Nhìn lại hành trình 95 năm qua của nền Báo chí cách mạng Việt Nam, không thể không nhắc tới Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Lãnh tụ thiên tài của cách mạng Việt Nam không chỉ là người khơi nguồn, đặt nền móng cho dòng báo chí cách mạng, sự nghiệp báo chí cách mạng nước nhà mà còn để lại di sản báo chí to lớn, có ý nghĩa vô giá đối với lớp lớp những thế hệ người làm báo Việt Nam.
Khơi nguồn một dòng báo chí, một sự nghiệp báo chí
Trước cột mốc 21/6/1925, tại Việt Nam, đã manh nha xu hướng báo chí yêu nước. Nói là manh nha bởi cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, dù đã có sự xuất hiện của những tờ báo bằng tiếng Việt đầu tiên, khởi đầu là Gia Định Báo năm 1865 tuy nhiên, thực dân Pháp, với tham vọng dùng báo chí làm phương tiện để cai trị, để đồng hóa dân tộc ta cho nên hầu hết các tờ báo đều đặt dưới sự quản lý của người Pháp, hoặc những trí thức Việt Nam do Pháp đào tạo.
Tuy nhiên, tấm lòng với đất nước, sự thôi thúc phải cất lên tiếng nói góp phần tìm lại sự tự do, độc lập cho dân tộc, thức tỉnh tinh thần dân tộc, tinh thần yêu nước trong mỗi người Việt Nam, nhiều trí thức Việt Nam yêu nước thời kỳ đó đã tìm nhiều cách thức để có thể xuất bản được những ấn phẩm báo chí. Tiếng Chuông rè (La Cloche Fêlée) xuất bản bằng tiếng Pháp của nhà yêu nước Nguyễn An Ninh ra mắt số đầu tiên ngày 10/12/1923 là một trong những ấn phẩm báo chí như thế. Ngay từ những số báo đầu tiên, Tiếng Chuông rè đã làm được điều mà Nguyễn An Ninh mong muốn: “Gióng lên từng hồi chuông trong đêm tối, một thứ đêm đen đặc không có lấy một tia sáng báo hiệu là bóng tối sẽ có ngày lùi bước. Để hướng dẫn cho những nỗ lực của mình, những kẻ gióng chuông chỉ có một dòng máu dân tộc đang sôi réo trong tim...”.
Dù vậy, với sự giám sát khắt khe của thực dân Pháp, Tiếng chuông rè và những ấn phẩm báo chí thời kỳ ấy như L’Annam của Luật sư Phan Văn Trường, Nhà quê của nhà cách mạng Nguyễn Khánh Toàn (viết bằng tiếng Pháp)... đều có số phận rất ngắn ngủi. Trần Huy Liệu - vị chủ bút của tờ Đông Pháp thời báo (1925-1926) đã phải ngậm ngùi mà rằng “... Có miệng không được nói, có tư tưởng không được giãi bày, đó là cái số kiếp của 25 triệu đồng bào ta. Lịch sử báo giới ta trải qua mấy chục năm nay, những người làm báo hoàn toàn là những người miệng câm, tai điếc. Họ là những người chính phủ Pháp đào tạo cho báo giới ta. Mỗi khi ta cầm đến ngòi bút, cầm đến tờ báo, không khỏi bầm gan tím dạ, thẹn ruột đau lòng!”.
Từ nước Pháp, người thanh niên yêu nước Nguyễn Ái Quốc, người thời kỳ ấy được nước Pháp biết tới với loạt bài xuất sắc viết bằng tiếng Pháp đăng trên tờ Le Paria (1922) do chính Người làm chủ bút, đã thốt lên: “Giữa thế kỷ 20 này, ở một nước có đến 20 triệu dân mà không có lấy một tờ báo! Các bạn có thể tưởng tượng được như thế không? Không có lấy một tờ báo bằng tiếng mẹ đẻ của chúng tôi. Chính quyền Pháp quyết định, không một tờ báo tiếng An Nam được xuất bản nếu không được toàn quyền cho phép... Tôi gọi báo là một tờ báo về chính trị, về kinh tế hay văn học như ta thấy ở châu Âu và một số nước châu Á khác, chứ không phải một tờ do chính quyền thành lập và giao cho bọn tay chân điều khiển, chỉ nói đến chuyện nắng mưa, tán dương những kẻ quyền thế đương thời, kể chuyện vớ vẩn, ca ngợi công ơn của nền khai hóa ra ru ngủ dân chúng”.
Và người góp phần vơi bớt nỗi e thẹn ấy của báo giới, giúp một nước thuộc địa xứ An Nam dứt khoát phải có một tờ báo bằng tiếng mẹ đẻ, một tờ báo về chính trị, kinh tế, văn học thực sự, không ai khác là Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh. Tờ báo ấy có tên gọi Thanh niên.
