Những năm qua, cùng với cả nước, các cấp ủy Đảng, chính quyền huyện Sông Mã (Sơn La) đã quan tâm thực hiện chế độ chính sách đối với người có công với cách mạng, gia đình chính sách, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người có công.
Quan tâm đời sống người có công
Sông Mã có 1.558 người có công với cách mạng và thân nhân người có công. Trong đó, có 217 người đang được hưởng trợ cấp hàng tháng và 1.327 người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc làm nhiệm vụ quốc tế được tặng huân, huy chương kháng chiến.
Để triển khai, thực hiện công tác đền ơn đáp nghĩa, UBND huyện Sông Mã đã chỉ đạo các xã, thị trấn phối hợp với các cơ quan chuyên môn thực hiện tốt việc chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người có công dưới nhiều hình thức. Điển hình như: tặng nhà tình nghĩa, sổ tiết kiệm; các hội đoàn thể đóng góp ngày công giúp các gia đình chính sách những lúc ốm đau, gặp nạn; tổ chức các hoạt động kỷ niệm, viếng nghĩa trang liệt sĩ; tổ chức các đoàn đi thăm, tặng quà, động viên các thương, bệnh binh, gia đình chính sách tiêu biểu.
Thực hiện chủ trương của Chính phủ về hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở, huyện Sông Mã đã rà soát, hoàn thành việc hỗ trợ sửa và làm nhà mới cho hàng nghìn hộ trong diện được hỗ trợ. Đây là chính sách lớn, có ý nghĩa xã hội quan trọng, hướng đến mục tiêu giải quyết cơ bản tình trạng hộ chính sách đang gặp khó khăn về nhà ở, từng bước cải thiện, nâng mức sống cho các gia đình chính sách.
Nhờ số tiền hỗ trợ 40 triệu đồng mà gia đình ông Tòng Văn Sỹ, hội viên Hội Cựu chiến binh xã Huổi Một, đã có thêm điều kiện xây dựng ngôi nhà khang trang như hiện nay. Ông Sỹ tâm sự: Theo tiếng gọi của Đảng và Nhà nước, năm 1965, tôi lên đường nhập ngũ, tham gia chiến đấu bên Lào. Sau gần 10 năm trong quân ngũ, tôi xuất ngũ về địa phương. Trong lúc khó khăn, tôi được Nhà nước hỗ trợ làm nhà, giờ đây gia đình đã có ngôi nhà khang trang không lo sợ mỗi khi mưa gió.
Bên cạnh thực hiện tốt việc chi trả các chế độ chính sách đối với người có công, Sông Mã còn đẩy mạnh phong trào đền ơn đáp nghĩa, xây dựng quỹ với tổng số tiền trên 2 tỷ đồng để hỗ trợ sửa chữa nhà ở cho người có công, sửa chữa nghĩa trang liệt sĩ, nhà bia, tổ chức thăm hỏi, hỗ trợ, giúp đỡ gia đình người có công và các gia đình chính sách khó khăn.
Hỗ trợ cựu chiến binh phát triển kinh tế
Không chỉ thăm hỏi, động viên, tặng nhà tình nghĩa, sổ tiết kiệm, Sông Mã còn chú ý tới việc giúp các gia đình chính sách phát triển kinh tế thông qua việc tạo điều kiện thuận lợi để các gia đình chính sách được vay vốn được tiếp cận tiến bộ kỹ thuật, được tham gia mô hình sản xuất giỏi, được hỗ trợ cây con, giống chất lượng,...
Xuất ngũ năm 1985, ông Cà Văn Inh ở bản Co Kiểng, xã Huổi Một về địa phương phát triển kinh tế. Tuy nhiên, gia đình ông cũng như các gia đình khác tại địa phương quanh năm chỉ biết trồng ngô, trồng sắn, kinh nghiệm sản xuất không có nên làm quần quật cả năm cũng chỉ đủ ăn.
