Đó là chủ đề của chương trình Tọa đàm trực tuyến do NHCSXH phối hợp với Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức nhằm trao đổi, thu nhận ý kiến Đại biểu Quốc hội (ĐBQH), chuyên gia, nhà quản lý, cử tri về việc triển khai Nghị định 100/2015/NĐ-CP của Chính phủ.
Quang cảnh buổi Tọa đàm
Các khách mời tham gia Tọa đàm gồm: Ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội; Ông Lưu Bình Nhưỡng - Phó Trưởng Ban Dân nguyện, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Ông Phan Thái Bình - Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam; Bà Nguyễn Thị Như Ý - ĐBQH tỉnh Đồng Nai; Ông Nguyễn Văn Lý - Phó Tổng Giám đốc NHCSXH Việt Nam; Ông Vũ Văn Phấn - Phó Cục trưởng Cục quản lý Nhà và Thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng. Nhà báo Nguyễn Quốc Thắng - Phó Tổng biên tập Báo Đại biểu nhân dân, dẫn chương trình buổi tọa đàm.
Cho vay mua nhà ở xã hội - Những kết quả bước đầu
Nhà báo Nguyễn Quốc Thắng: Thưa ông Nguyễn Văn Lý, là đơn vị trực tiếp thực hiện chính sách, ông có thể điểm qua một số kết quả cho vay nhà ở xã hội trong thời gian qua?
Ông Nguyễn Văn Lý: Chương trình cho vay nhà ở xã hội theo Nghị định 100/2015/NĐ-CP thực sự được sự mong đợi rất lớn của nhân dân, đặc biệt là người nghèo, thu nhập thấp, cán bộ công nhân, viên chức, công chức quốc phòng. Nghị định ra đời sau đó Bộ Xây dựng đã có Thông tư hướng dẫn, chúng tôi cũng triển khai bài bản, vừa tuyên truyền cho cả nhân dân khắp được biết, vừa chuẩn bị lực lượng mời xã hội, đoàn thể cùng chung tay triển khai thực hiện chương trình cho vay. Thực chất chương trình mới cho vay từ tháng 4/2018. Trong kế hoạch 2020, Chính phủ bố trí 2.326 tỷ đồng, riêng năm 2018 thì kế hoạch vốn giải ngân là 1.000 tỷ đồng, đến nay đã triển khai trong toàn quốc và có 55 chi nhánh giải ngân với dư nợ 310 tỷ đồng cho gần 1.200 người được vay vốn. Bình quân dư nợ 260 triệu đồng/hộ.
Khi triển khai thì thực hiện vừa tuyên truyền vừa thực hiện quy chế dân chủ cơ sở để “thông đồng bén giọt”, công khai rành mạch từ lúc được vay, giám sát khi sử dụng vốn. Đặc biệt, đặt nền tảng sau này, vừa minh bạch vừa tạo cơ sở để kết nối người vay vốn, người cho vay vốn, chính quyền địa phương, tổ chức ủy thác, giám sát nguồn vốn này. Từ nay tới cuối năm 2018, chúng tôi triển khai mạnh đặc biệt giai đoạn cuối là giai đoạn nước rút, số vốn còn lại suýt soát 700 tỷ đồng sẽ giải ngân hết. Mới triển khai ban đầu, còn nhiều vấn đề mới, chuyện nhỏ, chuyện lớn như người vay vốn chưa quen, thủ tục, giấy tờ chưa bảo đảm, kết hợp với chủ đầu tư xây dựng nhà ở, chính quyền địa phương. Khẳng định rằng năm nay nguồn vốn không lớn, tiến độ giải ngân phù hợp nhưng cũng có sự hy vọng, phấn khởi, có sự đồng tình ủng hộ, chương trình của Chính phủ, những người chưa được vay, người được vay cũng rất hy vọng.
Nhà báo Nguyễn Quốc Thắng: Thưa ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, chương trình cho vay nhà ở xã hội theo Nghị định 100/2015/NĐ-CP về phát triển quản lý nhà ở xã hội đã được NHCSXH triển khai được hơn 5 tháng và đã nhận được sự quan tâm của xã hội, đặc biệt là cán bộ công nhân viên, lực lượng sỹ quan trên cả nước. Điều này tác động đến đối tượng thu nhập thấp như thế nào thưa ông?
Ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội
Ông Bùi Sỹ Lợi: Điểm đầu tiên chúng ta phải khẳng định, chính sách phát triển quản lý nhà ở xã hội có ý nghĩa hết sức nhân văn. Nếu chính sách này đi vào cuộc sống sẽ có tác động tích cực và có ý nghĩa hết sức quan trọng với những người có thu nhập thấp. Chính là cơ hội để cho người dân có nhà ở để đảm bảo cuộc sống. Một vấn đề chúng ta đáng quan tâm là quan điểm của Đảng, Nhà nước chúng ta đã được thể hiện về vấn đề này.
