Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 25 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 8 tháng 3 năm 2019 | 11:0

“Cuộc chiến” hạn, mặn: Ứng phó và thích nghi

Nhiều tỉnh ở Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang xuất hiện khô hạn nặng, một số hồ thủy lợi cạn kiệt, mực nước ngầm tụt giảm, mặn xâm nhập sâu...

han.jpg
Một góc cánh đồng sử dụng giống lúa Một Bụi Đỏ gạo hồng sản xuất tại xã Vĩnh Lộc, (Hồng Dân - Bạc Liêu). Ảnh T.Đ.

 

Trước tình hình trên, nhiều địa phương đã và đang đề ra các giải pháp để ứng phó và thích nghi do tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH).

Đạt mức đỉnh mặn

ĐBSCL - vùng đất thấp ven biển của Việt Nam - là khu vực bị tác hại nặng nề nhất do BĐKH. Trong các tháng mùa khô này, nhiều tỉnh trong vùng bị nước biển xâm nhập mặn sâu làm thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp, nhiều khu vực thiếu nước ngọt phục vụ sinh họat

Tính đến đầu tháng 3/2019, nước mặn đã xâm nhập vào nhiều tỉnh ven biển như Bến Tre, Kiên Giang; hàng ngàn hộ dân thiếu nước ngọt sinh hoạt. Tại Hậu Giang, nước mặn đã xâm nhập vào địa bàn huyện Long Mỹ (giáp với Hồng Dân - Bạc Liêu), độ mặn được ghi nhận là 1,4‰.

Theo Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Bến Tre, độ mặn 4‰ trên sông Cửa Đại đã xâm nhập kênh nội đồng khoảng 40km tính từ khu vực cửa sông chính là Cửa Đại, Hàm Luông và Cổ Chiên (khoảng 70km là bao trùm cả tỉnh Bến Tre). Độ mặn 1‰ đã xâm nhập vào kênh nội đồng đến hơn 50km. Cường độ và diễn biến về xâm nhập mặn mùa khô năm 2019 nghiêm trọng và phức tạp hơn nhiều so với đỉnh mặn nhiều năm qua.

Theo Sở Nông nghiệp và PTNT An Giang, tình hình khô hạn và xâm nhập mặn sẽ đe dọa vụ lúa đông xuân với tổng diện tích hơn 254.000ha. Tại An Giang, nước mặn có khả năng đi sâu vào các xã giáp với vùng nước mặn của tỉnh Kiên Giang. Trong khi đó, các khu vực có khả năng chịu ảnh hưởng của khô hạn tập trung ở các xã vùng cao của Bảy Núi.

Tại Đồng Tháp, theo kết quả quan trắc của Chi cục Thủy sản Đồng Tháp, nguồn nước trên sông Tiền và sông Hậu ở những điểm giáp ranh với tỉnh Vĩnh Long đã bị nhiễm mặn. Điều bất thường là một số kênh rạch nằm gần đầu nguồn sông Tiền thuộc huyện Tam Nông, độ mặn cao hơn cả độ mặn ở khu vực cuối nguồn sông Tiền và sông Hậu của tỉnh Đồng Tháp.

Liên quan đến vấn đề này, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, ông Nguyễn Hữu Lập cho biết, tỉnh đã ban hành nhiều kế hoạch với các giải pháp cụ thể để các địa phương, người dân chủ động ứng phó bảo vệ mùa màng, tạm trữ nước ngọt sinh hoạt, cho gia súc uống. Tuy nhiên, điều kiện hạ tầng ngăn mặn của tỉnh chưa đảm bảo nên trường hợp xảy ra thiên tai xâm nhập mặn thì hậu quả vẫn rất khó lường.

Hạn hán khốc liệt

Trong khi người dân vùng ĐBSCL đang lâm cảnh “đứng ngồi không yên” vì mặn xâm nhập thì hàng chục ngàn hộ dân tại khu vực Tây Nguyên lại đang đối mặt với hạn khốc liệt.

Tại hồ thủy lợi Đắk Ken (xã Đắk Lao, huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông), nguồn cung nước cho gần 1.000ha cà phê trong vùng, từ sau Tết Kỷ Hợi đến nay, ngày nào cũng có hàng chục máy bơm cùng hút nước tưới cho cà phê. Ông Lê Văn Dần ở thôn 9, xã Đắk Lao, nói: “Tôi mới tưới xong đợt 3 cho 2ha cà phê nhà mình mà hồ thủy lợi đã cạn đi nhiều. Ai cũng đổ xô tưới thế này, chắc vài hôm nữa, không còn nước tưới cho những đợt sau”.

