Bắc Giang có đàn lợn lớn thứ 3 cả nước, lại nằm ở vị trí trung chuyển, tiếp giáp với nhiều tỉnh nên khi dịch tả lợn châu Phi xảy ra, tỉnh gặp không ít khó khăn trong việc phòng ngừa, ngăn chặn.
Tuy nhiên, với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, chỉ sau 13 tháng, Bắc Giang đã công bố hết dịch tả lợn châu Phi .
Cung cấp thông tin kịp thời
Ngày 22/3/2019, dịch tả lợn châu Phi xuất hiện tại Bắc Giang, nhờ làm tốt công tác phòng, chống, sự vào cuộc kịp thời, có trách nhiệm của cả hệ thống chính trị nên đến ngày 15/4/2020, UBND tỉnh Bắc Giang đã công bố hết dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn toàn tỉnh.
Với vai trò là cơ quan báo chí, đặc biệt là tờ báo hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, phóng viên Tạp chí Kinh tế nông thôn (trước là Báo Kinh tế nông thôn) đã kịp thời có nhiều bài viết tuyên truyền, phản ánh về công tác phòng dịch tại Bắc Giang.
Ngày 21/3, (trước 1 ngày Bắc Giang có dịch-PV), Kinh tế nông thôn có bài “Bắc Giang: Giá lợn giảm, người nuôi mất trắng 1,4 triệu đồng/con”. Bài viết nêu bật những khó khăn do ảnh hưởng của dịch nên giá lợn xuống thấp, mỗi con lợn 100kg, người chăn nuôi mất trắng 1 - 1,4 triệu đồng.
Đặc biệt, vào cuối tháng 4, đầu tháng 5/2019, khi Bắc Giang đang ở “đỉnh dịch”, một số địa phương trong tỉnh xảy ra tình trạng lợn chết nhưng cơ quan chức năng chưa kịp đưa đi tiêu hủy gây “xôn xao” dư luận.
Trước thực tế này, phóng viên đã chủ động trao đổi trực tiếp (qua điện thoại) với ông Dương Văn Thái, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang (nay là Chủ tịch UBND tỉnh) để giúp bạn đọc nắm rõ hơn về thực trạng, khó khăn trong công tác phòng dịch.
Sau cuộc trao đổi với ông Thái, Kinh tế nông thôn đăng bài “Bắc Giang lý giải lợn chết không kịp đưa đi tiêu hủy”. Qua bài viết, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang đã trả lời nhiều câu hỏi “nóng” mà dư luận quan tâm như: diễn biến dịch tả lợn châu Phi tại Bắc Giang?; tại sao lại có việc lợn chết, người dân báo cả ngày nhưng không thấy cơ quan chức năng tới đưa đi tiêu hủy?; thông tin về việc lợn vứt ra sông, ra mương?; lợn trôi dưới mương được xác định là từ Phú Bình (Thái Nguyên) chảy sang Hiệp Hòa (Bắc Giang)?...
Về góc độ báo chí, trao đổi trực tiếp hay qua điện thoại chỉ là hình thức. Trên cương vị là Phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, ông Thái đã thẳng thắn trao đổi và có những ý kiến thông tin kịp thời. Khác với một số lãnh đạo ở các tỉnh, thành phố khác, khi phóng viên liên hệ thì không bắt máy, nếu bắt máy thì “đùn đẩy” sang đơn vị chức năng hay đơn giản yêu cầu phóng viên đặt lịch làm việc với Văn phòng theo quy định.
Khi phóng viên liên hệ trao đổi thông tin, ông Thái đã cởi mở, kịp thời cung cấp cho phóng viên những thông tin mà dư luận quan tâm, từ đó báo có thông tin nhanh nhất gửi tới bạn đọc. Ngay sau đó, Kinh tế nông thôn tiếp tục có nhiều tin, bài phản ánh sát sao về công tác phòng chống dịch ở các địa phương của Bắc Giang.
Đặc biệt, trong các tin, bài viết đều có ý kiến của lãnh đạo các cơ quan chức năng như: Sở Nông nghiệp và PTNT, Chi cục Chăn nuôi và Thú y, UBND huyện, Phòng Nông nghiệp và PTNT… Việc có ý kiến của lãnh đạo cơ quan chức năng trong bài viết không chỉ giúp làm tăng sức nặng về thông tin mà còn thấy được sự vào cuộc của các cấp, các ngành, kịp thời định hướng dư luận với thông tin chính thống, khách quan.
Ở Bắc Giang, Kinh tế nông thôn không chỉ kịp thời thông tin về công tác phòng chống dịch tả lợn châu Phi mà còn có nhiều bài viết phản ánh ở nhiều lĩnh vực, trong đó có công tác phòng chống dịch Covid-19, đặc biệt là quảng bá, xúc tiến, tiêu thụ vải thiều.
