Những năm qua, báo chí đã đóng góp quan trọng vào thành tựu chung của ngành Nông nghiệp và PTNT.
Báo chí đã thông tin định hướng dư luận, phản ánh tâm tư, nguyện vọng của người dân, phản biện xã hội, trở thành công cụ quan trọng của công tác tư tưởng...
Kênh thông tin thực tế
Trong thời đại bùng nổ thông tin như hiện nay, nhất là sự tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, báo chí đóng vai trò rất quan trọng đối với nông nghiệp, nông thôn và nông dân.
Nói về những người làm báo mảng nông nghiệp, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan chia sẻ, khi nhà báo đi xuống đồng, lội ruộng, gặp bà con thì phải luôn đặt câu hỏi, tại sao nông dân còn nghèo? Tại sao nông thôn chưa phát triển? Tại sao chuỗi giá trị nông sản bị đứt gãy? Tại sao chúng ta muốn ăn sạch nhưng thực phẩm lại không an toàn?...
Nhằm tích cực hóa đời sống thực tiễn, báo chí sẽ chỉ ra cách làm chưa tốt, chưa đúng để giúp cho chính quyền địa phương và nhân dân có sự điều chỉnh phù hợp, đúng đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và phù hợp với yêu cầu thực tiễn.
Qua đó đi sâu đến từng vấn đề còn tồn đọng, bản chất của nó là gì? Nguyên nhân do đâu? Và giải pháp như thế nào?
Chính thông tin từ cuộc sống sẽ dẫn dắt để hướng đến sự điều chỉnh quyết định của người lãnh đạo. Nếu kênh truyền dẫn bị tắc thì sẽ khó nắm bắt tiếng nói của cuộc sống.
Rõ ràng, từ thông tin báo chí phản ánh, lãnh đạo các cấp từ Trung ương đến địa phương, đơn vị đã kịp thời nắm bắt tình hình, đề ra các giải pháp, xử lý các vi phạm, nhất là các vi phạm kéo dài gây búc xúc trong dư luận, đưa công tác tuyên truyền đi trước một bước để người dân hiểu, tạo sự đồng thuận trong nhân dân.
Định hình sự nhiễu loạn thông tin
Thời đại công nghệ 4.0, sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội giúp chúng ta nhanh chóng tiếp cận, trao đổi thông tin dễ dàng, điển hình là: Facebook, YouTube, Twitter… Báo chí chịu những tác động mạnh mẽ từ việc thua thiệt về tốc độ truyền tải thông tin, đến việc tiếp cận thông tin ban đầu. Tuy nhiên, chính những đặc điểm đó lại khiến tin tức giả ngày càng “được” lan truyền nhanh và rộng, tạo hệ lụy không nhỏ đến xã hội, người sản xuất.
Người nông dân ở nhiều nơi đã phải gánh chịu những thiệt hại nặng nề do thông tin thất thiệt. Đơn cử là thông tin lươn (Nghệ An) được nuôi bằng… thuốc tránh thai; nhãn (Hưng Yên) tẩm lưu huỳnh để giữ cho mẫu mã đẹp, tươi lâu; hay như tin xoài (Đồng Tháp) được ủ thuốc trong các túi giấy lạ; rau cần Khai Thái (Hà Nội) được người dân phun thuốc tăng trưởng…
Chưa dừng lại ở đó, việc thông tin sai lệch về giá cả nông sản hoặc những thông tin thiếu chính xác về thị trường tiêu thụ cũng trực tiếp gây thiệt hại cho hoạt động sản xuất của người nông dân.
Mới đây nhất, thông tin vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang) bị các lái buôn ép giá 2.000 đồng/kg đăng tải trên mạng xã hội gây xôn xao dư luận. Sau khi tài khoản Facebook này đăng tải đã có hàng nghìn người like, bình luận thậm chí một số bình luận còn kêu gọi người dân Lục Ngạn không hái vải bán cho thương lái.
