Năm 2022, tình hình xâm nhập mặn ở ĐBSCL được nhận định sẽ phụ thuộc vào nguồn nước từ thượng nguồn sông Mê Kông; biến động xâm nhập mặn sẽ ở mức cao hơn trung bình nhiều năm… Các tỉnh, thành phố cần sớm triển khai phòng chống hạn mặn, hạn chế thiệt hại.
Xâm nhập mặn năm 2022, rủi ro thiên tai ở cấp 1-2
Thông tin cụ thể hơn về nhận định trên, ông Phùng Tiến Dũng, Trưởng phòng dự báo thủy văn Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ (Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia) cho biết trước mắt, từ nay đến 20/2/2022, ở thượng nguồn sông Mekong và khu vực Nam Bộ sẽ phổ biến ít mưa, ban ngày trời nắng.
Nhiệt độ thấp nhất ban đêm ở Đồng bằng sông Cửu Long phổ biến từ 22-25 độ C; nhiệt độ cao nhất dao động trong khoảng từ 31-34 độ C.
Mực nước các trạm trên dòng chính sông Mekong biến đổi chậm và ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm từ 0,1-1m. Mực nước trên sông Tiền, sông Hậu cũng được dự báo sẽ biến đổi chậm, cao nhất tuần tại Tân Châu là 1,55m; tại Châu Đốc 1,70m, ở mức cao hơn trung bình nhiều năm cùng kỳ từ 0,2-0,3m.
Tại trạm Vũng Tàu, mực nước thủy triều trong khoảng thời gian từ nay đến ngày 20/2 có xu hướng tăng dần, với đỉnh triều lớn nhất xuất hiện trong ngày 19/2 đạt 3,81m (thời gian xuất hiện khoảng từ 2-4 giờ).
Trong khi đó, mực nước thủy triều phía Biển Tây (Trạm Phú Quốc) có xu thế tăng dần, mực nước triều cao nhất dao động ở khoảng 1,30-1,31m trong các ngày 19-20/2, với đỉnh triều 1,31m trong ngày 20/2 (thời gian xuất hiện từ 20-22 giờ).
Với diễn biến trên, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia dự báo xâm nhập mặn từ nay đến ngày 20/2, có xu thế tăng dần vào những ngày cuối tuần. Độ mặn tại các trạm phổ biến ở mức thấp hơn độ mặn cao nhất tháng 2/2021.
Cụ thể, chiều sâu ranh mặn 1g/l trong thời kỳ này tại các sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây, có phạm vi xâm nhập mặn 65-82km; sông Cửa Tiểu, Cửa Đại 45-52km; sông Hàm Luông, Cổ Chiên 55-60km; sông Hậu 42-45km; sông Cái Lớn 50-60km.
Tương tự, chiều sâu ranh mặn 4g/l trong thời kỳ này tại sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây, có phạm vi xâm nhập mặn 45-65km; sông Cửa Tiểu, Cửa Đại 35-45km; sông Hàm Luông, Cổ Chiên 40-50km; sông Hậu 35-42km; sông Cái Lớn 40-50km. Cấp độ rủi ro thiên tai ở Đồng bằng sông Cửu Long ở cấp 1-2.
Về xu thế xâm nhập mặn trong mùa khô năm nay, ông Phùng Tiến Dũng, Trưởng phòng Dự báo Thủy văn Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ nhận định sẽ ở mức cao hơn trung bình nhiều năm nhưng không nghiêm trọng như mùa khô năm trước.
Theo nhận định ban đầu, các đợt xâm nhập mặn cao nhất ở cửa sông Cửu Long có khả năng sẽ tập trung vào tháng tháng 2 và tháng 3 (từ ngày 26/2-5/3, 14-19/3); các sông Vàm Cỏ, Cái Lớn vào tháng 3,4 (từ ngày 14-19/3, 28/3-3/4 và 12-17/4).
Ngay trong tuần này, ranh mặn 4g/l có thể sẽ xâm nhập sâu vào hệ thống sông ở Đồng bằng sông Cửu Long từ 55-85km.
