Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ năm, ngày 23 tháng 6 năm 2022 | 20:36

Cúng Rừng, nét đẹp văn hóa ở Cốc Sâm

Dịp tháng 5 âm lịch hàng năm, đồng bào người Mông, Dao ở bản vùng cao Cốc Sâm (xã Cốc Ly - Bắc Hà - Lào Cai), lại tưng bừng chuẩn bị lễ vật cúng Rừng.

Trong tín ngưỡng của đồng bào, rừng là nơi trú ngụ của thần linh, ma trời, ma đất... có thể ban cho họ sức khỏe, may mắn, ấm no...

Rừng thiêng

Đến Cốc Sâm vào đúng ngày diễn ra lễ cúng Rừng, chúng tôi được theo chân thầy cúng Bàn Văn An (dân tộc Dao) vào khu rừng thiêng, rừng nhiều tầng tán, hoang sơ như chưa hề có dấu chân người. Nhiều thân cổ thụ sừng sững cao vút mây xanh, xòe tán rợp một khoảng đất rộng.

 

d007c943f84d3b13625c.jpg
Cầu thần linh phù hộ mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, dân làng khỏe mạnh... Ảnh: Kim Thoa.

 

Vừa cùng bà con sửa soạn mâm lễ, thầy cúng Bàn Văn An vừa trò chuyện: “Xưa kia thôn Cốc Sâm vốn là rừng rậm, chỉ có 3- 4 hộ dân người Dao du cư, bám rừng để sống. Về sau có thêm nhiều đồng bào dân tộc Mông, Dao đến, quy tụ thành bản làng. Bà con bảo nhau lựa chọn khu rừng đẹp, nhiều cây cổ thụ, khoanh vùng chăm sóc, bảo vệ để mời thần linh (Thần Rừng), ma trời, ma đất về trú ngụ rồi lập miếu thờ. Vào ngày đầu năm mới và khoảng tháng 5, tháng 6 hàng năm, người dân sẽ kính cẩn dâng lên những lễ vật, món ăn ngon cầu Thần Rừng che chở, cầu ma rừng không quấy nhiễu để thời tiết mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Con người khỏe mạnh không bị đau ốm...”.

Năm nay mới 55 tuổi nhưng thầy An đã có hơn 20 năm cúng rừng ở địa phương. Thầy bảo, khi đã trở thành rừng thiêng thì mọi hành động như chặt phá, xả thải, gây mất vệ sinh trong rừng đều bị trừng phạt. Có nhiều trường hợp người dân không tin, cố tình xâm phạm rừng thiêng liền vô cớ phát điên, bị tai nạn tử vong hoặc sinh trọng bệnh. Từ đó đến nay, khu rừng trở thành chốn linh thiêng luôn được già, trẻ, trai, gái trong làng giữ gìn, bảo vệ.  Khu rừng thiêng của thôn Cốc Ly là một phần của cánh rừng nguyên sinh với nhiều quần thể gỗ trai, gỗ nghiến cổ thụ trải dài trên địa phận 6 thôn: Làng Bom, Làng Đá - Sín Chải, Làng Pàm, Thẩm Phúc, Nậm Ké và Cốc Sâm. Đây cũng là nơi thường xuyên có kẻ xấu đến phá hoại, rình rập khai thác trái phép, bà con đồng bào đã tự tay soạn thảo hương ước, quy ước và ký cam kết, ai vi phạm sẽ bị phạt vạ một con lợn bản 50 cân, 20 cân gạo, 20 lít rượu, một đôi gà cùng 360 nghìn đồng tiền công... để cúng thần rừng, sau đó mời cả làng ăn cỗ, coi như một lần tạ lỗi. Ngoài ra, còn bị lực lượng chức năng xử phạt hành chính.

 

f0709565a46b67353e7a.jpgThầy cúng Bàn Văn An cùng dân làng đang sửa soạn dâng lễ vật cúng Thần Rừng. Ảnh: Kim Thoa.

 

Đối với đồng bào người Dao ở Cốc Sâm, thầy cúng rất được nể trọng và có “quyền lực” lớn nên lỡ có ai bị đau ốm, ma rừng trừng phạt là thầy cúng được mời về hóa giải. Vì thế, nhiều năm trước, thầy cúng chính là người đứng ra kêu gọi bà con bảo vệ rừng. Đặc biệt, trong khu rừng thiêng, chỉ khi đến dịp cúng Rừng, bà con mới theo chân cùng vào chứ không dám tự ý lẻn vào. Lễ cúng Rừng thường được bắt đầu vào sáng sớm. Lễ vật được bày biện trước miếu, thầy cúng sẽ mời thần linh, ma trời, ma đất, thầy âm... về thụ hưởng lễ vật. Sau đó, mới khẩn cầu xin mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, phù hộ cho dân làng được mạnh khỏe...

