Dù được đánh giá là không quá mạnh nhưng bão số 2 (Talas) vẫn gây thiệt hại khá nặng cho các tỉnh miền Trung từ Thanh Hóa đến Quảng Bình. Đã có 9 người chết, 3 người mất tích, thiệt hại về tài sản lên tới hàng chục tỷ đồng.
Tuyến đường liên xã bị chia cắt tại xã Vạn Xuân (Thường Xuân - Thanh Hóa).
Sau khi bão số 2 đi qua, những tàn dư của bão ở Thanh Hóa khá nặng nề. Các cấp, các ngành, các địa phương trên toàn tỉnh đang nỗ lực triển khai các giải pháp khắc phục hậu quả.
Thống kê từ Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, do ảnh hưởng của bão số 2, toàn tỉnh có 10 ngôi nhà bị đổ sập, 282 nhà bị tốc mái, 6 nhà bị ngập. Thiệt hại về nông, lâm nghiệp cũng khá nặng khi hơn 2.145ha lúa bị ngập úng, 680,6ha ngô bị đổ gãy, 387ha rau màu các loại bị hư hỏng, 784,7ha mía, 1.224ha cây lâm nghiệp bị tàn phá, 7.419 cây xanh bị đổ gãy… Nhiều địa phương ở các huyện miền núi như: Lang Chánh, Thường Xuân, Quan Sơn, Như Thanh, Thạch Thành bị chia cắt, do lượng nước đầu nguồn đổ về các sông, suối ngày càng nhiều.
Trước tình hình trên, UBND tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và PTNT, các cơ quan, ban ngành tiếp tục kiểm tra, rà soát thiệt hại do mưa bão gây ra trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố để có giải pháp khắc phục kịp thời. Các trạm thủy nông, trạm bơm tiêu đóng trên địa bàn các huyện tích cực vận hành tiêu nước tránh tình trạng ngập lụt. Một số huyện có lượng mưa lớn, nguy cơ sạt lở cao do nước đầu nguồn đổ về gây ngập úng cục bộ trên nhiều địa bàn huyện, cần di dời các hộ dân ra khỏi vùng nguy hiểm.
Trên địa bàn huyện Như Thanh, mưa bão làm đổ 1.177ha keo, 675,2ha mía, 21,7ha cao su, 15 ha luồng, 58ha sắn, 73,3ha ngô, 10ha chuối, 15ha rau màu các loại, hơn 3.500 cây phân tán, gần 70 cây cột điện, cột viễn thông bị gãy đổ, 5 ngôi nhà bị đổ sập hoàn toàn, 45 ngôi nhà bị tốc mái, 60,5ha lúa bị ngập lụt. Ước thiệt hại ban đầu trên 14,7 tỷ đồng.
Tan hoang thuyền cá ở Quảng Bình.
Tại hai huyện Lang Chánh và Quan Sơn, mưa lũ đã làm hư hỏng và ngập úng, sạt lở, chia cắt một số tuyến đường giao thông đến trung tâm các xã. Lang Chánh có 8 thôn bản bị cô lập, 158ha lúa và hoa màu bị hư hại, 2 ngôi nhà bị sập, 1 trường học bị tốc mái. Địa bàn huyện Quan Sơn có 3 cây cầu tạm bắc qua sông Lò, sông Luồng bị lũ cuốn trôi, 3 hộ dân phải di dời khỏi khu vực nguy hiểm, 1 điểm nứt toác trên quốc lộ 127 đang được UBND huyện chỉ đạo khắc phục.
Bão số 2 đổ bộ vào Nghệ An rạng sáng 17/7, gió lớn giật mạnh trong nhiều giờ liền tại hầu hết các huyện, thành thị trên địa bàn toàn tỉnh khiến nhiều người chết, nhiều tài sản, hoa màu bị thiệt hại nặng. Hiện, các lực lượng chức năng đang nỗ lực khắc phục hậu quả sau bão, đặc biệt là đẩy mạnh tìm kiếm những thuyền viên mất tích trên tàu VTB-26.
Bão làm 35 nhà bị sập, 200 căn nhà bị tốc mái, hư hỏng nặng và hơn 3.600 nhà bị tốc mái, hư hỏng nhẹ. Có 14 nhà bị sạt lở, 160 phòng học bị tốc mái, hư hỏng, một trạm y tế bị tốc mái; hơn 17.000ha lúa, hoa màu, cây trồng bị thiệt hại và khoảng 80.000 cây xanh bị đổ, gãy cùng hàng ngàn gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi…
Ở khu vực huyện biên giới Quế Phong, đoàn công tác của Tổng cục Đường bộ, Cục Quản lý đường bộ 2 và Sở GTVT tỉnh Nghệ An vào bản Xốp Cháo (xã Đồng Văn, huyện Quế Phong) để kiểm tra, khắc phục tình trạng sạt lở ở một số vị trí tuyến đường giao thông. Khi đi trên Quốc lộ 16 đoạn qua xã Đồng Văn, ô tô bán tải mất lái trôi theo dòng nước lũ. Anh Thái Huy Hào (chuyên viên của Ban quản lý vốn sự nghiệp thuộc Sở GTVT tỉnh Nghệ An) và anh Phạm Văn Chung (cán bộ kỹ thuật Công ty Cổ phần Trung Tín) không kịp thoát ra ngoài đã bị mất tích. Lực lượng chức năng đang tích cực tìm kiếm người bị nạn.
Nghệ An cây gãy ngổn ngang.
