Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ tư, ngày 24 tháng 4 năm 2024  
Thứ ba, ngày 6 tháng 4 năm 2021 | 14:35

Cần tỉnh táo trước “ma trận” lan đột biến

Thời gian gần đây, người yêu hoa lan trong cả nước chứng kiến hàng loạt giao dịch liên quan đến lan đột biến giá trị rất lớn, ít thì từ vài trăm triệu đồng, nhiều lên đến hàng trăm tỷ đồng.

 

01.jpg
“Hô biến” lan phi điệp tím thành lan đột biến HO. Ảnh: baophutho.vn

Trong khi đó, việc định giá sản phẩm lan đột biến này lại chưa có cơ sở rõ ràng. Do vậy, để giảm thiểu nguy cơ rủi ro, người yêu hoa lan nên cân nhắc, tìm hiểu kỹ trước khi giao dịch, tránh bị thiệt hại về tài chính.

Lan đột biến là gì?

Lan đột biến (Lan var) là loại lan hiếm có, trổ hoa đẹp, độc, lạ. Hoa lan đột biến đẹp và khác biệt có sự biến đổi của vật chất di truyền, đó là những biến đổi của gien, ADN hoặc biến đổi nhiễm sắc thể có thể di truyền được cho các thế hệ sau hoặc biến đổi kiểu hình mới khác kiểu hình cũ.

Hoa lan đột biến được chia làm 2 loại: Alba - đột biến hoàn toàn chỉ các bông chuyển hẳn sang màu khác thường. Ví dụ, đa phần hoa phi điệp có sắc tím, nếu có bông trắng hoàn toàn sẽ được phân loại là Alba.

Semi - đột biến một phần, màu hoa cơ bản thay đổi nhưng vẫn giữa lại phần nhỏ màu phổ biến. Ví dụ, những bông phi điệp 5 cánh trắng có cánh chuyển màu hoàn toàn, nhưng mắt hoặc lưỡi, hoặc mũi có màu tím, hồng thì là dạng Semi.

Lan var có nhiều dạng và chúng dễ thay đổi cấu trúc để tạo ra những đặc điểm hình thái khác biệt ở một số bộ phận như: thân, lá, hoa,… Ở những điều kiện ánh sáng, nhiệt độ, độ ẩm khác nhau thì chúng sẽ có những đột biến khác nhau. Do vậy, một số người chơi lan cho rằng, hàng tấn lan rừng may ra mới có một cây đột biến gien, vì thế, nó vô cùng quý hiếm và giới chơi lan săn lùng.

Tại Việt Nam, các loại lan đột biến đang có giá trị cao trên thị trường hiện nay như hồng trần, hồng Yên Thuỷ, 5 cánh trắng Bạch Tuyết, 5 cánh trắng Phú Thọ. Bên cạnh đó,  xuất hiện càng nhiều thương vụ giao dịch lan đột biến với nhiều tên gọi mỹ miều có giá hàng chục đến trăm tỷ đồng. Các loại lan var Ngọc Sơn Cước, Hồng Yên Thủy, Bảo Duy đều được cho là có giá từ vài chục, đến vài trăm tỷ đồng.

Đầu năm 2021, thương vụ mua bán lan đột biến tại Hà Nam với tên Bảo Duy được một số người đưa lên mạng, in phông bạt, ghi hình hoành tráng, số tiền giao dịch gần 19 tỷ đồng.

Chưa dừng lại ở đó, chỉ vài ngày sau, tại thị xã Đông Triều (Quảng Ninh), thương vụ mua bán lan đột biến với số tiền lớn nhất từ trước đến nay, gần 300 tỷ đồng, trong đó, một thương vụ 250 tỷ đồng cho một giò lan.

Tuy nhiên, sau khi các cơ quan chức năng vào cuộc, người tham gia mua, bán các loại lan đột biến với số tiền hàng trăm tỷ đồng kể trên lý giải: Số tiền 250 tỷ đồng để giao dịch cho hơn 5.000 cây lan giống quý hiếm.

Còn đối với giỏ lan Bảo Duy, lãnh đạo Cục Thuế Hà Nam khẳng định, 99% thương vụ mua bán hoa lan là giả, câu like, tương tác nhau để bán các loại lan đột biến qua mạng.

Giao dịch tiền tỷ hay chiêu trò “thổi giá”?

Trong khi việc định giá sản phẩm lan đột biến chưa có cơ sở rõ ràng, thì mới đây dư luận lại “rúng động” trước cây lan đột biến Ngọc Sơn Cước trị giá 250 tỷ đồng được giao dịch tại phường Mạo Khê (Đông Triều, Quảng Ninh).

