Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 26 tháng 4 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 8 tháng 4 năm 2018 | 14:36

Bộ Tài nguyên và Môi trường triển khai công tác Quý II

Vừa qua, Bộ Tài Nguyên và Môi Trường đã triển khai công tác Quý II/2018.

Tháo gỡ các vướng mắc để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ công tác quý I của Bộ TN&MT do ông Đặng Ngọc Điệp - Chánh Văn phòng Bộ TN&MT trình bày nêu rõ: Trong quý I năm 2018, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chỉ đạo quyết liệt việc thực hiện kế hoạch, nhiệm vụ của các đơn vị; triển khai ngay việc giao dự toán ngân sách nhà nước; thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018 theo tinh thần Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ.

Về xây dựng thể chế, chính sách, pháp luật đã được Bộ chỉ đạo triển khai từ ngày đầu tháng đầu năm 2018, trong đó tập trung hoàn thiện, cắt giảm, tháo gỡ các vướng mắc nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nhằm thúc đẩy thu hút đầu tư phát triển kinh tế - xã hội. Hoàn thiện lấy ý kiến các Bộ, ngành và VCCI về dự thảo Nghị định quy định về cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc các lĩnh vực quản lý của Bộ; hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định sửa đổi bổ sung các Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Bảo vệ môi trường theo ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp; hoàn thiện hồ sơ đề nghị sửa đổi Luật đất đai, Luật Bảo vệ môi trường; trình Chính phủ đề xuất xây dựng Nghị định về lấn biển; lấy ý kiến các Bộ, ngành, địa phương đối với Luật sửa đổi nội dung về quy hoạch trong các Luật liên quan. Đã trình Lãnh đạo Bộ ban hành Quyết định thành lập Ban soạn thảo, Tổ biên tập, Tổ soạn thảo của 29/44 văn bản...

Công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết đơn, thư khiếu nại, được triển khai đồng bộ. Trong quý I đã tiếp nhận, phân loại và xử lý 584 lượt đơn, tương ứng với 298 vụ việc (286 đơn trùng, không đủ điều kiện xử lý, chiếm 49%); tiếp 62 lượt với 93 người. Đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ 10/25 vụ việc Thủ tướng giao (thống nhất với địa phương 06 vụ việc; đề nghị địa phương giải quyết lại 04 vụ việc), đang xem xét giải quyết 05 vụ việc; trong 15 vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ, có 02 vụ việc có Quyết định giải quyết (lần 2) đồng ý với nội dung giải quyết của địa phương, 02 vụ việc đề nghị địa phương xem xét lại, 11 vụ việc đang xem xét giải quyết.

 

px1.jpg
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cùng các Thứ trưởng: Nguyễn Thị Phương Hoa, Võ Tuấn Nhân, Trần Quý Kiên chủ trì Hội nghị. Ảnh: Tainguyenmottruong.vn

 

Về các nhiệm vụ trọng tâm của Quý II/2018, nhằm đảm bảo hoàn thành các mục tiêu nhiệm vụ đặt ra trong chương trình công tác năm, chương trình hành động của ngành thực hiện Nghị quyết số 01 của Chính phủ, các đơn vị trực thuộc Bộ TN&MT tiếp tục chấn chỉnh kỷ cương, lề lối làm việc của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc đơn vị. Thực hiện nghiêm túc chế độ thông tin, báo cáo định kỳ gửi Bộ, Văn phòng Bộ, các Vụ tham mưu và các Bộ, ngành liên quan theo đúng quy định, đặc biệt là báo cáo quy định tại Chương trình hành động của Bộ thực hiện các Nghị quyết của Chính phủ. Chủ động cập nhật, theo dõi, đôn đốc việc thực hiện nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Lãnh đạo Bộ giao, giải quyết kiến nghị của các địa phương; hạn chế tối đa tình trạng xin lùi, rút đối với các đề án, văn bản; tình trạng quá hạn hoàn thành đối với các nhiệm vụ giao cho đơn vị.

Trong công tác xây dựng, ban hành văn bản pháp luật: Bộ sẽ tập trung hoàn thiện, trình Quốc hội thông qua Luật Đo đạc và Bản đồ tại Kỳ họp thứ 5; báo cáo sơ kết 05 năm thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; đẩy nhanh tiến độ xây dựng, hoàn thiện trình Chính phủ 01 Đề án; 04 Nghị định, 02 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; Luật sửa đổi các luật liên quan đến Luật quy hoạch...