Sang tháng Ba, ranh mặn sẽ tiếp tục vào sâu thêm từ 10-20km, lên tới 57-110km ở trên các nhánh sông. Dù xâm nhập mặn năm nay không gay gắt như mùa khô các năm 2015-2016 và 2019-2020 nhưng vẫn có thể cao hơn trung bình nhiều năm.
Vì vậy, cơ quan khí tượng quốc gia khuyến cáo bà con không được chủ quan. Đặc biệt, khi nước nhiễm mặn lên tới 4g/l, bà con sẽ không thể lấy được nước để sinh hoạt hay tưới tiêu. Do vậy, bà con cần kiểm tra độ mặn thường xuyên trước khi lấy nước và tranh thủ những cơn mưa trái mùa, để tích trữ nước ngọt.
Ngoài ra, đại diện cơ quan khí tượng thủy văn quốc gia cũng nhận định rằng tình hình xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long phụ thuộc vào nguồn nước từ thượng nguồn sông Mekong, triều cường và còn biến động trong thời gian tới.
Do vậy, các địa phương ở Nam Bộ cần cập nhật kịp thời các thông tin dự báo khí tượng thủy văn và có các biện pháp chủ động phòng chống xâm nhập mặn.
Chủ động phòng chống xâm nhập mặn
Ngay từ đầu năm 2022, ngành chức năng tỉnh Tiền Giang khẩn trương triển khai các công trình phòng chống hạn mặn nhằm bảo vệ sản xuất và nguồn nước sinh hoạt. Theo dự báo, đến cuối tháng 2 đầu tháng 3/2022, độ mặn 1g/lít sẽ xâm nhập kênh Nguyễn Tấn Thành. Vì vậy, UBND tỉnh Tiền Giang quyết định đắp đập thép nhằm bảo vệ nước sinh hoạt cho khoảng 1,1 triệu dân của hai tỉnh Tiền Giang và Long An, đồng thời bảo vệ khoảng 128.000ha diện tích sản xuất nông nghiệp.
Cụ thể, đập thép ngăn mặn trữ ngọt trên kênh Nguyễn Tấn Thành (thuộc huyện Châu Thành) là công trình ngăn mặn dã chiến có quy mô lớn tại địa phương. Đập thép này được xây dựng với các trụ, khung bằng vật liệu thép đảm bảo an toàn dưới tác động của thủy triều. Đập dài gần 80m, nối liền 2 bờ kênh nhằm ngăn không cho nước mặn xâm nhập từ sông Tiền vào kênh và dự trữ nguồn nước ngọt để cung cấp tưới tiêu và sinh hoạt. Dự kiến công trình hoàn thành trước ngày 25/2, tổng chi phí hơn 10 tỷ đồng.
Sở NN-PTNT tỉnh Tiền Giang cho biết, hiện nay, xâm nhập mặn trên sông Tiền đến sớm hơn so trung bình nhiều năm. Để ứng phó, ngành nông nghiệp tỉnh đã đề xuất chi khoảng 29 tỷ đồng nạo vét 16 tuyến kênh ở vùng dự án ngọt hóa Gò Công đang bị bồi lắng, với chiều dài 135.000m; nạo vét nhiều tuyến kênh ở các huyện Cái Bè, Cai Lậy, Tân Phước, Châu Thành, Gò Công Tây, Chợ Gạo, Tân Phú Đông… phục vụ phòng chống hạn mặn mùa khô năm nay, cũng như các năm tiếp theo.
Theo ông Đoàn Văn Đảnh, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bến Tre, để hạn chế mặn xâm nhập nội đồng làm ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của người dân, tỉnh huy động nguồn vốn để gia cố đê, đắp đập tạm ngăn mặn. Bến Tre nỗ lực gia cố khoảng 60km bờ bao, xây dựng 27 đập để bảo vệ 32.000ha đất sản xuất.
