gia cho rằng, cần phải có giải pháp cụ thể đột phá trong phát triển y tế cơ sở. Đó là nâng cao chất lượng chuyên môn, đổi mới phương thức hoạt động, đầu tư nhân lực, trang thiết bị, cơ sở vật chất, ứng dụng công nghệ thông tin, cơ chế tài chính đặc thù và đổi mới công tác truyền thông.
Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.
Thời gian qua, tỉnh Nghệ An triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, cơ chế, chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nâng cao ý thức tự lực, tự cường vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo nên diện mạo mới cho nông thôn miền núi xứ Nghệ.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.