Về ứng dụng công nghệ thông tin và hiện đại hóa công sở: triển khai xây dựng, ban hành kiến trúc chính phủ điện tử ngành TNMT phiên bản 2.0; hoàn thiện hệ thống quản lý văn bản và hồ sơ công việc, hệ thống một cửa, một cửa liên thông phục vụ theo dõi, đôn đốc các đơn vị trong thực hiện nhiệm vụ, đảm bảo rõ trách nhiệm của từng đơn vị trong từng khâu, từng công đoạn từ xây dựng, thẩm định, trình duyệt. Xây dựng hệ thống kết nối, chia sẻ dữ liệu với các Sở TN&MT.

Các đơn vị trực thuộc Bộ cũng sẽ khẩn trương kiện toàn tổ chức, bộ máy, nhân sự của các đơn vị trực thuộc các Tổng cục, Trường Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ TN&MT, Trung tâm Truyền thông TN&MT, Viện Khoa học Tài nguyên nước…

Phục hồi điều tra nguyên giám đốc Sở Địa chính Bình Dương

Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa có quyết định hủy bỏ quyết định tạm đình chỉ điều tra vụ án ngày 16-7-2015 của Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an, đồng thời ra quyết định phục hồi điều tra vụ án hình sự "lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ" xảy ra tại tỉnh Bình Dương, phục hồi điều tra đối với ba bị can trong vụ án này về cùng tội danh.

Ba bị can bị phục hồi điều tra bị can gồm Cao Minh Huệ, nguyên Giám đốc Sở Địa chính tỉnh Bình Dương (nay là Sở Tài nguyên - Môi trường); Đỗ Văn Sâm, nguyên cán bộ Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Bến Cát, và Phan Văn Trung, nguyên Trưởng phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương.

Trước đó, năm 2010, cơ quan CSĐT Bộ Công an đã bắt tạm giam với các bị can Cao Minh Huệ, Phan Văn Trung và Đỗ Văn Sâm. Sau đó cả 3 được cho tại ngoại cấm đi khỏi nơi cư trú. Tiếp đó, năm 2011 CQĐT ra quyết định tạm đình chỉ điều tra vụ án.

Tháng 3-2015, cơ quan CSĐT Bộ Công an ra quyết định phục hồi điều tra vụ án và quyết định phục hồi điều tra 3 bị can.

Do thời hạn điều tra vụ án không cho phép kéo dài trong trường hợp phục hồi điều tra đã hết hạn nên ngày 16-7-2015, cơ quan CSĐT ra quyết định tạm đình chỉ điều tra vụ án và tạm đình chỉ điều tra các bị can để chờ kết quả giám định theo các nội dung trưng cầu giám định bổ sung.

Sau gần 3 năm kể tử khi vụ án bị tạm đình chỉ, CQĐT xác định, thiệt hại tài sản Nhà nước do các bị can gây ra là hơn 100 tỉ đồng. Cơ quan CSĐT phục hồi điều tra vụ án, phục hồi điều tra 3 bị để sớm kết thúc vụ án và đề nghị truy tố các bị can theo quy định của pháp luật.

Theo tài liệu điều tra, ông Cao Minh Huệ có hành vi tham nhũng trong lĩnh vực quản lý Nhà nước về đất đai như cho chuyển nhượng hàng trăm ha cao su tại xã An Tây, huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương.

Liên quan đến vụ án Sobexco bán đất vườn cao su, ông Cao Minh Huệ, khi đó là giám đốc Sở Địa chính tỉnh Bình Dương (sau này là Sở TN&MT), biết giá bán vườn cao su ở đợt 1 không tính giá trị đất, người mua vườn cao su phải thuê đất, nhưng vẫn làm trái công vụ dẫn đến việc UBND huyện Bến Cát cấp 40 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trái pháp luật.

Ở đợt bán vườn thứ hai, ông Huệ đã đề xuất với tỉnh chỉ đạo UBND huyện Bến Cát lập thủ tục giao đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất những người mua vườn cao su không là nhân khẩu nông nghiệp thường trú tại xã An Tây. Sai phạm này dẫn đến 30 người mua vườn cao su theo trường hợp giao đất nông nghiệp không thu tiền sử dụng đất.