Thứ nhất, Đảng, Nhà nước đã xác định 5 dịch vụ xã hội cơ bản tối thiểu bao gồm: nhà ở, y tế, giáo dục, nước sạch, thông tin và thông tin truyền thông. Như vậy, nhà ở được xác định là yếu tố rất cơ bản. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng từng nhấn mạnh, đảm bảo nhà ở cho người dân cũng chính là một trụ cột quan trọng của chính sách an sinh xã hội. Đó cũng là quan điểm của Nhà nước ta đối với vấn đề nhà ở cho người dân, trong đó có người thu nhập thấp.
Thứ hai, trong Hiến pháp Khoản 3 Điều 59 đã xác định rất rõ vấn đề đảm bảo nhà ở cho người dân. Đây là một hiến định được quy định trong Hiến pháp. Luật Nhà ở năm 2015 đã khẳng định ở Mục 1 chương IV là chính sách nhà ở xã hội cho người dân.
Chúng ta thấy rằng, rõ ràng quan điểm của Đảng, Hiến pháp và Luật pháp đã khẳng định nhà ở cho người dân là cực kỳ quan trong. Vậy vấn đề cần bàn sâu, đi vào nội dung cần tháo gỡ chính là vấn đề chính sách, tạo cơ hội cho người thu nhập thấp được mua nhà ở, được ưu đãi chính sách nhà ở. Người thu nhập thấp bao gồm người dân, công nhân các khu công nghiệp, người lao động có thu nhập thấp đều phải được hưởng lợi từ chính sách, cân đối nguồn lực để đảm bảo vấn đề nhà ở ở cho người có thu nhập thấp.
Nhà báo Nguyễn Quốc Thắng: Thưa ông Vũ Văn Phấn - Phó cục trưởng Cục quản lý Nhà và Thị trường bất động sản, chương trình cho vay nhà ở xã hội đã được triển khai từ tháng 4/2018, vậy ông có thể cho biết những kết quả bước đầu của chương trình này đến đâu?
Ông Vũ Văn Phấn - Phó cục trưởng Cục quản lý Nhà và Thị trường bất động sản
Ông Vũ Văn Phấn: Thực tế, Đảng và Nhà nước có rất nhiều chính sách quan tâm đến vấn đề nhà ở xã hội nhằm đảm bảo an sinh xã hội như Luật Nhà ở năm 2014, Nghị định 100/2015/NĐ-CP về phát triển và quản lý nhà ở xã hội. Bên cạnh đó, có rất nhiều cơ chế và chính sách ưu đãi đối với nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp ở khu công nghiệp như sau:
Thứ nhất, về thuế chỉ thu 50% so với nhà ở thương mại, thuế giá trị gia tăng cũng chỉ bằng một nửa.
Thứ hai, nhà ở xã hội để cho thuê giảm đến 70% so với nhà ở xã hội để bán.
Thứ ba, chủ đầu tư được vay vốn ưu đãi từ các tổ chức thương mại lên tới 48%, tín chấp phi tín dụng.
Thứ tư, các địa phương tùy điều kiện, có thể hỗ trợ một phần hoặc toàn bộ cơ sở hạ tầng trong các dự án nhà ở xã hội.
Trong nhóm thu nhập thấp nói chung, có một điều khoản về nhà ở cho công nhân ở khu công nghiệp đó là, các doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất kinh doanh trong khu công nghiệp nếu thuê mua nhà ở xã hội hoặc đầu tư xây dựng nhà ở xã hội để công nhân của mình thuê thì chi phí này được tính theo chi phí sản xuất kinh doanh.
Theo báo cáo của các địa phương đến tháng 10/2018, cả nước đã hoàn thành 1.189 dự án nhà ở xã hội với diện tích hơn 3,9 triệu mét vuông. Tuy nhiên 3,9 triệu mét vuông này chỉ chiếm 30% trong chiến lược nhà ở Quốc gia đến năm 2020. Mục tiêu đến năm 2020 có khoảng 12,5 triệu mét vuông đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt rất cần sự cố gắng hơn nữa.
Nhà báo Nguyễn Quốc Thắng: Thưa bà Nguyễn Thị Như Ý, Đồng Nai là một tỉnh có nhiều đối tượng được thụ hưởng chính sách cho vay chính sách xã hội theo Nghị định 100/2015/NĐ-CP. Vậy tỉnh đã làm gì để thúc đẩy chính sách ưu việt này?
