Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 28 tháng 12 năm 2018 | 16:34

Báo chí thực hiện hiệu quả chức năng giám sát, phản biện xã hội

Năm qua, báo chí thực hiện ngày càng hiệu quả chức năng, giám sát, phản biện xã hội, góp phần phản ánh góc nhìn của đông đảo tầng lớp nhân dân đối với việc xây dựng, ban hành và thực thi các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của NN.

bao_chi_viet_nam.jpg
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thăm gian trưng bày của Thông tấn xã Việt Nam tại Hội báo Toàn quốc năm 2018. (Ảnh minh họa: Minh Sơn/Vietnam+)



Đây là nội dung được đưa ra trong Báo cáo đánh giá công tác báo chí năm 2018 và một số nhiệm vụ trọng tâm năm 2019 tại Hội nghị Báo chí toàn quốc, diễn ra chiều 28/12, tại Hà Nội.

Hội nghị do Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức.

Ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương dự và phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

Cùng dự có hơn 600 đại biểu là lãnh đạo Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương; các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí, cơ quan chủ quản báo chí, cơ quan báo chí; các đồng chí Trưởng ban Tuyên giáo, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, Chủ tịch Hội Nhà báo, Tổng biên tập báo Đảng, Giám đốc Đài Phát thanh và Truyền hình các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương...

Hội nghị đã đánh giá công tác báo chí năm 2018; phân tích ưu điểm, thành tích, hạn chế, thiếu sót và nguyên nhân; dự báo tình hình, trên cơ sở đó xác định phương hướng, nhiệm vụ công tác trọng tâm và giải pháp thực hiện năm 2019.

Báo cáo đánh giá công tác báo chí năm 2018 và một số nhiệm vụ trọng tâm năm 2019 nêu rõ năm 2018, các cơ quan báo chí đã thông tin tuyên truyền kịp thời, trung thực, toàn diện đời sống chính trị, kinh tế của xã hội trong nước và quốc tế; là cơ quan ngôn luận của Đảng và Nhà nước; là diễn đàn thực sự tin cậy của nhân dân; là phương tiện thông tin đại chúng thiết yếu đối vời đời sống xã hội.

Báo chí đã nêu bật, khẳng định quyết tâm chính trị của Đảng và Nhà nước “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không có đặc quyền, bất kể người đó là ai” trong việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí...

Năm 2018, báo chí đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục về chính trị tư tưởng nhằm ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến,” “tự chuyển hóa” trong nội bộ, góp phần tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.

Báo chí đẩy mạnh các hoạt động thông tin đối ngoại, tổ chức tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu hình ảnh đất nước con người Việt Nam và thành tựu đổi mới của đất nước với bạn bè quốc tế và đồng bào ta sinh sống ở nước ngoài...

Trong năm, tình trạng thông tin không đúng tôn chỉ mục đích ghi trong giấy phép hoạt động báo chí đã từng bước được khắc phục; tình trạng rút, gỡ tin, bài tùy tiện của các cơ quan báo chí giảm cơ bản.

Các cuộc giao ban báo chí được duy trì và đổi mới phương thức theo hướng nâng cao tính tương tác, chủ động cung cấp thông tin, thảo luận, đối thoại dân chủ, thẳng thắn, nghiêm túc giữa cơ quan chỉ đạo, quản lý và cơ quan báo chí về những vấn đề cần quan tâm trên tinh thần xây dựng, trách nhiệm, chủ động cung cấp thông tin.

Trong năm 2018, những sai phạm trong hoạt động báo chí tiếp tục được xử lý quyết liệt bằng nhiều biện pháp tăng cường kiểm tra, rà soát đánh giá việc thực hiện tôn chỉ, mục đích của một số cơ quan báo chí, nhất là các tạp chí điện tử nhằm ngăn chặn tình trạng xa rời tôn chỉ, mục đích, “báo hóa” các tạp chí điện tử.

Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông và các cơ quan được giao nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành đã tiến hành thanh tra theo kế hoạch việc chấp hành quy định về báo chí đối với 11 cơ quan báo chí; xử lý vi phạm hành chính 46 lượt cơ quan báo chí với tổng số tiền phạt trên 638 triệu đồng.

Các cơ quan chức năng đã thu hồi thẻ nhà báo đối với 4 nhà báo có sai phạm và xử lý kỷ luật.

Trong năm, Hội Nhà báo Việt Nam đã xây dựng, ban hành, hướng dẫn sinh hoạt của hội viên là phóng viên thường trú và Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam, góp phần nâng cao tính chuyên nghiệp và đề cao tinh thần trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân của người làm báo.

Bên cạnh những kết quả đã làm được, các đại biểu dự Hội nghị đã chỉ ra những hạn chế, khuyết điểm của nhiều cơ quan báo chí trong đó là việc tồn tại thông tin thiếu nhạy cảm về chính trị, chưa phù hợp với lợi ích của đất nước, của nhân dân, chưa đúng định hướng thông tin vẫn xảy ra trên một số báo và tạp chí. Thông tin về mặt trái của xã hội phản cảm, trái thuần phong mỹ tục Việt Nam, thiếu nhân văn, phản giáo dục, kiểu giật tít mang tính giật gân, câu khách vẫn chưa được khắc phục triệt để.

Thông tin trên báo chí chưa theo kịp với tình hình diễn biến thực tế. Thông tin để định hướng hoặc đấu tranh, phản bác các luận điệu sai trái trong nhiều vấn đề quan trọng của đất nước và xã hội còn chậm.

Phân tích nguyên nhân của những hạn chế, khuyết điểm này, các đại biểu cho rằng, công tác tổ chức quản lý và cung cấp thông tin của nhiều cơ quan, tổ chức địa phương còn thiếu chủ động, chưa kịp thời, thiếu sự phối hợp, nhất là đối với tình huống, sự kiện bất thường, phức tạp, liên quan đến chính trị, kinh tế-xã hội, gây khó khăn cho cơ quan chỉ đạo và quản lý thông tin, cũng như cơ quan báo chí.

Một số cơ quan chủ quản chưa thực hiện hết vai trò, trách nhiệm, còn thiếu sâu sát trong giám sát, buông lỏng quản lý nên để xảy ra sai phạm tại các cơ quan báo chí hoặc chưa kiên quyết xử lý sai phạm của các cơ quan báo chí thuộc quyền.

Một số vấn đề gây bức xúc trong xã hội nhưng chậm được các cơ quan chức năng giải quyết, thiếu sự phối hợp hoặc chưa có phương thức xử lý thông tin thỏa đáng, tạo thành vấn đề nóng trên báo chí, thậm chí gây “khủng hoảng” truyền thông...

Tại Hội nghị, các đại biểu đã thảo luận, xác định nhiệm vụ và các giải pháp trọng tâm trong năm 2019./.

 

 

QUỲNH HOA
Ý kiến bạn đọc
  • “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.

  • “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.

  • Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.

Top