Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 10 tháng 3 năm 2017 | 2:33

Bình Liêu: Hiện thực hóa Chỉ thị 27

Bám sát nội dung Chỉ thị 27-CT/TW của Bộ Chính trị khóa VIII về việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội, Đảng bộ, chính quyền huyện Bình Liêu (Quảng Ninh) đã có nhiều việc làm thiết thực nhằm xóa bỏ các tập tục lạc hậu, xây dựng nếp sống mới, đẩy mạnh phong trào xây dựng gia đình văn hóa, khu phố văn hóa.

Đời sống văn hóa, tinh thần của người dân Bình Liêu ngày càng được cải thiện.

Bình Liêu là huyện miền núi, vùng cao biên giới với trên 96% dân số là người dân tộc thiểu số, do trình độ dân trí hạn chế nên nhiều tập tục lạc hậu, nhất là trong việc cưới, việc tang với nhiều nghi thức tiến hành rườm rà, phức tạp vẫn tồn tại, gây tốn kém cả về tiền bạc và thời gian. Trước thực trạng trên, thực hiện Chỉ thị 27-CT/TW, ngày 12/1/1998 của Bộ Chính trị khóa VIII về việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội, huyện Bình Liêu đã tích cực triển khai tinh thần, nội dung của chỉ thị đến các cơ quan, đơn vị, các xã, thôn, bản và người dân.

Bằng nhiều việc làm thiết thực, hiệu quả, nhất là triển khai tốt công tác tuyên truyền, nhận thức của nhân dân đã có chuyển biến rõ rệt, dần hình thành những phong tục tập quán mới, cải tạo, loại bỏ những tập quán lạc hậu.

Theo đó, đối với việc tang, kết quả lớn nhất trong thực hiện Chỉ thị 27 những năm qua là, 100% xã, thị trấn có quy định cụ thể chi tiết trong việc tang. Nhân dân trong huyện đã có ý thức chấp hành các quy ước của thôn, bản, khu phố và quy định của pháp luật về báo tử, đồng thời tang lễ vẫn được tổ chức trang nghiêm chu đáo, thể hiện tình cảm thương tiếc của những người đang sống đối với người đã khuất. Hầu hết các đám tang đều thực hiện đúng theo những quy định về giữ gìn vệ sinh trong việc quàn thi hài theo Thông tư số 29/BYT-TT của Bộ Y tế, không có đám tang nào để thi hài quá 30 giờ trong nhà, không có tình trạng ăn uống linh đình trong đám tang. Các xã, thị trấn đều có quy định cụ thể về thời gian tổ chức tang lễ, thời gian kèn trống gây ồn ào ảnh hưởng tới sinh hoạt của hàng xóm.

Những bản sắc văn hóa đẹp được gìn giữ.

Chị Chíu Tài Múi ở thôn Sam Quang (xã Đồng Tâm) chia sẻ: “Trước đây, bà con trong thôn thường tổ chức đám tang, đám cưới linh đình mấy ngày liền làm tốn kém thời gian và tiền của. Nhưng mấy năm nay, được cán bộ tuyên truyền, bà con không làm như vậy nữa, đời sống ngày càng tiến bộ, đổi mới”. 

Bên cạnh những chuyển biến trong việc tang, nhiều tập tục rườm rà trong hôn nhân cũng đang dần được thay thế. Một số vùng đồng bào người Tày, Dao, Sán Chỉ đã bỏ hẳn việc thách cưới, không tổ chức ăn uống dài ngày. Nếu như trước đây tại các bản vùng cao thuộc các xã Húc Động, Đồng Văn, Hoành Mô, Đồng Tâm, trong phong tục cưới xin từ khi ăn hỏi đến khi cưới, nhà trai phải sắm đủ lễ vật trị giá hàng chục triệu đồng thì nay, việc thách cưới cơ bản không còn, việc sắm lễ vật được tối giản chỉ còn mang tính tượng trưng. Các đám cưới đều tổ chức trang trọng, vui tươi, lành mạnh, gọn nhẹ, tiết kiệm, phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc, địa phương và hoàn cảnh của gia đình.

