Theo số liệu thống kê của các đơn vụ nghiên cứu thị trường, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều phân khúc bất động sản (BĐS) chịu sự tác động.
Tuy nhiên, phân khúc nhà liền thổ thị trường thứ cấp tại TP. Hồ Chí Minh lại có mức tăng khá ấn tượng, khoảng 13% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân được cho do có sự quan tâm đặc biệt của nhà đầu tư đến phân khúc này.
Giá bán trên thị trường thứ cấp tăng
Trong báo cáo của Savills Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm 2021, phân khúc BĐS nhà ở nguồn cung bán ra thị trường hạn hẹp, giá bán tại các dự án vẫn giữ đà tăng liên tục trong 2 quý vừa qua. Cụ thể, đối với phân khúc BĐS căn hộ, nguồn cung sơ cấp chỉ khoảng 5.800 căn, giảm 38% so với cùng kỳ năm trước.
Đối với phân khúc BĐS nhà liền thổ, biệt thự, nhà phố, nguồn cung sơ cấp trong 6 tháng cũng chỉ hơn 770 căn, giảm 44% so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, đối với căn hộ chỉ có 3.400 căn, bằng một nửa so với lượng giao dịch cùng kỳ năm trước. Còn đối với biệt thự, nhà phố, cũng chỉ có khoảng 500 căn được tiêu thụ trong 6 tháng, cũng giảm 1 nửa so với cùng kỳ.
Bà Võ Thị Khánh Trang, Phó giám đốc Bộ phận Nghiên cứu - Savills Việt Nam, nhận định: Về mặt nguồn cung, đã có sự sụt giảm khá mạnh, lượng hàng chào bán ra thị trường cũng không quá nhiều. Vì nguồn cung mới và lượng hàng tồn kho thấp nên lượng giao dịch cũng thấp trong 6 tháng đầu năm. Tuy nhiên, điểm sáng của thị trường trong thời gian qua là giá bán của căn hộ và nhà phố, biệt thự đều có xu hướng tăng. Số liệu mới nhất của Savills cho thấy, trong quý 2/2021, 40% số dự án căn hộ đang chào bán trên thị trường đều tăng giá khoảng 15% so với quý trước. Một số dự án mới cũng ghi nhận mức tăng giá 10% so với giai đoạn mở bán trước.
“Đối với phân khúc biệt thự, nhà phố, do lượng tồn kho ít nên không có nhiều sự tăng giá trong những sản phẩm đang chào bán. Tuy nhiên, giá bán tại thị trường thứ cấp lại có mức tăng khá ấn tượng, khoảng 13% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân bởi người Việt Nam vẫn ưu tiên nhà ở liền thổ hơn. Do đó, những sản phẩm nhà phố, đặt biệt là các sản phẩm được phát triển trong các dự án rất được nhà đầu tư quan tâm, tỷ lệ hấp thụ cũng khá tốt”, bà Trang cho biết thêm.
Liên quan đế phân khúc BĐS nhà liền thổ, theo báo cáo của Công ty JLL Việt Nam, trong quý 2, lượng mở bán mới của khu vực TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận đạt 1.843 căn; trong đó, nguồn cung mới ở TP. Hồ Chí Minh chỉ có 173 căn, chủ yếu đến từ các dự án nhà quy mô nhỏ ở quận Tân Phú và quận 12.
Tuy nhiên, hầu hết lượng mở bán này đã diễn ra trước khi làn sóng Covid-19 thứ 4 tác động đến khu vực miền Nam, vốn đã khiến nhiều sự kiện mở bán bị dời lại. Giá bán sơ cấp trung bình trong phân khúc này tại TP. Hồ Chí Minh tăng mạnh, với mức tăng 15,9% so với năm 2020.
Đại diện Công ty JLL lý giải, để duy trì sức mua trong năm nay, các chủ đầu tư đã tung ra nhiều chiến lược bán hàng hấp dẫn. Trong đó, đáng chú ý là chương trình giãn tiến độ thanh toán, cho phép người mua vay tới 100% giá trị căn nhà và miễn lãi suất vay lên đến 20 tháng. Thay vì đóng tiền mặt, chủ sở hữu có thể vay ngân hàng bằng cách sử dụng tài sản đảm bảo từ tài sản hiện có của mình.
