Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 26 tháng 4 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 6 tháng 5 năm 2018 | 17:48

Bộ Tài nguyên và Môi trường phản hồi thông tin “mắc nhiều vi phạm”

Ngày 5/5, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có phản hồi thông tin đăng tải trên một số cơ quan báo chí phản ánh kết luận thanh tra công tác quản lý vốn đầu tư công tại Bộ này có “nhiều vi phạm”, “đụng đâu sai đó”.

Không phát hiện tham nhũng thất thoát, lãng phí

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, đây là hoạt đông thanh tra định kỳ theo kế hoạch nhằm đánh giá việc chấp hành các quy định của pháp luật trong quản lý và sử dụng vốn đầu tư; không phải thanh tra vụ việc cụ thể khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm.

Trong quá trình thanh tra, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có báo cáo, giải trình cụ thể về các nội dung của từng dự án và đã được Thanh tra Bộ Tài chính tiếp thu và được thể hiện trong kiến nghị của kết luận thanh tra đối với các thiếu sót và biện pháp khắc phục.

“Trong đó chủ yếu là thiếu sót về trình tự thủ tục, thời gian, không phải là vi phạm về sử dụng, chi sai nguồn vốn, gây ảnh hưởng đến ngân sách nhà nước. Thanh tra Bộ Tài chính cũng không phát hiện có tham nhũng, thất thoát, lãng phí vốn và tài sản của nhà nước tại Bộ Tài nguyên và Môi trường qua đợt thanh tra này”- Bộ Tài nguyên và Môi trường nêu rõ.

Liên quan đến phê duyệt dự án đầu tư giai đoạn 2016-2020 nhưng chưa cân đối đủ nguồn vốn để hoàn thành với số tiền 1.073 tỷ đồng, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, do tổng vốn đầu tư công trung hạn được thông báo chỉ đáp ứng được 1/2 so với nhu cầu triển khai các dự án, nên thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ đã thực hiện rà soát, cắt giảm, đình hoãn, giãn tiến độ và cơ cấu lại việc bố trí nguồn vốn cho các dự án theo thứ tự ưu tiên đảm bảo đúng với số vốn được thông báo.

 

anhbtnmt2017.jpg
Trụ sở Bộ Tài nguyên và Môi trường

 

Trong tổng số 1.073 tỷ đồng chưa cân đối đủ nêu trên, riêng dự án “Đầu tư tàu điều tra, nghiên cứu tài nguyên và môi trường biển” là 1.047 tỷ đồng. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã báo cáo cấp có thẩm quyền cho bố trí kinh phí từ nguồn vốn khác để thực hiện hoặc dừng kỹ thuật, giãn tiến độ. Ghi nhận đây là nguyên nhân khách quan do khó khăn về nguồn vốn trong khi phải thực hiện các dự án cấp bách về tài nguyên và môi trường nên Thanh tra Bộ Tài chính chỉ kiến nghị rút kinh nghiệm và cân đối bố trí đủ nguồn vốn để hoàn thành các dự án trong giai đoạn 2016-2020.

Bộ này cũng khẳng định các dự án đầu tư xây dựng của Bộ Tài nguyên và Môi trường đều chấp hành đúng yêu cầu của Bộ Xây dựng về sử dụng gạch không nung. Riêng đối với hai dự án tại tỉnh Thái Nguyên và tỉnh Khánh Hòa, nguồn cung chưa đáp ứng yêu cầu về chất lượng và giá cả do đó cơ quan tư vấn thiết kế, dự toán xây dựng công trình đề nghị sử dụng gạch nung. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện dự án tại Thái Nguyên, do nguồn cung về gạch không nung đã đáp được yêu cầu nên dự án đã chuyển sang sử dụng gạch không nung để xây dựng công trình.

“Việc chỉ một dự án quy mô nhỏ trong số rất nhiều dự án đầu tư của Bộ Tài nguyên và Môi trường sử dụng gạch nung là do điều kiện khách quan về thị trường tại nơi thực hiện dự án, hoàn toàn không phải là việc đi ngược chủ trương của Chính phủ về bảo vệ môi trường, giảm thiểu ô nhiễm, tiết kiệm tài nguyên trong xu thế phát triển bền vững”- Bộ này giải thích.