Với lễ hội, đến nay, việc tổ chức hầu hết các lễ hội trên địa bàn đã và đang đi vào nề nếp. Trong đó, 100% các đơn vị có lễ hội đã xây dựng kế hoạch tổ chức và thực hiện các quy định về nếp sống văn minh trong lễ hội. Đáng chú ý là, không để xảy ra các hiện tượng mê tín dị đoan, bói toán, các trò chơi đánh bạc trá hình; hiệu lực và hiệu quả quản lý Nhà nước về lễ hội có nhiều chuyển biến tích cực, đáng kể nhất là việc đặt các hòm công đức tại nơi thờ tự đúng theo quy định, công tác vệ sinh môi trường tại các điểm di tích, danh thắng được quan tâm...

Để có được những chuyển biến quan trọng kể trên, bà Hoàng Thị Nghị, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Bình Liêu, cho biết: “Để Chỉ thị 27 đi vào cuộc sống, thời gian qua, phòng đã tăng cường phối hợp, tuyên truyền sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân xóa bỏ các phong tục tập quán lạc hậu, thực hiện nếp sống văn hóa văn minh. Chúng tôi cũng lồng ghép việc thực hiện chỉ thị vào các phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, xóa bỏ phong tục tập quán lạc hậu. Từ đó, nhận thức của người dân ngày càng nâng lên, các đám tang trên địa bàn không có trường hợp nào để quá 24 giờ, việc cưới xin cũng không tổ chức ăn uống linh đình, kéo dài như trước kia. Vấn đề vệ sinh ở khu dân cư cũng được đảm bảo. Các lễ hội được tổ chức bài bản, đúng quy định, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho người dân. Trong năm nay, chúng tôi tiếp tục rà soát các phong tục, tập quán lạc hậu còn tồn tại ở một số địa phương, đồng thời bảo tồn có chọn lọc, cải tiến, đổi mới những phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc; loại bỏ dần những hình thức lỗi thời, lạc hậu; nghiên cứu xây dựng và hình thành dần những hình thức vừa văn minh, vừa giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong việc cưới, việc tang, lễ hội, góp phần xây dựng đời sống ngày càng văn hóa, văn minh, tiến bộ”.

Có thể nói, Bình Liêu đã thực thi một cách quyết liệt, nghiêm túc Chỉ thị 27, tạo được sự đồng thuận cao trong nhân dân, thu được kết quả bước đầu rất đáng khích lệ. Tuy nhiên, để việc cưới, việc tang và lễ hội ở huyện Bình Liêu tiếp tục phát huy được hiệu quả hơn và kế thừa các giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc, trước hết phải phát huy vai trò tiên phong gương mẫu của một số cấp uỷ, chính quyền và đoàn thể chính trị; sự phối kết hợp chặt chẽ giữa cơ quan quản lý nhà nước về văn hoá với cấp chính quyền và các đoàn thể ở địa phương trong tổ chức thực hiện các quy định về việc cưới, việc tang và lễ hội; cần nêu gương những điển hình tiên tiến trong việc thực hiện tốt các quy định của nhà nước, các quy ước, hương ước của địa phương, cơ quan, đơn vị về xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Bài học rút ra là, tạo sự đồng thuận để triển khai nhanh và mạnh hơn, mọi việc phải được cụ thể hoá bằng các quy định, quy ước, hương ước tại cộng đồng dân cư. Đồng thời, gắn các tiêu chí này với việc thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, quan liêu.

La Lành

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hàng ngàn người đổ về thị trấn Sông Đốc (Trần Văn Thời - Cà Mau) để xem cuộc đua vỏ lãi kỳ thú. Thị trấn ven biển này cũng là nơi 70 năm trước diễn ra sự kiện tập kết ra Bắc lịch sử.

  • Dòng chảy tri thức - Hành trình tri thức không thể thiếu vắng hình bóng “Người lái đò”

    Dòng chảy tri thức - Hành trình tri thức không thể thiếu vắng hình bóng “Người lái đò”

    Hòa cùng không khí cả nước, chào mừng 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/1982 - 20/11/2024, tri ân sự đóng góp, hy sinh của thầy, cô giáo - những “Người lái đò” thầm lặng, đưa nhiều thế hệ học trò đến với bến bờ tri thức.

  • Thắp sáng ước mơ cho các em học sinh Làng Nủ

    Thắp sáng ước mơ cho các em học sinh Làng Nủ

    Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.

Top