Đáng chú ý, trong số những người mua, gia đình ông Huệ được hưởng 78ha đất, sau này được đền bù trị giá hơn 1,3 tỉ đồng.

Tương tự mẹ của bị can Phan Đăng Trung đã mua 4,2ha cao su, được đền bù về đất 3,36 tỉ đồng; gia đình bị can Đỗ Văn Sâm cũng được mua 13ha vườn cao su, được hưởng số tiền hơn 255 triệu đồng.

Sai phạm của các ông này dẫn tới thiệt hại Nhà nước mất đi quyền sử dụng toàn bộ số diện tích đất đã bán, không thu hồi tiền cho thuê đất và phải bồi thường về đất khi giải phóng mặt bằng để xây dựng Khu liên hiệp công nghiệp dịch vụ An Tây.

Hà Nam thực hiện các giải pháp giảm ô nhiễm môi trường

Tỉnh Hà Nam vừa ban hành triển khai Ðề án tổng thể giảm ô nhiễm môi trường do các hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhất là do sản xuất vật liệu xây dựng gây ra. Theo đó, giai đoạn 2016-2018, Hà Nam đề ra các giải pháp tập trung xử lý rác thải tồn đọng tại khu vực bãi rác cũ, không để tình trạng ô nhiễm phát sinh. Tổ chức để các doanh nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản thực hiện nghiêm nội dung đã cam kết trong báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc bản cam kết, kế hoạch bảo vệ môi trường.

px2.jpg
Vận hành hệ thống xử lý rác thải thành điện năng tại Nhà máy cơ khí chế tạo thiết bị môi trường thuộc Công ty TNHH Thủy lực máy (Khu công nghiệp Ðồng Văn II, huyện Duy Tiên, Hà Nam). Ảnh: QUANG MINH

 

Theo đó, tỉnh yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện khai thác, chế biến khoáng sản phục hồi môi trường theo đúng kế hoạch trong các đề án, phương án cải tạo đã được phê duyệt. Các cơ sở thực hiện đo kiểm soát ô nhiễm môi trường định kỳ gửi cơ quan quản lý nhà nước; các nhà máy xi-măng lắp đặt hệ thống quan trắc tự động hệ thống khí thải, truyền tải số liệu về Sở Tài nguyên và Môi trường và vận hành thường xuyên hệ thống xử lý khí thải… chấm dứt hoạt động của các máng rót tự phát không phù hợp quy hoạch được duyệt trên sông Ðáy...

Đình chỉ 6 tháng công ty chế biến mủ cao su gây ô nhiễm môi trường

Huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước, vưa ra quyết định phạt 70 triệu đồng và đình chỉ hoạt động 6 tháng đối với Nhà máy chế biến mủ cao su của Công ty TNHH Một thành viên sản xuất thương mại xuất nhập khẩu Thanh Thủy (xã Đức Liễu, huyện Bù Đăng) do xây dựng trái phép và xả thải gây ô nhiễm môi trường.

Theo cơ quan chức năng, qua kiểm tra dự án nhà máy chế biến mủ cao su của Công ty Thanh Thủy không đủ điều kiện về khoảng cách để xây dựng nhà máy chế biến với khu dân cư. Cụ thể, vị trí xây dựng Nhà máy chế biến mủ cao su nằm trong khu dân cư thôn Bình Tiến, có trên 15 hộ dân sinh sống tập trung, cách nhà dân gần nhất 200m, cách Trường Trung học phổ thông Lê Quý Đôn 1,2 km, cách Trường Trung học cơ sở Nguyễn Trường Tộ và trung tâm hành chính xã Đức Liễu (Bù Đăng) 1,47 km. Khu đất xây dựng nhà máy cách Quốc lộ 14 khoảng 400 m, cách cầu Pan Toong 460 m và khoảng cách này không bảo đảm cách trung tâm hành chính, khu dân cư tập trung và công trình hạ tầng xã hội tối thiểu 2 km theo quy định tại Công văn số 669/UBND-KTTH ngày 9/3/2017 của UBND tỉnh. 

px3.jpg
Nhà máy chế biến mủ cao su gây ô nhiễm bị đình chỉ hoạt động 6 tháng. Ảnh: dantri.com.vn

 

