Sáng nay (21/8), Bộ Giao thông vận tải (GTVT) và Công ty Cổ phần Đầu tư Đèo Cả đã tổ chức lễ thông xe toàn tuyến, đưa Hầm đường bộ qua đèo Cả và đèo Cổ Mã đi vào hoạt động.
>> Phú Yên: Hầm đường bộ qua đèo Cả chính thức hoạt động vào ngày 21/8
>> Phú Yên: Phát động thi đua “100 ngày đêm vượt khó về đích”
>> Phú Yên: Thứ trưởng Bộ GTVT kiểm tra, chúc Tết tại công trình hầm đường bộ Đèo Cả
Hầm đường bộ qua đèo Cả đưa vào khai thác sử dụng
Dự án hầm đường bộ qua đèo Cả nằm giữa hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa, điểm đầu dự án tại Km353+150 QL1A trên địa bàn tỉnh Phú Yên, điểm cuối dự án tại Km374+525. QL1A trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa với tổng chiều dài dự án 13,19km, trong đó hầm đèo Cả dài 4.125m, hầm cổ Mã dài 500m. Hai hạng mục chính của dự án là hầm đèo Cả và hầm Cổ Mã có quy mô và trang thiết bị vận hành hiện đại nhất trong các hầm đường bộ trên quốc lộ 1 hiện nay với 2 ống hầm song song, mỗi ống có 2 làn xe khai thác cùng chiều đảm bảo vận tốc khai thác 80km/h.
Đây là công trình hầm đường bộ quy mô lớn đầu tiên được thực hiện theo hình thức BOT bằng nguồn vốn trong nước bởi chủ đầu tư và các nhà thầu Việt Nam. Việc đưa hầm đường bộ qua Đèo Cả vào khai thác sử dụng sẽ góp phần quan trọng giải quyết tình trạng ùn tắc, mất an toàn giao thông khi đi qua đèo Cả và rút ngắn thời gian qua đèo từ 60 phút xuống còn 10 phút. Qua đó, trực tiếp tạo điều kiện để kết nối 2 tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, cũng như tạo thuận lợi về lưu thông giữa các tỉnh Nam Trung Bộ và cả nước.
Ông Hồ Minh Hoàng, Phó Chủ tịch HĐQT – Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Đèo Cả phát biểu tại buổi lễ
Ông Hồ Minh Hoàng, Phó Chủ tịch HĐQT – Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Đèo Cả cho biết, sau hơn 6 năm triển khai, đến nay công trình Hầm đường bộ đèo Cả đã hoàn thành, kể từ hôm nay công trình được đưa vào sử dụng. Khởi động dự án từ năm 2010, với địa hình đặc biệt hiểm trở, chưa có đường công vụ nên ban đầu việc khảo sát tuyến hoàn toàn phải dựa vào đường mòn. Khi đó, lãnh đạo Bộ GTVT phải tính đến phương án tháo rời máy móc để chuyển tập kết đến điểm thi công rồi mới lắp lại. Trong khi đó thời tiết khu vực triển khai dự án rất khắc nghiệt; mùa nắng thì rất nóng và oi bức, còn mùa mưa thì mưa sạt đất. Địa chất khu vực triển khai dự án rất phức tạp với nhiều đá mồ côi, đá lăn...
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có chuyến thăm, làm việc tại dự án Hầm đường bộ đèo Cả
Trong 6 năm qua, chủ đầu tư, các nhà thầu, đối tác và toàn thể cán bộ, kỹ sư, công nhân tham gia dự án đã vượt qua muôn vàn khó khăn, nỗ lực để có được kết quả như ngày hôm nay. Trong thời gian gần đây dư luận xã hội đặc biệt quan tâm đến các dự án BOT trong lĩnh vực GTVT, nhất là vấn đề thu phí. Với tư cách là chủ đầu tư của dự án Hầm đường bộ đèo Cả, chúng tôi khẳng định, khác với các công trình khác, chủ các phương tiện lưu thông qua đèo Cả hoàn toàn có quyền lựa chọn được đi qua hầm với chi phí thấp, an toàn và tiết kiệm thời gian, hoặc đi trên đường đèo - bắt buộc phải chịu hao phí nhiên liệu và hao mòn thiết bị rất lớn, tốn thời gian và có thể bị rủi ro về an toàn. Mức phí qua hầm đèo Cả được Bộ GTVT phê duyệt đảm bảo hài hoà lợi ích của nhà nước, nhà đầu tư và các chủ phương tiện lưu thông qua hầm.
