Huyện Cư Mgar (Đắk Lắk) là địa phương tiên phong trồng khảo nghiệm thành công giống dưa lưới Chu Phấn có xuất xứ từ Đài Loan (Trung Quốc). Đây là điển hình trong việc áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào canh tác nhằm tăng hiệu quả sản xuất, đảm bảo chất lượng sản phẩm, đồng thời giúp nông dân nâng cao thu nhập.
Mô hình trồng dưa lưới Chu Phấn (Đài Loan) trong nhà kính tại Trung tâm Dạy nghề huyện Cư M’gar.
Trung tâm Dạy nghề huyện Cư M’gar là đơn vị được giao thực hiện mô hình trồng khảo nghiệm dưa lưới trên giá thể trong nhà kính. Đây là loại nông sản mới, chất lượng cao, thời vụ gieo trồng ngắn, có thể trồng được nhiều vụ trong năm. Việc trồng trong nhà kính mang lại nhiều ưu điểm: bảo vệ dưa khỏi những côn trùng nguy hiểm, hạn chế được sự biến động của thời tiết, ảnh hưởng đến sức tăng trưởng của cây. Hơn hết là khả năng thâm canh trong nhà kính cao, chủ động được thời vụ.
Sau khi tham gia lớp tập huấn chuyển giao công nghệ kỹ thuật tại Khu công nghệ cao TP.Hồ Chí Minh năm 2012, ông Nguyễn Ngọc Giao, Giám đốc Trung tâm Dạy nghề huyện Cư M’gar về thử nghiệm mô hình tại địa phương. Lúc đầu, ông Giao trồng theo phương pháp truyền thống, tức trồng trong vườn cho phát triển tự nhiên nhưng thất bại hoàn toàn. Không nản chí, ông cùng đồng nghiệp tiếp tục nghiên cứu và đi tham quan học hỏi mô hình ở TP. Hồ Chí Minh, Lâm Đồng...
Sau những tháng năm học hỏi, đúc kết kinh nghiệm và triển khai vào thực tế, đến nay, mô hình thí điểm trồng dưa lưới trong nhà kính tại Trung tâm Dạy nghề huyện Cư M’gar đã thu hoạch được vụ thứ 3. Là người trực tiếp thực hiện mô hình, ông Giao cho hay: “Với 250m2 đất được chọn xây dựng mô hình thí điểm thì chi phí đầu tư làm nhà kính và các thiết bị máy móc hết khoảng 100 triệu đồng. Trên diện tích này, chúng tôi trồng 2.500 dây dưa lưới, ứng với số quả thu về khoảng 2.500 trái, bình quân mỗi trái nặng 1,6 - 2kg. Như vậy, mỗi vụ trung tâm thu được 5 tấn, bán ra thị trường với giá 25.000 đồng/kg. Đặc biệt, việc trồng dưa trong nhà kính có ưu điểm là giúp người trồng quản lý độ ẩm và nguồn dinh dưỡng tốt hơn, năng suất cũng như chất lượng dưa cao hơn so với cách trồng truyền thống trước đây. Đồng thời giúp nông dân có thể chủ động trong việc thiết kế mùa vụ, cho sản phẩm đạt độ an toàn cao nhất”.
Cư M’gar là địa phương có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp và là vùng chuyên canh cà phê lớn của tỉnh Đắk Lắk với diện tích 36.000ha. Tuy nhiên, sau vài chục năm khai thác, đến nay đa phần diện tích cây cà phê đã già cỗi, dần được chuyển đổi sang các loại cây trồng khác cho phù hợp. Ngoài diện tích chuyên canh cà phê có những phần đất không phù hợp trồng cây công nghiệp được người dân trồng rau màu với quy mô nhỏ lẻ, hiệu quả kinh tế không cao. Bởi vậy, việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp là rất cần thiết.
Với mục tiêu thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, đồng thời tạo bước đột phá về năng suất, chất lượng sản phẩm, huyện Cư M’gar đang xây dựng kế hoạch triển khai xây dựng khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tập trung với quy mô 50ha, chia thành nhiều phân khu chuyên biệt. Ngoài việc mang lại hiệu quả kinh tế cao, việc sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao còn giúp người dân hướng tới nền nông nghiệp hữu cơ bền vững và là một trong những giải pháp để tăng năng suất cây trồng, bảo vệ môi trường.
Ông Trương Văn Chỉ, Bí thư Huyện ủy Cư M’gar, cho biết: “Thực hiện nghị quyết của Đảng, Nhà nước về chủ trương phát triển nông nghiệp công nghệ cao, huyện đã thực hiện nhiều mô hình khảo nghiệm trồng rau củ, trái cây theo hướng hiện đại, bước đầu thu được kết quả khả quan, điển hình là trông dưa lưới trong nhà kính của Trung tâm Dạy nghề Cư M’gar. Trên cơ sở đó, huyện tiếp tục xây dựng nghị quyết chuyên đề, sau đó tiến hành chuyển giao công nghệ cho bà con”.
Quốc Hùng - Thu Sa
Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.
Thời gian qua, tỉnh Nghệ An triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, cơ chế, chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nâng cao ý thức tự lực, tự cường vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo nên diện mạo mới cho nông thôn miền núi xứ Nghệ.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.