Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 20 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 18 tháng 3 năm 2016 | 9:58

Các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ đang đối mặt với tình hình hạn hán

Các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên đang trong tình trạng khô hạn đáng báo động và thực tế này đang gây ra những ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất và sinh hoạt của người dân.

Đây là thông tin được các đại biểu nêu lên tại hội nghị sơ kết sản xuất trồng trọt vụ đông xuân 2015-2016 và triển khai sản xuất vụ hè thu, vụ mùa năm 2016 các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên diễn ra tại Bình Thuận ngày 17-3.

Có thể nói bắt đầu từ vụ hè thu năm 2014, Nam Trung Bộ là khu vực tiếp tục bị ảnh hưởng nặng của hạn hán. Năm 2016, hạn hán đã xảy ra ngay từ vụ đông xuân ở các tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hòa và khả năng ở vụ hè thu sẽ xảy ra gay gắt, nhất là tại Bình Thuận. 

Theo Cục Trồng trọt, tổng diện tích xuống giống toàn vùng vụ đông xuân 2015-2016 là 292.380ha, giảm 20.344ha; năng suất ước đạt 61,5 tạ/ha, giảm 0,1 tạ/ha; sản lượng ước đạt gần 1,8 triệu tấn, giảm 129.000 tấn so với đông xuân 2014-2015. Nguyên nhân giảm năng suất là do tình hình hạn hán đã ảnh hưởng đến hơn 18.475ha lúa làm giảm năng suất.

Các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên đang trong tình trạng khô hạn đáng báo động và thực tế này đang gây ra những ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất và sinh hoạt của người dân.

Ông Nguyễn Văn Hòa, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết, từ cuối năm 2015, do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, nắng nóng xuất hiện sớm trên diện rộng, lượng mưa thiếu hụt khoảng 15-30% so với trung bình nhiều năm, nhiều nơi không có mưa gây khô hạn nặng. Điều này đã tác động mạnh đến sản xuất trồng trọt các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Thống kê cho thấy, tổng diện tích cây trồng ở 2 khu vực trên bị ảnh hưởng là hơn 177.000ha. Trong đó các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ hơn 10.000ha và Tây Nguyên gần 167.000ha. Điều đáng lo là tình trạng khô hạn vẫn sẽ còn tác động cho đến vụ hè thu 2016.

Trước tình hình nắng nóng và hạn hạn kéo dài, vào đầu vụ, Cục Trồng trọt đã tham mưu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai chỉ đạo sản xuất vụ đông xuân sớm hơn với các giải pháp quyết liệt trong phòng, chống hạn hán.

Nhằm phòng tránh những thiệt hại có thể xảy ra do hạn hán, các địa phươngn đã thống nhất với Cục dịch chuyển thời vụ sớm hơn, chủ động bố trí thời vụ và lịch xuống giống cho từng tiểu vùng tùy theo tình hình thực tế của địa phương. Cụ thể, các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định đã chủ động dịch chuyển thời vụ xuống giống sớm và tập trung hơn năm 2015 từ 7-10 ngày để né tránh hạn cuối vụ.

Các tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hòa do tình trạng hạn nặng vụ mùa 2015 nên xuống giống không tập trung, kéo dài, thu hoạch muộn. Do vậy, vụ đông xuân 2015-2016 xuống giống không sớm hơn theo lịch khuyến cáo.

Các tỉnh vùng Tây Nguyên như Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk đã chủ động chỉ đạo xuống giống sớm hơn ở những vùng dự báo thiếu nước vào cuối vụ, gieo sạ đúng lịch thời vụ khuyến cáo từ 18-12-2015 đến 20-1-2016 đạt 90% diện tích, khoảng 57.000ha. Các tỉnh Đắk Nông, Lâm Đồng xuống giống muộn hơn do áp lực về lao động đang vào mùa thu hoạch cà phê.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh phát biểu tại hội nghị

Việc chuyển dịch thời vụ xuống giống sớm hơn 10-15 ngày trong vụ đông xuân 2015-2016 đã giúp giảm diện tích lúa bị hạn, tiết kiệm được 2-3 lần tưới và ổn định năng suất các trà lúa gieo sớm.