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ
Phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ nhấn mạnh, dự án xây Hầm đường bộ qua đèo Cả là công trình trọng điểm quốc gia do nhà đầu tư trong nước thực hiện, thi công xây dựng bởi các nhà thầu trong nước. Điều này cho thấy sự trưởng thành của nhà đầu tư trong nước, các nhà thầu Việt Nam trong sự phát huy nội lực, đảm đương những công trình có quy mô lớn, công nghệ hiện đại, phức tạp. Công trình Hầm đường bộ qua đèo Cả khi hoàn thành sẽ góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông, nâng cao hiệu quả khai thác trên tuyến quốc lộ 1, tăng cường liên kết vùng, trong đó kết nối giữa Phú Yên, Khánh Hòa và các vùng lân cận, đồng thời tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng tại khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Thứ trưởng đề nghị Công ty CP Đầu tư Đèo Cả trong thời gian tới cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan Bộ, chính quyền địa phương tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa để tổ chức khai thác sử dụng công tình an toàn, hiệu quả, trong đó đặc biệt quan tâm đến công tác đảm bảo an toàn giao thông và phòng cháy chữa cháy, cứ hộ cứu nạn và trật tự an ninh chính trị.
Các đại biểu cắt băng thông xe toàn tuyến Hầm đường bộ qua đèo Cả
Việc thu phí hoàn vốn cho dự án được thực hiện từ ngày 3/9/2017 trên cơ sở họp đồng dự án và quy định mức giá dịch vụ sử dụng đường bộ được Bộ GTVT quy định tại Thông tư số 35/2016/TT-BGTVT. Công trình được khai thác tất cả các ngày trong năm, hàng ngày đóng hầm 60 phút (từ 3 giờ - 4 giờ) để vệ sinh và bảo trì.
Các tập thể nhận Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong việc xây dựng Hầm đường bộ đèo Cả
Thông xe toàn tuyến, đưa Hầm đường bộ qua đèo Cả và đèo Cổ Mã đi vào hoạt động
Nhân dịp này, UBND tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa cũng đã tặng Bằng khen cho tập thể, cá nhân vì đã có thành tích xuất sắc trong việc đóng góp xây dựng Hầm đường bộ đèo Cả.
Thủ tướng Chính phủ Nguyên Xuân Phúc: “Tôi rất tự hào vì đây là công trình hầm đường bộ do chính người Việt Nam thực hiện. Việc đảm nhận dự án lớn có tính phức tạp thể hiện sự trưởng thành vượt trội của các nhà thầu, các nhà đầu tư trong nước, nhất là đội ngũ công nhân kỹ thuật, kỹ sư, giám sát thi công....”
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng: “Hầm đường bộ qua đèo Cả đưa vào hoạt động giúp xóa bỏ điểm đen tai nạn giao thông trên tuyến quốc lộ 1A qua 2 tỉnh Phú Yên – Khánh Hòa; góp phần phát triển kinh tế, xã hội cho miền Trung – Tây Nguyên và toàn khu vực.
Ông Huỳnh Tấn Việt, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phú Yên: “Hầm đường bộ đèo Cả và đèo Cù Mông đóng vai trò rất lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Phú Yên. Trong tương lai, Hầm đường bộ Đèo Cả sẽ là một điểm đến cho du khách là cơ hội liên kết phát triển du lịch giữa 2 tỉnh Phú Yên – Khánh Hòa. Bên cạnh đó, tỉnh Phú Yên cũng xác định phát triển TP. Tuy Hòa theo hướng Nam thông qua những đô thị vệ tinh như khu đô thị Nam Tuy hòa và huyện Đông Hòa. Hầm đường bộ đèo Cả sẽ là điểm nhấn quan trọng giúp cho huyện này quy hoạch phát triển đô thị và hướng đến trở thành đô thị loại 3 trong tương lai gần”.
Quốc Hùng
Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.
Thời gian qua, tỉnh Nghệ An triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, cơ chế, chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nâng cao ý thức tự lực, tự cường vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo nên diện mạo mới cho nông thôn miền núi xứ Nghệ.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.