Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ tư, ngày 27 tháng 11 năm 2024  
Thứ ba, ngày 23 tháng 10 năm 2018 | 19:57

Chủ tịch nước tuyên thệ nhậm chức

Chiều 23/10, sau khi công bố kết quả kiểm phiếu, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết bầu Chủ tịch nước, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 2016 – 2021 tuyên thệ nhậm chức.

ctn.JPG
Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tuyên thệ nhậm chức. Ảnh VGP/Nhật Bắc

 

Chiều nay, 23/10, trước Quốc hội, Trưởng ban Kiểm phiếu Bùi Văn Cường công bố kết quả kiểm phiếu bầu Chủ tịch nước.

Theo đó, 99,79% đại biểu Quốc hội đã bỏ phiếu bầu Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng giữ chức Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 2016 - 2020.

Sau khi, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày dự thảo nghị quyết bầu Chủ tịch nước, Quốc hội đã biểu quyết thông qua nghị quyết bầu Chủ tịch nước.

Tiếp đó, Tân Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng thực hiện nghi thức tuyên thệ nhậm chức. Ông nói: "Dưới cờ đỏ thiêng liêng của Tổ quốc, trước Quốc hội, trước đồng bào, cử tri cả nước, tôi, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Việt Nam, xin tuyên thệ: Tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với nhân dân, với Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nỗ lực phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó". 

Phát biểu nhậm chức sau lễ tuyên thệ, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng bày tỏ: “Trước hết, tôi xin trân trọng cảm ơn Quốc hội đã tín nhiệm bầu tôi giữ chức Chủ tịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đây là một vinh dự vô cùng to lớn, đồng thời cũng là một trách nhiệm hết sức nặng nề đối với tôi. Tôi sẽ cố gắng hoàn thành nhiệm vụ như tôi vừa tuyên thệ trước Quốc hội, trước đồng bào và cử tri cả nước. Sau đây tôi xin có một vài ý kiến có tính chất báo cáo thêm, giãi bày tâm tư, tình cảm của mình trước sự kiện này để mong được các đồng chí và các vị cùng chia sẻ. 

Chắc có  đại biểu muốn biết, tâm trạng của tôi lúc này thế nào. Tôi xin thưa thật rằng, tôi vừa mừng, vừa lo. Mừng là vì được Quốc hội, được nhân dân tin cậy, yêu mến giao nhiệm vụ. Lo là làm thế nào để hoàn thành được thật tốt trách nhiệm của mình. Đây là tâm tư, suy nghĩ thật lòng của tôi, cũng giống như tâm trạng của tôi cách đây hơn 12 năm, khi tôi được Quốc hội bầu giữ chức Chủ tịch Quốc hội khoá XI. 

Tôi nhớ hôm đó là vào ngày 26/6/2006, hồi 16 giờ, Quốc hội bầu tôi giữ chức Chủ tịch Quốc hội. Lúc ấy tôi cũng vừa mừng, vừa lo, phần lo là nhiều hơn, vì tôi chưa từng làm Chủ tịch Quốc hội bao giờ, chưa quen với công việc của Quốc hội (lúc bấy giờ tôi đang làm Bí thư Thành uỷ Hà Nội, giữ chức Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, phụ trách công tác lý luận của Đảng). Tôi lo không biết có hoàn thành được nhiệm vụ không. Khi phát biểu trước Quốc hội, tôi đã ngẫu hứng lẩy 2 câu Kiều: 

Nghĩ mình phận mỏng cánh chuồn 

Khuôn xanh biết có vuông tròn mà hay! 

Ảnh VGP/Nhật Bắc

Và bây giờ đây, tâm trạng tôi cũng tương tự như thế, thậm chí có phần còn lo lắng hơn. Vì sao? Bởi vì 3 lý do: 

Một là tình hình đất nước bên cạnh mặt thuận lợi là cơ bản cũng đang có không ít khó khăn, thách thức, đặt ra nhiều vấn đề phải giải quyết. Tôi đã nhiều lần nhấn mạnh: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực và vị thế như ngày nay; nhưng đất nước cũng đang đứng trước những khó khăn rất lớn, tình hình thế giới diễn biến không thể lường hết được; chúng ta vui mừng với những thành tựu, kết quả to lớn nhưng tuyệt nhiên không được chủ quan, tự mãn, không được quá say sưa với thắng lợi, ngủ quên trên vòng nguyệt quế. 

