Với niềm đam mê cháy bỏng dành cho nông nghiệp, năm 2013 anh Phan Công Vũ (1986), một kỹ sư cầu đường đã quyết định bỏ phố về rừng, xây dựng trang trại chăn nuôi tiền tỷ tại Kỳ Anh (Hà Tĩnh).
Về quê nuôi lợn với cơ ngơi bạc tỷ
Trở về quê lập nghiệp, chưa biết phải bắt đầu từ đâu, bởi lúc bấy giờ 11ha đất rừng mà anh mua thôn Đông Xuân, xã Kỳ Tây, huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) còn quá hoang vu, đường vào chưa có, điện cũng chưa. Muốn làm trang trại, phải đầu tư quá lớn. Bắt đầu khởi nghiệp từ con số 0,chàng kỹ sư trẻ bắt đầu hành trình tập làm quen với thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y và kỹ thuật nuôi lợn, vay mượn xây dựng trang trại với vô vàn khó khăn.
Do thiếu vốn nên bước đầu anh đầu tư từng bước theo hướng lấy ngắn nuôi dài để có vốn tái đầu tư dần mở rộng quy mô.Tháng 8.2014, anh nuôi lứa lợn đầu tiên quy mô 600 con. Thời gian này anh đã đi học Cao học và lấy bằng Thạc sỹ ngành Kỹ thuật công trình giao thông tại Trường ĐH Giao thông Vận tải Hà Nội năm 2015. Thế nhưng, cầm bằng thạc sỹ trong tay, anh không đi xin việc mà ở nhà dốc sức đầu tư vào trang trại. Sau lứa lợn đầu tiên thấy lợi nhuận khá, năm 2015, anh mở rộng quy mô chuồng trại, nuôi lên hơn 1.000 con lợn thịt siêu nạc. Năm 2016, nâng lên 1.800 con, trừ chi phí, lợi nhuận thu về hơn 1 tỉ đồng.
Đến năm 2018, trang trại của anh đạt quy mô 200 con heo nái, 3.000 con heo thịt trở thành một trong những trang trại có quy mô trọng điểm của Hà Tĩnh. Cũng trong năm 2018, sản phẩm thịt lợn của trang trại đạt chứng nhận sản phẩm VietGAP.
Biến giấc mơ thành hiện thực với những bước đi chắc chắn, thận trọng, tận dụng được các lợi thế về chính sách ưu đãi của nhà nước, năm 2016, Vũ đã thành lập Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ tổng hợp Hoàng Phát do mình làm Giám đốc với vốn điều lệ 11 tỉ đồng. HTX có 7 thành viên, trong đó, nguồn vốn chủ yếu là của anh Phan Công Vũ. Công nhân được anh trả lương 6 triệu đồng/người/tháng.
Tận dụng kiến thức trên giảng đường đại học, nhạy bén trong xây dựng thương hiệu,anh Phan Công Vũ đã đưa tem truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm thịt lợn, người mua hàng có thể quét mã ngay trên điện thoại thông minh để tra cứu thông tin, xuất xứ sản phẩm. Đồng thời ngay từ khi nuôi anh đã ký hợp đồng liên kết với các đơn vị tiêu thụ để đầu ra được ổn định.
Xây dựng thương hiệu thực phẩm sạch bền vững
Với lợi thế có trang trại chăn nuôi theo quy trình khép nên có thể làm chủ về nguyên liệu, đầu vào khép kín hoàn toàn anh Phan Công Vũ đã nung nấu quyết tâm biến sản phẩm thịt lợn của trang trại thành thương hiệu xúc xích Hoàng Phát.
Sau một thời gian dài khảo sát, học hỏi từ các chuyên gia cũng như các đồng nghiệp trong ngành, anh quyết định xây dựng dây chuyền sản xuất xúc xích mà nguyên liệu chính từ thịt lợn VietGAP do chính trang trại chăn nuôi của anh. Anh mạnh dạn vay vốn ngân hàng đầu tư xây chuyền, máy móc nhập khẩu. Khi sản phẩm ra đời được người tiêu dùng đón nhận và đánh giá cao. Đến nay, mỗi năm cơ sở anh tiêu thụ 10 tấn xúc xích, doanh thu từ trang trại lợn và sản phẩm xúc xích 20 tỷ/đồng/năm.
Lựa chọn con đường tự lập nghiệp, phát triển kinh tế nông nghiệp nhưng với Phan Công Vũ, kiến thức được học trong trường Đại học thực sự phát huy giá trị. Chính vốn kiến thức, kỹ năng tích lũy được trong quá trình học tập và trải nghiệm thực tế đã giúp anh lập nghiệp thành công.
“Đầu tư chăn nuôi là lĩnh vực khó khi thị trường bấp bênh về giá, dịch bệnh triền miên, đầu tư vốn lớn và thiếu kinh nghiệm. Cũng có lúc thất bại nhưng đó cũng là những bài học khi bước chân qua lĩnh vực trái với ngành đã học”, anh Phan Công Vũ tâm sự.
Chia sẻ về kế hoạch thời gian tới, anh Vũ quyết tâm: “Thị trường khan hiếm lợn giống nên trang trại sẽ đi theo hướng vừa nuôi thương phẩm vừa bán con giống đối với lợn thịt siêu nạc, mình tự nhân giống và nuôi, gây dựng thương hiệu thực phẩm sạch bền vững, không sử dụng cám tăng trọng, không dùng kháng sinh. Giống lợn này sẽ không chạy theo quy mô số lượng mà tập trung cho chất lượng sạch. Sau đó sẽ mở các cửa hàng thực phẩm sạch để phục vụ người tiêu dùng mang thương hiệu HTX Hoàng Phát. Để vươn xa ngoài nhạy bén, nắm bắt xu hướng thì các yếu tố KHKT, gắn kết xây dựng các HTX với chuỗi giá trị hàng hóa sản phẩm để có sức lan tỏa cao ra thị trường".
Bên cạnh chăn nuôi lợn, chế biến xúc xích HTX Hoàng Phát còn kết hợp trồng hàng chục ha rừng theo quy mô tập trung, 2 ha chè, đào ao thả cá, chăn nuôi gà thả vườn, đầu tư vào các giống trái cây ăn quả, mở cửa hàng sản phẩm sạch… góp phần tạo công ăn việc làm cho gần chục công nhân lao động ở địa phương, với mức lương bình quân đạt 6 triệu đồng/người/tháng.
Thành công của anh Vũ đã được UBND xã Kỳ Tây tặng bằng khen là điển hình tiên tiến trong phong trào xây dựng và phát triển mô hình kinh tế, được UBND huyện Kỳ Anh tặng bằng khen ghi nhận đã có thành tích xuất sắc trong xây dựng mô hình phát triển kinh tế chăn nuôi lợn liên kết.
Hỏi về nghề chính đã học, anh Vũ cười bảo: “Để có được cơ ngơi như ngày hôm nay tôi đã đổ không biết bao nhiêu tiền bạc, mồ hôi, nước mắt.Vất vả, khó khăn trải qua hết, càng làm càng say sưa, đam mê nên giờ là kỹ sư chăn nuôi chứ không còn là kỹ sư cầu đường nữa”.
Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.