Ngay sau khi xuất hiện thông tin trên, bằng cách thức tiếp cận đúng đắn, kịp thời, Tạp chí Kinh tế nông thôn đã liên hệ với các cơ quan của tỉnh Bắc Giang vào cuộc làm rõ.
Sau khi đăng thông tin về giá vải 2.000 đồng/kg không đúng sự thật, tài khoản Facebook “Minh Leo” phải đăng đính chính lại thông tin.
Ông Nguyễn Thế Thi, Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn (Bắc Giang), cho biết, thông tin đăng trên mạng xã hội giá vải thiều 2.000 đồng/kg là không đúng sự thật. Công an đã làm việc với chủ tài khoản này, các thông tin đăng không đúng đã được gỡ bỏ.
Giữa “cơn bão” thông tin thật – giả lẫn lộn như hiện nay, vai trò của các cơ quan báo chí chính thống càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Nhất là kịp thời chặn đứng những thông tin thất thiệt, qua đó, giúp các bộ, ban, ngành kịp thời có những chỉ đạo, khắc phục, xử lý những vấn đề đang nhức nhối.
Hoàn thiện hơn để nâng cao vai trò của báo chí
Bên cạnh thành tựu to lớn, lĩnh vực báo chí, xuất bản cũng còn một số hạn chế như: Tình trạng giật title, câu view muốn chạy đua thời gian nên đã có lúc, có tờ báo đưa thông tin không kiểm chứng, phiến diện một chiều gây nhiều hậu quả trực tiếp đến người nông dân vẫn còn tồn tại.
Ông Đỗ Văn Sơ, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Cà Mau chia sẻ, nếu báo chí phản ánh một cách trung thực, chính xác thì sẽ giúp các sản phẩm nông sản của doanh nghiệp, HTX phát triển và lựa chọn hướng đi đúng đắn. Ngược lại nếu báo chí phản ánh sai lệch, thiếu khách quan sẽ làm ảnh hưởng lớn đến hình ảnh, uy tín của doanh nghiệp, HTX và nông sản của địa phương hoặc cả vùng, khu vực.
“Chúng tôi rất cần sự giúp sức từ báo chí trong việc phản ánh đúng nhu cầu, thị hiếu của khách hàng, xu hướng tiêu dùng mới nhất hay những thuận lợi, khó khăn trong phát triển kinh tế hợp tác, HTX. Do đó, để cùng phát triển thì báo chí, doanh nghiệp, HTX và cơ quan chức năng cần hỗ trợ lẫn nhau”, ông Đỗ Văn Sơ nói
Với trách nhiệm của người cầm bút, mỗi phóng viên, nhà báo cần coi trọng việc kiểm chứng thông tin, làm tốt công tác định hướng thông tin, cung cấp kịp thời thông tin chính xác những vấn đề, sự kiện quan trọng, phức tạp, nhạy cảm cho công chúng.
Các cơ quan báo chí cần tiếp tục đổi mới về nội dung lẫn hình thức để truyền thông về ngành nông nghiệp thiết thực, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu của công chúng. Hình thức truyền thông phải phong phú, đa dạng, đi sâu, đi sát với thực tiễn và đáp ứng nhu cầu thông tin của công chúng.
Để làm được điều này, bản thân người làm báo phải không ngừng rèn luyện chuyên môn, nghiệp vụ, trau dồi phẩm chất, đạo đức, lối sống, xây dựng và rèn luyện bản lĩnh của người cầm bút để thực sự trở thành một chiến sĩ tiên phong trên mặt trận tư tưởng - văn hóa của Đảng, xứng đáng với sự tin yêu, kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và Nhân dân.
Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.
Thời gian qua, tỉnh Nghệ An triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, cơ chế, chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nâng cao ý thức tự lực, tự cường vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo nên diện mạo mới cho nông thôn miền núi xứ Nghệ.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.