Bộ Tài nguyên và Môi trường chuẩn bị cho Hội nghị GEF 6
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân vừa chủ trì cuộc họp và lắng nghe báo cáo về công tác chuẩn bị tổ chức Hội nghị Đại Hội đồng Quỹ Môi trường toàn cầu lần thứ 6 (GEF 6).
Việt Nam phải tạo được dấu ấn của nước chủ nhà tại Hội nghị với bạn bè quốc tế
Được tổ chức 4 năm một lần, Hội nghị Đại Hội đồng GEF 6 sẽ được tổ chức tại thành phố Đà Nẵng, Việt Nam. Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Ban thư ký GEF và các cơ quan liên quan của phía Việt Nam tổ chức Hội nghị lần này.
Hội nghị Đại hội đồng GEF lần thứ 6 sẽ tổng kết và đánh giá các chính sách chung, các hoạt động và thành viên GEF trong giai đoạn 2014 – 2018, xem xét phê duyệt các đề xuất sửa đổi với Văn kiện GEF cho giai đoạn 2018 – 2022. Hội nghị được tổ chức từ ngày 23/6 – 29/6 gồm các chuỗi sự kiện: Phiên họp Đại hội đồng GEF lần thứ 6; Phiên họp của Hội đồng GEF; Hội nghị bàn tròn cấp cao; Cuộc họp của các tổ chức dân sự xã hội; Cuộc họp kỹ thuật của các cơ quan thuộc GEF; chuỗi các sự kiện bên lề, các gian hàng triển lãm và thăm quan thực tế các dự án do GEF tài trợ tại Việt Nam…
Tại cuộc họp, Vụ Hợp tác quốc tế, Văn phòng Bộ và các đơn vị liên quan đã báo cáo về lịch hoạt động của Hội nghị; việc kiện toàn các tiểu ban và triển khai các công tác chuẩn bị nội dung, lễ tân, hậu cần, truyền thông cho Hội nghị; dự kiến kế hoạch và chuẩn bị nội dung phiên họp cấp cao mà Việt Nam chủ trì, các phiên họp bàn tròn cấp cao khác và các sự kiện bên lề do GEF tổ chức;…
Theo đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với Ban thư ký GEF và các cơ quan liên quan chuẩn bị nội dung, kế hoạch cho Phiên họp Đại Hội đồng GEF 6 với sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ. Bên cạnh đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ chủ trì, phối hợp với các tổ chức quốc tế tổ chức 02 sự kiện bên lề với chủ đề về “Rác thải nhựa trên biển” và “Bảo tồn đa dạng sinh học kết hợp phát triển du lịch bền vững”; phối hợp tổ chức triển lãm các thành tựu của các dự án GEF thuộc các quốc gia thành viên và các thành tựu của Việt Nam; phối hợp với thành phố Đà Nẵng ra quân làm sạch bờ biển...
Đồng thời với việc chuẩn bị nội dung, các đơn vị trực thuộc Bộ cũng trình bày kế hoạch công tác lễ tân, hậu cần và truyền thông cho Hội nghị để đảm bảo tổ chức trọng thị, đón tiếp chu đáo, an toàn; nâng cao hình ảnh và vị thế của Việt Nam, tạo được dấu ấn của nước chủ nhà tại Hội nghị với bạn bè quốc tế.
Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân khẳng định, việc Việt Nam đăng cai chủ trì Hội nghị Đại Hội đồng Quỹ Môi trường toàn cầu lần thứ 6 năm 2018 là sự kiện quốc tế quan trọng về môi trường, sẽ tạo được tiếng vang và tầm ảnh hướng lớn trong khu vực và trên trường quốc tế. Đây là Hội nghị lớn có sự tham gia của lãnh đạo cấp Bộ trưởng Môi trường và đại diện của 183 quốc gia thành viên, 17 tổ chức quốc tế và khoảng 150 tổ chức phi chính phủ về môi trường.
