Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 1 tháng 4 năm 2016 | 12:55

Chạy chức, chạy quyền: Bất công xã hội, nguyên nhân của tham nhũng

Thảo luận về các báo cáo tổng kết nhiệm kỳ, trong đó có báo cáo của Thủ tướng Chính phủ, bên cạnh việc ghi nhận sự điều hành quyết liệt, chủ động, linh hoạt của người đứng đầu Chính phủ và Chính phủ, nhiều vị đại diện của dân cũng chỉ ra những hạn chế, yếu kém gây lo lắng cho cử tri cả nước như kết quả tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới còn chậm; tham nhũng còn nghiêm trọng, kỷ luật kỷ cương chưa nghiêm, trên bảo dưới làm lơ hay bộ máy còn cồng kềnh, kém hiệu lực hiệu quả…

Phải có quyết sách về đột phá nền kinh tế

Đại biểu Đặng Thành Tâm (TP. Hồ Chí Minh) ghi nhận sự điều hành quyết liệt, chủ động, linh hoạt của người đứng đầu Chính phủ và Chính phủ nhưng cũng mạnh dạn đề xuất là cần phải có quyết sách về đột phá nền kinh tế nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ. Ví dụ, cần thành lập bộ kinh tế biển để xây dựng nền tảng pháp lý cho toàn dân tham gia phát triển kinh tế biển một cách bền vững. Bởi chúng ta có nhiều thế mạnh về kinh tế biển và trên cơ sở phát triển kinh tế biển một phần đem lại quyền lợi về kinh tế, một phần bảo vệ chủ quyền lãnh thổ đất nước.

Theo đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang), trên diễn đàn kinh tế thế giới, chỉ số cạnh tranh toàn cầu của Việt Nam năm 2011 xếp 75/139 nước. Năm 2015 là 56/140 nước, tăng 20 bậc. Chúng ta đã hoàn thành nhiều công trình dự án quan trọng. Cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư và nhiều giải pháp tháo gỡ khác đã phát huy hiệu quả. Kết thúc đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã mở ra nhiều cơ hội mới. Tuy nhiên, nền kinh tế nước ta còn bộc lộ nhiều hạn chế, quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn, nhất là tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới còn chậm chuyển biến...

Do đó, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ cần phải có những giải pháp đồng bộ và căn cơ để tháo gỡ có hiệu quả những tồn tại trên. Đồng thời, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ cần quan tâm phát huy hiệu quả công tác dự báo để giúp cho việc điều hành linh hoạt, căn cơ hơn, xử lý kịp thời trong mọi tình huống của nền kinh tế. Đặc biệt, cần quan tâm và kiện toàn bộ máy, phân công trách nhiệm rõ ràng, nâng cao ý thức công vụ, trách nhiệm của cán bộ thực hiện công vụ hiện nay.

“Tình trạng đùn đẩy trách nhiệm qua lại giữa các cơ quan công quyền, nhiều vụ việc lẽ ra thuộc trách nhiệm của cơ quan này lại đùn đẩy cho cơ quan khác, kéo theo nhiều cơ quan và thậm chí muốn cấp trên tham gia để xử lý công việc được yên tâm hơn. Hành xử theo thói quen này đã gây ra nhiều rào cản, ách tắc, phiền toái và chậm trễ, gây hậu quả xấu cho hoạt động sản xuất kinh doanh, cũng như đời sống và hoạt động của người dân. Điển hình như quy định sử dụng Salbutamol trong chăn nuôi giữa Bộ Nông nghiệp và PTNT và Bộ Y tế gây tác hại xấu đến sức khỏe và người tiêu dùng”, đại biểu Tuyết nhấn mạnh.

Vẫn râm ran tình trạng chạy chức, chạy quyền

Đại biểu Đỗ Văn Đương (TP.Hồ Chí Minh) nhìn nhận, khách quan mà nói, với cơ chế, thể chế hiện nay chằng chịt nhiều mối quan hệ, cho nên những tồn tại hạn chế trong nhiệm kỳ qua thể hiện trong báo cáo của Chính phủ có nhiều nguyên nhân và không thể đổ hết lỗi cho Chính phủ.

Đại biểu Đương phân tích: “Trước tiên, tại sao nói bộ máy nhà nước và biên chế, kể cả các tổ chức đoàn thể hoạt động bằng ngân sách nhà nước không giảm mà phình ra. Theo ước tính, chi lương hết gần 400.000 tỷ đồng/năm, chi đủ hết gần 1 triệu tỷ đồng, bằng ngân sách thu một năm của đất nước, hết rồi thì lấy đâu ra chi cho đầu tư phát triển. Vấn đề này do chính luật tổ chức bộ máy các cơ quan nhà nước, Quốc hội chúng ta ban hành sinh ra nhiều bộ máy, như Luật Tổ chức chính quyền địa phương, ước tính tăng thêm 22.000 biên chế hoạt động ở HĐND các cấp. Thế thì mục tiêu giảm biên chế của ta không thể đạt được. Chính phủ phải suy nghĩ lại một cách quyết liệt mấy giải pháp, rõ ràng phải cắt giảm tổ chức bộ máy bằng luật pháp và sửa lại, nếu vừa sửa rồi tăng quá lại sửa lại.

