Nghị quyết số 07/2010/NQ-HĐND tỉnh Bình Dương khoá VI về chính sách hỗ trợ di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường nằm trong khu dân cư. Sau 10 năm thực hiện quyết sách này đã phát huy những kết quả ban đầu.....
Di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường ra khỏi đô thị là phù hợp và cần thiết
Tỉnh Bình Dương được biết đến là một trong những tỉnh, thành phát triển mạnh về công nghiệp trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Trước đây, vấn đề quy hoạch ngành nghề, địa điểm đầu tư chưa được chú trọng, đã dẫn đến tình trạng các cơ sở sản xuất nằm đan xen trong các khu dân cư, đô thị gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị.
Trước vấn đề này, ngày 16/4/2010, HĐND tỉnh khoá VI đã ban hành Nghị quyết số 07/2010/NQ-HĐND7 về chính sách hỗ trợ di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường nằm trong khu dân cư, đô thị trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Trong thời gian 5 năm thực hiện, đã hoàn thành việc di dời nhiều cơ sở sản xuất nằm trong danh sách di dời, chấm dứt hoạt động hoặc chuyển đổi ngành nghề sản xuất theo quy định.
Cũng trong giai đoạn này, số lượng các cơ sở sản xuất phải di dời chủ yếu là các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường, ngành nghề có mức độ ô nhiễm cao như: Sản xuất sắt thép phế liệu, cơ khí, hóa chất, xi mạ... nằm trên địa bàn thị xã Dĩ An, Thuận An và thành phố Thủ Dầu Một.
Theo số liệu thống kê, riêng khu vực phía Nam của tỉnh hiện có khoảng 1.400 cơ sở sản xuất nằm ngoài khu, cụm công nghiệp. Cụ thể, thành phố Thủ Dầu Một: 125 cơ sở, thị xã Dĩ An: 329 cơ sở, thị xã Thuận An: 381 cơ sở, thị xã Bến Cát: 218 cơ sở, thị xã Tân Uyên: 347 cơ sở; trong đó có khoảng 50% cơ sở sản xuất nằm tiếp giáp với các khu đô thị. Việc tồn tại các cơ sở sản xuất tiếp giáp với khu dân cư, đô thị ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị, mặt khác ảnh hưởng rất lớn đến quỹ đất cho quy hoạch khu dân cư, đô thị và dịch vụ ở địa phương với tốc độ đô thị hóa diễn ra rất nhanh trong thời gian qua của tỉnh Bình Dương.
Trước đó, trả lời báo Bình Dương, theo ông Nguyễn Hồng Nguyên, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Bình Dương nhận định đến nay, Nghị quyết số 07/2010/NQ-HĐND7 đã hết hiệu lực. Tuy nhiên, với thực trạng về ô nhiễm môi trường, mục tiêu quy hoạch và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Dương ngày càng bức thiết, trong khi Trung ương chưa có chính sách hỗ trợ di dời đối với các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm ra khỏi khu đô thị, do đó, việc xây dựng chính sách hỗ trợ di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường ra khỏi đô thị trên địa bàn tỉnh Bình Dương là phù hợp và rất cần thiết.
UBND tỉnh đã kiến nghị HĐND tỉnh xây dựng Nghị quyết về "Chính sách hỗ trợ di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường ra khỏi đô thị trên địa bàn tỉnh Bình Dương" nhằm cụ thể hóa việc tổ chức thực hiện các đồ án quy hoạch xây dựng đã được cấp thẩm quyền phê duyệt, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng đất; chỉnh trang đô thị hướng tới mục tiêu đưa tỉnh Bình Dương trở thành nơi có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại. Từng bước di dời các cơ sở sản xuất có ngành nghề hạn chế đầu tư, nguy cơ ô nhiễm cao, nằm trong danh mục các vùng, địa điểm có nguy cơ xảy ra ô nhiễm môi trường, sự cố môi trường; giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường của các cơ sở sản xuất nằm trong vùng dân cư, đô thị không còn phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch đô thị tại địa phương, của tỉnh.