Qua kiểm tra, Công ty Thanh Thủy đã tiến hành xây dựng và vận hành xưởng chế biến mủ cao su khi chưa được cấp phép. Điều đáng nói, sau khi đi vào hoạt động từ đầu năm 2018 đến nay, nhà máy của Công ty Thanh Thủy gây mùi hôi, bể chứa nước thải bị rò rỉ ngấm vào hệ thống nước ngầm, làm cho giếng của nhiều hộ dân bị ô nhiễm. Nhận được phản ánh, Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Bù Đăng đã kiểm tra, lập biên bản vi phạm hành chính, quyết định xử phạt Công ty Thanh Thủy 70 triệu đồng; đồng thời bổ sung hình phạt đình chỉ hoạt động của nhà máy trong 6 tháng, buộc trong thời hạn 3 tháng phải thực hiện các biện pháp khắc phục ô nhiễm môi trường và báo cáo kết quả khắc phục hậu quả về Thanh tra Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Bình Phước. 

Được biết, Công ty Thanh Thủy xây dựng nhà xưởng sản xuất mủ cao su diện tích khoảng 3.000 m2, văn phòng làm việc diện tích 150 m2, hệ thống xử lý nước thải diện tích khoảng 3.000 m2, tổng diện tích nhà xưởng 40.969 m2, trong đó có 4.900 m2 đất sản xuất - kinh doanh được Công ty Thanh Thủy đăng ký xây dựng kho để thu mua mủ cao su và nông sản. Tuy nhiên, việc mở rộng xây dựng thêm nhà xưởng chế biến mủ cao su khi chưa có báo cáo tác động môi trường và chưa có giấy phép.

 

 

 

P.V (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Ngày 19/4, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức sơ kết 1 năm triển khai chương trình vận động, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cho người nghèo, người có khó khăn về nhà ở giai đoạn 2023-2025 (Chương trình 1838).

  • “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    Với 28 lần hiến máu nhân đạo, trình dược viên Từ Thị Tuyên (SN 1989), xã Thạch Thắng, Thạch Hà (Hà Tĩnh) đã trở thành tấm gương sáng trong các hoạt động an sinh xã hội, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng…

  • PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    Với tinh thần tương thân tương ái, vừa qua, Đoàn Thanh niên Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) đã tổ chức chương trình từ thiện “Xuân tình nguyện 2024” để thăm hỏi, động viên và trao quà đến các em học sinh nghèo, các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại xã Nậm Chảy, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Đây là hoạt động hưởng ứng tinh thần Tháng Thanh niên và Năm Thanh niên tình nguyện của tuổi trẻ PVcomBank.

  • Thanh Hóa - Hậu phương lớn trong chiến dịch Điện Biên Phủ

    Thanh Hóa - Hậu phương lớn trong chiến dịch Điện Biên Phủ

    Cách đây 70 năm, cuộc kháng chiến chống Pháp của dân tộc ta kết thúc thắng lợi bằng chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, trở thành mốc son chói lọi bằng vàng tạc vào lịch sử dân tộc.

  • Khai mạc Lễ hội Du lịch biển Hà Tĩnh năm 2024

    Khai mạc Lễ hội Du lịch biển Hà Tĩnh năm 2024

    Tối 21/4, tại quảng trường Hồ Tùng Mậu (Khu du lịch Thiên Cầm, Cẩm Xuyên), UBND tỉnh Hà Tĩnh long trọng tổ chức khai mạc Lễ hội Du lịch biển năm 2024 với chủ đề “Hà Tĩnh – Thanh âm ngày nắng mới”.

  • Người dân Cổ Loa mong sớm xây dựng đền thờ vua Ngô Quyền

    Người dân Cổ Loa mong sớm xây dựng đền thờ vua Ngô Quyền

    Sau chiến thắng quân xâm lược Nam Hán (năm 938) trên sông Bạch Đằng, Ngô Quyền xưng Vương và chọn đất Cổ Loa làm kinh đô, mở đầu cho kỷ nguyên mới của dân tộc sau gần 1000 năm Bắc thuộc. Mặc dù đóng đô ở Cổ Loa từ tiền Ngô Vương đến hậu Ngô Vương gồm 26 năm, nhưng đến nay vẫn chưa có một công trình tôn vinh Ngô Vương Quyền trên vùng đất Cổ Loa nơi ông dựng nghiệp và chọn làm kinh đô. Xây dựng đền thờ Ngô Quyền tại mảnh đất linh thiêng này là thỏa nỗi ước mong của các hậu thế.

Top