Hai  hiện nay cùng với giữ chức Chủ tịch nước, tôi vẫn đang gánh chức Tổng Bí thư của Đảng, công việc rất nhiều, lại đang phải chuẩn bị cho Đại hội lần thứ XIII của Đảng. 

Ba  trình độ, năng lực, sự hiểu biết của tôi có hạn, tuổi tác lại đã lớn. Bác Hồ đã từng nói, khi người ta tuổi tác càng cao thì sức khoẻ càng thấp; điều đó cũng không có gì lạ. 

Vì vậy, tôi rất mong được các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các vị đại biểu Quốc hội, cử tri và đồng bào cảm thông, chia sẻ, hết lòng giúp đỡ, tạo điều kiện; các cơ quan liên quan như Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội, các cơ quan tư pháp, các cơ quan, ban, ngành và các địa phương phối hợp chặt chẽ, đoàn kết thống nhất cao, giúp cho tôi có thể hoàn thành được nhiệm vụ. 

Riêng về phần cá nhân, tôi sẽ cố gắng hết sức mình, nỗ lực phấn đấu để thực hiện các chức năng, nhiệm vụ mà Hiến pháp, pháp luật đã quy định và Đảng, Nhà nước, Nhân dân đã giao phó. 

Một lần nữa, tôi xin trân trọng cảm ơn Quốc hội, cảm ơn đồng bào, cử tri cả nước. Chúc kỳ họp thứ 6 Quốc hội khoá XIV của chúng ta thành công tốt đẹp!”

Trước đó, sáng 23/10, các đại biểu Quốc hội làm việc tại hội trường, tiến hành bỏ phiếu bầu Chủ tịch nước. 

Đầu giờ sáng, các đại biểu Quốc hội tiến hành thảo luận tại Đoàn về dự kiến nhân sự bầu Chủ tịch nước. Tiếp đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội về kết quả thảo luận tại các Đoàn đại biểu Quốc hội và giải trình, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội về dự kiến nhân sự bầu Chủ tịch nước. 

Ngay sau đó, Quốc hội thảo luận, biểu quyết thông qua danh sách để bầu Chủ tịch nước bằng hệ thống biểu quyết điện tử.  

Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban Công tác đại biểu Trần Văn Túy trình bày Tờ trình của Chủ tịch Quốc hội về dự kiến nhân sự thành viên Ban kiểm phiếu. Quốc hội biểu quyết thông qua danh sách thành viên Ban kiểm phiếu. Trưởng Ban kiểm phiếu phổ biến thể lệ bỏ phiếu. 

Quốc hội đã tiến hành bầu Chủ tịch nước bằng hình thức bỏ phiếu kín.  

15.00’ chiều nay, Trưởng Ban kiểm phiếu công bố kết quả kiểm phiếu bầu Chủ tịch nước.

 Tiếp đó, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày dự thảo Nghị quyết bầu Chủ tịch nước. Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết bầu Chủ tịch nước.

 Chủ tịch nước tuyên thệ nhậm chức.

Các đại biểu bỏ phiếu bầu Chủ tịch nước. 

* Trước đó, cuối phiên họp chiều 22/10, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã trình bày Tờ trình về dự kiến nhân sự để Quốc hội bầu Chủ tịch nước.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ: Căn cứ Điều 74 Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013; Điều 8 Luật Tổ chức Quốc hội số 57/2014/QH13; Điều 31 Nội quy kỳ họp Quốc hội; Điểm 4 Nghị quyết số 34 ngày 6/10/2018 của Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giới thiệu Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, đại biểu Quốc hội khóa XIV đã được Ban Chấp hành Trung ương Đảng thống nhất rất cao, giới thiệu để Quốc hội bầu giữ chức vụ Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 2016 – 2021.

