Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 19 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 25 tháng 8 năm 2017 | 2:29

Bánh gai xứ Dừa, niềm tự hào của người dân Tường Sơn

KTNT - Xã Tường Sơn (Anh Sơn - Nghệ An) nổi tiếng với đặc sản bánh gai. Nhiều khách khi đi qua xã đều dừng chân để thưởng thức món bánh này và mua về làm quà. Một lý do khiến người dân ưa chuộng đặc sản này vì tất cả các công đoạn đều được làm ngay trước mắt nên đảm bảo về chất lượng.

Làng nghề bánh gai xứ Dừa tạo việc làm cho nhiều lao động.

Nhà nhà làm bánh

Đầu thu, khí trời chuyển mùa, cơn mưa cuối hạ làm dịu mát những ngày nắng nóng, chúng tôi có chuyến công tác về xã Tường Sơn để thăm làng nghề bánh gai. Mới tới đầu làng, không khí náo nhiệt đã hiện ra trước mắt. Để kịp cho những đơn hàng từ khắp nơi, làng nghề đã huy động hết nhân lực và miệt mài làm bánh từ sáng đến tối.

Để cho ra sản phẩm bánh gai, người làm phải bỏ nhiều công sức vào từng khâu. Nguyên liệu làm bánh gồm bột nếp, đậu xanh, đường, lá gai, mật và lá chuối khô. Lá chuối sau khi mua về phải phân loại, lau rửa từng lá cho sạch, xay nếp thành bột, đậu xanh ngâm nước giã vỏ, hái lá gai tươi về giã nát, còn lá gai khô thì cho vào máy xay nghiền thật mịn rồi trộn đều với bột nếp.

Sau khi nên bột nên hồ, người làm bánh sẽ cho nhân đậu và một ít cùi dừa để bánh có vị thơm đặc trưng của bánh gai xứ Dừa, lúc này dùng lá chuối gói lại rồi xếp vào nồi và bắc lên bếp hấp cách thuỷ, chờ bánh chín thì vớt ra. Mỗi cặp bánh gai như thế giá chỉ 2.000 - 2.500 đồng. Ở Tường Sơn, hầu như gia đình nào cũng có người làm bánh, nếu không tự mở lò thì đi làm thuê, vì thế già, trẻ, gái trai... ai cũng biết làm bánh.

Nếu đã chuẩn bị đầy đủ nguyên liệu, mỗi ngày người nhanh có thể làm được trên 400 cặp bánh (800 chiếc). Bà Lê Thị Hoa (50 tuổi), người gắn bó với nghề làm bánh gai nhiều năm, chia sẻ: “Làm nghề này nhìn thì đơn giản, nhưng để có được sản phẩm đặc trưng và có thương hiệu như bây giờ không phải là điều dễ dàng. Từ tất cả các khâu, chúng tôi đều làm hết sức cẩn thận, tỉ mỉ”.

Bà Hoa không biết rõ nghề làm bánh gai có từ bao giờ, chỉ nhớ từ khi bà lớn lên đã thấy bánh gai, được ăn những chiếc bánh thơm ngon do chính người làng làm ra, bà yêu thích đặc sản quê hương mình từ đó...

Ngày xưa, nhà ai làm bánh gai thì sẽ làm luôn tất cả các công đoạn như hái lá chuối khô, trồng đậu xanh, trồng cây gai... Tuy nhiên, hiện tại các công đoạn đều đã được “chuyên môn hóa”. Những người làm bánh không tự hái lá chuối nữa mà thu mua lá khô để tiết kiệm thời gian cũng như công sức. Giá nguyên liệu ngày một tăng cao trong khi giá bánh vẫn không đổi, 1kg lá chuối khô giá 3.500 - 4.000 đồng. Người dân không chỉ đến các vườn chuối trong huyện mà còn sang các huyện khác hái lá chuối khô về bán cho những người làm bánh.

Chị Đỗ Thị Hương, người theo “nghề” hái lá chuối 5 năm nay, cho biết: “Trước đây, cuộc sống của gia đình chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng nên rất khó khăn. Nhận thấy làng làm bánh gai có nhu cầu mua lá chuối nên tôi  bàn với chồng liên hệ với các cơ sở làm bánh cung cấp lá chuối cho họ. Hiện, mỗi ngày tôi thu lãi khoảng 300.000 đồng từ việc bán lá chuối”. Được biết, ngoài việc đi thu mua lá chuối từ các khu vực lân cận, gia đình chị Hương còn trồng thêm 3 sào chuối để vừa lấy lá, vừa bán chuối quả. Nhờ đó, thu nhập của gia đình những năm gần đây khá ổn định.

Giữ vững thương hiệu

Nghề làm bánh gai ở Tường Sơn ngày càng phát triển, hiện đã có hàng chục hộ làm bánh chuyên nghiệp. Trong đó, có 15 hộ sản xuất khá lớn, tạo việc làm cho hàng chục lao động địa phương như cơ sở bánh gai của bà Lài, cơ sở Đoài Loan, Ngọc Giáp, Hà Lương, Hương Thu...

