Mấy tháng qua, rừng phòng hộ thuộc hồ chứa nước Vạn Định (xã Mỹ Lộc, huyện Phù Mỹ, Bình Định) bị tàn phá nghiêm trọng. Điều đáng nói là, hiện tượng này diễn ra công khai, kéo dài; thế nhưng, chính quyền địa phương không có biện pháp ngăn chặn, khiến dư luận bất bình.
Đua nhau phá rừng
Dù đã có lệnh cấm chặt cây, phá rừng, làm rẫy nhưng rừng phòng hộ Vạn Định vẫn bị “xẻ thịt” không thương tiếc.
Sau khi dư luận phản ánh, chúng tôi về thôn Vạn Định, xã Mỹ Lộc để tìm hiểu thông tin việc rừng, đất rừng thuộc khu vực đầu nguồn hồ Vạn Định đang bị nhiều người dân chặt phá, lấn chiếm, xâm hại nghiêm trọng. Từ Quốc lộ 1, dọc theo tuyến đường liên thôn dẫn về hồ Vạn Định, chỉ bằng mắt thường chúng tôi cũng thấy hàng chục khoảnh rừng tự nhiên nằm xung quanh khu vực lòng hồ bị đốn hạ công khai, tạo nên những mảng rừng trống nham nhở.
Tiếp tục vào sâu khu vực đầu nguồn hồ Vạn Định - khu vực phía Tây - chúng tôi thấy nhiều vạt rừng rộng hàng ngàn mét vuông đã bị đốn hạ không thương tiếc. Đi sang khu vực phía Tây Bắc và Tây Nam lòng hồ, chúng tôi tiếp tục chứng kiến thêm hàng ngàn mét vuông rừng tự nhiên khác cũng bị người dân chặt phát trắng, đến nay, diện tích này đã được dọn thực bì, trồng keo lai. Thời điểm bắt đầu việc chặt phá rừng phòng hộ đã diễn ra khá lâu bởi nay cây trồng đã lên xanh.
Ông N.H.C., cán bộ quản lý hồ Vạn Định, cho biết: “Tình trạng người dân chặt, đốn rừng và lấn chiếm đất lâm nghiệp xuất hiện từ đầu tháng 11/2015 đến nay. Mỗi ngày có khoảng 20 - 30 người ở thôn Vạn Định mang theo dụng cụ vào rừng chặt phá, khai thác củi để bán và đốt thực bì để trồng rừng kinh tế một cách công khai. Tôi thấy cả vùng rừng tự nhiên rộng lớn trở nên tan hoang, trơ trụi mà đắng lòng. Địa phương biết chuyện này đó, nhưng họ ngó lơ để mặc ai nấy phá thôi”.
Theo tìm hiểu, hàng trăm hecta rừng phòng hộ đầu nguồn Vạn Định là nơi giữ nguồn nước, cung cấp nước sinh hoạt, nước tưới cho hàng ngàn hộ dân ở địa phương và khoảng 100ha đất nông nghiệp. Nếu tình trạng phá rừng không được ngăn chặn kịp thời thì chẳng bao lâu nữa những cánh rừng nơi đây chỉ còn lại những mảng đồi trọc, trơ trụi đá.
Chủ tịch xã né trách nhiệm?
Để rõ hơn về vấn đề này, chúng tôi tìm gặp Chủ tịch UBND xã Mỹ Lộc, ông Phan Văn Nhanh. Tuy nhiên, khi trao đổi về vụ việc này, ông Nhanh tỏ vẻ khó chịu và thiếu trách nhiệm. Ông Nhanh nói: “Chủ tịch thì đâu phải chuyện gì cũng ôm. Bây giờ sổ sách, số liệu liên quan về chuyện này cán bộ chuyên môn nắm… Với lại, diện tích rừng bị phá luôn biến động, nên thời điểm khác tôi trả lời, anh thông cảm”.