Cục Trồng trọt cũng tập trung chỉ đạo các địa phương sử dụng giống ngắn và cực ngắn ngày trong vụ đông xuân 2015-2016. Toàn vùng có khoảng 95% diện tích sử dụng giống ngắn ngày: OM6976, KDđb, TB-R1, TH3-3, DT45, ML202… Các giống lúa chất lượng, gạo ngon, cơm mềm, thơm nhẹ bán được giá cao hơn đã được nhiều địa phương bổ sung vào cơ cấu giống như: HT1, OM4900, OM6162.

Các giống dài ngày như X21, Xi23, NX30, 13/2… từng bước được loại dần khỏi cơ cấu giống lúa trong sản xuất. Tuy nhiên, cơ cấu giống trên mỗi tỉnh còn sử dụng nhiều loại giống cần tiếp tục rút gọn hơn nữa theo Thông báo 1335/TB-TT-VPPN, ngày 29-7-2015 của Cục Trồng trọt về việc thông báo kết quả hội thảo xây dựng cơ cấu giống lúa phục vụ sản xuất duyên Hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.

Theo ông Hòa, các mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa cho năng suất và hiệu quả cao với hầu hết các cây trồng được lựa chọn chuyển đổi như: ngô, lạc, rau đậu các loại… Tuy nhiên, việc nhân rộng còn hạn chế do chưa thu hút doanh nghiệp liên kết sản xuất, ký kết hợp đồng tiêu thụ, mặt khác giá cả thị trường chưa ổn định, hạ tầng thuỷ lợi chưa đáp ứng tưới tiêu... Cây rau màu, cây công nghiệp ngắn ngày ở những vùng không bị hạn đều sinh trưởng phát triển tương đối tốt, năng suất khá, nhưng tiêu thụ đầu ra chưa ổn định và giá cả một số sản phẩm thấp, chưa kích thích phát triển sản xuất. Sản xuất phát triển không theo quy hoạch dẫn đến mất cân đối về cung cầu, chất lượng sản phẩm đầu ra còn kém và an toàn vệ sinh thực phẩm chưa được quan tâm. Đây là vấn đề khó khăn chung cần có bước chuẩn bị lâu dài và hợp lý về sản xuất và tiêu thụ cây ngắn ngày.

Theo Tổng Cục Thủy lợi, mùa khô ở các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ đã bắt đầu từ tháng 12-2015 và còn kéo dài đến hết tháng 6-2016. Còn khu vực Tây Nguyên sẽ tiếp tục đến hết tháng 4-2016. Hiện tại, các hồ chứa thủy điện, thủy lợi ở 2 khu vực trên có dung trữ thấp và đang gây ra những khó khăn cho sinh hoạt và sản xuất của người dân.

Ông Nguyễn Văn Tĩnh, Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Thủy cho biết, vừa qua Thủ tướng Chính phủ cũng đã đồng ý hỗ trợ cho 34 địa phương kinh phí chống hạn với hơn 500 tỷ đồng. Hiện Tổng Cục Thủy lợi đang tiếp tục rà soát để mở rộng những đối tượng có thể được hỗ trợ như đắp đập tạm, đào ao, đào giếng vận chuyển nước sinh hoạt cho người dân. Qua đó giúp người dân khắc phục vấn đề hạn hán trong thời gian tới.

Ông Mai Kiều, Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Thuận cho biết, tại Bình Thuận, tổng diện tích gieo trồng cây ngắn ngày vụ đông xuân 2015-2016 là 33.829ha (kế hoạch là 29.593ha), đạt 114,3% so với kế hoạch và bằng 73,6% so với cùng kỳ. Cụ thể, diện tích cây lương thực 25.956ha/23.728ha kế hoạch, đạt 109,4% so với kế hoạch. Trong đó, tổng diện tích gieo trồng lúa là 21.706ha gồm 18.564ha trong kế hoạch tưới của hệ thống thủy lợi; 3.055ha bố trí sản xuất đông xuân sớm, tận dụng nguồn nước nhỉ, nước gió, nước giếng khoan tập trung tại các huyện Bắc Bình 2.209ha, Hàm Thuận Nam 492ha, Hàm Thuận Bắc 302ha và 87ha ngoài kế hoạch sản xuất tập trung tại Phan Thiết 22ha, Hàm Tân 65ha. Tổng diện tích gieo trồng bắp 4.250ha, đạt 85,34% kế hoạch (4.980ha).

