Nước ta có hàng nghìn loại cây dược liệu quý, tuy nhiên, do còn nhiều bất cập trong nghiên cứu, quản lý và khai thác nên nhiều loại cây thuốc quý có nguy cơ bị xóa sổ.
Anh Thịnh tiên phong nghiên cứu bảo tồn đa dạng sinh học, bảo tồn nguồn gen những cây thuốc quý, cây thuốc bản địa tỉnh Yên Bái.
Trước thực trạng này, ThS. Phạm Tiến Thịnh, Chi cục Kiểm Lâm tỉnh Yên Bái, đã quyết định nghiên cứu, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo tồn nguồn gen những cây thuốc quý, cây thuốc bản địa của tỉnh Yên Bái.
Phạm Tiến Thịnh là thạc sĩ chuyên ngành lâm học nhưng lại được nhiều người biết đến với vai trò tiên phong trong nghiên cứu, bảo tồn, đa dạng sinh học nguồn gen những cây thuốc quý, thuốc bản địa…
Anh tâm sự: “Nguyên liệu làm thuốc có nguồn gốc từ thảo mộc được sử dụng hàng năm tại cộng đồng, tại các cơ sở y tế, phòng khám Đông y, sử dụng trong sản xuất và kinh doanh ở nước ta tương đối lớn, khoảng 50.000 tấn/năm. Trong đó, 1/3 nguyên liệu do thu hái và khai thác tự nhiên; 1/3 do trồng trọt; còn lại nhập khẩu từ Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông”.
Hiện, nguyên liệu tự nhiên mọc hoang dại ở một số huyện vùng cao của tỉnh Yên Bái đang bị khai thác tùy tiện, kiến thức sử dụng cây thuốc bản địa của người dân chưa cao nên việc khai thác không có kỹ thuật, làm lãng phí tài nguyên rừng, dẫn tới việc bảo tồn gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, nguồn nguyên liệu được trồng thử nghiệm thành công ở một số khu vực như: Văn Yên (Yên Bái), Sa Pa (Lào Cai), do không có kế hoạch điều tiết nên diện tích tăng, giảm thất thường theo cơ chế thị trường, rất khó kiểm soát. Có những thời điểm đột biến, giá cả tăng gấp mấy lần, vì trồng ít mà nhu cầu sử dụng và xuất khẩu tăng, dẫn đến việc tư thương làm hàng giả để chạy theo lợi nhuận. Đây chính là nguyên nhân dẫn tới chất lượng dược liệu giảm, không an toàn cho người sử dụng, ảnh hưởng đến xuất khẩu.
Theo anh Thịnh, những loại dược liệu nhập từ Trung Quốc chưa chắc đã đảm bảo chất lượng. Từ thực trạng này, Thịnh đã có ý tưởng thu thập, xác minh danh mục nhiều loại cây bản địa để bảo tồn. Trên thị trường, thuốc Đông dược nhập khẩu về chất lượng kém hơn so với các loài cây thuốc bản địa tại khu vực nghiên cứu. Kết quả điều tra đã xác định được danh mục các loài cây thuốc tại Mù Cang Chải và các huyện trên địa bàn tỉnh Yên Bái cần ưu tiên bảo tồn như lan kim tuyến, thất diệp nhất chi mai, tam thất hoàng…
Thất diệp nhất chi mai là cây thuốc nam quý được đưa vào Sách Đỏ vì có nguy cơ tiệt chủng.
Dựa vào kết quả điều tra thực địa và kế thừa các tài liệu phân loại cây thuốc, anh Thịnh đã tài liệu hóa được các đặc điểm nhận biết và cách sử dụng của 10 loài cây thuốc bản địa cần ưu tiên bảo tồn. Qua đây cho thấy, cây thuốc bản địa ở khu vực nghiên cứu có mặt của 2 ngành thực vật, trong đó ngành Ngọc lan (Magnoliophyta) là đa dạng nhất với tổng số 54 loài, 46 chi thuộc 30 họ, chiếm 96,43% (số loài), 95,83% số chi và 93,75% số họ. Ngành Thông đất (Lycopodiophyta) chiếm 3,57% số loài; 4,17% số chi; 6,25% số họ.
Bảo tồn nguyên vị những cây thuốc có nhu cầu khai thác, sử dụng lớn thì phải nghiên cứu bảo tồn chuyển vị và chỉ khai thác từ trồng trọt theo tiêu chuẩn. Việc trồng cây thuốc phải đảm bảo được các yêu cầu về giống, quy trình trồng, chế biến sau thu hoạch để có được sản phẩm dược liệu tốt và an toàn nhất.
Theo anh Thịnh, để bảo tồn nguồn gen và giống cây thuốc, cần có sự tham gia của cộng đồng chứ không nên chỉ coi là nhiệm vụ của các cơ quan chức năng. Vấn đề bảo tồn chưa nên chú trọng nhiều về tính lợi nhuận. Để đảm bảo tính hiệu quả, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội hiện tại thì cần nghiên cứu, đánh giá thực sự chính xác và cụ thể mức độ suy giảm các cây thuốc trên địa bàn. Từ đó hoạch định chính sách, kế hoạch bảo tồn, khôi phục, kế hoạch ưu tiên.
“Lần đầu tiên làm quen với nghiên cứu khoa học, tôi gặp nhiều khó khăn nên chưa có đủ điều kiện để đưa ra các biện pháp cụ thể nhằm phục hồi, bảo tồn nhóm cây thuốc bản địa quý hiếm. Thời gian tới, tôi hy vọng sẽ có những nghiên cứu cụ thể hơn về nhóm cây thuốc bản địa, từ đó tìm ra giải pháp thiết thực trong việc khai thác và bảo tồn các loại cây dược liệu quý”, anh Thịnh tâm sự.
Hoàng Văn
Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.
Thời gian qua, tỉnh Nghệ An triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, cơ chế, chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nâng cao ý thức tự lực, tự cường vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo nên diện mạo mới cho nông thôn miền núi xứ Nghệ.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.