Tổng cục Địa chất và Khoáng sản nhận thiếu sót 

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, do một số đơn vị của Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam được giao thực hiện nhiệm vụ mới của Chính phủ cần có ngay thiết bị để triển khai, nên Tổng cục đã điều chuyển một số thiết bị thi công hiện trường cho một số đơn vị khác thuộc Tổng cục so với thuyết minh dự án ban đầu.

Việc điều chuyển này, Tổng Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam đã nhận thiếu sót là chưa thực hiện báo cáo cấp thẩm quyền chấp thuận trước khi thực hiện; do điều kiện khách quan, các công trình cần phải được gấp rút triển khai để thực hiện nhiệm vụ.

“Hoạt động này không gây thất thoát hoặc lãng phí tài sản và ngân sách nhà nước. Vì vậy, Thanh tra Bộ Tài chính kiến nghị Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam chấn chỉnh và rút kinh nghiệm”- thông báo của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho hay.

Ngoài ra, với việc duyệt chi những khoản chi không thuộc nhiệm vụ của vốn đầu tư xây dựng số tiền 48.608 triệu đồng, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng số kinh phí này được tổng hợp từ dự toán của các dự án, trong đó riêng tiểu dự án “Xây dựng hệ thống giám sát biến động bờ sông, bờ biển khu vực đồng bằng sông Cửu Long bằng công nghệ viễn thám” dự toán cho hạng mục ứng dụng thu thập ảnh viễn thám cho xây dựng cơ sở dữ liệu nền là 37.549 triệu đồng. Nội dung chi này là cần thiết và được nhà tài trợ WB chấp thuận.

Các khoản chi khác phần lớn là phục vụ cho việc vận hành thử nghiệm các trạm quan trắc để đảm bảo tính ổn định các thông số kỹ thuật trước khi vận hành chính thức. Theo quy định việc bố trí kinh phí thường xuyên chỉ được sử dụng khi các trạm quan trắc đi vào vận hành chính thức. Trong năm 2017, mới chỉ có 1 dự án sử dụng 2.792 triệu đồng. Khoản chi này, phù hợp với yêu cầu về tính đặc thù trong đầu tư, xây dựng các trạm quan trắc về tài nguyên và môi trường, không chi sai chế độ, hoặc gây thất thoát nguồn vốn.

Dân bức xúc vì nhà máy dệt gây ô nhiễm môi trường

Nhiều người dân ở gần nhà máy dệt Hòa Thọ (quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng) bức xúc vì bị ảnh hưởng đến sức khỏe và sinh hoạt thường ngày do ô nhiễm bụi bông (sợi vải), khói, nước xả thải từ nhà máy.

Theo nhiều người dân ở các tổ 60, 62 phường Hòa Thọ Đông (quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng), kể từ khi nhà máy mở rộng cơ sở sản xuất, giảm khoảng cách với khu dân cư xung quanh, thì người dân bắt đầu bị ảnh hưởng bởi bụi bông, tiếng ồn, nước xả thải từ nhà máy. Việc này, theo nhiều người dân địa phương là đã được người dân phản ánh nhiều lần tại các buổi tiếp xúc cử tri của đoàn Đại biểu Quốc hội TP, Hội đồng nhân dân thành phố nhưng chưa được giải quyết triệt để.

mt4.png
Nguyễn Thị Kim Loan mang theo một bao (bì) bụi đến làm vật chứng nhà máy dệt Hòa Thọ gây ô nhiễm môi trường. Ảnh dantri.vn

 

Bà Nguyễn Thị Kim Loan (người dân phường Hòa Thọ Đông) đến dự buổi đối thoại với một bao bụi màu trắng đục trên tay. Bà Loan nói đây là bụi thu thập được ngay trong nhà chị, và bụi này xuất phát từ nhà máy dệt. “Tôi không biết nói gì nhiều, mà chỉ có vật cứ, chứng cứ như vậy để mọi người thấy ô nhiễm xuất phát từ nhà máy dệt. Tôi đã phản ánh nhiều lần và cán bộ của Phòng TN - MT cũng đã đến trực tiếp nhà tôi và các hộ dân trong khu vực để tận mắt thấy rồi” - bà Loan nói.