Bà Nguyễn Thị Như Ý - ĐBQH tỉnh Đồng Nai
Bà Nguyễn Thị Như Ý: Đồng Nai là một tỉnh có 32 khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh, với 700.000 người lao động, trong số đó, lao động nhập cư chiếm gần 70%. Nói như vậy để thấy rằng nhu cầu nhà ở ở Đồng Nai là rất lớn. Trong Nghị định 100/2015/NĐ-CP, ngoài các lao động có thu nhập thấp thì công nhân lao động các khu công nghiệp cũng là những đối tượng mà chúng ta cần quan tâm để triển khai.
Trước khi có Nghị định 100/2015/NĐ-CP, tại địa phương cũng đã có sự quan tâm rất lớn đến đối tượng được thụ hưởng chính sách cho vay chính sách xã hội. Cụ thể, Tỉnh uỷ đã ban hành Nghị quyết số 09 ngày 20.10.2008 nhằm thu hút các nguồn lực quan tâm đến người lao động có thu nhập thấp, trong đó có công nhân. Với kế hoạch đưa ra là 83 dự án, tính đến thời điểm này thì có 23 dự án đã hoàn thành và đi vào hoạt động, chỉ mới đáp ứng được 25.000 lao động. Nhu cầu rất lớn nhưng việc triển khai thực hiện rất hạn chế. Bên cạnh việc thực hiện chủ trương của tỉnh thì các doanh nghiệp có số lượng lao động lớn cũng rất quan tâm đến vấn đề này. Cụ thể tại các doanh nghiệp có lực lượng lao động lớn họ cũng đã tổ chức xây dựng các khu nhà cho người lao động. Tuy nhiên, so với nhu cầu thực tế chưa phải nhiều.
Bên cạnh việc ban hành Nghị quyết triển khai cụ thể Nghị định 100/2015/NĐ-CP, UBND tỉnh Đồng Nai còn có những văn bản triển khai cụ thể. Gần đây nhất UBND tỉnh đã có văn bản để triển khai giải ngân nguồn vốn của NHCSXH Việt Nam cấp cho tỉnh Đồng Nai là 20 tỷ đồng. UBND tỉnh Đồng Nai đã quan tâm sát sao, có văn bản cụ thể triển khai đến tất cả các ngành trong tỉnh 2 nội dung này, cụ thể là hơn giao cho NHCSXH tỉnh Đồng Nai phối hợp với các ngành ở địa phương để triển khai.
Nhà báo Nguyễn Quốc Thắng: Thưa ông Phan Thái Bình - Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam, là địa phương giải ngân nhanh nhất với dư nợ gần 37 tỷ đồng. Đây là kết quả bước đầu đáng khích lệ, vậy kinh nghiệm thực hiện là gì thưa ông?
Ông Phan Thái Bình: Không chỉ đối với Quảng Nam, mà vấn đề này được đông đảo đối tượng công nhân viên chức, lực lượng vũ trang quan tâm. Tại Quảng Nam, nhu cầu về nhà ở rất lớn, đặc biệt là đối với người thu nhập thấp, ngay cả những đối tượng không được thụ hưởng chính sách họ cũng rất đồng tình ủng hộ. Họ quan tâm vì sao? Vì đối tượng được thụ hưởng ở đây có thể là một thành viên trong gia đình của họ được vay vốn thì có thể giải quyết cho không chỉ cho đối tượng được cho vay. Bởi đối với người được vay, cũng có nghĩa là con cháu của họ được học hành. Vì vậy, chính sách này nhận được sự vào cuộc, đồng tình rất lớn từ nhân dân.
Quảng Nam là tỉnh trải dài, có hơn 10 phân khu, đến nay đã có hơn 1,5 triệu người dân, nhu cầu nhà ở là rất lớn. Những năm gần đây đời sống nhân dân đã được cải thiện đáng kể. Để có được kết quả này, tỉnh Quảng Nam đã thực hiện chính sách an sinh xã hội rất quyết liệt, triệt để, cụ thể là đối với chính sách cho vay, Quảng Nam đã thực hiện ứng tiền để cho người dân vay. Năm 2018, Quảng Nam đã được phân bổ 50 tỷ đồng, trong một thời gian rất ngắn, nhưng với sự vào cuộc rốt ráo của các cấp chính quyền địa phương, trong đó có các sở xây dựng, của mặt trận đoàn thể, đặc biệt là sự đồng tình ủng hộ của người dân nên đến tháng 10/2018, tỉnh Quảng Nam đã giải ngân được gần 37 tỷ đồng. Như vậy, từ nay đến cuối năm chỉ còn phải giải ngân 13 tỷ đồng. Tôi cho rằng, với đà này chỉ trong vòng một tháng nữa là Quảng Nam có thể kết thúc. Vì sao có sự giải ngân nhanh là do có sự chỉ đạo thống nhất và triển khai đồng bộ. Bên cạnh đó là nhu cầu thực sự của người dân.