Báo Thanh Niên số 1 ra ngày 21/6/1925, tại số nhà 13 đường Văn Minh, Quảng Châu, Trung Quốc - trụ sở Tổng bộ Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội – tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam. Tờ báo khổ nhỏ, bốn trang, được viết trên giấy sáp bằng ngòi bút thép nhọn, với nội dung chủ yếu là vạch rõ mâu thuẫn giữa dân tộc ta và các dân tộc thuộc địa với chủ nghĩa đế quốc; khẳng định con đường của cách mạng Việt Nam; cần có Đảng Cộng sản lãnh đạo và tổ chức quần chúng cách mạng… không chỉ góp phần chuẩn bị về chính trị, tư tưởng và tổ chức cho sự thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam mà còn khơi nguồn mạnh mẽ cho nền báo chí cách mạng nở rộ, khi ngay sau đó, bất chấp sự kìm kẹp khủng bố của kẻ thù, một loạt tờ báo của các tổ chức Đảng đã ra đời như Tranh đấu, Cờ vô sản, Đỏ, Sóng Cách mệnh, Lao động...
Và như vậy, rõ ràng, nói như GS. Đỗ Quang Hưng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã là “người khơi nguồn một dòng báo, một sự nghiệp” - đó là dòng báo chí cách mạng và sự nghiệp báo chí cách mạng.
Xác lập “một phong cách làm báo cách mạng rất Việt Nam”
Dường như những tiêu chí làm báo “Viết cho ai xem? Viết để làm gì? Viết thế nào cho dễ hiểu?” đã hình thành trong cây bút-nhà báo Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh từ rất sớm. Cũng bởi “tiêu chí” ấy, mà ngay từ ngày còn ở trên đất khách quê người, khi sáng lập nên tờ Thanh niên, Người đã sáng rõ mục đích “tờ báo sẽ là vũ khí tuyên truyền sắc bén của những người cộng sản Việt Nam, giác ngộ lý tưởng cộng sản trong tầng lớp thanh niên yêu nước”. Những năm tháng lãnh đạo cách mạng Việt Nam sau này, Bác cũng thẳng thắn đề nghị “Chúng ta hãy đặt câu hỏi: Báo chí phải phục vụ ai?”.
Ngày 16/4/1959, tại Đại hội lần thứ II Hội Nhà báo Việt Nam, Người nêu rõ mục đích viết báo của mình: “Về nội dung viết, các cô, các chú gọi là “đề tài”, thì tất cả những bài Bác viết chỉ có một đề tài là: chống thực dân đế quốc, chống phong kiến địa chủ, tuyên truyền độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội”, rằng “Báo chí của ta không phải để cho một số ít người xem, mà để phục vụ cho nhân dân, để tuyên truyền giải thích đường lối, chính sách của Đảng và Chính phủ”.
Cũng bởi mục tiêu rõ ràng ấy mà những bài viết trên tờ Thanh niên đều ngắn gọn, dễ hiểu, phổ biến là 300 - 500 chữ, phù hợp với trình độ dân trí của phần đa đối tượng độc giả mà tờ báo hướng tới. Thế nên, như nhìn nhận của GS Đỗ Quang Hưng - Chủ tịch Hồ Chí Minh và báo Thanh niên đã xác lập “một phong cách làm báo cách mạng rất Việt Nam”.
“Phong cách làm báo cách mạng rất Việt Nam” ấy, về sau này, đã được nhà báo - nhà lãnh tụ cách mạng Hồ Chí Minh - thể hiện rất rõ trong hàng nghìn bài báo cũng như bài viết, bài nói chuyện của Người.
Trong “Thư gửi lớp học viết báo Huỳnh Thúc Kháng”, Bác nhắc nhở những người làm báo: “Đối tượng của tờ báo là đại đa số dân chúng, một tờ báo mà không được đại đa số quần chúng ham muốn thì không xứng đáng là một tờ báo. Muốn dân chúng ham chuộng, coi tờ báo ấy là của mình thì: Nội dung các bài báo phải giản đơn, dễ hiểu, phổ thông, thiết thực, hoạt bát”.
Trong bài giảng tại lớp chỉnh Ðảng Trung ương ngày 17/8/1953, Bác cũng chỉ rõ: “Mình viết ra cốt để giáo dục, cổ động, nếu người xem mà không nhớ được, không hiểu được, là viết không đúng, nhằm không đúng mục đích. Mà muốn cho người xem hiểu được, nhớ được, làm được thì phải viết cho đúng trình độ của người xem, viết rõ ràng, gọn gàng, chớ dùng chữ nhiều”.