Năm 2018, được chính quyền địa phương tạo điều kiện vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Sông Mã, gia đình ông Inh đầu tư chăn nuôi lợn. Khi nuôi lợn có lãi, ông đầu tư nuôi thêm bò kết hợp cải tạo vườn cây ăn quả. Đến nay, gia đình ông đã có của ăn, của để, chất lượng cuộc sống được nâng lên rất nhiều so với trước đây.
Ông Inh tâm sự, được chính quyền tạo điều kiện cho vay vốn ưu đãi, tôi đã đầu tư chăn nuôi lợn kết hợp với cải tạo, phát triển cây ăn quả. Nhờ đó, đến nay kinh tế gia đình đã ổn định hơn, thu nhập hàng năm đạt 70 - 80 triệu đồng.
Để giúp hội viên có vốn đầu tư phát triển kinh tế, Hội Cựu chiến binh xã Huổi Một đã tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho 31 hộ vay vốn với tổng số tiền gần 1 tỷ đồng; xây dựng quỹ hội gần 100 triệu đồng cho hội viên vay với lãi suất thấp để phát triển kinh tế. Nhờ các nguồn vồn vay phát triển kinh tế mà số hội viên khá, giàu ngày càng tăng.
Ông Giàng A Lại, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Huổi Một, cho biết, để hội viên có nguồn vốn phát triển kinh tế, Hội đã tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội cho hội viên vay vốn. Đến nay, Hội đã có 86 hội viên có kinh tế khá, giàu. Thời gian tới, Hội sẽ tiếp tục phối hợp với Ngân hàng cho các hội viên có nhu cầu tiếp cận nguồn vốn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo, làm giàu.
Được sinh ra và lớn lên trong hòa bình, được thừa hưởng các giá trị tốt đẹp mà những người đi trước phải đánh đổi bằng máu xương mới có được, để tỏ lòng biết ơn cũng như giáo dục thế hệ trẻ về đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, huyện Đoàn Sông Mã đã triển khai nhiều hoạt động, phong trào cụ thể, thiết thực để bày tỏ lòng tri ân, trách nhiệm của thế hệ trẻ đối với những người đã ngã xuống vì độc lập tự do của Tổ quốc.
Anh Quàng Văn Thăng, Bí thư huyện Đoàn Sông Mã, cho biết, hàng năm, huyện Đoàn lồng ghép các hoạt động đền ơn đáp nghĩa như: thăm hỏi, tặng quà các hộ gia đình chính sách nhân dịp 27/7, dịp Tết Nguyên đán, kết hợp với các hoạt động của Hội Cựu chiến binh tổ chức giúp đỡ ngày công, tổ chức thắp nến tri ân, dọn dẹp nghĩa trang liệt sĩ huyện. Đặc biệt, phối hợp với các đơn vị trường học tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa nói chuyện về lịch sử hào hùng của dân tộc cho thế hệ trẻ, nhằm phát huy truyền thống cách mạng của ông cha.
Tri ân người có công bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Sông Mã đã và đang góp phần cùng cộng đồng sẻ chia khó khăn, mất mát, giúp gia đình thương binh, liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng vươn lên trong cuộc sống, thực hiện tốt chính sách người có công của Đảng và Nhà nước.
Dịp kỷ niệm Ngày thương binh – liệt sĩ năm nay, huyện Sông Mã sẽ tổ chức các đoàn cán bộ lãnh đạo của huyện, xã, thị trấn đến thăm, tặng quà gia đình chính sách và người có công với cách mạng. Tổ chức dâng hương và thắp nến tri ân các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện vào tối 26/7. Tổ chức viếng nghĩa trang liệt sĩ, dâng hương tại các nhà bia ghi tên liệt sĩ vào ngày 27/7. Các xã có nhà bia ghi tên liệt sĩ tu sửa, dọn vệ sinh, trồng cây cảnh, cây hoa khu vực nhà bia và tổ chức đặt vòng hoa, dâng hương vào ngày 27/7. |
Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.
Thời gian qua, tỉnh Nghệ An triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, cơ chế, chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nâng cao ý thức tự lực, tự cường vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo nên diện mạo mới cho nông thôn miền núi xứ Nghệ.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.