Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ năm, ngày 1 tháng 7 năm 2021 | 12:33

Báo động tình trạng ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi

Phát triển chăn nuôi là một chủ trương đúng nhằm đưa chăn nuôi trở thành ngành sản xuất hàng hóa, sản xuất theo chuỗi, gắn với thị trường. Tuy nhiên, thách thức về ô nhiễm môi trường do chất thải gây ra vẫn đang là dấu hỏi hớn.

Thái Bình: Để dân kêu nhiều, công ty chăn nuôi bị đề nghị thanh tra

Công ty TNHH Chăn nuôi Thái Thụy (tại thôn Lễ Củ, xã Thụy Duyên, huyện Thái Thụy) nhiều lần bị người dân vùng giáp ranh ở xã Đồng Tiến (huyện Quỳnh Phụ, Thái Bình) tố cáo xả thải gây ra mùi hôi thối, ô nhiễm môi trường, nhưng đến nay chưa khắc phục được tình trạng này.

Theo tìm hiểu, từ khoảng tháng 5.2020, người dân xã Đồng Tiến (là người dân hai thôn Quan Đình Nam và Cổ Đẳng) đã nhiều lần làm đơn, thư phản ánh, kêu cứu gửi đến các cấp, ngành tại tỉnh Thái Bình bày tỏ sự quan ngại vì trang trại chăn nuôi của Công ty TNHH Chăn nuôi Thái Thụy đóng tại xã bên cạnh gây ô nhiễm môi trường nước và không khí nặng nề.

 

cn1.jpg
Công ty TNHH Chăn nuôi Thái Thụy (tỉnh Thái Bình) nhiều lần bị tố cáo xả thải gây ô nhiễm môi trường

 

Ông Hà Ngọc Bảo (65 tuổi, trú thôn Cổ Đẳng, xã Đồng Tiến, huyện Quỳnh Phụ) bức xúc: "Kể từ khi trang trại chăn nuôi lợn của công ty TNHH Chăn nuôi Thái Thụy đi vào hoạt động đã gây ra hệ lụy ô nhiễm môi trường nghiêm trọng cả về nguồn nước thải lẫn không khí. Điều này làm ảnh hưởng vô cùng lớn tới đời sống, sức khỏe, cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của người dân chúng tôi. Nhất là về mùa hè, khi gió Đông Nam thổi đã xả mùi phân lợn kết hợp mùi hóa chất hôi thối nồng nặc, thối đến mức từ trẻ con đến người già suốt đêm không ngủ nổi".

Theo ông Bảo, tổng diện tích đất của Công ty TNHH Chăn nuôi Thái Thụy là khoảng hơn 42 hecta, với khu trang trại nuôi đến trên 20.000 đầu lợn liên tục chính là tác nhân gây ra mùi hôi thối này.

Ngày 24/6 vừa qua, người dân xã Đồng Tiến tiếp tục tập trung để phản đối doanh nghiệp chăn nuôi gây ô nhiễm môi trường, đòi trả lại môi trường sống trong sạch.

Ông Đặng Thanh Long - Chủ tịch UBND xã Đồng Tiến (huyện Quỳnh Phụ) cho biết: "Việc người dân phản ánh, đơn thư đến các cấp chính quyền về tình trạng ô nhiễm môi trường là đúng và chính đáng. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở dân phải phản ánh đúng pháp luật, không được có những hành động trái quy định pháp luật. Đặc biệt, trong thời điểm dịch COVID-19 phức tạp thì việc tập trung đông người cần phải rất hạn chế để phòng, chống dịch".

Ngày 17/6 vừa qua, UBND tỉnh Thái Bình đã có văn bản số 2489/UBND-NNTNMT đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm tổ chức thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường đối với Công ty TNHH Chăn nuôi Thái Thụy để xử lý, hướng dẫn khắc phục dứt điểm về tình trạng ô nhiễm môi trường của dự án, góp phần tăng cường công tác bảo vệ môi trường tại địa phương.

Hà Giang: Hiệu quả mô hình chăn nuôi gắn với bảo vệ môi trường

Theo số liệu thống kê của ngành Nông nghiệp tỉnh Hà Giang, trên địa bàn tỉnh hiện có trên 1 triệu con gia súc và trên 5.000 con gia cầm với 139 trang trại tại 11 huyện, thành phố. Hiện nay, các hộ chăn nuôi chủ yếu sử dụng các hình thức xử lý chất thải như: Hầm khí sinh học (biogas), đệm lót sinh học và ủ phân để làm phân bón cho cây trồng. 

Tại các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa trước đây việc xử lý chất thải chăn nuôi của các hộ dân còn hạn chế do tập quán chăn nuôi của bà con còn lạc hậu, chủ yếu là chăn nuôi nhỏ, lẻ. Phần lớn các hộ chăn nuôi thuộc đối tượng hộ nghèo nên không có khả năng xây dựng hệ thống xử lý chất thải chăn nuôi theo đúng quy định. Nhiều hộ sử dụng phân gia súc để bón ruộng, nương nên không xây dựng hệ thống xử lý chất thải khép kín.

