KTNT - Khi thực hiện dự án mỏ đá Tân Cang 6, tỉnh Đồng Nai cho phép Liên hiệp HTX dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Đồng Nai (DONACOOP) thực hiện theo phương thức thỏa thuận với người đang sử dụng đất. Tuy nhiên, dù chưa thỏa thuận được với dân, DONACOOP vẫn ngang nhiên hủy hoại tài sản trị giá hàng tỷ đồng của chủ đất, thậm chí còn thuê “giang hồ” bảo vệ, múc đất vận chuyển đưa đi bán…
Hiện trường vụ cưỡng chế.
Đất có sổ đỏ
Theo đơn tố cáo của bà Lê Thị Phương Mai (xã An Hòa, TP. Biên Hòa): Từ năm 1975, gia đình bà tạo lập được 105.714,9m2 đất tại xã Phước Tân, TP. Biên Hòa (Giấy chứng nhận số 2271/QSDĐ/340 ngày 28/5/2001 diện tích 52.932m2 và Giấy chứng nhận số 2732/QSDĐ/656/HD ngày 5/2/2002 diện tích 37.548m2).
“Mặc dù kinh tế còn khó khăn nhưng chúng tôi vẫn xây dựng cầu cống, làm đường giúp bà con có điều kiện phát triển. Thế nhưng, sau khi hoàn thành các công trình công cộng thì bất ngờ UBND tỉnh Đồng Nai ra Quyết định số 390/QĐ-UBND ngày 18/2/2009 và huyện Long Thành ra Quyết định số 1200/QĐ- UBND ngày 21/4/2009 thu hồi toàn bộ diện tích đất của gia đình giao cho DONACOOP làm mỏ đá và hứa sẽ có trách nhiệm đền bù thỏa đáng. Tuy nhiên, suốt gần 10 năm qua, chúng tôi vẫn chưa có được sự thỏa thuận đền bù nào”, bà Mai bức xúc.
Cưỡng chế cận Tết!
Tai họa ập đến đối với gia đình bà Mai vào 9 giờ sáng 28/1/2015 (cận Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015), đoàn cưỡng chế của TP. Biên Hòa vào nhà và trao quyết định thu hồi toàn bộ phần đất mà gia đình bà Mai đang sử dụng. “Mặc dù hết sức bất ngờ nhưng chúng tôi vẫn bình tĩnh trình bày: Phần đất của tôi đang sử dụng có sổ đỏ hợp pháp. Nay UBND TP. Biên Hòa muốn thu hồi thì phải hoàn thành các nghĩa vụ thỏa thuận, bồi thường với gia đình tôi”, bà Mai ấm ức.
Mặc dù bà Mai đã trình bày sự việc có tình, có lý nhưng đoàn cưỡng chế vẫn cho nhiều xe tải, xe cơ giới có cần cẩu vào phá dỡ toàn bộ nhà cửa, chuồng trại, cây trồng, hoa màu, ao hồ, vật nuôi và tài sản mà gia đình bà Mai đã khó khăn tạo lập hợp pháp suốt 40 năm qua, với tổng trị giá lên đến 3 tỷ đồng. “Đến nay, chúng tôi cũng không rõ đoàn cưỡng chế mang số tài sản của gia đình đi đâu, họ cũng không lập biên bản thu giữ, thống kê tài sản. Không những thế, trong địa phận đất của gia đình luôn có một nhóm khoảng 30 người lạ mặt canh chừng, chặn đường không cho chúng tôi vào”, bà Mai cho biết thêm.
Theo bà Mai: “Đoàn cưỡng chế thể hiện sự áp đặt và có nhiều dấu hiệu vi phạm Luật Đất đai, Luật Khai thác tài nguyên - khoáng sản và cả Luật Dân sự nữa!”.
Điều gây bức xúc nhất cho gia đình bà Mai là, suốt 7 năm qua, DONACOOP chưa hề có bất kỳ biên bản nào về việc thoả thuận đền bù giải phóng mặt bằng, hoặc một buổi làm việc trực tiếp với gia đình bà. “Càng nghiêm trọng hơn khi thực hiện cưỡng chế không đúng pháp luật, vì bản thân tôi và gia đình không hề nhận được quyết định cưỡng chế, không được thông báo trước, dù là bằng miệng. Theo quy định pháp luật, chưa bao gồm thời gian ký quyết định cưỡng chế đến lúc tống đạt quyết định, chỉ tính từ thời điểm tống đạt quyết định đến lúc cưỡng chế ít nhất là 15 ngày làm việc. Trong khi đó, đối với trường hợp của chúng tôi, thời gian ký quyết định đến thực hiện xong cưỡng chế chỉ có 12 ngày, lại là thời điểm cận Tết, điều này thể hiện sự áp đặt và có chủ đích”, bà Mai khẳng định.
Đất đang tranh chấp DONACOOP đã cho người múc đưa đi bán
Vì sao chưa thống nhất việc bồi thường?