Kinh nghiệm của Quảng Nam, tôi cho rằng, thực hiện chính sách này muốn thuận lợi, thì chính quyền cơ sở phải có sự đồng thuận, khi hiểu rõ vấn đề thì triển khai nhanh. Bởi quan trọng nhất vẫn là cấp chính quyền cơ sở, đơn cử như khi làm hồ sơ, thủ tục, mà vướng ở cấp cơ sở, lúc đó chính quyền cơ sở vào cuộc sẽ giải quyết nhanh chóng.
Còn nhiều nút thắt trong thực thi
Thực tế khi giải ngân vốn cho chương trình này còn khá nhiều vướng mắc. Chẳng hạn, căn hộ nhà ở xã hội đã được chủ dự án thế chấp để gọi vốn từ các ngân hàng khác, nay người dân muốn vay vốn để mua nhà của họ thì chủ dự án phải giải chấp căn hộ đấy; một số hộ tại vùng nông thôn có nhu cầu vay để xây, cải tạo nhà ở nhưng giấy tờ đất không đủ điều kiện vay (chưa chuyển đổi sang đất thổ cư); một số hộ cha mẹ cho con đất để cất nhà nhưng không chuyển quyền sở hữu; một số công nhân có hộ khẩu thường trú một nơi, Dự án mua nhà lại nằm ở một địa phương khác… Hay băn khoăn về thời hạn vay vốn, lãi suất cho vay…
Nhà báo Nguyễn Quốc Thắng: Thưa ông Bùi Sỹ Lợi, ông nhìn nhận như thế nào khi chính sách ban ra thì thuận lợi, thực thi lại khó khăn?
Ông Bùi Sỹ Lợi: Câu hỏi đặt ra là tại sao chính sách rất cần thiết, rất nhân văn và rất hợp lòng dân nhưng vẫn khó khăn để thực thi? Qua giám sát chúng tôi rút ra 4 vấn đề:
Thứ nhất, thủ tục đất làm nhà rất khó khăn. Đơn giản như người có công hiện nay chúng ta còn 38% không thể thực hiện được trong năm 2018 chính là thủ tục đất đai. Trong đất đai, vấn đề chuyển đổi đất, đất thổ cư, đất bao canh, thủ tục chuyển quyền sở hữu đất cũng rất khó khăn. Hiện nay cấp quyền sử dụng đất cho đồng bảo dân tộc thiểu số chỉ hơn 10%; giao đất, giao rừng cho đồng bảo miền núi, đồng bảo dân tộc thiểu số cũng chỉ mới 11%. Tôi rất lưu ý vấn đề này khi giám sát Nghị quyết 76/2014/QH13 của Quốc hội về đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020.
Thứ hai, đền bù giải phóng mặt bằng và bàn giao đất sạch rất khó khăn. Hầu hết các tỉnh từ TP Hồ Chí Minh, Thái Nguyên, Bình Dương… giao đất thì có giao nhưng thành đất sạch để làm nhà thì rất khó khăn. Nhiều chủ đầu tư nói rằng, chúng tôi không cần gì hết, chúng tôi chỉ cần được giao đất sạch để thi công thì tiến độ sẽ đạt được, nhưng không đạt được mục tiêu đó.
Thứ ba, ưu đãi của nhà đầu tư. Ưu đãi đã không cao nhưng lại quy định cho họ làm nhà, lợi nhuận thu được từ cái này không quá 10%, tức không hấp dẫn. Làm sao nhà đầu tư vào cuộc? Chính sách ưu đãi cho vay của chúng ta, mức vay, lãi suất, thời hạn vay, người nghèo thu nhập thấp mà chúng ta cho 4,8%/năm là cực kỳ khó khăn. Câu chuyện cuối cùng mà chúng ta bàn là nguồn vốn và cách thức xử lý nguồn vốn như thế nào.
Thứ tư, đất nước chúng ta không còn cơ chế “cho không” và giải ngân vốn không có điều kiện mà tất cả nguồn vốn này có điều kiện. Chúng ta giảm được cái “cho không” thì chúng ta phải biến nguồn lực của chương trình mục tiêu quốc gia bền vững này vào chương trình cho vay, kể cả lãi suất thấp thì nguồn vốn của chúng ta vẫn còn tồn tại, và đó chính là quỹ của chúng ta. Tôi cho rằng điểm này cần lưu ý.