“Dám nghĩ, dám làm” doanh nghiệp đồng hành cùng Nhà nước trong quá trình phát triển đô thị
Trong một thời gian dài các nhà máy, xí nghiệp sản xuất được hình thành và phát triển tự phát, được xây dựng đan xen với các khu dân cư hiện hữu. Việc hình thành các nhà máy, xí nghiệp kiểu này có một số thuận lợi nhất định vào thời điểm tạo lập. Theo thời gian, các nhà máy sản xuất nằm lọt trong khu dân cư đã và đang bộc lộ những nhược điểm, thậm chí còn trở thành chướng ngại vật trên đà phát triển đô thị. Tuy nhiên việc di dời đòi hỏi có những chính sách hỗ trợ và nguồn kinh phí.
Liên quan vấn đề này, trước đó, thông tin đến báo giới, ông Nguyễn Hồng Nguyên, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, dự kiến, tổng kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường ra khỏi đô thị trên địa bàn tỉnh Bình Dương trong thời gian tới khoảng 281 tỷ đồng phân kỳ đến hết thời hạn di dời theo quyết định của UBND tỉnh.
Nắm bắt được tâm tư của chính quyền địa phương, có nguồn lực nội tại đủ mạnh, Công ty TNHH Bất động sản Phú Hồng Thịnh, đã mạnh dạn xin chủ trương mua lại các nhà máy xí nghiệp kiểu này, đầu tư cải tạo lại hạ tầng cơ sở để biến những “vùng đất khốn khổ” thành khu đất xanh bằng những dự án khu dân cư kiểu mới.
Đại diện Công ty TNHH Bất động sản Phú Hồng Thịnh cho biết: “ Việc đầu tư dự án bằng cách mua lại các công ty cũ kiểu này là một thách thức lớn cho doanh nghiệp chúng tôi bởi lẽ nguồn vốn phải bỏ ra khá cao. Hơn nữa, cũng chưa từng có tiền lệ về kiểu đầu tư này để chúng tôi có thể nhìn nhận đánh giá rút kinh nghiệm. Nhưng với mong muốn vừa gỡ rối cho doanh nghiệp bạn, vừa góp phần vào việc cải tạo chỉnh trang bộ mặt đô thị nên chúng tôi mới mạnh dạn bắt tay đầu tư. Tất cả quỹ đất cho các dự án của Phú Hồng Thịnh đều là đất được công ty chúng tôi mua lại hợp pháp, được cấp GCN QSDĐ và tài sản trên đất trước khi tiến hành làm các dự án khu dân cư. Hơn nữa, khi triển khai thực hiện dự án chúng tôi tuân thủ quy định của pháp luật, đảm bảo chặt chẽ pháp lý và tuyệt đối không có tình trạng khiếu nại hay tố cáo nào từ người dân đã mua sản phẩm ở các dự án của chúng tôi”.
Đối với các khu đất di dời nhà xưởng mà doanh nghiệp mua lại không thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất theo quy định tại Điều 62 Luật đất đai 2013. Ngoài ra, các khu đất trước khi dời nhà xưởng được UBND tỉnh Bình Dương quy hoạch đất ở tại đô thị.
Có thể nói, nhờ chủ trương đúng đắn của UBND tỉnh Bình Dương trong việc di dời cơ sở sản xuất ra khỏi khu dân cư và việc doanh nghiệp đến đầu tư xây dựng khu dân cư đã tạo nên một đô thị Bình Dương văn minh, hiện đại. Sau khi có sự mạnh dạn đầu tư của Công ty TNHH Bất động sản Phú Hồng Thịnh, không khó để nhận thấy sự thay da đổi thịt trên vùng đất các dự án của công ty triển khai.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy khẳng định, dù thực hiện theo Luật Đất đai hay theo cơ chế thí điểm của Nghị quyết về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất, tất cả các dự án đó đều phải tuân thủ quy hoạch, bảo đảm việc giữ ổn định 3,5 triệu ha đất lúa, bảo đảm độ che phủ rừng...
Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản sẽ hiệu lực từ ngày 1/8, sớm 5 tháng so với thời điểm đã được Quốc hội quyết định trước đó (1/1/2025), sẽ giúp khơi thông nguồn lực đất đai, tạo điều kiện cho nền kinh tế đất nước phát triển và đảm bảo các chính sách an sinh xã hội cho người dân.