 

cn2.jpg
Việc sử dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi đang được một số hộ chăn nuôi ở Hà Giang bắt đầu thử nghiệm

 

Để đổi mới tư duy của người dân trong chăn nuôi, huyện Quản Bạ đã triển khai thực hiện thí điểm mô hình chăn nuôi gắn với xây dựng chuồng trại, bảo đảm vệ sinh môi trường tại xã Thanh Vân. Gia đình anh Dương Xuân Thành ở thôn Lùng Cáng, xã Thanh Vân là một trong những hộ tham gia mô hình này. Anh Thành chia sẻ: Thực hiện chủ trương của huyện về chăn nuôi gắn với bảo vệ môi trường, cuối năm 2020, gia đình tôi đã xây dựng khu chuồng trại mới có 4 ngăn chuồng, có thiết kế ngăn xả thải dành cho đàn bò với tổng số tiền đầu tư là hơn 70 triệu đồng, trong đó được huyện hỗ trợ 20 triệu đồng.

Trước đây, gia đình tôi chưa có kiến thức về chăn nuôi, điều kiện khu vực chuồng trại tạm bợ, gần nhà, nuôi nhiều bò nên lượng chất thải lớn, không được xử lý kịp thời, có mùi hôi thối, ảnh hưởng đến cuộc sống của gia đình và các hộ lân cận. Được Nhà nước hỗ trợ xây dựng chuồng trại theo thiết kế, kiên cố, dễ vệ sinh giúp hạn chế được bệnh tật cho đàn gia súc, có thể phòng chống rét cho đàn bò vào mùa đông nên gia đình tôi rất yên tâm để phát triển chăn nuôi lâu dài.

Cũng giống như hộ anh Thành, gia đình anh Hùng Văn Sinh, ở thôn Lùng Cáng đã đầu tư gần 100 triệu đồng để xây dựng chuồng bò có 6 ngăn. Anh Sinh cho biết: “Sau khi được chính quyền địa phương vận động đổi mới tư duy xây dựng chuồng trại và hỗ trợ 20 triệu đồng, gia đình tôi đã tham gia thực hiện ngay. So với trước đây chăn nuôi theo cách truyền thống thì việc xây dựng chuồng trại bảo đảm vệ sinh môi trường đem lại hiệu quả tốt hơn trong chăn nuôi, đàn gia súc có nơi ở hợp vệ sinh, sinh trưởng và phát triển tốt; bên cạnh đó, bà con có thể ủ phân chuồng để tận dụng bón cho cây trồng, đây là một hướng đi đúng cần nhân rộng”.

Gắn với bảo vệ môi trường

Theo lãnh đạo Chi cục Chăn nuôi và thú y, thực hiện định hướng phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững, trong năm qua, Sở NN&PTNT đã chỉ đạo ngành chăn nuôi tập trung chăn nuôi theo hướng trang trại, áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học để góp phần bảo vệ môi trường. Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã mở 21 lớp tập huấn để hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi lợn theo hướng an toàn sinh học cho 840 lượt người tham gia; thực hiện thí điểm mô hình chăn nuôi lợn áp dụng các biện pháp an toàn sinh học tại huyện Vị Xuyên và TP. Hà Giang. Hiện nay, người dân đã chú trọng đến việc bảo vệ sức khỏe vật nuôi thông qua việc xử lý chất thải bằng hệ thống Biogas, đệm lót sinh học và ủ phân để xử lý môi trường chăn nuôi.

Trong thời gian tới, ngành chăn nuôi tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân về tầm quan trọng của việc xử lý môi trường chăn nuôi. Tập trung phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại đầu tư vào các hệ thống xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn của Nhà nước. Các trang trại xây mới phải nằm trong quy hoạch, phải có hồ sơ thiết kế, báo cáo đánh giá tác động môi trường theo quy định của pháp luật. Với các hộ chăn nuôi nhỏ, lẻ tuyên truyền hướng dẫn người dân sử dụng đệm lót sinh học, ủ phân trong chăn nuôi nhằm bảo vệ môi trường và phát triển chăn nuôi bền vững.

Việc thực hiện các giải pháp bảo vệ môi trường trong chăn nuôi đang từng bước góp phần làm giảm ô nhiễm môi trường. Qua đó giúp nông dân vừa phát triển sản xuất chăn nuôi đạt hiệu quả kinh tế cao nhưng cũng vừa bảo đảm vệ sinh môi trường, ngăn ngừa những tác động tiêu cực đến sức khỏe con người, hướng tới phát triển nền nông nghiệp sạch, an toàn./. 

 

Thanh Xuân (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hàng ngàn người đổ về thị trấn Sông Đốc (Trần Văn Thời - Cà Mau) để xem cuộc đua vỏ lãi kỳ thú. Thị trấn ven biển này cũng là nơi 70 năm trước diễn ra sự kiện tập kết ra Bắc lịch sử.

  • Dòng chảy tri thức - Hành trình tri thức không thể thiếu vắng hình bóng “Người lái đò”

    Dòng chảy tri thức - Hành trình tri thức không thể thiếu vắng hình bóng “Người lái đò”

    Hòa cùng không khí cả nước, chào mừng 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/1982 - 20/11/2024, tri ân sự đóng góp, hy sinh của thầy, cô giáo - những “Người lái đò” thầm lặng, đưa nhiều thế hệ học trò đến với bến bờ tri thức.

  • Thắp sáng ước mơ cho các em học sinh Làng Nủ

    Thắp sáng ước mơ cho các em học sinh Làng Nủ

    Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.

Top