Việc áp dụng chuyển đổi số ngành Nông nghiệp tại Quảng Nam đã dần tạo nên những dấu ấn kinh doanh đáng kể, đặc biệt là về các sản phẩm nông nghiệp. Thế nhưng, vẫn đặt ra nhiều thử thách trong tương lai.
Thuận lợi nhưng cũng đầy thử thách
Việc chuyển đổi số mang lại nhiều tiện ích cho doanh nghiệp nông nghiệp tỉnh Quảng Nam trong việc vận hành và thương mại hoá sản phẩm từ chăn nuôi và trồng trọt. Tuy nhiên, chuyển đổi số vẫn đặt ra nhiều thách thức cho các doanh nghiệp này, đặc biệt là doanh nghiệp mới ở Quảng Nam khi đa phần đều đang chỉ ở giai đoạn khởi đầu. Độ rủi ro rất cao khi doanh nghiệp, nhà nông vừa phải phát triển sản phẩm và vừa phải phát triển thị trường cho sản phẩm đó.
Là một doanh nghiệp nông nghiệp áp dụng chuyển đổi số trong vận hành, quản lý và thương mại hoá sản phẩm, chị Bùi Thị Tuyết Nhung (phường An Phú, Tp. Tam Kỳ), chủ thương hiệu Best One đã thành công đưa sản phẩm trái nhàu khởi nghiệp khá thành công. Chị Nhung chia sẻ: “Đơn vị đã tiến hành thương mại sản phẩm trên tất cả các kênh thương mại điện tử, trên websize, facebook, zalo, shopee… Ngoài ra, cơ sở cũng áp dụng chuyển đổi số vào trong quản lý nhân viên, sản phẩm tồn kho qua các phần mềm theo dõi. Các dữ liệu đều được lưu trữ trên hệ thống đám mây. Qua thời gian vận hành, chuyển đổi số đã giúp sản phẩm nông nghiệp của doanh nghiệp lan rộng và dễ dàng vận hành hơn".
Thế nhưng, song song với đó, chị Nhung cũng cho biết: “Trong quá trình chuyển đổi số nhất là về thương mại điện tử, đối với doanh nghiệp khởi nghiệp vẫn còn gặp khó khăn về kinh phí. Không đơn giản chỉ là đưa sản phẩm lên các nền tảng mà mình còn phải chăm sóc, có đội ngũ truyền thông, marketing để duy trì, mở rộng thị trường…”.
Tại Hội thảo về “Giải pháp thực hiện chuyển đổi số nền nông nghiệp tỉnh Quảng Nam” vừa qua, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Hồ Quang Bửu khẳng định, ngành Nông nghiệp của tỉnh đang đi đúng hướng khi xác định đầy đủ, rõ ràng vai trò, nhiệm vụ, mục tiêu cụ thể đối với các chủ thể tham gia lộ trình chuyển đổi số, bao gồm Nhà nước, doanh nghiệp và người nông dân.
Thế nhưng, để thực hiện thành công chuyển đổi số ngành Nông nghiệp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cũng lưu ý, ngành cần tích cực xây dựng hệ thống dữ liệu của ngành đảm bảo nguyên tắc “đúng, đủ, sạch, sống” và kết nối, liên thông với hệ thống cơ sở dữ liệu của bộ, ngành trung ương, của tỉnh. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, nền tảng số, tự động hóa quy trình sản xuất, thu hoạch, chế biến; xây dựng nhật ký điện tử, số hóa dữ liệu vùng trồng, truy xuất nguồn gốc các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh… là cả một quá trình dài hơi và đòi hỏi rất nhiều công sức.
Nhiều vấn đề cần hoàn thiện
Chuyển đổi số ngành nông nghiệp Quảng Nam đặt ra rất nhiều vấn đề cần phải hoàn thiện như: Vấn đề nâng cao nhận thức về chuyển đổi số; lựa chọn ứng dụng công nghệ số phù hợp với điều kiện, tập quán sản xuất, khí hậu, đất đai, thổ nhưỡng trên địa bàn Quảng Nam; thể chế, nguồn lực tài chính để thực hiện chuyển đổi số; phát triển hạ tầng, nền tảng, dữ liệu và nhân lực cho chuyển đổi số...
Chuyển đổi số nền nông nghiệp tỉnh Quảng Nam được triển khai dựa trên các quan điểm: Chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng, đa dạng sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh nông sản và phù hợp với yêu cầu của thị trường.
Đi kèm với đó, là việc đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu; ứng dụng công nghệ số trong quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn địa lý; hướng dẫn, khuyến khích thực hiện thương mại điện tử trong nông nghiệp; tăng tỷ trọng của nông nghiệp công nghệ số trong nền kinh tế.
Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu ngành về đất đai, cây trồng, vật nuôi, thủy sản, thổ nhưỡng, khí hậu, thị trường… cũng là tiền đề phục vụ cho quá trình chuyển đổi số của nông nghiệp tỉnh.