Hoàn lưu của 2 cơn bão số 7 và số 9 gây mưa to kéo dài, sóng dâng cao từ 2 – 2,5m va đập liên hồi đã làm hư hỏng, sạt lở nghiêm trọng hệ thống bờ kè, đường đi bộ ven biển của thị xã Cửa Lò. Thiệt hại ước tính sơ bộ ban đầu lên đến 21 tỷ đồng
Quan sát của phóng viên thấy, cả đoạn đê kè cùng với tuyến đường đi bộ dọc bờ biển thị xã Cửa Lò bị hư hỏng nghiêm trọng trước ảnh hưởng của mưa bão và sóng biển. Nhiều gốc cây to cũng bị bật lên, nằm ngổn ngang bên đường. Hệ thống kè bằng đá cũng không chịu được sức mạnh của thiên nhiên, bị cày xới tan hoang.
Tại địa bàn phường Thu Thủy (thị xã Cửa Lò), tuyến bờ kè chắn sóng và đường dạo bộ với chiều dài hơn 1,5km bị sóng đánh sập khoảng 800m, hệ thống cây xanh bị bật gốc đổ, gãy.
Để khắc phục tạm thời, sau khi mưa lớn kéo dài do ảnh hưởng hoàn lưu của cơn bão số 9 tạm ngớt, lãnh đạo UBND thị xã Cửa Lò cùng với Ban chỉ huy quân sự đã có mặt tại hiện trường để chỉ đạo trực tiếp hàng trăm cán bộ và người dân các phường tham gia khắc phục, gia cố 50m bờ kè ven biển ở khu vực phía Nam quảng trường Bình Minh, với hơn 5.000 bao tải cát và 350 khối đất đá để giảm lực cản của sóng, nhằm hạn chế bờ kè tiếp tục bị xói lở.
Trước thực trạng trên, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung vừa cùng Đoàn công tác đi thị sát những điểm sạt lở nghiêm trọng tại công trình kè chắn sóng dọc bờ biển thị xã Cửa Lò. Sau khi kiểm tra thực tế, để hạn chế tối đa những thiệt hại không đáng có về người và tài sản, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo cấp ủy, chính quyền thị xã Cửa Lò tiếp tục theo dõi diễn biến của thời tiết, duy trì nghiêm túc công tác trực ban, trực chỉ huy, thực hiện đồng bộ phương án 4 tại chỗ. Đồng thời, phân công các thành viên trong Ban chỉ huy phòng chống bão lụt thị xã Cửa Lò bám sát địa bàn, tập trung tuyên truyền nâng cao năng lực, ý thức phòng tránh thiên tai cho nhân dân. Đặc biệt là đối với cư dân sinh sống ven biển.
Được biết, trước đó, hoàn lưu cơn bão số 7 đã khiến kè chắn sóng biển đoạn từ quảng trường Bình Minh đến cảng Cửa Lò bị hư hỏng. Kè xây đá hộc bị sạt lở với tổng chiều dài khoảng 2.500m. Bên cạnh đó, kè chắn sóng bảo vệ đường dạo bộ dọc bãi tắm Cửa Lò cũng bị hư hỏng và sụt lún khoảng 300m. Đường dạo bộ bị hư hỏng và sụt lún khoảng 500m2. Ngoài ra, chiều dài kè chân biển khoảng 500m bị xói lở. Gạch Terrazo lát bậc cấp kè biển bị bong tróc, hư hỏng khoảng 200m2. Ước tính thiệt hại 12 tỷ đồng.
Trong khi ảnh hưởng của cơn bão số 7 gây thiệt hại nặng chưa kịp khắc phục, thì hoàn lưu của cơn bão số 9 lại khiến tình trạng thiệt hại ở nơi đây thêm nặng nề. Trong đó: Kè trọng lực bị sập, xâm thực vào bờ dài khoảng 200m; kè xây đá hộc và đường dạo bộ bị sạt lở, hư hỏng thêm khoảng 500m. Thậm chí, đoạn ở phía Nam quảng trường Bình Minh tiếp tục bị hư hỏng thêm, với bê tông đường kè, chân kè bị sập khoảng 300m. Ước tính thiệt hại gần 9 tỷ đồng. Như vậy, thiệt hại ước tinh sơ bộ ban đầu do hoàn lưu của cơn bão số 7 và số 9 gây cho hệ thống kè chắn sóng biển, kè bảo vệ và đường dạo bộ dọc bãi biển thị xã Cửa Lò lên đến 21 tỷ đồng.
Trước thiệt hại nặng nề nêu trên, trao đổi với PV, ông Võ Văn Hùng, Phó Chủ tịch UBND thị xã Cửa Lò, cho biết: “Hiện chúng tôi đã giao cho Ban quản lý các dự án đầu tư xây dựng thị xã Cửa Lò lập đề án để trình UBND tỉnh xem xét, nhằm sớm tiến hành khắc phục, sửa chữa hệ thống bờ kè và đường ven biển. Đồng thời, thị xã cũng đang đề nghị tỉnh hỗ trợ. Bởi đây là tổn thất rất lớn đối với thị xã, vì vậy, các cấp chính quyền đang nỗ lực tìm biện pháp khắc phục trong thời gian sớm nhất, để đảm bảo an toàn cho người dân và các ki-ốt ven biển. Hơn nữa, khắc phục sớm tình trạng sạt lở này nhằm chuẩn bị cho mùa du lịch năm 2021”.
Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.
Thời gian qua, tỉnh Nghệ An triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, cơ chế, chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nâng cao ý thức tự lực, tự cường vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo nên diện mạo mới cho nông thôn miền núi xứ Nghệ.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.