Nhà báo Nguyễn Quốc Thắng: Thưa bà Nguyễn Thị Như Ý, một thống kê của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cho thấy , hiện cả nước có 2,8 triệu công nhân các các khu công nghiệp, khu chế xuất, trong đó có 1,7 triệu người có nhu cầu về nhà ở, Tính đến nay, mới có 87 dự án nhà ở xã hội cho công nhân, quy mô khoảng 28.800 căn hộ; con số này hiện mới chỉ đáp ưng được gần 28% nhu cầu về nhà ở cho công nhân khu công nghiệp, chưa được như kỳ vọng?
Bà Nguyễn Thị Như Ý: Đến thời điểm này, thống kê cho thấy nhu cầu rất lớn của công nhân về nhà ở, còn việc triển khai chỉ khoảng 28%. Nguyên nhân phát triển nhà ở cho công nhân ở các khu công nghiệp không được như kỳ vọng, với phạm vi ở Đồng Nai thì công nhân rất đông, như tôi đã nói ở trên là có 32 khu công nghiệp với 1,2 triệu công nhân thì nhu cầu rất lớn.
Theo tôi, nguyên nhân lớn nhất là từ việc bố trí quỹ đất cho đến nguồn lực để thực hiện, điều kiện đối tượng thụ hưởng còn nhiều vướng mắc. Quỹ đất sạch đối với các khu vực bố trí khu công nghiệp là rất khó, nguồn lực thực hiện cũng hạn chế. Đó là một trong những nguyên nhân chính.
Nguồn vốn - yếu tố quyết định khi chính sách vào cuộc sống
Nhà báo Nguyễn Quốc Thắng: Trước đây, NHCSXH chủ yếu thực hiện cho vay các chương trình nhà ở cho hộ nghèo khu vực nông thôn, nhưng nay đã mở rộng thêm đối tượng thuộc chương trình nhà ở xã hội, đáp ứng căn bản nhu cầu của đối tượng hộ nghèo, cận nghèo, thu nhập thấp ở đô thị. Đồng thời, một số đối tượng người vay vốn trong chương trình này là cán bộ, chiến sĩ, sĩ quan, công nhân trong các cơ quan, đơn vị của quân đội và công an, cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ở các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp… Đây là những đối tượng khách hàng mới của NHCSXH; đồng thời là đối tượng được quan tâm thụ hưởng chính sách của Đảng và Nhà nước góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và ổn định chính trị xã hội. Tuy nhiên, việc mở rộng đối tượng luôn kéo theo áp lực về nguồn vốn rất lớn. Đây là bài toán không chỉ cho NHCSXH, mà còn cho NSNN, huy động các nguồn lực giải quyết.
Thưa ông Nguyễn Văn Lý, dựa trên các chỉ số chuyên môn về nhà ở xã hội của Bộ Xây dựng, các chỉ số về lực lượng lao động và thu nhập của các đối tượng, ông có thể xác định nhu cầu 3 - 5 năm tới của đối tượng thụ hưởng là người thu nhập thấp và nguồn lực để đáp ứng như thế nào? Ông có đề xuất gì với Chính phủ, Quốc hội để có thể đảm bảo nguồn vốn cung ứng đủ cho khách hàng bởi vì chương trình này sẽ kéo dài?
Ông Nguyễn Văn Lý: Hiện, đã có khảo sát của Bộ Xây dựng, từ nay tới 2020 nhu cầu vay vốn của người dân là trên 18.000 tỷ đồng, thì nay hiện mới bố trí được 2.326 tỷ đồng. Trong thời gian tới, từ nay tới 2020, tôi hy vọng Quốc hội có thể cân đối thêm, bởi đây cũng là nhu cầu chính đáng, sẽ góp phần tạo an ninh xã hội, bảo đảm phát triển xã hội.
Việc doanh nghiệp xây dựng nhà xã hội chưa được bố trí vốn, mà hiện đang vay thương mại lãi suất cao. Tôi cho rằng có 2 cách giải quyết:
Một là cho người mua nhà vay ngay, còn trong trường hợp cho doanh nghiệp vay, có thể theo hợp đồng xây dựng tới đâu sẽ có khoản vay tới đó. Đó cũng là cách xử lý cho doanh nghiệp có vốn để làm.
Ngoài ra, NHCSXH đi rất sát và tích cực để đưa chính sách này tới từng đối tượng. Nhiệm vụ thiết thực nhất là phải đúng đối tượng, hiện nay thủ tục vay vốn cũng liên tục hơn, bảo đảm giám sát xã hội.
Hiện nay, chúng tôi chuẩn bị phát ra gói dịch vụ mới, ngoài gói vay tiết kiệm và tồn tại song song gói thứ 2 là cho người vay trong tương lai, họ gửi tiết kiệm ngay bây giờ, có người gửi sau 2 năm, 3 năm và sau 5 năm. Hai gói này tồn tại song song, người có nhu cầu sớm thì xếp hàng vay ngay còn người nào có nhu cầu trong tương lai thì gửi nhận để sau vài năm được vay.