 

Người dân cả nước đồng tình, ủng hộ

Theo TTXVN, bên lề phiên họp Quốc hội, các đại biểu thể hiện sự nhất trí cao với việc Quốc hội giới thiệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để Quốc hội bầu giữ chức vụ Chủ tịch nước tại kỳ họp lần này.

Các đại biểu Quốc hội phân tích, trước đây, khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, chức vụ cao nhất trong Đảng là Chủ tịch Đảng do Chủ tịch Hồ Chí Minh đảm nhận. Người sáng lập ra Đảng Cộng sản Việt Nam cũng là Chủ tịch nước đầu tiên và giữ cương vị này đến tháng 9/1969. Như vậy, đây là giai đoạn lịch sử mà người giữ chức vụ cao nhất trong Đảng đã đảm nhận chức danh đứng đầu Nhà nước.

Bày tỏ nhất trí cao với việc giới thiệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để bầu giữ chức vụ Chủ tịch nước, đại biểu Phùng Văn Hùng (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cao Bằng) cho rằng, đây là việc làm cần thiết, tạo thuận lợi cho quan hệ ngoại giao và trong công tác điều hành đất nước.

Tại Hội nghị Trung ương 8 (khóa XII) vừa qua, Trung ương đã thống nhất rất cao (100%) giới thiệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để Quốc hội bầu giữ chức vụ Chủ tịch nước. Tôi cho rằng sự tín nhiệm của Trung ương Đảng thể hiện kỳ vọng, sự đồng tình ủng hộ của người dân cả nước.

Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình) cho hay, thời gian qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để lại nhiều dấu ấn lớn, được nhân dân cả nước tin tưởng, đặc biệt là trong công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Việc Trung ương giới thiệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để Quốc hội bầu giữ chức vụ Chủ tịch nước, được cử tri và các đại biểu rất quan tâm, mong đợi. Đại biểu cho rằng, vai trò của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước là thống nhất sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho quốc gia trong quá trình mở rộng quan hệ ngoại giao.

Đại biểu Trương Minh Hoàng (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau) cho rằng trong điều kiện hiện nay, đồng chí Tổng Bí thư giữ chức vụ Chủ tịch nước là phù hợp và cần thiết. Theo đại biểu, trong vai trò Tổng Bí thư, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã và đang hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trên các mặt công tác, đặc biệt trong công tác phòng, chống tham nhũng... 

Nhiều đại biểu cho rằng, việc Quốc hội bầu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng giữ chức vụ Chủ tịch nước đã được Hội nghị Trung ương 8 xem xét kỹ lưỡng. Theo các đại biểu Quốc hội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người lãnh đạo hội tụ đầy đủ các yếu tố cần thiết của người đứng đầu Nhà nước. Nhìn từ góc độ công tác đối ngoại, việc Tổng Bí thư làm Chủ tịch nước sẽ thuận lợi. Khi người đứng đầu Đảng cũng là người đứng đầu Nhà nước thì công tác lãnh đạo phát triển đất nước về kinh tế - xã hội nói chung sẽ thuận lợi hơn trong tình hình mới. 

Các đại biểu cho rằng, người giữ cương vị Tổng Bí thư, Chủ tịch nước phải là một tấm gương trong sạch, thực sự mẫu mực về đạo đức, phong cách, lối sống, có tầm nhìn chiến lược, biết quy tụ nhân tài. Với những gì Tổng Bí thư đã làm được trong thời gian qua, cử tri rất ủng hộ và tin tưởng rằng: Tổng Bí thư đồng thời làm Chủ tịch nước sẽ tạo điều kiện tốt để công cuộc phòng, chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước tiếp tục đạt hiệu quả cao trong thời gian tới./.

 

 

Ý kiến bạn đọc
  • “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.

  • “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.

  • Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.

Top