Để xác thực nguồn tin trên, chúng tôi tiếp tục gặp ông Lê Văn Phi, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Phù Mỹ. Ông Phi cho biết: “Chuyện người dân thôn Vạn Định đổ xô chặt phá rừng phòng hộ, lấn chiếm đất lâm nghiệp trong khu vực lòng hồ Vạn Định là có thật. Qua kiểm tra, đo đạc, chúng tôi xác định bước đầu có 18ha rừng phòng hộ bị chặt phá và đất lâm nghiệp thuộc tiểu khu 131 đã bị lấn chiếm trái phép. Trong đó, có 11,25 ha rừng phòng hộ trạng thái IIA do Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Phù Mỹ và 6,75ha đất lâm nghiệp do UBND xã Mỹ Lộc quản lý”.
Ông Phi cho biết: “Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Phù Mỹ và UBND xã Mỹ Lộc chưa theo dõi, quản lý chặt chẽ diện tích rừng và đất lâm nghiệp được ngành chức năng phân cấp quản lý. Hơn nữa, khi phát hiện tình trạng người dân vào rừng chặt phá, trồng rừng kinh tế, 2 đơn vị này lại phản ứng quá chậm; thậm chí, không có động thái ngăn chặn, khiến cho tình hình phá rừng thêm diễn biến phức tạp”.
Đề cập hướng xử lý, ông Hà Ngọc Tân, Phó chủ tịch UBND huyện Phù Mỹ, nhấn mạnh: “Huyện đã chỉ đạo Ban quản lý rừng phòng hộ huyện và UBND xã Mỹ Lộc khẩn trương lập kế hoạch, lên phương án nhổ bỏ toàn bộ cây trồng (chủ yếu là cây keo lai) trồng trái phép trên diện tích đất lấn chiếm. Đồng thời, tiến hành xác minh, điều tra, làm rõ các đối tượng tham gia phá rừng để xử lý theo quy định của pháp luật”.
Có thể thấy, để xảy ra thực trạng người dân phá rừng phòng hộ hồ Vạn Định có phần buông lỏng quản lý từ Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Phù Mỹ và UBND xã Mỹ Lộc. Đáng trách hơn, chuyện người dân địa phương ào ạt chặt phá rừng tự nhiên, công khai lấn chiếm đất, song Chủ tịch UBND xã Mỹ Lộc lại chối bỏ trách nhiệm, chưa có ý kiến chỉ đạo sâu sát để huy động lực lượng ngăn chặn, xử lý là không chấp nhận được. Mong rằng, UBND Phù Mỹ sớm có biện pháp chỉ đạo xử lý dứt điểm vấn đề này; đồng thời quy trách nhiệm cụ thể đối với các cá nhân thiếu trách nhiệm để xảy ra vụ phá rừng trên.
Rừng phòng hộ thuộc hồ chứa nước Vạn Định bị chặt phá trái phép chỉ cách trụ sở UBND xã Mỹ Lộc khoảng 2km. Điều đáng nói là, chính quyền địa phương lại không hề hay biết. Đến khi dư luận địa phương lên tiếng, lãnh đạo xã Mỹ Lộc mới vào cuộc thì sự việc “rơi vào thế đã rồi”. Tắc trách hơn, đối tượng tham gia phá rừng chủ yếu là người dân thôn Vạn Định; thế nhưng, UBND xã Mỹ Lộc chưa xác định được đối tượng vi phạm. Dư luận đặt câu hỏi: “Phải chăng ngành chức năng ở địa phương chưa làm tròn trách nhiệm và có dấu hiệu bao che, tiếp tay cho “lâm tặc” phá rừng?”. |
Phú Mỹ
Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.
Thời gian qua, tỉnh Nghệ An triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, cơ chế, chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nâng cao ý thức tự lực, tự cường vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo nên diện mạo mới cho nông thôn miền núi xứ Nghệ.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.