Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ TP.Hồ Chí Minh lần thứ X, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã thông qua Chương trình đột phá thứ 7 về “Chỉnh trang và phát triển đô thị”. Theo đó, thành phố sẽ tập trung mọi nguồn lực để chỉnh trang và phát triển đô thị, di dời 20.000 người dân đang sống trên và ven các kênh rạch, cải tạo 50% số chung cư xây dựng trước năm 1975.
Nhiều vấn đề cần giải quyết
Khách hàng tham quan dự án Diamond Lotus, một trong những dự án xây dựng theo tiêu chuẩn “xanh” của Hoa Kỳ.
Tại Hội thảo chuyên đề “Quản lý xây dựng, chỉnh trang và phát triển đô thị TP.Hồ Chí Minh” vừa diễn ra, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho rằng, TP.Hồ Chí Minh còn nhiều vấn đề cần giải quyết trong việc chỉnh trang và phát triển đô thị.
“Công tác phát triển đô thị của TP. Hồ Chí Minh được xem là một trong những định hướng phát triển then chốt của thành phố và đã đạt được nhiều thành tựu. Điều này được thể hiện qua việc nhiều đô thị giao thông, kiến trúc hiện đại đã được xây dựng, hệ thống hạ tầng ngày càng được nâng cao và hiện đại hóa. Nhiều công trình giao thông, hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật được quan tâm đầu tư nâng cấp như sự hồi sinh của các con kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Tàu Hũ - Bến Nghé, lò gốm; sự hình thành của các tuyến đường Trường Sa, Hoàng Sa, phố đi bộ,... giúp diện mạo đô thị ngày càng đổi mới.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực, thành phố cũng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như việc mất kiểm soát trong tăng trưởng dân số cơ học, phát triển hạ tầng chưa theo kịp tốc độ phát triển kinh tế và dân số, ô nhiễm môi trường, lấn chiếm kênh rạch, biến đổi khí hậu”, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà nói.
Theo ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.Hồ Chí Minh, Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ TP.Hồ Chí Minh lần thứ 10, nhiệm kỳ 2015 – 2020 đã thông qua Chương trình đột phá thứ 7 về “Chỉnh trang và phát triển đô thị”. Tuy nhiên, việc thực hiện chương trình này hiện gặp nhiều khó khăn. Do đó, lãnh đạo thành phố đề nghị các nhà khoa học, nhà quản lý, Bộ Xây dựng tìm giải pháp và kiến nghị lên Chính phủ, cho phép TP.Hồ Chí Minh được áp dụng cơ chế đặc thù nhằm chủ động huy động các nguồn lực cho đầu tư, chỉnh trang phát triển đô thị.
Cần nhiều hơn các công trình “xanh”
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.Hồ Chí Minh, nhận định, việc thực hiện chỉnh trang và phát triển đô thị thành công sẽ nâng cao chất lượng đô thị, chất lượng sống của cư dân, thu hút đầu tư và phát triển du lịch, tạo nên diện mạo TP. Hồ Chí Minh trong thế kỷ 21.
Theo ông Châu, TP. Hồ Chí Minh là thành phố sông nước nhiệt đới phương Nam, để định hướng phát triển đô thị và nhà ở phù hợp, nên khuyến khích các công trình kiến trúc đạt tiêu chuẩn xanh, sử dụng năng lượng tái tạo, sử dụng thiết bị, vật liệu mới thân thiện môi trường, tiết kiệm điện, nước... Cần học tập kinh nghiệm thiết kế, xây dựng các công trình kiến trúc kiểu Pháp đã được “Việt hóa” thành công ở nước ta trong khoảng 100 năm qua.
Ở góc độ nhà đầu tư các dự án xanh, bà Lưu Thị Thanh Mẫu, Tổng giám đốc Phúc Khang Corporation, đánh giá: “Thời gian qua, các vấn đề về biến đổi khí hậu do thiếu hụt mảng xanh nghiêm trọng đã trở thành mối quan tâm hàng đầu, đặc biệt là các đợt mưa lớn vừa qua đã khiến tình trạng giao thông, hệ thống thoát nước của thành phố trở nên quá tải. Công trình xanh, kiến trúc xanh là một trong những giải pháp để thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm thiểu khí thải nhà kính, giải quyết các vấn đề về môi trường sống”.
Tuy nhiên, theo bà Mẫu, nhà đầu tư đang gặp nhiều khó khăn và thách thức đối với các công trình xanh. Cụ thể, về chi phí đầu tư ban đầu, thời gian đầu tư và thủ tục pháp lý phức tạp hơn các dự án bình thường. Cơ chế chính sách hiện nay chưa khuyến khích chủ đầu tư phát triển công trình xanh. Do đó, bà Mẫu mong muốn thành phố ban hành cơ chế khuyến khích đầu tư công trình xanh, đồng thời cần ưu đãi nhiều mặt về vốn, thuế, thủ tục hành chính... cho các nhà đầu tư khi quyết định đầu tư công trình xanh.
Ông Nguyễn Công Thịnh, Phó vụ trưởng Vụ Khoa học - Công nghệ và Môi trường (Bộ Xây dựng), đánh giá, công trình xanh là mục tiêu cần thiết, quan trọng trong quá trình chỉnh trang và phát triển đô thị. Công trình xanh góp phần giảm thiểu tác động xấu đến môi trường, giúp sử dụng năng lượng nước và các nguồn tài nguyên khác hiệu quả, bảo vệ sức khỏe con người. Tuy nhiên, hiện nay các công trình xanh ở Việt Nam được chứng nhận còn ít, điều này rất đáng quan ngại. Do đó, việc phát triển các dự án, công trình “xanh” ít gây tác động xấu tới môi trường là vấn đề cấp bách cần sự quan tâm của TP. Hồ Chí Minh để quá trình chỉnh trang và phát triển đô thị của thành phố đạt được các mục tiêu đề ra.
Thái An - Lại Hùng
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy khẳng định, dù thực hiện theo Luật Đất đai hay theo cơ chế thí điểm của Nghị quyết về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất, tất cả các dự án đó đều phải tuân thủ quy hoạch, bảo đảm việc giữ ổn định 3,5 triệu ha đất lúa, bảo đảm độ che phủ rừng...
Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản sẽ hiệu lực từ ngày 1/8, sớm 5 tháng so với thời điểm đã được Quốc hội quyết định trước đó (1/1/2025), sẽ giúp khơi thông nguồn lực đất đai, tạo điều kiện cho nền kinh tế đất nước phát triển và đảm bảo các chính sách an sinh xã hội cho người dân.