Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ hai, ngày 28 tháng 9 năm 2020 | 14:26

Cho phép học sinh sử dụng điện thoại trong giờ học: Cần quan tâm đến tổ chức và quản lý

Sử dụng điện thoại để tra cứu thông tin liên quan đến bài học và được giáo viên tổ chức cho học sinh học tập theo cách như vậy để phát triển phẩm chất, tư duy, năng lực,…

Đây là một trong những phương pháp giáo dục ở một số quốc gia phát triển đang thực hiện.

 

t34.jpg
Ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD-ĐT).

 

Thay đổi cho phù hợp với sự phát triển xã hội

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) vừa ban hành Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT, trong đó Điều 37  quy định về các hành vi mà học sinh không được làm. Một trong số đó là: “Sử dụng điện thoại di động khi đang học tập trên lớp mà không phục vụ cho việc học tập và không được giáo viên cho phép”.

Nếu so với Thông tư 12/2011/TT-BGDĐT bị thay thế, thì thông tư mới này đã bỏ quy định cấm học sinh sử dụng điện thoại di động trong giờ học.

Lý giải vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD-ĐT), cho rằng, trong sự phát triển của khoa học công nghệ hiện nay, đặc biệt là trong giai đoạn dịch Covid-19 vừa qua, việc áp dụng phương pháp dạy học qua internet đã có những hiệu quả, do vậy, cần có phương tiện cho học sinh truy cập vào các nguồn học liệu như máy tính, điện thoại di động và các công cụ khác để tìm kiếm thông tin liên quan đến bài học.

"Ở các quốc gia có điều kiện, học sinh khi đến lớp có thể vừa thực hiện các bài học trên lớp, vừa có thể tra cứu thông tin, truy cập các bài học ở trên mạng. Giáo viên tổ chức cho học sinh học tập theo cách như vậy để phát triển phẩm chất, năng lực", ông Thành cho biết thêm.

Bên cạnh những trường có đầy đủ hệ thống internet, việc truy cập giản đơn hơn, những lớp học chưa có điều kiện về phòng máy tính và không nhất thiết phải vào phòng máy thì trong hoạt động học tập mà giáo viên giao, học sinh có thể truy cập vào mạng hoặc các nguồn học liệu mạng LAN của trường. Có nghĩa rằng khi đó, học sinh có thể sử dụng điện thoại như là một công cụ để truy cập những điều đó song phải thực hiện theo nội dung bài học và nhiệm vụ mà giáo viên giao.

Lo lắng khi không kiểm soát được học sinh

Khi Bộ GD-ĐT ban hành Thông tư 32, dư luận xã hội có nhiều luồng ý kiến khác nhau về việc cho phép học sinh được dùng điện thoại trong lớp học để tra cứu thông tin liên quan đến bài học.

 

Cô giáo Nguyễn Thị Thu, giáo viên Trường THCS Cao Xá (Tân Yên - Bắc Giang), cho biết, việc cho phép học sinh được sử dụng điện thoại trong lớp học, khi được sự đồng ý của giáo viên là một điểm mới, tuy nhiên, việc quản lý học sinh sử dụng đúng mục đích trong lớp học là một việc không dễ dàng, bởi lẽ khó có  thể kiểm soát được các em.

“Học sinh khu vực nông thôn không nhiều em có điện thoại thông minh, nhưng cũng không phải là không có, nhưng nếu không kiểm soát được việc tra cứu thông tin trên điện thoại thì việc các em vào các trang web đen là điều rất dễ xảy ra”, cô giáo Thu lo lắng.

Chị Nguyễn Thị Hương có con đang học tại Trường THCS Gia Thụy (Long Biên – Hà Nội)  cho biết, việc sử dụng điện thoại trong lớp học để tra cứu các thông tin liên quan đến bài học là rất tốt. Thông qua việc tra cứu này các con có thêm thông tin để hiểu và bổ sung vào bài học mà trong quá trình giảng dạy, hay sách giáo khoa chưa truyền tải hết. Tuy nhiên, giáo viên phải kiểm soát được việc sử dụng điện thoại của học sinh.

Cần nhận thức đúng

Theo TS. Hoàng Ngọc Vinh, nguyên vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD-ĐT: “Khi cho phép các em sử dụng điện thoại, cần có quy định cụ thể các em được dùng trong trường hợp nào, tránh việc lạm dụng. Chẳng hạn, giờ ra chơi các em lấy lý do học tập để ở trong lớp dùng điện thoại cho mục đích khác như chơi game thì không nên”.

Ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TP.HCM, cho biết: “Cho phép học sinh sử dụng điện thoại phục vụ học tập là một bước đi tích cực. Nhiều nước trên thế giới đã cho phép học sinh dùng điện thoại nhưng phải nằm trong khuôn khổ cho phép”.