Thứ hai, nhất thể hóa một số chức danh giữa Đảng và chính quyền, chẳng hạn như Lào người ta có huyện trưởng, tỉnh trưởng. Để nói đi đôi với làm và tránh nói một đằng làm một nẻo, không sợ quyền lực tập trung vào một người, nói không đi đôi với làm và sợ trách nhiệm, đó cũng là cái người ta sợ nhất.

Thứ ba, cũng nên giảm bớt các tổ chức đoàn thể, nhất là các tổ chức hưởng từ ngân sách nhà nước, bằng cách hợp nhất hóa họ lại, những phạm vi hoạt động tương tự giống nhau hợp nhất lại để bớt các tầng lớp cán bộ trung gian, cán bộ phong trào. Trực tiếp làm sản phẩm, làm mà ăn, không làm thì thôi, chứ đừng có dựa dẫm vào nhà nước.

Thứ tư, dư luận râm ran có tình trạng chạy chức, chạy quyền. Đây là một câu hỏi rất lớn mà trong nhiệm kỳ qua cử tri cả nước vẫn cứ hỏi mà chưa có lời giải đáp. Nạn chạy chức, quyền này tạo ra bất công rất lớn. Ở đây, có cách nhìn nhận đánh giá về mặt đạo đức cán bộ. Chúng ta nặng về đánh giá đạo đức chung chung, mà cái đạo đức chung kia cũng có dăm, ba, bảy đường. Trong đầu người ta nghĩ gì không thể biết được­, những hành vi ngầm của người ta ai mà phát hiện được, kiểm soát được.

Đối với công chức, cái nhìn thấy ngay được chính là sản phẩm công vụ. Khi đánh giá rồi thì phải nhìn vào sản phẩm của họ, nhìn vào độ tuổi cũng mức độ thôi, đừng cào bằng giữa lập pháp, hành pháp và tư pháp. Hoặc có những người công vụ tốt rồi sau đó lại bỏ rơi họ, giống như bắn hết chim rồi thì vứt cung tên đi, xong lại đưa một nhóm khác vào.

Cần phải nhìn nhận, đánh giá lại xem có việc chạy chức, chạy quyền không vì nó không chỉ tạo ra bất công lớn mà còn đẻ ra tham nhũng, bởi vì họ mua, bán xong họ phải vơ vét để bù chi phí đã bỏ ra. Đấy là quy luật. Cứ nói vấn đề nhạy cảm, phức tạp thì phải làm quyết liệt, bởi vì nguy hiểm đến sự tồn vong của chế độ. Một cơ thể nhiều vi-rút xâm hại chính thể như thế thì bắt họ uống thuốc. Nếu ban hành nhiều nghị quyết mà không kiểm tra, giám sát thì nó kích thích cho vi-rút tham nhũng phát triển. Chỉ có Bộ Chính trị mới nghĩ ra cách giải đáp câu hỏi này và chính Bộ Chính trị sẽ đưa ra những quyết sách để tấn công như tấn công tội phạm”.

“Tôi chỉ tiếc trong Bộ luật Hình sự không đưa tội mua, bán chức quyền, mấy lần tôi đề nghị vẫn chưa được, đấy là hành vi tội phạm. Bây giờ chỉ trông chờ Bộ Chính trị, cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng và Đảng lãnh đạo toàn diện mọi mặt”, đại biểu Đương hy vọng trong những năm tới, trông chờ của cử tri vào đội ngũ lãnh đạo mới sẽ làm thay đổi những vướng mắc còn tồn tại hiện nay.

Dương Thanh

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hàng ngàn người đổ về thị trấn Sông Đốc (Trần Văn Thời - Cà Mau) để xem cuộc đua vỏ lãi kỳ thú. Thị trấn ven biển này cũng là nơi 70 năm trước diễn ra sự kiện tập kết ra Bắc lịch sử.

  • Dòng chảy tri thức - Hành trình tri thức không thể thiếu vắng hình bóng “Người lái đò”

    Dòng chảy tri thức - Hành trình tri thức không thể thiếu vắng hình bóng “Người lái đò”

    Hòa cùng không khí cả nước, chào mừng 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/1982 - 20/11/2024, tri ân sự đóng góp, hy sinh của thầy, cô giáo - những “Người lái đò” thầm lặng, đưa nhiều thế hệ học trò đến với bến bờ tri thức.

  • Thắp sáng ước mơ cho các em học sinh Làng Nủ

    Thắp sáng ước mơ cho các em học sinh Làng Nủ

    Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.

Top