Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 27 tháng 12 năm 2019 | 14:0

Bí quyết sống khỏe ở “xã trường thọ”

Từ lâu, Chuyên Ngoại (Duy Tiên - Hà Nam) được mệnh danh là “xã trường thọ”. Ở nơi đây có nhiều cụ ông, cụ bà sống tới trăm tuổi. Điều đặc biệt, dù tuổi đã cao nhưng các cụ vẫn mạnh khỏe, dẻo dai, minh mẫn...

tr9.jpg
Cụ Nguyễn Văn Thuần và cụ Nguyễn Thị Huệ năm nay đã hơn 100 tuổi nhưng vẫn rất khỏe mạnh.

 

Tình bạn ở tuổi... 100

Trong tiết trời se lạnh của buổi cuối chiều đầu đông, chúng tôi có mặt tại xã Chuyên Ngoại, bắt gặp một cụ bà tóc bạc phơ đang vịn tay vào bờ tường để sang nhà hàng xóm. Thấy chúng tôi cúi chào, cụ ngừng bước, chăm chú nhìn khách lạ bằng đôi mắt vẫn sáng và cất lời hỏi han  bằng những câu trò chuyện rất minh mẫn, mạch lạc. Cụ cho biết tên là Đào Thị Thuận ở thôn Từ Đài (sinh năm 1914), năm nay  105 tuổi. Chồng cụ và con trai đã mất, các cháu thì đi làm xa, nên cụ ở một mình trong ngôi nhà nhỏ này.

“Cứ cơm nước chiều xong là tôi sang nhà bà Nghi hàng xóm nói chuyện cho đỡ buồn. Bà Nghi cũng già rồi, loanh quanh mấy cụ già chơi với nhau, ngày nào cũng đi sang nhà nhau”, cụ Thuận nói.

Trên 100 tuổi nhưng cụ Thuận sống một mình, khuôn mặt và đôi mắt của cụ vẫn hiện lên nét tinh anh và vẻ đôn hậu của bậc cao niên.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Giang Nam (sinh năm 1964), cháu trai của cụ Thuận, cho biết, thời trẻ cụ bà rất siêng năng lao động. Việc ăn uống, sinh hoạt đều do một tay cụ lo liệu. Khi cụ ông mất, cụ bà vẫn ở vậy, chăm lo, nuôi dưỡng chu đáo cho các con, các cháu.

“Thì con cá dưới sông, con gà trong vườn, cứ chăm rồi con cháu, hàng xóm  bắt giúp. Lúa thì giờ không ra cấy gặt được, tôi thuê người. Rau thì vẫn tự trồng, có sẵn trong vườn. Gắn bó quá nửa đời người với đồng áng nên cụ đã quen với sương gió, hiếm khi có bệnh tật. Cụ sống đơn giản, chan hòa với tất cả mọi người. Không nặng nề lo toan suy nghĩ nên đời sống của cụ rất thanh thản. Cụ là người sống nội tâm, giàu tình cảm nên cuộc đời của cụ từ khi sinh ra đến nay chưa hề biết giận hờn hay oán trách ai điều gì”, ông Nam bày tỏ.

 

tr9a.jpg

Đôi bạn già cụ Đào Thị Thuận (bên trái) và cụ Lương Thị Nghi.

 

Ngồi dựa hiên nhà, cụ bà Lương Thị Nghi (gần 90 tuổi, ở thôn Từ Đài) cười nói: “Con cái lớn ở riêng, tôi sống với cháu nội. Thời còn sức khỏe thì ra đồng cấy cày cùng mọi người; về già thì trồng rau nơi vườn nhà, rồi sang chơi nhà các cụ hàng xóm hoặc chờ đón các cụ sang cùng uống chén nước, trò chuyện tuổi già. Con cháu có công việc và niềm vui của con cháu, chúng tôi có công việc và niềm vui của chúng tôi, không lụy phiền gì đến nhau cả”.