Thứ trưởng đề nghị các đơn vị trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp chặt chẽ với Ban thư ký GEF, các cơ quan liên quan phía Việt Nam và Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng để tổ chức Hội nghị hết sức kỹ lưỡng, bài bản, thể hiện vai trò, trách nhiệm, sự mến khách và thân thiện của nước chủ nhà Việt nam đối với bạn bè quốc tế.
Để chuẩn bị tốt cho Hội nghị, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân đề nghị các đơn vị nhanh chóng hoàn thiện toàn bộ kế hoạch về chuẩn bị nội dung, công tác hậu cần, lễ tân, truyền thông cho Hội nghị để trình lãnh đạo Bộ xem xét để triển khai, phối hợp tổ chức thành công Hội nghị.
“Hội nghị phải được chuẩn bị kỹ lưỡng, bài bản; được lên kế hoạch chi tiết và cụ thể. Đồng thời, các phiên họp và sự kiện Việt Nam tham gia phải nêu lên được thông điệp, sáng kiến của phía Việt Nam trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường, thu hút được sự quan tâm của các đối tác quốc tế.” – Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân nhấn mạnh.
Chính phủ chỉ đạo tăng cường quản lý tài nguyên cát
Thủ tướng Chính phủ vừa có ý kiến chỉ đạo về một số giải pháp tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động khai thác, kinh doanh, xuất khẩu tài nguyên cát.
Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, thực hiện nghiêm chủ trương không xuất khẩu khoáng sản thô (bao gồm cả cát); chỉ xuất khẩu các loại sản phẩm đã qua chế biến sâu, có giá trị. Đối với sản phẩm cát trắng silic, cát vàng làm khuôn đúc đã qua sơ chế nhưng đã ký hợp đồng xuất khẩu với đối tác nước ngoài trước ngày 15/9/2017, phù hợp với các quy định của pháp luật về xuất khẩu hiện hành được tiếp tục xuất khẩu.
Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công Thương và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (nơi có doanh nghiệp xuất khẩu cát trắng silic, cát vàng làm khuôn đúc với các đối tác nước ngoài) tổ chức kiểm tra thực tế và chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về tính chính xác các hợp đồng đã ký (thời gian, khối lượng cát xuất khẩu); xử lý nghiêm khắc các trường hợp vi phạm.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan đánh giá tổng thể về cung cầu cát trắng silic trên thế giới và trong nước; phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất giải pháp khai thác, chế biến, sử dụng hiệu quả, bền vững phục vụ phát triển kinh tế-xã hội; khẩn trương điều chỉnh Quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Bộ Xây dựng thống nhất với Bộ Tư pháp nghiên cứu xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về điều kiện xuất khẩu khoáng sản làm vật liệu xây dựng phù hợp với quy định; chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan xây dựng cơ chế chính sách về thuế tạo cơ sở pháp lý cho việc quản lý tài nguyên cát.
Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Bộ Xây dựng và các Bộ liên quan nghiên cứu tổng thể quy hoạch các loại khoáng sản, trong đó có cát.
Formosa cơ bản hoàn thành khắc phục các vi phạm
Hội đồng giám sát liên ngành về khắc phục vi phạm của Formosa đánh giá Công ty TNHH Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh đã cơ bản hoàn thành khắc phục các vi phạm sau sự cố môi trường biển miền Trung do Formosa gây ra.
Theo đó, Chiều 11-5 tại Bộ Tài nguyên - môi trường, hội đồng giám sát liên ngành đã họp cho ý kiến về quá trình khắc phục vi phạm của Formosa.
Hội đồng đánh giá tất cả 7 hạng mục bổ sung sau sự cố môi trường biển như hệ thống hồ sinh học kết hợp ứng phó sự cố, hệ thống xử lý nước thải, khí thải đều đã hoạt động ổn định.
Các kết quả xử lý nước thải, khí thải đều đạt kết quả cho phép, đặc biệt là thông số xyanua, phenol thấp so với tiêu chuẩn VN.