Cúng xong, dân làng sẽ cùng nhau đi tuần rừng, kiểm tra xem có dấu hiệu bị xâm hại không rồi hưởng lộc ngay trong rừng. Vì vậy, Lễ cúng Rừng thường rất vui, như một dịp để bà con gặp gỡ, hàn huyên, tìm cách bảo vệ rừng cũng như bàn cách làm kinh tế.

Bảo vệ quần thể gỗ quý

Đến nay, cả khu rừng nguyên sinh ở Cốc Ly được mệnh danh là “vàng xanh” ở đầu nguồn sông Chảy với hơn  800 cây gỗ nghiến, gỗ trai có đường kính từ 30cm trở lên; nhiều cây to, cây trên 1.000 năm tuổi. Riêng thôn Cốc Sâm có đến 357 cá thể, nhiều cây được công nhận là Cây di sản Việt Nam.

 

e141c311f21f3141680e.jpgLực lượng kiểm lâm cùng người dân đi tuần tra rừng. Ảnh: Kim Thoa.

 

Anh Đặng Văn Toàn, Trạm trưởng Trạm kiểm lâm xã Cốc Ly, cho biết: Cán bộ Trạm kiểm lâm xã đã nỗ lực thực hiện các phương án bảo vệ rừng, nhất là rừng gỗ trai, nghiến quý hiếm. Đặc biệt, đã thành lập và duy trì hoạt động tổ bảo vệ rừng chuyên biệt xã Cốc Ly, tại mỗi thôn lựa chọn ra 2-3 người không chỉ thường xuyên tuần tra rừng, kiểm tra tài nguyên rừng nguyên sinh, nhất là những cây gỗ quý đã được đánh số thứ tự trên diện tích rừng được phân công theo dõi, quản lý, mà còn có trách nhiệm tuyên truyền, vận động người dân tham gia bảo vệ, phát triển rừng, kịp thời báo cáo các vụ việc vi phạm tài nguyên rừng để lực lượng chức năng can thiệp, xử lý.

Hạt Kiểm lâm huyện Bắc Hà cũng tham mưu cho UBND huyện và tỉnh xây dựng phương án bảo vệ rừng gỗ nghiến, gỗ trai nghìn năm tuổi, quý, hiếm trên địa bàn, đã giúp ngăn chặn hiệu quả tình trạng khai thác trái phép các cây gỗ quý, hiếm, bảo tồn tính đa dạng sinh học, trong đó có cây nghiến di sản nghìn năm tuổi tại xã Cốc Ly, tăng cường trồng rừng trong các nương nằm xen giữa rừng và khu liền kề, tạo cảnh quan môi trường và nâng cao thu nhập cho người dân xã Cốc Ly.

Ông Bồng Văn Phú, Chủ tịch UBND xã Cốc Ly cho biết, để đánh thức tiềm năng phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng sống cho bà con đồng bào các dân tộc trên địa bàn, xã Cốc Ly đang đẩy mạnh phát triển du lịch, đặc biệt là khu rừng gỗ nghiến nghìn năm tuổi đã được sự quan tâm đầu tư của Nhà nước mở đường giao thông vào khu cây nghiến di sản cấp Quốc gia nằm trên địa bàn thôn Cốc Sâm và xã Cốc Ly. Tuy chưa hình thành khu du lịch nhưng Cốc Sâm cũng đã trở thành một điểm đến hấp dẫn thu hút nhiều lượt khách du lịch tham quan, trải nghiệm khi đến với cao nguyên trắng Bắc Hà.

 

 

Nguyên Hoa
Ý kiến bạn đọc
  • Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hàng ngàn người đổ về thị trấn Sông Đốc (Trần Văn Thời - Cà Mau) để xem cuộc đua vỏ lãi kỳ thú. Thị trấn ven biển này cũng là nơi 70 năm trước diễn ra sự kiện tập kết ra Bắc lịch sử.

  • Dòng chảy tri thức - Hành trình tri thức không thể thiếu vắng hình bóng “Người lái đò”

    Dòng chảy tri thức - Hành trình tri thức không thể thiếu vắng hình bóng “Người lái đò”

    Hòa cùng không khí cả nước, chào mừng 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/1982 - 20/11/2024, tri ân sự đóng góp, hy sinh của thầy, cô giáo - những “Người lái đò” thầm lặng, đưa nhiều thế hệ học trò đến với bến bờ tri thức.

  • Thắp sáng ước mơ cho các em học sinh Làng Nủ

    Thắp sáng ước mơ cho các em học sinh Làng Nủ

    Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.

Top