Ngoài ra, chúng tôi cũng đẩy mạnh công tác truyền thông. Chúng tôi rất muốn chương trình mà đối tượng vay vốn chủ yếu xuất phát từ đoàn viên công đoàn. Chúng tôi rất muốn phối hợp của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam và dưới là Liên đoàn Lao động tỉnh vì khối công nhân, viên chức đa dạng. Vừa rồi Tổng Liên đoàn lao động đã đề xuất xây dựng mô hình thiết chế công đoàn, bao gồm khu có nhiều dãy nhà, kèm theo là nhà trẻ, siêu thị; với thiết chế này người lao động có thể đi làm xa, nhưng con cái học gần, sinh hoạt gần, có nơi vui chơi giải trí. Trong khu này, nhà ở xây dựng trong tương lai, nhà ở cho gia đình, nhà cho người độc thân cũng có. Khi đó, đồng vốn Chính phủ phát ra mới có ý nghĩa và tôi cho rằng, sẽ góp phần bảo đảm an ninh trật tự xã hội ở khu công nghiệp - nơi tập trung đông dân cư.
Nhà báo Nguyễn Quốc Thắng: Thưa ông Phan Thái Bình, giải ngân tốt nhưng nhu cầu vay vốn, khát vốn còn lớn. Vậy đâu là giới hạn tối thiểu của nguồn vốn hàng năm cần vay. Sự cần thiết trong nguồn vốn cho tỉnh Quảng Nam và các tỉnh khác như thế nào?
Ông Phan Thái Bình - Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam
Ông Phan Thái Bình: Một trong những vướng mắc lớn nhất hiện nay vẫn là nguồn vốn. Qua khảo sát, đánh giá kế hoạch việc thực hiện Nghị định 100//2015/NĐ-CP của Chính phủ cho thấy, Quảng Nam luôn triển khai làm trước một bước. Cụ thể, năm 2018 kết thúc ngân sách chính sách xong thì kế hoạch năm 2019 đã sẵn sàng. Dự kiến ban đầu, nguồn vốn nhu cầu của năm 2018 cũng như mỗi năm Quảng Nam cần khoảng 300 tỷ. Ví dụ trong năm 2018, Trung ương phân bổ cho Quảng Nam là 50 tỷ mới chỉ đáp ứng 16% nhu cầu. Tuy nhiên, đây mới chỉ là năm đầu tiên chúng tôi triển khai, sự vào cuộc cũng như người dân biết về chính sách cũng chủ động.
Vấn đề thứ hai, tôi muốn nói ở đây là việc tháo gỡ nguồn vốn như thế nào? Vì sao chúng ta lại có chính sách hỗ trợ cho các ngân hàng thương mại được phép cho vay từ chương trình này được hưởng 3% lãi suất. Mức lãi suất này khó có thể huy động. Trong khi đó, Ngân hàng thương mại họ cho vay thì phải có lãi, lãi thấp hay lãi cao thì phải có lãi. Đối với Quảng Nam, trong các dư nợ, mà nợ xấu, ngân hàng chính sách là thấp nhất. Do vậy, tôi cho rằng, để việc cho vay có hiệu quả, ngoài việc hỗ trợ lãi suất, cách thức từ thực tiễn, tôi cho rằng: để bảo đảm vừa chặt chẽ, tránh việc lợi dụng chính sách chúng ta phải chọn đối tượng phải chính xác. Xác định được chính xác đối tượng có nghĩa là ta đã thẩm định được đối tượng, không thể trục lợi, vay từ ngân hàng này rồi sang ngân hàng khác gửi. Làm được như vậy sẽ bảo đảm chặt chẽ hơn, ngân hàng thương mại sẽ vào cuộc, mà người được vay sẽ được hưởng lợi, chính sách sẽ được thúc đẩy nhanh hơn.
Vấn đề nữa, hiện nay có 16 tỉnh được cấp chính sách, những tỉnh này có nhiều khu, cụm công nghiệp, mà những người công nhân ở hầu hết các khu, cụm công nghiệp có nhu cầu vay vốn để mua nhà ở cao và nhiều nhất. Vì vậy, nên chăng, chúng ta chủ động dùng ngân sách địa phương để hỗ trợ cho chính sách, và cùng với ngân sách hỗ trợ của Trung ương để bảo đảm chính sách được thực hiện có hiệu quả. Vì rõ ràng, khi an cư lạc nghiệp thì quản lý con người sẽ tốt hơn.