“Tâm nhẹ nhàng, sức khỏe cũng tốt theo”

Điều rất dễ nhận ra là, hầu hết các cụ sống trường thọ ở đây đều có tính hài hước, yêu đời. Với cách nói chuyện hóm hỉnh, cụ ông Phạm Văn Thái (sinh năm 1927), ở xóm 1, thôn Từ Đài nói: “Lúc xưa chúng tôi ăn lúa mùa với rau sạch. Còn bây giờ ô nhiễm môi trường, không khí không còn trong lành. Thực phẩm như thịt lợn thì nhiễm nhiều bệnh, đồ ăn thức uống chứa quá nhiều hóa chất, rau thì hàm lượng thuốc sâu nhiều... Vì vậy, con người không bệnh tật sao được?”.

 

Cụ bà Lê Thị Chuyên ( sinh năm 1929), vợ cụ ông Phạm Văn Thái tiếp lời: “ Hằng ngày tôi vẫn giữ thói quen ăn uống điều độ, chịu khó vận động. Thú vui của tôi là lúc rảnh rỗi thì trồng các loại cây xanh, rau, quả để vừa có thực phẩm sạch, vừa đỡ tốn tiền mua. Ngoài ra, tôi sống thảnh thơi, vô lo vô nghĩ nên tâm nhẹ nhàng, sức khỏe cũng tốt theo”.

Cặp vợ chồng cụ bà Nguyễn Thị Huệ và cụ ông Nguyễn Văn Thuần ở thôn Yên Mỹ đều hơn trăm tuổi nhưng cả hai vẫn giữ nếp đi bộ tập thể dục khoảng 2 - 3km mỗi sáng. Cụ Thuần cho biết, ở làng này, nhiều cụ thọ 100 tuổi, thậm chí hơn 100 tuổi nhưng cơ bản chỉ còn mỗi cụ bà. Chỉ duy nhất gia đình cụ hiện tại còn cả cụ bà và cụ ông.

“Trước đây, ngày nào tôi với bà nhà tôi cũng đi tập thể dục vài cây số nhưng giờ yếu rồi, buổi sáng hàng ngày chỉ đi bộ ít thôi. Thời còn trẻ, hôm nào thời tiết nóng nực, tôi cũng ra tắm sông ùm ùm, lặn sâu đến vài ba mét. Giờ con cháu thấy có tuổi nên không cho đi nữa, chứ tôi cũng nhớ lắm”, cụ Thuần tự hào khoe.

Do hai cụ có một người con trai mất sớm, nên hiện hai cụ sống với người cháu họ là ông Nguyễn Xuân Đô (70 tuổi). Ông Đô cho biết, các con ông lớn và đã xây dựng gia đình, giờ ông cũng đã có cháu nội, cháu ngoại. Hàng ngày, ông trông các cháu và chăm sóc vợ chồng cô chú Thuần.

“Ăn uống của vợ chồng cô chú Thuần cũng rất đơn giản, sáng ăn nhẹ, còn bữa trưa và tối cô chú cũng chỉ ăn 1 lưng cơm. Cô chú sáng đi thể dục về, nếu không đi sang nhà hàng xóm chơi thì ở nhà uống trà, chơi với con cháu. Cô chú vẫn mạnh khỏe, minh mẫn, tự chăm sóc bản thân, không bệnh tật gì”, ông Đô cho biết.

Bí quyết trường thọ

Chia sẻ về kinh nghiệm sống thọ, không bệnh tật, cụ Thuần cho biết, cụ sống khoa học, không rượu bia, hút thuốc, hàng ngày có tập thể dục và luôn giữ cho mình tâm trạng vui vẻ, nhẹ nhõm nhất có thể cùng với đó là sống trong môi trường nhiều cây xanh.

“Chắc là lối sống giản dị, lạc quan, sống đậm đà tình cảm của con người nơi đây; rồi đất đai màu mỡ, vườn tược trù phú, người dân gắn bó với nghề nông là chính, thường xuyên lao động chân tay nên sức khỏe vô cùng dẻo dai”, cụ Thuần lý giải.

 

tr9b.jpg
Cụ ông Phạm Văn Thái (sinh năm 1927) và cụ bà Lê Thị Chuyên (sinh năm 1929) tuy tuổi đã cao nhưng vẫn còn rất minh mẫn và khỏe mạnh.