Hội đồng giám sát liên ngành cũng đánh giá hoạt động của lò cao số 1 đã hoạt động ổn định trong điều kiện vận hành 100% công suất.
Thông tin từ Bộ Tài nguyên - môi trường cho biết tổng hợp kết quả giám sát từ tháng 7-2016 đến nay cho thấy nước thải, khí thải của Formosa trước khi xả ra ngoài môi trường luôn đảm bảo đạt quy chuẩn VN. Kết quả quan trắc, đo đạc mẫu nước biển ven bờ, nước mặt tại kênh thoát nước mưa, nước ngầm, trầm tích đáy và không khí xung quanh khu vực hoạt động của dự án đảm bảo đạt quy chuẩn quy định và phù hợp với giai đoạn trước khi Formosa vận hành thử nghiệm.
Theo Bộ Tài nguyên - môi trường, kết quả giám sát đối với các loại chất thải rắn khác không có khả năng tái chế và chất thải nguy hại phát sinh được Formosa chuyển giao cho các đơn vị có chức năng xử lý theo quy định của pháp luật.
Riêng việc thay đổi phương pháp làm nguội than cốc từ ướt sang khô và lắp đặt thiết bị xử lý khí thải bổ sung tại xưởng thiêu kết nhằm đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế hiện vẫn đang trong lộ trình thực hiện, dự kiến tháng 6-2019 sẽ hoàn thành toàn bộ các hạng mục này theo cam kết với Chính phủ Việt Nam.
Bộ Tài nguyên - môi trường cũng cho biết trong thời gian tới tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, UBND tỉnh Hà Tĩnh và các cơ quan khoa học trong nước và quốc tế kiểm tra, giám sát liên tục, định kỳ và đột xuất quá trình khắc phục hậu quả vi phạm của Formosa.
Quảng Ngãi: Cơ sở chế biến sắn khiến cá chết trắng sông
Ngay sau khi nhận được thông tin phản ánh tình trạng cá chết trắng trên sông Bàu Giang, sáng ngày 30/4, chính quyền huyện Tư Nghĩa đã lập đoàn kiểm tra do ông Huỳnh Ngọc Quận - Phó chủ tịch UBND huyện làm trưởng đoàn, tiến hành kiểm tra hiện trường, tìm nguyên nhân. Tham gia đoàn kiểm tra còn có Cảnh sát môi trường - Công an tỉnh Quảng Ngãi.
Sau nửa ngày đi dọc sông Bàu Giang, đoàn kiểm tra nhận thấy tình trạng cá chết còn xảy ra ở nhiều địa điểm khác, kéo dài đến xã Nghĩa Thuận (huyện Tư Nghĩa, cách thị trấn La Hà khoảng 10 km).
Ngoài việc khoanh vùng các khu vực cá chết, đoàn kiểm tra lấy mẫu vật phẩm, mẫu nước để gửi cơ quan chức năng xét nghiệm, truy tìm nguyên nhân. Kết quả xét nghiệm sẽ có trong khoảng 1 tuần.
“Cần phải chờ kết quả xét nghiệm mẫu vật phẩm (cá chết), nước và xem xét một số yếu tố khác mới kết luận chính xác nguyên nhân và thủ phạm làm cá tự nhiên chết tấp, nổi đầy khu vực đoạn sông Bàu Giang trong mấy ngày liền”, ông Quận cho biết.
Dù phải chờ kết quả xét nghiệm mới có kết luận cuối cùng, nhưng qua kiểm tra hiện trường, đoàn kiểm tra nhận định nhiều khả năng cá chết là do nước thải từ các cơ sở chế biến nông sản nằm dọc theo sông Bàu Giang xả ra môi trường gây ô nhiễm trên sông.