Ông Nguyễn Xuân Đường, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho biết: “Đến thời điểm này, tỉnh Nghệ An đã huy động thành lập 21 đoàn đi kiểm tra và khắc phục các sự cố do cơn bão số 2 gây ra. Riêng thông tin về chiếc tàu chở than bị sóng biển đánh chìm, khiến 13 người mất tích thì hiện tại đã tìm được 7 thuyền viên còn sống sót, 4 thuyền viên đã tử vong, 2 thuyền viên mất tích. Các lực lượng tìm kiếm cứu hộ cứu nạn phối hợp với Bộ đội biên phòng và Cảnh sát biển nỗ lực tìm kiếm các thuyền viên mất tích...”.
Tại Hà Tĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Quốc Khánh đã cùng đoàn công tác kịp thời đi kiểm tra các huyện ven biển thiệt hại nặng ở hai huyện Nghi Xuân và Lộc Hà. Nhiều khu vực ở chợ Cồn ở xã Xuân Yên (Nghi Xuân) - trung tâm mua bán của người dân bị bão tốc mái, hàng hóa hư hỏng. Chủ tịch UBND tỉnh đã giao chính quyền địa phương, các lực lượng vũ trang, ban quản lý chợ tập trung khắc phục, sửa chữa lại các khu vực hư hỏng, đồng thời có chính sách hỗ trợ các hộ tiểu thương sớm trở lại hoạt động kinh doanh sau lũ.
Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Lê Đình Sơn cũng đã đi kiểm tra tình hình thiệt hại, khắc phục sau bão số 2 tại một số công trình thủy lợi, giao thông trên địa bàn. Qua thị sát tình hình tích nước, xả lũ tại Nhà máy Thủy điện Hố Hô, ông Sơn yêu cầu lãnh đạo Nhà máy Thủy điện Hố Hô phối hợp với huyện Hương Khê khẩn trương hoàn thành sơ đồ ngập lụt vùng hạ du; thông báo kịp thời tình hình xả lũ cho các địa phương chủ động phương án di dời, ứng phó sự cố.
Bí thư Sơn cũng yêu cầu các địa phương, đơn vị không chủ quan, tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến của thời tiết; kiên quyết sơ tán dân ở những vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, các lán trại thi công ven sườn núi, vùng ven sông, ven suối…
Tại Quảng Bình, mặc dù đã được neo đậu nơi trú bão quy định nhưng do sóng to gió lớn, một số tàu cá của ngư dân bị sóng đánh chìm, số dạt vào bờ gây hư hỏng nặng. Sau bão, lãnh đạo tỉnh đã kịp thời xuống thăm hỏi, động viên nhân dân các vùng bị thiệt hại, đồng thời chỉ đạo chính quyền địa phương tập trung cứu chữa những ngư dân bị thương; huy động lực lượng trục vớt tàu, thuyền bị chìm.
Dù chưa có thống kê chính xác, nhưng theo đánh giá của Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Bình, thiệt hại về tài sản lần này khá lớn: Bão số 2 đã khiến 19 người bị thương; 7 tàu hàng bị mắc cạn; 2 xà lan của Cảng Hòn La bị chìm; 43 tàu cá bị chìm; 1 tàu lai dắt của Hải quân bị chìm; 16,8ha nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại; 25ha rừng bị gãy đổ; nhiều diện tích hoa màu bị thiệt hại nặng; 450m hệ thống kênh mương bị hư hỏng, sạt lở; 2 chiếc cầu bị cuốn trôi, xói lở; hàng trăm đường giao thông nông thôn bị sạt lở, vùi lấp…
Tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đánh giá về công tác ứng phó với bão số 2, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường cho rằng, cần phải rút ra một số bài học kinh nghiệm sau cơn bão số 2, tập trung vào việc quản lý, tổ chức sắp xếp tàu thuyền cập bờ một cách hợp lý; phải kiên quyết bằng mọi biện pháp đưa người lên bờ, cư trú tại nơi an toàn và cần có các biện pháp quyết liệt hơn trong quản lý các phương tiện vãng lai. Bộ trưởng yêu cầu cần thông tin, cảnh báo liên tục, thường xuyên đối với những người dân ở những vùng có nguy cơ, nguy cơ cao về sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, quản lý việc sinh hoạt, sản xuất, đi lại của người dân trong vùng này cả trước, trong và sau mưa lũ. Phải có ngay các giải pháp xử lý đối với các hồ chứa nước sản xuất, đặc biệt đối với các hồ ở miền núi phía Bắc, Đồng bằng sông Hồng và khu vực miền Trung. Đồng thời, tiếp tục huy động lực lượng, phương tiện tập trung tìm kiếm người mất tích; tổ chức cứu chữa người bị thương; thăm hỏi, hỗ trợ các gia đình có người chết, nhà bị sập, đổ. Huy động lực lượng giúp dân sửa chữa lại nhà cửa, hỗ trợ các nhu yếu phẩm thiết yếu không để người dân bị đói, rét và không có chỗ ở. Khẩn trương triển khai khôi phục hệ thống điện phục vụ dân sinh và tập trung bơm tiêu rút nước tại các khu vực bị ngập úng, khôi phục sản xuất nông nghiệp ngay sau khi nước rút. Bên cạnh đó, cần tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình mưa, lũ tại các tỉnh phía Bắc và Bắc Trung Bộ để chủ động các biện pháp ứng phó kịp thời. Đặc biệt cần quan tâm, chú trọng chỉ đạo quy trình vận hành liên hồ chứa, quy trình xả lũ theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai. |
Xuân Sơn - Sỹ Thăng - Anh Bình
Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.
Thời gian qua, tỉnh Nghệ An triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, cơ chế, chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nâng cao ý thức tự lực, tự cường vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo nên diện mạo mới cho nông thôn miền núi xứ Nghệ.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.