 

Còn bà cụ Nghi cho biết, từ lúc còn trẻ đã hay cười, tính tình vui vẻ, ít giận ai được lâu. Cuộc sống của cụ bình an, làng quê không khí trong lành nên dù chẳng được ăn cao lương mỹ vị bao giờ, cụ vẫn thấy khỏe mạnh, minh mẫn. “Cũng có thể do di truyền nữa, làng cũng nhiều người cao tuổi mà. Tôi chưa thấy ai về nghiên cứu  vì sao làng có nhiều người cao tuổi”, bà cụ Nghi cho hay.

Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Văn Sơn, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã Chuyên Ngoại, chia sẻ: “Xã có gần 9.000 nhân khẩu thì tổng số hội viên Hội Người cao tuổi là 1.644 người, tính trung bình các cụ tuổi 80 - 100 tuổi có 559 cụ, tròn 100 tuổi có 9 cụ, trên 100 tuổi có 4 cụ. Đã nhiều năm nay, Chuyên Mỹ vẫn thường được nhiều người nhắc đến là “xã trường thọ”, bởi ở đây có nhiều cụ sống  hơn 100 tuổi vẫn khỏe mạnh. Bí quyết thì tôi chả thấy gì, các cụ ăn uống cũng rất đơn giản, hầu hết là tự cung tự cấp. Xưa nay người dân ở xã sống dựa vào công việc lao động thuần nông là chính. Họ bao giờ cũng lấy lao động là niềm vui, cần cù, chịu khó tăng gia sản xuất nên có một nền tảng sức khỏe dẻo dai. Chính vì vậy mà mọi người sống không vướng bận lo âu, lạc quan, yêu đời, tuổi thọ cũng vì thế mà được kéo dài hơn”.

Người dân xã Chuyên Ngoại sống chan hòa, gần gũi với thiên nhiên. Với cấu trúc vườn nhà truyền thống đậm bản sắc làng quê Việt Nam, nơi đây tựa như “thiên đường” nghỉ ngơi giữa chốn phồn hoa đô thị. Ngoài ra, Hội Người cao tuổi ở xã Chuyên Ngoại luôn đi đầu trong các hoạt động sinh hoạt văn nghệ, lập ra nhiều câu lạc bộ là nơi để các cụ gặp gỡ, tâm sự, chia sẻ ngọt bùi...

Dòng sông Hồng êm ả, ngày đêm vẫn chở nặng phù sa, bồi đắp cho vùng đất này hoa thơm và quả ngọt. Cuộc sống của những người già lặng lẽ bên những khóm tre, vườn rau, ao cá cứ thế trôi theo thời gian. Những tình cảm chứa chan của bà con lối xóm, lòng hiếu thảo, tận tình của con cháu... Phải chăng, tất cả những điều bình dị ấy chính là “bí quyết” để người dân nơi đây sống lâu, sống khỏe, sống minh mẫn?

    

 

 

Trần Toản
Ý kiến bạn đọc
  • Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hàng ngàn người đổ về thị trấn Sông Đốc (Trần Văn Thời - Cà Mau) để xem cuộc đua vỏ lãi kỳ thú. Thị trấn ven biển này cũng là nơi 70 năm trước diễn ra sự kiện tập kết ra Bắc lịch sử.

  • Dòng chảy tri thức - Hành trình tri thức không thể thiếu vắng hình bóng “Người lái đò”

    Dòng chảy tri thức - Hành trình tri thức không thể thiếu vắng hình bóng “Người lái đò”

    Hòa cùng không khí cả nước, chào mừng 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/1982 - 20/11/2024, tri ân sự đóng góp, hy sinh của thầy, cô giáo - những “Người lái đò” thầm lặng, đưa nhiều thế hệ học trò đến với bến bờ tri thức.

  • Thắp sáng ước mơ cho các em học sinh Làng Nủ

    Thắp sáng ước mơ cho các em học sinh Làng Nủ

    Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.

Top