 

t36.jpg

Cô Đồng Thị Kim Thủy hướng dẫn bài tập cho học sinh lớp 12, Trường THPT Lê Quý Đôn (TP. HCM) thực hành trên smartphone. Ảnh: Tự Trung.

 

Trao đổi với phóng viên, cô Nguyễn Thị Bích Huyền, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ái Mộ A (Long Biên), cho biết, với xu thế phát triển như hiện nay thì việc cho phép sử dụng điện thoại để tra cứu thông tin, phục vụ trong quá trình học tập là một việc cần thiết đối với học sinh cuối cấp THCS và THPT.

Việc này tạo cho học sinh truy cập và tra cứu những thông tin liên quan đến nội dung, kiến thức một cách nhanh chóng nhất, đây cũng là một trong những quy định mở của Bộ GD-ĐT cho học sinh tiếp cận công nghệ áp dụng trong học tập.

“Tuy nhiên, giáo viên phải giáo dục cho học sinh có ý thức trong việc sử dụng điện thoại thông minh vào tra cứu kiến thức là chính, không được sử dụng để vào những trang web độc hại, hay đọc những thông tin không đúng, không cần thiết đang tràn lan trên mạng hoặc chát chít. Đồng thời, giáo viên phải kiểm soát được việc sử dụng điện thoại của học sinh trong giờ học của mình, để bảo đảm rằng mọi thông tin khi học sinh truy cập phải sử dụng vào đúng nội dung học tập của mình”, cô Huyền kiến nghị.

Một phụ huynh ở quận Long Biên (Hà Nội) bộc bạch: Tôi ủng hộ quyết định của Bộ GD-ĐT khi cho học sinh sử dụng điện thoại trong giờ học để phục vụ học tập. Xét một cách khách quan, việc học sinh sử dụng điện thoại sẽ có hai mặt tốt và xấu. Tôi cho rằng, điều quan trọng nhất là các trường phát huy được mặt tốt và hạn chế được mặt xấu, thông qua tổ chức và quản lý, chứ trong xu thế công nghệ 4.0 hiện nay, mình không thể cấm và tránh.

Một phụ huynh khác cho rằng, cá nhân không cấm con dùng điện thoại nhưng muốn con biết cách dùng điện thoại hợp lý. Tôi nghĩ rằng cấm học sinh dùng điện thoại sẽ rất khó bởi cái gì càng cấm thì các em lại càng muốn được làm. Nên chăng với những thay đổi cởi mở này, Bộ GD-ĐT có thể biên soạn tài liệu hướng dẫn học sinh các kỹ năng sử dụng điện thoại. Sử dụng điện thoại lúc nào, sử dụng như thế nào, phòng chống tin giả ra sao, bảo vệ những thông tin riêng tư của mình trên thế giới ảo như thế nào, trước những lời rủ rê của bạn bè về chơi game liên quân thì nên ứng xử ra sao…?

Chúng ta cũng cần cung cấp những cảnh báo về việc sử dụng điện thoại quá mức sẽ nguy hại như thế nào cả về thể chất lẫn tinh thần đối với giới trẻ. Tôi nghĩ đây sẽ là cách làm hiệu quả để học sinh đảm bảo được việc học của mình, tránh bị ảnh hưởng bởi điện thoại.

Trả lời báo chí, ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD-ĐT), khẳng định: Bộ GD-ĐT không cấm dùng điện thoại trong lớp nhưng cũng không có nghĩa là được dùng một cách thoải mái, không có sự kiểm soát.

Như vậy, việc cho phép học sinh được sử dụng điện thoại phải có sự kiểm soát và đồng ý của giáo viên; học sinh không thể tự do sử dụng khi không được phép của thầy, cô giáo.

Nhìn chung, xã hội cho rằng, việc cho học sinh dùng điện thoại trong giờ học là phù hợp, vấn đề là tổ chức, quản lý sao cho đạt kết quả mong muốn.

 


 

Ngọc Thủy
Ý kiến bạn đọc
  • Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hàng ngàn người đổ về thị trấn Sông Đốc (Trần Văn Thời - Cà Mau) để xem cuộc đua vỏ lãi kỳ thú. Thị trấn ven biển này cũng là nơi 70 năm trước diễn ra sự kiện tập kết ra Bắc lịch sử.

  • Dòng chảy tri thức - Hành trình tri thức không thể thiếu vắng hình bóng “Người lái đò”

    Dòng chảy tri thức - Hành trình tri thức không thể thiếu vắng hình bóng “Người lái đò”

    Hòa cùng không khí cả nước, chào mừng 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/1982 - 20/11/2024, tri ân sự đóng góp, hy sinh của thầy, cô giáo - những “Người lái đò” thầm lặng, đưa nhiều thế hệ học trò đến với bến bờ tri thức.

  • Thắp sáng ước mơ cho các em học sinh Làng Nủ

    Thắp sáng ước mơ cho các em học sinh Làng Nủ

    Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.

Top