Ông Phạm Phú Thảo (trú tại tổ 62, phường Hòa Thọ Đông) cũng phản ánh thấy rõ bụi bông quấn quanh trong thành ống thoát nước từ tầng thượng xuống dưới đất của nhà mình. Ông Thảo bày tỏ lo lắng vì nhiều người dân trong khu vực có dấu hiệu bị ảnh hưởng sức khỏe bởi ô nhiễm môi trường khi có nhiều người mắc bệnh viêm xoang, viêm phổi như trường hợp con trai của bà Võ Thị Thọ cũng ở trong khu vực này.

Ghi nhận ý kiến của bà con nhân dân tại buổi đối thoại, ông Võ Thành - Phó Chánh Thanh tra Sở TN - MT thành phố chia sẻ, qua kiểm tra thực tế, nhận thấy tình trạng ô nhiễm môi trường đã được Tổng Công ty CP dệt may Hòa Thọ cố gắng khắc phục bằng nhiều giải pháp, nhưng vẫn chưa giải quyết triệt để. Khói xuất phát từ nhà máy như người dân phản ánh thực chất là hơi nước ngưng tụ trong quá trình hoạt động của các lò hơi là ủi sản phẩm của nhà máy. Theo báo cáo của Công ty thì hiện có 3 lò hơi với công suất lần lượt là 7 tấn/h, 5 tấn/h và 1,5 tấn/h. Trong đó lò hơi 7 tấn/h là là lò hơi được trang bị công nghệ mới, thay thế cho 2 lò công suất 3 tấn/h và 4 tấn/h trước đây. Lò mới được đặt cách xa khu dân cư nhưng do tuân thủ quy trình lắp đặt, vận hành lò hơi nên cần một thời gian để chính thức hoạt động thay thế cho hai lò cũ. Theo lộ trình thì các lò cũ còn lại cũng sẽ được thay thế để giảm thiểu ảnh hưởng đến người dân sinh sống trong khu vực gần nhà máy.

Về nước xả thải, phía Công ty quản lý nhà máy báo cáo cho biết, trước đây nước xả thải có cả nước nhuộm vải, nhưng nay nhà máy không còn nhuộm vải mà chỉ còn dệt và may. Do đó, nước xả thải hiện nay đơn thuần là nước thải sinh hoạt đã được xử lý và không có hóa chất như nước nhuộm vải xả ra trước kia.

Đại diện Thanh tra Sở TN - MT thành phố và Phòng TN -MT quận Cẩm Lệ đề nghị Tổng Công ty dệt may Hòa Thọ tăng cường các giải pháp khắc phục tình trạng hoạt động của nhà máy gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến người dân; đề nghị nhà máy cung cấp số điện thoại tiếp nhận ý kiến người dân đến bộ phận kỹ thuật, để khi phát hiện có khói xả thải ra môi trường thì người dân phản ánh đến bộ phận kỹ thuật kiểm tra nguyên nhân và khắc phục ngay.

 

 

 

 

 

 

P.V (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Ngày 19/4, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức sơ kết 1 năm triển khai chương trình vận động, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cho người nghèo, người có khó khăn về nhà ở giai đoạn 2023-2025 (Chương trình 1838).

  • “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    Với 28 lần hiến máu nhân đạo, trình dược viên Từ Thị Tuyên (SN 1989), xã Thạch Thắng, Thạch Hà (Hà Tĩnh) đã trở thành tấm gương sáng trong các hoạt động an sinh xã hội, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng…

  • PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    Với tinh thần tương thân tương ái, vừa qua, Đoàn Thanh niên Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) đã tổ chức chương trình từ thiện “Xuân tình nguyện 2024” để thăm hỏi, động viên và trao quà đến các em học sinh nghèo, các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại xã Nậm Chảy, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Đây là hoạt động hưởng ứng tinh thần Tháng Thanh niên và Năm Thanh niên tình nguyện của tuổi trẻ PVcomBank.

Top