Nhà báo Nguyễn Quốc Thắng: Thưa bà Nguyễn Thị Như Ý, vay vốn ưu đã cũng là chính sách hỗ trợ cho cán bộ, công nhân viên chức, lực lượng vũ trang. Vậy việc giải quyết chính sách nhà ở xã hội phải có thời hạn và đủ nguồn lực. Vậy Tổng liên đoàn có kiến nghị gì về nhu cầu vay vốn và nguốn lực giải quyết nguồn vốn?
Bà Nguyễn Thị Như Ý: Quay trở lại với nội dung ông Nguyễn Văn Lý - Phó Tổng Giám đốc NHCSXH Việt Nam đã đề cập đến việc phối hợp cùng với tổ chức công đoàn để thực hiện công tác tuyên truyền, trong đó ông Nguyễn Văn Lý cũng đề cập đến mô hình hiện nay đó là Tổng liên đoàn đang thực hiện xây dựng thiết chế cho người lao động, thiết chế công đoàn nói chung, thực hiện Quyết định 655/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về đầu tư xây dựng các thiết chế công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất. Đây là một trong những đề án đã đề cập đến nội dung trong Nghị định 100/2015/NĐ-CP. Thực hiện nội dung này, Tổng liên đoàn đã triển khai đến các cấp công đoàn, việc thực hiện nếu thuận tiện thì chắc chắn được triển khai ở các địa phương.
Hiện nay, Tổng liên đoàn đã cũng với các địa phương triển khai thực hiện và xây dựng ở cả 3 miền: Miền Trung là ở Quảng Nam, miền Nam là ở Long An và miền Bắc là ở Hà Nam. Mô hình cũng giống như ông Nguyễn Văn Lý đã đề cập. Quan trọng nhất là sự chuẩn bị về quỹ đất và nguồn vốn thực hiện, cần có sự chung tay của các cấp các ngành, Tổng liên đoàn cũng sẽ huy động các nguồn lực khác cùng thực hiện. Thực hiện Quyết định 655/QĐ-TTg, Tổng liên đoàn có lộ trình từ 2007 đến 2019 có 10 thiết chế của công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất được xây dựng, đến giai đoạn 2021 cố gắng mỗi tỉnh có một thiết chế. Tuy nhiên, phải sự vào cuộc và sự quan tâm ở địa phương thật sự tích cực thì mới xây dựng được các thiết chế theo Quyết định 655/QĐ-TTg.
Nhà báo Nguyễn Quốc Thắng: Thưa ông Lưu Bình Nhưỡng, ông có thể chia sẻ, làm thế nào để kiên nghị tăng vốn cho chương trình nhà ở xã hội thuyết phục được Quốc hội xem xét thông qua?
Ông Lưu Bình Nhưỡng - Phó Trưởng Ban Dân nguyện, Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Ông Lưu Bình Nhưỡng: Theo tôi, có thể có 4 phương thức để tăng vốn cho chương trình nhà ở xã hội như sau:
Một là, ở các địa phương như Bắc Ninh khi có nguồn thu nhập tốt, thì có thể dành khoản đó để chuyển cho NHCSXH. Đây là chính sách rất hay.
Hai là, bản thân các Ngân hàng thương mại, cần có chính sách thực hiện bù lãi suất cho phù hợp, vừa đảm bảo an toàn, độ mở và độ chắc chắn để ngân hàng thương mại thấy được có lợi ích để tham gia vào thực hiện chính sách này. Mặc dù lãi suất có thể thấp hơn vốn thương mại khác nhưng ngân hàng thương mại vẫn có thể tham gia. Tôi nhấn mạnh, ngân hàng thương mại không có nghĩa là chỉ đi kinh doanh mà còn thực hiện chính sách xã hội. Thực tế có nhiều ngân hàng thương mại đã thực hiện tốt nhiệm vụ này.
Ba là, cần làm sao để lồng ghép được các chương trình khác. Các địa phương, đô thị hóa nhiều, chúng ta có vốn giảm nghèo, vốn xây dựng nông thôn mới vậy tại sao chúng ta không điều chỉnh nguồn vốn này chuyển một phần vốn cho NHCSXH để thực hiện nhà ở xã hội. Đương nhiên phải có vì chúng ta đang hưởng lợi từ các khu công nghiệp, mà xây dựng nông thôn mới thì phải gắn liền với cái đó. Vây thì tại sao chúng ta không lồng ghép vào nguồn vốn này.
Bốn là, hiện tính đến năm 2020, chúng ta thiếu 15.764 tỷ đồng, nếu chúng ta muốn tăng vốn nhưng có vướng là trong vốn trung hạn chúng ta phân bổ xong. Thủ tướng yêu cầu sửa Nghị quyết 1023/NQ-UBTVQH13, sau đó sửa Quyết định 40/2015/QĐ-TTg, đây là bảo đảm căn cơ và lâu dài. Hiện giờ chỉ còn một “khe cửa hẹp”, đó là chúng ta cần xem xét khả năng bố trí được một phần vào vốn dự phòng được không?