Chị Hoàng Thị Thu, người gắn bó với nghề làm bánh gai gần 20 năm nay, cho biết: “Cơ sở của tôi luôn có 6-8 công nhân làm công ăn lương theo ngày. Vào ngày bình thường tôi làm khoảng 50kg bột nếp, tương đương với 800 - 1.000 chiếc bánh. Tuy nhiên, vào những ngày giáp Tết và sau Tết thì số lượng bánh làm ra phải gấp đôi, gấp ba mới đáp ứng được nhu cầu của khách hàng. Trừ chi phí, bình quân mỗi ngày gia đình cũng thu được từ 700.000 đồng đến 1,2 triệu đồng”.

Cơ sở của bà Ngô Thị Thanh Lịch nằm ngay trên đỉnh dốc Dừa, bà Lịch khoe với chúng tôi: “Năm nay lượng khách đặt mua bánh tăng đột biến nên dù tăng cường đến 20 công nhân nhưng vẫn phải làm từ 4 giờ sáng tới 23 giờ đêm mới cung cấp đủ các đơn hàng”. Nói rồi bà đưa cho chúng tôi xem đơn hàng trong ngày với hơn 10.000 chiếc bánh (hơn 5.000 cặp) và khoe: “Các chú xem, khách hàng của tôi đây. Từ Con Cuông, Đô Lương, Tân Kỳ, Tương Dương cho đến những vùng xa xôi như Nghĩa Đàn, Nghi Lộc tới TP. Vinh cũng đặt mua bánh của tôi”.

Thoăn thoát nhặt bánh để đóng gói cho khách hàng, chị Hoàng Thị Bích vui vẻ cho biết: “Bình thường tôi mở cửa bán bánh cho khách từ 7 giờ sáng đến tối mịt, dịp cuối năm lượng khách đông hơn nhiều. Mệt nhưng thấy khách đông nên vui lắm”.

Phó trưởng phòng Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Anh Sơn, ông Nguyễn Công Thắng, chia sẻ: “Nghề làm bánh gai của địa phương có từ lâu đời. Mấy năm trở lại đây, nhờ uy tín của thương hiệu bánh gai xứ Dừa nên nghề ngày càng phát triển, nhu cầu của khách tăng mạnh. Xác định được tầm quan trọng của nghề này, thời gian qua huyện cũng rất quan tâm để giữ gìn và phát huy nghề làm bánh gai, giúp người dân cải thiện cuộc sống”.

Rời dốc Dừa trong buổi chiều muộn, các cơ sở làm bánh đang náo nhiệt; người mua, kẻ bán tấp nập. Mong sao bánh gai xứ Dừa sẽ luôn giữ vững thương hiệu là đặc sản, là niềm tự hào của người dân Tường Sơn.

Sỹ Thăng

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    Với 28 lần hiến máu nhân đạo, trình dược viên Từ Thị Tuyên (SN 1989), xã Thạch Thắng, Thạch Hà (Hà Tĩnh) đã trở thành tấm gương sáng trong các hoạt động an sinh xã hội, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng…

  • PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    Với tinh thần tương thân tương ái, vừa qua, Đoàn Thanh niên Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) đã tổ chức chương trình từ thiện “Xuân tình nguyện 2024” để thăm hỏi, động viên và trao quà đến các em học sinh nghèo, các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại xã Nậm Chảy, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Đây là hoạt động hưởng ứng tinh thần Tháng Thanh niên và Năm Thanh niên tình nguyện của tuổi trẻ PVcomBank.

  • Thanh Hóa: Hỗ trợ gạo cho đồng bào dân tộc, miền núi để bảo vệ, chăm sóc rừng

    Thanh Hóa: Hỗ trợ gạo cho đồng bào dân tộc, miền núi để bảo vệ, chăm sóc rừng

    Mới đây, Tổng cục Dự trữ Nhà nước đã quyết định xuất hơn 1.266,829 tấn gạo để hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện miền núi Thanh Hóa đã có thành tích tốt trong công tác chăm sóc, bảo vệ và phát triển rừng.

  • Khai hội Du lịch Cửa Lò năm 2024

    Khai hội Du lịch Cửa Lò năm 2024

    Tối 18/4, tại Quảng trường Bình Minh (thị xã Cửa Lò), UBND tỉnh Nghệ An, UBND thị xã Cửa Lò tổ chức khai mạc Lễ hội Du lịch Cửa Lò 2024 gắn với sự kiện công bố, đón nhận quyết định công nhận Di sản văn hoá phi vật thể Quốc gia - Lễ hội Đền Yên Lương (phường Nghi Thủy).

  • Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ dâng hương ngày Giỗ Tổ Hùng Vương

    Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ dâng hương ngày Giỗ Tổ Hùng Vương

    Sáng 18/4 (tức 10/3 năm Giáp Thìn-ngày Giỗ Tổ Hùng Vương), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thuộc Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng ở TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

  • Chiến thắng Điện Biên Phủ - Sức mạnh Việt Nam, tầm vóc thời đại

    Chiến thắng Điện Biên Phủ - Sức mạnh Việt Nam, tầm vóc thời đại

    Đó là chủ đề của Hội nghị chuyên đề do Đảng bộ Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức chiều 16/4, tại Hà Nội, nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954 - 07/5/2024).

Top