Về kế hoạch sản xuất vụ hè thu 2016, do ảnh hưởng nắng hạn, vụ sản xuất hè thu 2016 tại các huyện Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam, Hàm Tân, thị xã La Gi và TP. Phan Thiết chờ có mưa, đảm bảo nguồn nước mới sản xuất vụ hè thu. Nếu đến ngày 15-6-2016 không có mưa thì không bố trí sản xuất vụ hè thu 2016. Riêng huyện Tánh Linh và Đức Linh, qua cân đối, sau khi cấp nước tưới vụ đông xuân 2015-2016, nguồn nước còn lại tại hồ thủy điện Hàm Thuận - Đa Mi vẫn đáp ứng đủ lượng nước tưới cho cây lúa vụ hè thu năm 2016 cho huyện Tánh Linh là 7.000ha và Đức Linh 5.700ha.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Đức Hòa phát biểu tại hội nghị

Ông Nguyễn Đức Hòa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận cho biết, tỉnh đang kiến nghị Bộ NN-PTNT trình Chính phủ ban hành chính sách hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa đối với vùng thường xuyên bị hạn hán để nhân dân an tâm sản xuất; có chính sách hỗ trợ cho người dân có đất trồng lúa trong quy hoạch nhưng không sản xuất được do thiên tai, hạn hán gây ra.

Theo Sở NN-PTNT Ninh Thuận thì tổng diện tích phải dùng sản xuất do thiếu nước tưới trong năm 2016 vào khoảng 10.260ha, trong đó vụ đông xuân 2015-2016 đã dừng không sản xuất 5.775ha (2.645ha lúa và 3.130ha rau màu); vụ hè thu 2016 dự kiến dừng là 4.495ha cây lúa.

Kết luận tại Hội nghị, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh nhấn mạnh, dự báo vụ hè thu 2016, nắng hạn gay gắt đối với các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, ảnh hưởng đến gieo trồng cây lúa và cây màu. Do vậy, các tỉnh cần chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng; tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng và qua các cấp chính quyền, các hội, đoàn thể quần chúng để vận động nhân dân sử dụng nước tiết kiệm; nhận thức mức độ khó khăn hiện nay; có phương pháp sản xuất phù hợp với tình hình thực tế như về giống, nguồn nước, nạo vét kênh mương, đặc biệt là áp dụng các công nghệ tưới tiết kiệm. Các địa phương phải thường xuyên thông báo tình hình thời tiết, nguồn nước để điều chỉnh việc cấp nước và sản xuất phù hợp với thực tế; đẩy mạnh chuyển đổi cây màu trên đất lúa. Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đề nghị Tổng cục Thủy lợi rà soát, kiểm tra, đánh giá tình hình nguồn nước ở các hồ thủy lợi để có phương án cân đối nguồn nước.

Quang Minh

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Ngày 19/4, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức sơ kết 1 năm triển khai chương trình vận động, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cho người nghèo, người có khó khăn về nhà ở giai đoạn 2023-2025 (Chương trình 1838).

  • “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    Với 28 lần hiến máu nhân đạo, trình dược viên Từ Thị Tuyên (SN 1989), xã Thạch Thắng, Thạch Hà (Hà Tĩnh) đã trở thành tấm gương sáng trong các hoạt động an sinh xã hội, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng…

  • PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    Với tinh thần tương thân tương ái, vừa qua, Đoàn Thanh niên Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) đã tổ chức chương trình từ thiện “Xuân tình nguyện 2024” để thăm hỏi, động viên và trao quà đến các em học sinh nghèo, các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại xã Nậm Chảy, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Đây là hoạt động hưởng ứng tinh thần Tháng Thanh niên và Năm Thanh niên tình nguyện của tuổi trẻ PVcomBank.

Top