Hiện nay, các ngành chức năng Bến Tre đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình nhằm phòng chống hạn mặn như xây dựng cống Sa Kê, Giồng Võ (huyện Mỏ Cày Nam); cửa cống Thành Triệu (huyện Châu Thành); dự án xây dựng tuyến ống cấp nước khu vực cù lao Long Thành, xã Sơn Phú và xã Hưng Phong (huyện Giồng Trôm); dự án hệ thống thủy lợi Nam Bến Tre (có 11 cống thuộc 2 huyện Mỏ Cày Nam và Thạnh Phú); đê bao ngăn mặn đoạn từ cống Cái Mít, đê bao ngăn mặn từ xã Hưng Lễ đến xã Thạnh Phú Đông (huyện Giồng Trôm)…
Ông Nguyễn Thanh Truyền, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Long An, nhìn nhận: “Qua các đợt hạn, thiếu nước, xâm nhập mặn xảy ra liên tiếp trong mùa khô các năm 2015-2016, 2019-2020 và 2020-2021, tỉnh Long An xác định phương châm hàng năm sẽ phải sống chung với hạn mặn và có kế hoạch ứng phó để không bị lúng túng”. Theo đó, Sở NN-PTNT tỉnh Long An đã rà soát, ưu tiên đầu tư các công trình phòng chống hạn mặn và đôn đốc thi công để hoàn thành sớm. Sở cũng phối hợp cùng chính quyền địa phương vận động người dân sản xuất đúng lịch, tiếp tục chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng tiết kiệm nước; thường xuyên liên hệ với các ngành chức năng để nắm diễn biến thời tiết nhằm chủ động trong sản xuất và sinh hoạt.
Tại Bạc Liêu, dự báo mùa khô năm 2021-2022 có nguy cơ xảy ra hạn mặn khá gay gắt. Cụ thể, đối với vụ lúa đông xuân 2022, do nguồn nước ngọt bổ sung từ sông Hậu về Bạc Liêu qua trục Quản Lộ Phụng Hiệp dự báo sẽ thiếu hụt, xâm nhập mặn sớm gây khó khăn cho việc tiếp nước từ Sóc Trăng về Bạc Liêu.
Trước diễn biến trên, tỉnh Bạc Liêu yêu cầu cơ quan liên quan chuẩn bị ứng phó tình huống mùa khô năm nay tương đương mùa khô năm 2019-2020. Với kịch bản này, Bạc Liêu sẽ phải giảm 3.400ha lúa đông xuân ở các nơi có nguy cơ thiếu nước ngọt. Ngoài ra, tỉnh phải chi hơn 18 tỷ đồng để đắp 89 đập của vụ lúa - tôm, 448 đập bảo vệ lúa đông xuân; cùng hỗ trợ bơm tát nước và kéo dài đường ống nước sạch…
Cà Mau, một trong những địa phương chịu nhiều tác động bởi hạn mặn, thường xuyên thiếu nước ngọt để sản xuất và sinh hoạt. Trước thực tế này, Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau triển khai xây dựng công trình hồ chứa nước ngọt diện tích hơn 100ha, với dung tích hồ chứa 3,85 triệu m3 tại xã Khánh An (huyện U Minh). Khi hoàn thành sẽ giúp cho khoảng 113.780 dân của huyện U Minh “giải khát” vào mùa khô.
Theo ông Tô Quốc Nam, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau, công trình này là cấp thiết bởi công năng đa mục tiêu, như cung cấp nước sinh hoạt, phòng cháy chữa cháy rừng… “Trong tương lai, nếu được tiếp nguồn nước ngọt từ sông Hậu về thì hồ này có khả năng trữ nước phục vụ thêm cho các huyện Trần Văn Thời, Thới Bình và khu công nghiệp Khánh An”, ông Nam chia sẻ.
Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.
Thời gian qua, tỉnh Nghệ An triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, cơ chế, chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nâng cao ý thức tự lực, tự cường vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo nên diện mạo mới cho nông thôn miền núi xứ Nghệ.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.