Theo hồ sơ vụ việc, ngày 24/1/2011, UBND TP. Biên Hòa ban hành Quyết định số 168/QĐ-UBND về phê duyệt giá bồi thường, hỗ trợ diện tích 105.714,9m2 đất với số tiền 21.477.940.000 đồng. Nhưng sau đó, ngày 31/10/2011, UBND TP. Biên Hòa lại ban hành Quyết định số 3869 về phê duyệt giá bồi thường diện tích trên chỉ còn 9.507.543.000 đồng. Như vậy, đơn giá đền bù chỉ còn tương đương 80.000 đồng/m2.
Trong khi, đối chiếu với các trường hợp thỏa thuận đền bù khác gần đó như của ông Nguyễn Văn Đây và bà Nguyễn Thị Cầm (ở 1/7B, khu phố 6, phường An Bình, TP. Biên Hòa, Đồng Nai) tại thời điểm 15/12/2011 được bồi thường với đơn giá 350.000 đồng/m2.
“Cùng khu vực khai thác mỏ, địa thế và tiềm năng khai thác của phần đất gia đình tôi thuận lợi hơn nhưng lại bị áp giá bằng 1/4 so với giá thị trường. Nếu so sánh hai quyết định đền bù ngày 24/1/2011 và ngày 31/10/2011 thì sau 9 tháng, tôi bị thiệt hại 11.970.397.000 đồng. Nếu so sánh giữa giá thị trường và giá đền bù theo quyết định ngày 31/10/2011 thì gia đình tôi mất trắng 27.492.672.000 đồng”, bà Mai bức xúc.
DONACOOP sử dụng “giang hồ” vào coi đất và ngăn chặn dân vào phần đất còn lại ở phía trong
Kiểm tra lại vụ việc
Giải quyết đơn khiêu nại của bà Mai, ngày 27/3/2015, ông Lê Quốc Trung, Chánh Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) có Văn bản số 991/BTNMT-TTr báo cáo Bộ trưởng Bộ TNMT Nguyễn Minh Quang và Thứ trưởng Chu Phạm Ngọc Hiển về việc bà Mai khiếu nại QĐ số 390/QĐ- UBND ngày 18/2/2009 của UBND tỉnh Đồng Nai về việc thu hồi hơn 10,5ha đất ở và vườn của gia đình bà tại xã Phước Tân, TP.Biên Hòa để làm mỏ đá Tân Cang 6 không đúng quy định của pháp luật…
Sau khi xem xét, Bộ TNMT có ý kiến như sau: Khiếu nại của bà Mai đối với QĐ số 390/QĐ- UBND ngày 18/2/2009 của UBND tỉnh Đồng Nai chưa được Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai xem xét, giải quyết theo quy định tại khoản 1, Điều 21 Luật Khiếu nại năm 2011. Mặt khác, khi giao đất để thực hiện dự án mỏ đá Tân Cang 6, UBND tỉnh Đồng Nai đã có Văn bản số 6773/UBND - CNN ngày 27/8/2007 cho phép DONACOOP được thực hiện theo phương thức thỏa thuận với người sử dụng đất thuộc phạm vi dự án để nhận chuyển nhượng QSDĐ, thuê QSDĐ, góp vốn bằng QSDĐ theo quy định tại Điều 40 Nghị định số 84/2007/NĐ-CP ngày 25/5/2007 của Chính phủ. Tuy nhiên, theo đơn và hồ sơ do bà Mai cung cấp thì DONACOOP chưa thực hiện việc thỏa thuận với gia đình bà Mai về QSDĐ hơn 10,5 ha nêu trên để thực hiện dự án mỏ Tân Cang 6. Hiện tại, gia đình bà Mai bị thu hồi đất và giải tỏa toàn bộ nhà ở, đất ở nhưng trong phương án bồi thường, hỗ trợ cho gia đình bà Mai được UBND TP. Biên Hòa phê duyệt tại QĐ số 3869/QĐ-UBND ngày 31/10/2011 chưa giải quyết bố trí tái định cư cho gia đình bà Mai là chưa đúng quy định.
Bộ TNMT đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai chỉ đạo Sở TNMT tỉnh Đồng Nai kiểm tra, rà soát lại những tình tiết nêu trên, giải quyết khiếu nại của bà Mai theo quy định của pháp luật và thông báo kết quả về Bộ TNMT.
Tuy nhiên, đến nay, gia đình bà Mai vẫn chưa nhận được câu trả lời thỏa đáng từ các cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai.
Nhóm PVĐT
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy khẳng định, dù thực hiện theo Luật Đất đai hay theo cơ chế thí điểm của Nghị quyết về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất, tất cả các dự án đó đều phải tuân thủ quy hoạch, bảo đảm việc giữ ổn định 3,5 triệu ha đất lúa, bảo đảm độ che phủ rừng...
Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản sẽ hiệu lực từ ngày 1/8, sớm 5 tháng so với thời điểm đã được Quốc hội quyết định trước đó (1/1/2025), sẽ giúp khơi thông nguồn lực đất đai, tạo điều kiện cho nền kinh tế đất nước phát triển và đảm bảo các chính sách an sinh xã hội cho người dân.