Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 20 tháng 4 năm 2024  
Thứ ba, ngày 9 tháng 11 năm 2021 | 10:38

Cần sửa đổi một số nội dung của chương trình cho vay hộ gia đình SXKD

Chương trình cho vay hộ gia đình sản xuất kinh doanh (SXKD) tại vùng khó khăn ở tỉnh Thừa Thiên - Huế đã đạt được những thành quả nhất định. Để tiếp tục phát huy hiệu quả, cần xem xét, sửa đổi, bổ sung một số nội dung đối với chương trình này.

Nhiều gia đình làm giàu chính đáng nhờ chương trình vay hộ gia đình SXKD

Tại tỉnh Thừa Thiên - Huế, chương trình cho vay hộ gia đình SXKD tại vùng khó khăn đã và đang đạt được nhiều thành quả. Nhờ vào nguồn tín dụng ưu đãi từ chương trình này, nhiều gia đình đã vươn lên làm giàu chính đáng, đóng góp một phần không nhỏ trong việc phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

 

 

Chương trình cho vay hộ gia đình SXKD tại vùng khó khăn ở tỉnh Thừa Thiên - Huế đã đạt được những thành quả nhất định.
Chương trình cho vay hộ gia đình SXKD tại vùng khó khăn ở tỉnh Thừa Thiên - Huế đã đạt được những thành quả nhất định.

 

Hộ ông Nguyễn Xuân Hòa (xã Xuân Lộc, huyện Phú Lộc) cho biết, trước đây, gia đình ông đã nhiều lần vay vốn NHCSXH huyện Phú Lộc để đầu tư vào trồng trọt, chăn nuôi. Gần đây nhất là năm 2018, sau khi trả hết nợ cho ngân hàng, gia đình ông tiếp tục được vay 50 triệu đồng chương trình cho vay hộ gia đình SXKD tại vùng khó khăn từ NHCSXH huyện Phú Lộc để bổ sung thêm nguồn vốn làm ăn của gia đình.

“Với số tiền đó, tôi đầu tư thêm vào trồng tiêu, trồng thanh long ruột đỏ, trồng bưởi da xanh, cây sầu riêng. Qua 3 năm chăm sóc cây trồng, đến nay gia đình tôi đã có nguồn thu nhập đều từ các cây trên với thu nhập lãi ròng hằng năm từ 150 - 200 triệu đồng. Nhờ nguồn vốn vay mà gia đình tôi có thu nhập đều, ngoài ra còn tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 2 lao động trong vùng và nhiều lao động thời vụ khác”, ông Hòa cho biết thêm.

Cũng được vay vốn từ chương này, gia đình ông Đào Tắc Tía (xã Lộc Hòa, huyện Phú Lộc) cho biết, năm 2017, gia đình ông được NHCSXH huyện Phú Lộc cho vay 40 triệu đồng để đầu tư vào trồng cây ăn quả như: trồng ổi (Đài Loan), bưởi da xanh, quýt và mô hình nuôi heo khép kín trên địa bàn xã Lộc Hòa, huyện Phú Lộc.

Đến tháng 03/2020, sau khi trả hết nợ, với mong muốn mở rộng sản xuất, ông tiếp tục được vay vốn từ chương trình SXKD 50 triệu đồng và gần nhất vào tháng 10/2021 được NHCSXH huyện Phú Lộc giải ngân chương trình hỗ trợ tạo việc làm để bổ sung thêm nguồn vốn đầu tư mua giống cây ăn quả mở rộng và đa dạng hóa cây trồng. Qua hơn 4 năm, nay gia đình ông Tía đã có nguồn thu nhập ổn định từ các khoản đầu tư trên, với thu nhập hàng năm từ 250 - 300 triệu đồng.

Chương trình cho vay hộ gia đình SXKD cần xem xét, sửa đổi, bổ sung

Theo Quyết định số 31/2007/QĐ-TTg ngày 05/3/2007 của Thủ tướng Chính phủ, chương trình cho vay hộ gia đình SXKD dành cho các hộ gia đình các hộ gia đình theo quy định của Bộ luật Dân sự (bao gồm cả hộ gia đình làm kinh tế trang trại) không thuộc diện hộ nghèo (sau đây gọi chung là người vay vốn) thực hiện các hoạt động sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn trong những lĩnh vực mà pháp luật không cấm. Chủ hộ gia đình là người đại diện cho hộ gia đình chịu trách nhiệm giao dịch với NHCSXH trong quan hệ vay vốn, trả nợ, trả lãi.

Hiện tại, khi các xã thuộc khu vực II, khu vực III đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), các hộ vay sẽ không được thụ hưởng chương trình cho vay hộ gia đình SXKD, đây không những là khó khăn cho hộ vay mà cũng là trăn trở của cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững trên địa bàn.

 

Cần xem xét, sửa đổi, bổ sung một số nội dung đối với chương trình cho vay hộ SXKD tại vùng khó khăn.
Cần xem xét, sửa đổi, bổ sung một số nội dung đối với chương trình cho vay hộ SXKD tại vùng khó khăn.

 

Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Hoàng Anh Tuấn, Phó Giám đốc NHCSXH Thừa Thiên - Huế cho biết, khi không còn được thừa hưởng chương trình vay hộ gia đình SXKD thì nếu có nhu cầu họ chỉ có thể vay vốn ở các ngân hàng thương mại hoặc vay vốn chương trình tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm ở NHCSXH. Tuy nhiên, nguồn vốn thuộc chương trình cho vay để tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm ở NHCSXH còn hạn chế.

Hàng năm, Trung ương chỉ bổ sung nguồn vốn đối ứng chương trình này tương ứng nguồn vốn ủy thác tại địa phương chuyển sang, trong khi đó, nguồn vốn ủy thác tại địa phương chuyển sang hàng năm còn khiêm tốn, chưa đáp ứng đủ nhu cầu vay vốn trên địa bàn. Theo kế hoạch, năm 2021 tỉnh Thừa Thiên - Huế giải quyết việc làm cho 16.000 lao động. Để giải quyết việc làm cho người lao động, cần sự tham gia của nhiều phía, từ phía doanh nghiệp, từ bản thân người lao động và từ các cấp, các ngành, trong đó có NHCSXH.

“Để tiếp tục thực hiện tốt Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, xây dựng NTM, đảm bảo an sinh xã hội, đề nghị Chính phủ cần xem xét, sửa đổi, bổ sung một số nội dung đối với chương trình cho vay hộ SXKD tại vùng khó khăn theo Quyết định số 31/2007/QĐ-TTg ngày 05/3/2007 của Thủ tướng Chính phủ nhằm tháo gỡ khó khăn cho nhiều hộ gia đình đang cần vốn đầu tư SXKD. Đồng thời, đề nghị HĐND, UBND cấp tỉnh, cấp huyện hàng năm cân đối nguồn ngân sách đáng kể chuyển sang NHCSXH tỉnh để cho vay...”, ông Nguyễn Hoàng Anh Tuấn chia sẻ thêm.

 

 

 

Văn Nghĩa
Ý kiến bạn đọc
Top