Cũng xung quanh câu chuyện “viết sao cho ngắn gọn, dễ hiểu”, Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng kể: Tôi đã cố gắng viết thật ngắn, gọn, giản đơn, dễ hiểu, vậy mà trình Bác xem, Bác vẫn bảo: “Gì mà chú nói lòng thòng, rắc rối thế. Xén bớt đi, gọn hơn nữa, chữ nào khó hiểu thì tìm chữ khác”.
Để viết cho mọi người dễ hiểu, dễ nhớ, Người cũng nhắc nhở các nhà báo phải luôn giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Tại Đại hội II Hội Nhà báo Việt Nam, Người đã thẳng thắn chỉ rõ: “Cái bệnh dùng chữ là phổ biến trong tất cả các ngành. Đáng lẽ báo chí phải chống lại cái bệnh đó, nhưng trái ngược lại báo chí lại tuyên truyền cho cái tệ đó. Mong rằng báo chí cố gắng sửa đổi cái tệ ấy đi. Tiếng nói là một thứ của rất quý báu của dân tộc, chúng ta phải hết sức giữ gìn lấy nó, chớ để bệnh nói chữ lấn át nó đi”.
Bản thân Bác, hầu hết các bài báo Người viết đều hết sức ngắn gọn, bình dị, dễ hiểu với số đông người dân thất học. Đối với Bác, ngắn gọn có nghĩa là gọn ghẽ, nói đủ những ý cần nói, nói rõ ràng, có đầu, có đuôi, có nội dung thiết thực, thấm thía, chắc chắn. Ngắn gọn ở Bác là cô đọng, hàm súc, ý nhiều, lời ít, không có lời thừa, chữ thừa. Còn để dễ hiểu, các bài viết, Bác luôn tìm cách diễn đạt các vấn đề một cách giản dị, trong sáng, dễ hiểu nhất có thể.
Kiến tạo nên những tư tưởng vô giá về đạo đức người làm báo
Lúc sinh thời, Bác Hồ luôn quan tâm đặc biệt đến tư cách, đạo đức người làm báo, vấn đề hàng đầu Người đòi hỏi các nhà báo là phải có phẩm chất chính trị vững vàng, đạo đức tốt đẹp và trong sáng. Người dạy rằng “... Để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang của mình, cán bộ báo chí cần phải tu dưỡng đạo đức cách mạng, cố gắng trau dồi tư tưởng, nghiệp vụ và văn hóa; chú trọng học tập chính trị để nắm vững chủ trương của Đảng, chính sách của Chính phủ; đi sâu vào thực tế, đi sâu vào quần chúng lao động...”.
Trong quan điểm của Người, trung thực là một tiêu chuẩn đạo đức rất quan trọng trong hoạt động nghề nghiệp báo chí. Người làm báo khi cầm bút phải phản ánh trung thực, khách quan,. Bác thường nhắc nhở “Viết phải đúng sự thật, không được bịa ra”, “Không biết rõ, hiểu rõ, chớ nói, chớ viết. Khi không có gì cần nói, không có gì cần viết, chớ nói, chớ viết càn” và “chưa điều tra, chưa nghiên cứu, chưa biết rõ, chớ nói, chớ viết”. Bác từng căn dặn: “Tuyên truyền, anh em nên chú ý một điều này nữa là bao giờ ta cũng tôn trọng sự thực. Có nói sự thực thì việc tuyên truyền của mình mới có nhiều người nghe”.
Người cũng đòi hỏi các nhà báo trong mọi trường hợp khen cũng như chê đều với động cơ trong sáng, khách quan, không thể viết báo vì mục đích vụ lợi, cá nhân, ích kỷ. “Viết để nêu những cái hay, cái tốt của dân ta, của bộ đội ta, của cán bộ ta, của bạn ta. Đồng thời để phê bình những khuyết điểm của chúng ta, của cán bộ, của nhân dân, của bộ đội. Không nên chỉ viết cái tốt mà giấu cái xấu. Nhưng phê bình phải đúng đắn. Nêu cái hay, cái tốt thì phải có chừng mực, chớ phóng đại. Có thế nào, nói thế ấy” - Bác nói.
“Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”. Với người đã khai sáng nên nền báo chí cách mạng Việt Nam, đạo đức nghề báo là phẩm chất tốt đẹp nhất, là gốc của mọi vấn đề trong cuộc sống, là phương tiện điều chỉnh các mối quan hệ xã hội của người làm báo, mà phạm trù pháp luật không điều chỉnh được. Có như vậy, báo chí mới hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, “báo chí là phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng”.
Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.
Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.
Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.