Với sự đóng góp của mình trong quảng bá, xúc tiến tiêu thụ vải thiều, Kinh tế nông thôn nhiều năm được Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang tặng Bằng khen. Để có được kết quả này, ngoài sự đóng góp của cơ quan báo chí, còn có đồng hành rất lớn từ chính quyền, các cơ quan chức năng của tỉnh Bắc Giang trong việc chủ động cung cấp thông tin kịp thời, chính xác.
Báo chí, kênh gián tiếp tạo giá trị kinh tế
Ông Dương Thanh Tùng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và TNT tỉnh Bắc Giang cho biết, có thể nói, báo chí có vai trò rất lớn trong phát triển kinh tế của địa phương. Trước đây, nông sản làm ra chủ yếu tiêu thụ tại chỗ, bây giờ nông sản trở thành hàng hóa, vừa tiêu thụ trong nước, vừa chú trọng hướng tới xuất khẩu. Nông sản chính là biểu tượng của tỉnh.
“Ví dụ như vải thiều, nói tới Bắc Giang là nghĩ ngay tới vải thiều, đấy là thương hiệu của tỉnh, hay gà đồi Yên Thế, các nông sản trở thành các hàng hóa chủ lực, nâng tầm thương hiệu của tỉnh chính là nhờ vai trò truyền thông của báo chí. Báo chí đã thổi hồn cho từng sản phẩm thông qua quảng bá, giới thiệu, từ đó nâng tầm nông sản, mang lại giá trị nhiều nghìn tỷ đồng”, Giám đốc Dương Thanh Tùng phân tích.
Theo ông Tùng, cái hay của báo chí là phản ánh, lên án những cái chưa tốt như: nông sản không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, chất lượng chưa tốt như cách trồng rau hai luống, nuôi lợn hai chuồng. Những cách làm này đã bị lên án, đả kích, phê phán. Báo chí vừa động viên cái tốt, phê phán cái xấu, từ đó định hướng người sản xuất và người tiêu dùng.
Báo chí là kênh gián tiếp tạo giá trị kinh tế cho người dân, giúp cho nông dân hiểu rõ hơn các vấn đề, từ đó học hỏi kinh nghiệm tốt, mô hình hay để áp dụng, từng bước vươn lên làm giàu. Vẫn quả vải đấy, con gà đấy, vẫn nông sản đấy, nhờ báo chí quảng bá, giới thiệu đã tạo nên hiệu quả cao hơn, tìm được thị trường và nâng cao chất lượng cho từng sản phẩm. Tuy không cân, đo, đong, đếm được, nhưng với cách làm của báo chí, hiệu quả kinh tế được nâng lên rất nhiều.
“Vai trò của báo chí rất lớn, ông nào còn ngại báo chí thì không ổn. Một số đồng chí lãnh đạo sở hoặc một số đồng chí trưởng ngành né không tiếp, hoặc giao cho cấp phó tiếp. Riêng cá nhân tôi lúc nào báo chí có nhu cầu mà trả lời được là tôi đáp ứng ngay, còn việc gì chưa rõ có thể hẹn ngày hôm sau”, ông Tùng thẳng thắn cho hay.
Ông Tùng cho biết thêm, Kinh tế nông thôn là cơ quan báo chí chuyên ngành, gần gũi với ngành nông nghiệp. Những năm qua, mặc dù chưa có phóng viên thường trú tại Bắc Giang nhưng Kinh tế nông thôn luôn đồng hành cùng ngành nông nghiệp của tỉnh. Thông tin rất sát, rất nhanh nhạy, nhiều bài nội dung khá sâu, ở tất cả các lĩnh vực, từ dịch tả lợn châu Phi, dịch Covid-19 đến công tác quảng bá, tiêu thụ vải thiều.
Trong thời kỳ công nghệ 4.0 phát triển như hiện nay, mọi thông tin ở tất cả các lĩnh vực, trên mọi miền Tổ quốc đều được các báo, tạp chí chính thống “săn đón” đưa đến bạn đọc một cách nhanh, chính xác nhất. Tuy nhiên, rất nguy hiểm nếu các thông tin đưa lên chưa được kiểm chứng, chưa chính xác, có thể các đối tượng xấu sẽ lợi dụng đưa lên mạng xã hội, gây ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín, danh dự, đặc biệt là những vấn đề “nóng”.
Qua đây, những người làm báo luôn mong muốn có thông tin chính thống, kịp thời, sự phối hợp nhịp nhàng từ các cơ quan chức năng, từ chính quyền địa phương như ở Bắc Giang.
Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.
Thời gian qua, tỉnh Nghệ An triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, cơ chế, chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nâng cao ý thức tự lực, tự cường vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo nên diện mạo mới cho nông thôn miền núi xứ Nghệ.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.