Trong 11 tháng qua, lĩnh vực kinh doanh bất động sản ở Việt Nam đứng thứ 3 về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với 19 dự án đầu tư mới và 7 dự án tăng vốn, tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 1,81 tỷ USD. Con số này chắc sẽ còn tăng hơn nữa khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) chính thức có hiệu lực. Có thể nói, thị trường bất động sản đang hút vốn FDI mạnh hơn bao giờ hết.
Những yếu tố kích cầu
Thị trường bất động sản đang hút mạnh vốn FDI.
Tại hội thảo “Bức tranh toàn cảnh thị trường bất động sản Việt Nam” được tổ chức ngày 30/11 vừa qua, bà Lê Hoàng Lan Như Ngọc, Phòng Nghiên cứu và Tư vấn - Công ty TNHH CBRE (Việt Nam) phân tích, đang có nhiều yếu tố kích cầu bất động sản như: Lãi suất cho vay giảm, hỗ trợ vay mua nhà với thời hạn vay tối đa là 25 năm; Cơ cấu dân số trẻ của Việt Nam tạo nên nguồn cầu lớn về nhà ở, tỷ lệ kết hôn và ly hôn đều cao cũng là yếu tố tạo điều kiện kích cầu thị trường; Thu nhập hộ gia đình hàng tháng cũng đang tăng trưởng vượt mức, nếu như năm 2010 tỷ lệ thu nhập 15 triệu đồng/tháng mới chiếm 2% thì con số này đã tăng lên 8% trong năm 2013; Sự thay đổi loại hình căn hộ với việc xuất hiện nhiều hơn các căn hộ nhỏ, vừa túi tiền (tỷ lệ căn hộ 1-2 phòng ngủ ở TP. Hồ Chí Minh trước 2012 và sau 2012 là 38% và 57% ở phân khúc hạng sang, cao cấp và 66%, 72% ở phân khúc trung cấp và bình dân); Tỷ suất lợi nhuận cho thuê căn hộ cao, hấp dẫn nhà đầu tư bất động sản (trung bình, tỷ suất lợi nhuận gộp cho thuê ở căn hộ cao cấp tại quận 7 và quận 2 năm 2012 lần lượt là 7,4% và 7,8% thì sang quý 2/2015 đã tăng lên 7,8% và 8,05%), khi so sánh với một số thành phố của các quốc gia trong khu vực, TP.Hồ Chí Minh đang có tỷ suất lợi nhuận gộp cho thuê cao gần nhất, đứng sau Phnompenh (10%).
Về cơ sở hạ tầng, đại diện CBRE nhấn mạnh, những tuyến đường huyết mạch mới chạy xuyên suốt thành phố, đặc biệt tại Sài Gòn và Hà Nội, đã kéo theo sự tăng trưởng đột biến về cung và cầu bất động sản tại khu vực này.
Tại TP.Hồ Chí Minh, hàng loạt dự án bất động sản chạy dọc tuyến Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên dài 19,7km (đi qua các quận Bình Thạnh, Thủ Đức, quận 1, 2, 9) đang được đẩy nhanh tiến độ xây dựng. Các dự án chính có thể kể đến là khu phức hợp Thảo Điền Pearl, dự án The Ascent hay SSG Tower và Vinhomes Central Park. CBRE tin rằng trong tương lai, khi tuyến tàu này đi vào hoạt động, giá đất của khu vực cách ga tàu điện trong vòng mười phút đi bộ có thể tăng 10 - 20% so với các khu vực khác.
Tại Hà Nội, hai tuyến đường sắt đô thị cũng đang thi công với hai nhánh chính: Cát Linh - Hà Đông (13,5km với 12 ga trên cao) và Nhổn - Ga Hà Nội (12,5km với 4 ga ngầm và 8 ga trên cao). Điều này cũng mang lại những ảnh hưởng tích cực cho thị trường bất động sản.
Tuy nhiên, bên cạnh đó còn có mối lo về tắc đường, ngập lụt...nhưng chính tình trạng này chúng ta mới đo được nhu cầu thực sự của thị trường. Mật độ dân số cao tập trung ở các thành phố lớn cho thấy tiềm năng thị trường còn rất nhiều và cần được đáp ứng.
Sôi động làn sóng đầu tư nước ngoài
Trong thời gian qua, các quỹ đầu tư và công ty nước ngoài cũng đang mạnh tay đổ vốn vào thị trường bất động sản thông qua các hình thức mua bán dự án, đầu tư góp vốn khiến thị trường thêm sôi động.
Theo thống kê, từ ngày 1/7/2015, đã có hơn 400 giao dịch của người nước ngoài và yêu cầu mua từ người nước ngoài cũng tăng 30%. Số lượng căn hộ bán tại Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh trong thời gian từ tháng 1 đến tháng 9 năm 2015 lần lượt chạm mốc 15.000 và 23.500 căn hộ, vượt cả con số đã đạt được vào những năm thị trường nở rộ 2009 và 2010.
Thị trường trong nước cũng chứng kiến lượng giao dịch tăng kỷ lục. Đơn cử như tại TP. Hồ Chí Minh, vào quý 3/2015, số căn chào bán mới là 10.114 căn hộ, tăng 200% so với cùng kỳ năm ngoái, số căn tiêu thụ được là 7.862 căn hộ, tăng 88%, giá chào bán trung bình tăng 2,5%.
Tuy nhiên, trong vòng 4 năm qua, đã có sự chuyển dịch mạnh mẽ giữa các phân khúc của căn hộ. Cùng với sự giảm xuống rõ nét của tỷ trọng phân khúc bình dân (từ 46% năm 2012 xuống 26% 9 tháng đầu năm 2015 tại TP. Hồ Chí Minh và từ 84% xuống 28% tại Hà Nội) là sự tăng lên mạnh mẽ của phân khúc cao cấp (từ 16% lên 36% tại TP. Hồ Chí Minh và 4% lên 29% tại Hà Nội, trong cùng giai đoạn), lý do là có nhiều dự án cao cấp được chào bán từ đầu năm đến nay. Phân khúc trung cấp và hạng sang thay đổi nhẹ.
Theo đại diện của một doanh nghiệp, với sự phục hồi của các nền kinh tế lớn trên thế giới cũng như nền kinh tế Việt Nam, và sự hỗ trợ của các chính sách vĩ mô và pháp luật liên quan tới ngành bất động sản thì thị trường ghi nhận sự tăng lên đáng kể về thanh khoản cũng như sự giảm mạnh về hàng tồn kho, giúp các đơn vị phân phối và doanh nghiệp địa ốc đạt kết quả kinh doanh khả quan. Cùng với làn sóng đầu tư từ nước ngoài sẽ khiến thị trường thêm sôi động.
Minh Tuấn - Thái An
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy khẳng định, dù thực hiện theo Luật Đất đai hay theo cơ chế thí điểm của Nghị quyết về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất, tất cả các dự án đó đều phải tuân thủ quy hoạch, bảo đảm việc giữ ổn định 3,5 triệu ha đất lúa, bảo đảm độ che phủ rừng...
Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản sẽ hiệu lực từ ngày 1/8, sớm 5 tháng so với thời điểm đã được Quốc hội quyết định trước đó (1/1/2025), sẽ giúp khơi thông nguồn lực đất đai, tạo điều kiện cho nền kinh tế đất nước phát triển và đảm bảo các chính sách an sinh xã hội cho người dân.