Vừa qua, trên diễn đàn Quốc hội, có nhiều ĐBQH đã phát biểu, nhà ở xã hội, nhà ở khu công nghiệp là vấn đề rất cấp bách giống như lũ lụt, lở đất. Vậy dùng 180.000 tỷ đồng vốn dự phòng này có thể cắt được ra vài nghìn tỷ cho thực hiện vấn đề này thì cũng giải quyết được vấn đề.
Đây là 4 khía cạnh có tính nhân văn, nếu Chính phủ và Quốc hội quyết tâm được thì tăng vốn cho chương trình nhà ở xã hội sẽ thành công.
Nhà báo Nguyễn Quốc Thắng: Thưa ông Bùi Sỹ Lợi, điều quyết định của chính sách ưu việt là phương thức, nguồn lực thực hiện. Nếu có chính sách tốt, phương thức tốt mà không có nguồn lực, không có ngân sách thì chính sách giậm chân tại chỗ. Ông suy nghĩ gì về mối quan hệ này và có kiến nghị gì tăng nguồn lực?
Ông Bùi Sỹ Lợi: Hiện nay một số chính sách cho đồng bào dân tộc miền núi, chính sách giảm nghèo có chính sách nhưng không có ngân sách. Vậy chính sách đi liền với ngân sách thì phải như thế nào? Đầu tiên, phải ra soát lại hệ thống chính sách của chúng ta đối với nhà ở cho thu nhập thấp và nhà ở xã hội. Chính sách phải gắn liền với thực tiễn đời sống. Từ thực tiễn cơ sở chúng ta đánh giá quá trình xây dựng chính sách. Chính sách phải có tính hấp dẫn, thông thoáng, thủ tục phải gọn nhẹ và thuận lợi, hấp dẫn thì mới có tính thu hút, khả thi. Đó là về mặt chính sách.
Bên cạnh đó, muốn có nguồn lực chúng ta phải xây dựng được đề án, hay nói cách khác là chiến lược nhà ở phải cụ thể và xuất phát từ thực tế. Tôi đi khảo sát, giám sát ở những doanh nghiệp, có những doanh nghiệp cho biết, nếu Chính phủ có mục tiêu, có điều kiện và chủ trương xây nhà hỗ trợ cho công nhân thu nhập thấp bằng nguồn của Nhà nước thì doanh nghiệp chúng tôi cũng có thể đóng góp một phần đề thu hút, hỗ trợ cho người lao động hoặc chúng tôi vay hộ cho người công dân với thời hạn dài hơn và thậm chí không có lãi suất. Tôi cho rằng chúng ta cần lưu ý vấn đề này.
Và quan trọng nhất muốn có ngân sách, Chính phủ phải chỉ ra được nguồn lực cần bao nhiêu. Ví dụ, hiện nay Cà Mau chúng ta còn thiếu 16.000 tỷ đồng thì chúng ta phải tính toán cụ thể và phải có báo cáo ngay Quốc hội để chúng ta chỉ ra là chúng ta có nguồn vốn dự phòng hay nguồn vốn vay ở đâu, chúng ta phải xác định được.
Ngoài ra, nguồn lực chủ yếu cho vay tiếp tục tập trung vào ngân hàng chính sách bởi ngân NHCSXH là một trong những ngân hàng có độ an toàn cao, hiệu quả tốt, cán bộ của ngân hàng gắn với từng hộ gia đình, họ hiểu rằng đất đai của gia đình đó có đủ điều kiện để làm nhà không, biết được mức vay thế nào nên cho vay hay không cho vay. NHCSXH hiện cũng là ngân hàng có nợ quá hạn thấp, đặc biệt nợ xấu rất thấp.
Vấn đề cuối cùng, chúng ta muốn thực hiện được thì phải xuất phát từ sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của chính quyền địa phương, hay nói cách khác là của cả hệ thống chính trị địa phương, đặc biệt là Mặt trận Tổ quốc. Các tổ chức chính trị - xã hội phải chăm lo tới đoàn viên, thành viên của mình, đây là vai trò rất quan trọng. Chúng ta phải tận dụng các giải pháp tổng hợp và nhanh nhất để giảm nghèo, nhanh nhất đạt được sự công bằng xã hội, để thực hiện quan điểm của Đảng là phát triển kinh tế gắn liền với tiến bộ xã hội, nhanh chóng giảm sự chênh lệch về mức sống và thu nhập đồng bào dân tộc, đồng bào nông thôn, thành thị và các vùng miền khác nhau.
Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.