Đặc biệt, khi đến kênh Chính Nam (đoạn qua thôn Phú Thuận, xã Nghĩa Thuận), đoàn đã phát hiện một cơ sở sản xuất, chế biến sắn của hộ kinh doanh Bạch Ngọc Trà có hiện tượng xả thải chưa qua xử lý ra kênh Chính Nam. Đây là dòng kênh chuyên cung cấp nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp cho các huyện: Tư Nghĩa, Mộ Đức, Đức Phổ và TP. Quảng Ngãi qua cống xả số 2 dẫn vào sông Bàu Giang.
Ông Tôn Long Nghênh - Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Tư Nghĩa, cho biết: “Tại thời điểm kiểm tra, mặc dù đang trong ngày lễ, cơ sở này ngừng sản xuất nhưng nguồn nước thải đen ngòm, chưa qua xử lý vẫn chảy ra kênh và bốc mùi hôi thối nồng nặc.
Các hố nước thải của cơ sở này không được che chắn, để lộ thiên, nước đen đặc và có mùi thối đặc trưng của cơ sở chế biến sắn. Chúng tôi đã đình chỉ hoạt động cơ sở này, không cho xả thải ra môi trường, để chờ kết luận cuối cùng của cơ quan chức năng”.
Đại diện chính quyền xã Nghĩa Thuận cho biết, trong quá trình hoạt động trước đó, cơ sở chế biến sắn của ông Bạch Ngọc Trà gây ra mùi hôi thối gây nhiều bức xúc trong dư luận địa phương. Vì vậy các cơ quan chuyên môn của huyện Tư Nghĩa và địa phương đã nhiều lần kiểm tra, nhắc nhở. Tuy vẫn là người đứng tên trực tiếp kinh doanh, thế nhưng hiện ông Trà đã cho một cá nhân khác thuê lại cơ sở này.
Được biết, UBND huyện Tư Nghĩa cũng đã phân công nhiệm vụ cho phòng Tài nguyên và Môi trường huyện cùng với UBND xã Nghĩa Thuận, ngay sau khi nghỉ lễ sẽ có buổi làm việc trực tiếp với chủ cơ sở này để kiểm tra các giấy tờ thủ tục đăng ký kinh doanh theo đúng quy định. Đồng thời yêu cầu lãnh đạo các xã kiểm tra, rà soát toàn bộ các cơ sở sản xuất, chế biến khác xả thải ra kênh mương dẫn nước có đấu nối vào sông Bàu Giang.
Chương trình từ thiện: Cùng em đến trường hỗ trợ học sinh nghèo “Viết tiếp ước mơ” giai đoạn 2025 - 2028 sẽ hỗ trợ cho hàng nghìn học sinh nghèo tại các vùng khó khăn, biên giới, hải đảo và vùng chịu thiệt hại nặng nề do bão lũ.
Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) đã triển khai gói tín dụng 2.500 tỷ đồng để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp khắc phục thiệt hại do bão Yagi gây ra. Ngoài ra, Ngân hàng cũng thực hiện các giải pháp cơ cấu nợ, giãn, hoãn nợ cho khách hàng phù hợp với tình hình thực tế.
Mới đây, tại các Điện lực trực thuộc Công ty Điện lực Đắk Nông đã tổ chức trao giải và cấp giấy chứng nhận cho các khách hàng tiêu biểu đạt tiêu chí của chương trình “Hộ gia đình tiết kiệm điện năm 2024” do công ty phát động.
Hàng ngàn người đổ về thị trấn Sông Đốc (Trần Văn Thời - Cà Mau) để xem cuộc đua vỏ lãi kỳ thú. Thị trấn ven biển này cũng là nơi 70 năm trước diễn ra sự kiện tập kết ra Bắc lịch sử.
Hòa cùng không khí cả nước, chào mừng 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/1982 - 20/11/2024, tri ân sự đóng góp, hy sinh của thầy, cô giáo - những “Người lái đò” thầm lặng, đưa nhiều thế hệ học trò đến với bến bờ tri thức.
Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.
Thời gian qua, tỉnh Nghệ An triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, cơ chế, chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nâng cao ý thức tự lực, tự cường vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo nên diện mạo mới cho nông thôn miền núi xứ Nghệ.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.