Theo PGS-TS. Đặng Văn Đông, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Rau quả, một trong những chuyên gia hàng đầu trong nghiên cứu và phát triển hoa lan, những phi vụ giao dịch hoa lan đột biến trị giá hàng chục tỷ đồng vừa qua, chưa được kiểm chứng, nên không biết có thật hay không. Nhưng, hiệu ứng của nó đã làm nhiễu loạn thông tin cũng như dư luận trong xã hội.  Trong một số cây mà mọi người thường gọi “đột biến”, có thể có cả những cây thường biến (biến dị không di truyền), tức là cây chỉ khác biệt với cây gốc (hoặc cây mẹ) ở một số thời gian và môi trường nhất định. Sau đó nó sẽ trở về trạng thái, tính trạng ban đầu. Điều này lý giải tại sao một số cây ban đầu có màu hoa này, sau lại chuyển sang màu hoa khác.

Ông Nguyễn Hữu Vạn, Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh Việt Nam, cho rằng:  Trong giao dịch cây cảnh, tôi cũng chưa bao giờ chứng kiến một giao dịch nhiều tiền như thế, số tiền lên tới hàng tỷ, hàng chục tỷ đồng.

“Hiện, chưa rõ những giao dịch này có thật hay không khi chưa được cơ quan công an, thuế xác minh. Hoa lan có đẹp, quý hiếm nhưng chỉ có giá trị về mặt sinh vật cảnh và “chỉ để ngắm thôi” thì rất khó tin nhiều người dù đam mê hoa đến mấy cũng không dễ dàng bỏ ra hàng tỷ, hàng chục tỷ, thậm chí hàng trăm tỷ đồng như ở Quảng Ninh vừa qua để mua lan đột biến”, ông Vạn chia sẻ.

Bắt nhiều vụ lừa đảo lan đột biến giả

Chính vì đặc điểm hiếm có khó tìm, thời gian qua, cơn sốt “lan đột biến” xuất hiện từ Phú Thọ đến Quảng Ninh, Sơn La, Hòa Bình… vào cả Tây Nguyên, kèm theo những vụ “đấu giá” với số tiền ngày càng khủng.

Công an huyện Yên Thủy (Hòa Bình) vừa ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Tạ Thị Suối Vân (sinh năm 1992), trú tại Đội 2, xã Bảo Hiệu, để điều tra về hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua việc bán hoa lan giả trên các trang mạng xã hội”.

Đối tượng Tạ Thị Suối Vân khai nhận, đã sử dụng mạng xã hội Facebook, tạo tài khoản để thường xuyên đăng tải hình ảnh, phát trực tiếp video giới thiệu về các loại cây phong lan đột biến có giá trị cao như: Năm cánh trắng HO, Năm cánh trắng Bạch Tuyết; Hồng Yên Thủy và Phú Thọ… nhưng thực chất chỉ là những cây phong lan bình thường.

Với thủ đoạn trên, chỉ trong thời gian ngắn, từ tháng 6 đến tháng 7/2020, Tạ Thị Suối Vân đã lừa bán cây hoa phong lan giả với tổng số tiền 4,6 tỷ đồng.

Trước đó, một vụ lừa đảo bán lan đột biến xảy ra ở huyện Di Linh (Lâm Đồng). Đối tượng lừa đảo là Bùi Văn Sỹ, chuẩn bị thực hiện trót lọt vụ lừa bán lan đột biến giả với giá 1,47 tỷ đồng thì bị cơ quan chức năng phát hiện.

Hay nhóm đối tượng đến từ Hoà Bình đã lừa đảo hàng chục vụ khắp các tỉnh Nghệ An, Thanh Hoá và Hà Tĩnh với tổng số tiền lên tới hơn 300 tỷ đồng.

Tại Tuyên Quang, ngày 22/3, Công an tỉnh này tiếp tục phát đi thông điệp lần thứ hai cảnh báo người dân cần tỉnh táo, tìm hiểu kỹ thông tin về giá cả, chủ động phòng, tránh âm mưu, thủ đoạn của các đối tượng lợi dụng hoạt động kinh doanh hoa lan đột biến gen nhằm mục đích lừa đảo trục lợi.

Trước những thực tế trên, người chơi lan cần nâng cao tinh thần cảnh giác, cần tỉnh táo, tìm hiểu kỹ thông tin về giá cả, mặt hàng trước khi mua.

Thêm nữa, ngành thuế cần vào cuộc để đảm bảo sự công bằng trong kinh doanh và không thất thu thuế.