Khu Đông - “điểm sáng” tương lai
Savills Việt Nam cũng dự báo, từ đây đến cuối năm, nguồn cung của phân khúc căn hộ được giới thiệu ra thị trường không nhiều, khoảng 6.800 căn từ 22 dự án, chủ yếu là các căn hộ hạng C, chiếm 47% thị phần. Mặc dù vậy, với tình hình dịch bệnh hiện nay thì thời gian mở bán tại các dự án có thể sẽ chậm lại so với dự kiến của họ ở đầu quý 2/2021. Do đó, nguồn cung trong quý 3 có thể vẫn khá hạn chế, nhưng các chuyên gia cũng kỳ vọng rằng, trong quý 4, các dự án sẽ bắt đầu mở bán với các chiến lược về marketing cũng như quảng bá sản phẩm theo xu hướng chuyển đổi số nhiều hơn để tiếp cận khách hàng tốt hơn.
Từ nửa cuối năm 2021 đến năm 2023, nguồn cung của phân khúc chung cư và nhà ở liền thổ vẫn tập trung tại khu Đông của TP. Hồ Chí Minh. Cụ thể, nguồn cung mới đối với phân khúc căn hộ tại khu Đông chiếm 44% trên tổng nguồn cung mới. Còn đối với nhà liền thổ, nguồn cung ở đây chiếm khoảng 32% trên tổng số nguồn cung mới đến năm 2023.
“Việc các doanh nghiệp phát triển đổ dồn về khu Đông là kết quả kế thừa của sự phát triển hạ tầng trong thời gian qua, cũng như mức độ đô thị hóa ở khu vực này đang phát triển rất nhanh. Nhìn vào kế hoạch phát triển hạ tầng tại TP. Hồ Chí Minh từ nay đến năm 2025, có thể thấy, có rất nhiều dự án hạ tầng lớn tại khu Đông nằm trong kế hoạch. Do vậy, chúng tôi kỳ vọng rằng, việc nâng cấp, mở rộng những tuyến đường lớn này sẽ giúp thị trường BĐS nơi đây phát triển tốt hơn trong tương lai”, bà Trang chia sẻ.
Dự báo trong 6 tháng tới, thị trường BĐS TP. Hồ Chí Minh vẫn phải tiếp tục đối mặt với những thách thức của việc bùng phát dịch bệnh. Bởi Covid-19 vẫn là bệnh dịch khó lường và có thể bùng phát bất cứ khi nào nếu không được kiểm soát tốt. Tuy nhiên, dịch bệnh vừa là thách thức nhưng cũng là cơ hội cho các chủ đầu tư. Họ có thể xoay chuyển, linh động hơn, lên kế hoạch tốt hơn cho việc bán hàng khi đại dịch được kiểm soát.
Với kỳ vọng sẽ kiểm soát được dịch bệnh trên cả nước trong quý 3, cùng với các chiến dịch tiêm vắc-xin cho cộng đồng cũng đang được triển khai rộng rãi, nhanh chóng, thị trường sẽ có nhiều dự án tiếp tục mở bán vào những tháng cuối năm 2021, đầu năm 2022. Tuy nhiên, mức độ sẽ không bùng phát như những thời điểm trước, mà có thể sẽ chậm hơn, khôi phục một cách bền vững hơn.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy khẳng định, dù thực hiện theo Luật Đất đai hay theo cơ chế thí điểm của Nghị quyết về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất, tất cả các dự án đó đều phải tuân thủ quy hoạch, bảo đảm việc giữ ổn định 3,5 triệu ha đất lúa, bảo đảm độ che phủ rừng...
Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản sẽ hiệu lực từ ngày 1/8, sớm 5 tháng so với thời điểm đã được Quốc hội quyết định trước đó (1/1/2025), sẽ giúp khơi thông nguồn lực đất đai, tạo điều kiện cho nền kinh tế đất nước phát triển và đảm bảo các chính sách an sinh xã hội cho người dân.