 

Hiện tượng hoa tulip đột biến cách đây 400 năm

Hoa tulip được đưa từ Đế quốc Ottoman (Thổ Nhĩ Kỳ) vào châu Âu giữa thế kỷ XVI và rất được ưa chuộng, nhanh chóng trở thành xa xỉ phẩm, một biểu tượng cho địa vị. Chúng được phân thành nhiều nhóm theo màu sắc, trong đó có những màu rất hiếm gặp. Những củ tulip kỳ lạ sẽ cho ra những bông hoa có màu sắc sặc sỡ với sọc và ánh hồng trên cánh hoa. Sau này, khoa học tìm ra rằng loại hoa này đã bị nhiễm một loại virus riêng của hoa tulip còn gọi là “virus ăn hoa tulip”.

Vào mua thu năm 1636, Hà Lan khi đó vừa mới phục hồi sau cơn khủng hoảng kinh tế, nông dân có tiền để mạnh tay “vung”. Việc mua bán củ hoa tulip trở thành cách đầu cơ vì nhiều người tin là giá loài hoa này nhất định sẽ tăng lên trong tương lai. Có những tuần giá có thể tăng gấp đôi. Doanh nhân, thợ nề, mục sư và cả luật sư đều trở thành những thương nhân tulip.

Cho đến đỉnh điểm, một số củ tulip hiếm nhất được bán với giá tương đương 100.000 USD ngày nay (khoảng 2,3 tỷ đồng).

Sau khoảng một thời gian tăng giá điên cuồng, tháng 2/1637, giá mặt hàng này đột nhiên rớt thảm hại, chỉ còn 1% so với trước, thậm chí thấp hơn. Lợi nhuận ảo trên giấy tờ bị xóa sạch. Tulipomania (hội chứng hoa tulip) bị dập tắt.

 

 

 

Thanh Xuân
Ý kiến bạn đọc
  • Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Ngày 19/4, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức sơ kết 1 năm triển khai chương trình vận động, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cho người nghèo, người có khó khăn về nhà ở giai đoạn 2023-2025 (Chương trình 1838).

  • “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    Với 28 lần hiến máu nhân đạo, trình dược viên Từ Thị Tuyên (SN 1989), xã Thạch Thắng, Thạch Hà (Hà Tĩnh) đã trở thành tấm gương sáng trong các hoạt động an sinh xã hội, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng…

  • PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    Với tinh thần tương thân tương ái, vừa qua, Đoàn Thanh niên Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) đã tổ chức chương trình từ thiện “Xuân tình nguyện 2024” để thăm hỏi, động viên và trao quà đến các em học sinh nghèo, các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại xã Nậm Chảy, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Đây là hoạt động hưởng ứng tinh thần Tháng Thanh niên và Năm Thanh niên tình nguyện của tuổi trẻ PVcomBank.

  • Thanh Hóa - Hậu phương lớn trong chiến dịch Điện Biên Phủ

    Thanh Hóa - Hậu phương lớn trong chiến dịch Điện Biên Phủ

    Cách đây 70 năm, cuộc kháng chiến chống Pháp của dân tộc ta kết thúc thắng lợi bằng chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, trở thành mốc son chói lọi bằng vàng tạc vào lịch sử dân tộc.

  • Khai mạc Lễ hội Du lịch biển Hà Tĩnh năm 2024

    Khai mạc Lễ hội Du lịch biển Hà Tĩnh năm 2024

    Tối 21/4, tại quảng trường Hồ Tùng Mậu (Khu du lịch Thiên Cầm, Cẩm Xuyên), UBND tỉnh Hà Tĩnh long trọng tổ chức khai mạc Lễ hội Du lịch biển năm 2024 với chủ đề “Hà Tĩnh – Thanh âm ngày nắng mới”.

  • Người dân Cổ Loa mong sớm xây dựng đền thờ vua Ngô Quyền

    Người dân Cổ Loa mong sớm xây dựng đền thờ vua Ngô Quyền

    Sau chiến thắng quân xâm lược Nam Hán (năm 938) trên sông Bạch Đằng, Ngô Quyền xưng Vương và chọn đất Cổ Loa làm kinh đô, mở đầu cho kỷ nguyên mới của dân tộc sau gần 1000 năm Bắc thuộc. Mặc dù đóng đô ở Cổ Loa từ tiền Ngô Vương đến hậu Ngô Vương gồm 26 năm, nhưng đến nay vẫn chưa có một công trình tôn vinh Ngô Vương Quyền trên vùng đất Cổ Loa nơi ông dựng nghiệp và chọn làm kinh đô. Xây dựng đền thờ Ngô Quyền tại mảnh đất linh thiêng này là thỏa nỗi ước mong của các hậu thế.

Top