Ở ven sông Krông Nô (huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông), nhiều đồng lúa khô nẻ dưới ánh nắng gay gắt. Ông Nguyễn Minh Hải, Chủ tịch Hội Nông dân xã Nâm N’Đir, cho biết, gần 60ha lúa và hoa màu ở xã này có nguy cơ mất trắng do thiếu nước; hơn 100ha đất nông nghiệp phải bị bỏ hoang vụ này. Trong khi đó, mực nước sông Krông Nô hạ thấp so với mọi năm khiến hệ thống bơm không thể hoạt động. Theo ông Lê Viết Thuận, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Đắk Nông, do đầu tháng 10 năm ngoái đã dứt mưa, dự báo đầu tháng 5 tới mới có mưa nên mùa khô này sẽ kéo dài.

Tại Đắk Lắk, nông dân nhiều vùng chuyên canh cây công nghiệp cũng “đứng ngồi không yên” do mực nước ngầm giảm nhanh, sông suối khô cạn. Ở các huyện Krông Búk, Krông Năng, nhiều hộ phải nạo vét các giếng đào để tưới cầm cự cho cà phê, tiêu. Ông Phạm Văn Lợi (ở phường Đoàn Kết, TX.Buôn Hồ) cho biết, ông lấy nước từ 3 giếng khoan để tưới 4ha cà phê của gia đình. “Hiện, mực nước giếng đang tụt giảm, mỗi lần bơm được khoảng 2 giờ là hết nước, phải chờ nước dâng lên lại mới tưới tiếp”, ông Lợi kể.

Theo ông Nguyễn Văn Tỉnh, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và PTNT) , mùa khô năm 2018- 2019 được dự báo sẽ diễn ra khá nghiêm trọng ở khu vực Tây Nguyên. Đặc biệt là tại lưu vực sông Ba, qua tỉnh Gia Lai và Phú Yên. Do đó, các tỉnh trong khu vực cần hết sức quan tâm đến công tác phòng chống hạn, cần tính toán, thống kê nguồn nước ở các công trình thủy lợi, các hồ chứa để xây dựng kế hoạch sử dụng nước phù hợp. Đối với những vùng thường xuyên thiếu nước, cần tuyên truyền để người dân không gieo trồng. Riêng đối với những vùng sử dụng nguồn nước từ các hồ chứa Thủy điện như lưu vực sông Ba, nguồn nước sẽ được ưu tiên hoàn toàn cho sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp.

 

han-han-dan-tri.jpg

“Đối với những vùng được tưới từ các hồ chứa thủy điện, chúng tôi sẽ làm việc trực tiếp với Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các cơ quan liên quan, để trong mùa khô, đặc biệt ở những hồ chứa cạn nước cần ưu tiên 100% nước cho nông nghiệp ở hạ du, trong đó là phải dành nước cho sản xuất nông nghiệp và những ngành kinh tế khác”, ông cho biết.

Ông Tỉnh cũng lưu ý, tại các  tỉnh Tây Nguyên, chỉ có 20% diện tích cây trồng trong vùng được sử dụng nước thủy lợi. 80% diện tích còn lại có nguy cơ hạn rất cao vì phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn nước tự nhiên. Do đó, các tỉnh trong khu vực cần quan tâm các giải pháp phòng chống hạn,  đặc biệt khuyến khích sử dụng các biện pháp tưới nước tiết kiệm, nạo vét kênh mương, tích nước ở các đập tràn...

“Sống chung” với hạn, mặn

Không phải đợi đến đợt xâm nhập mặn được dự báo sẽ diễn ra khốc liệt trong mùa khô năm nay mà nhờ có sự chủ động từ trước về con giống, cây trồng, nhiều địa phương đã triển khai các mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả, có thể giúp nông dân “sống chung với hạn, mặn”.

Nhiều địa phương trong khu vực ĐBSCL đã và đang đề ra nhiều giải pháp để ứng phó và thích nghi do tác động của BĐKH đối với ngành nông nghiệp. Đến nay, lúa vẫn là cây trồng chủ lực ở ĐBSCL. Vấn đề là làm thế nào để giúp nông dân trồng lúa không lo sợ mất mùa do biến đổi thời tiết.

Có 2 giống lúa được PGS-TS Võ Công Thành (Bộ môn Di truyền Giống nông nghiệp của Khoa Nông nghiệp và Sinh học ứng dụng Trường ĐH Cần Thơ) dày công nghiên cứu để lai tạo thành công nhiều giống lúa chịu mặn cao, đó là giống lúa Cà Mau 1 và Cà Mau 2, đang được trồng tại huyện Cái Nước (tỉnh Cà Mau).

Nhờ khả năng chịu được độ mặn cao (12‰) nên 2 giống lúa trên hoàn toàn thích nghi với nguồn nước bị nhiễm mặn và cho năng suất cao,  5-6 tấn/ha. “Ưu điểm của 2 giống lúa này là gạo mềm cơm, thơm. Hiện tại chỉ cần cải thiện chất lượng gạo thì có thể xuất khẩu. Tôi được biết, Cà Mau đang chuẩn bị đăng ký để làm giống quốc gia”, PGS-TS Võ Công Thành phấn khởi.

Ông Đoàn Văn Chính, Phó trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Cái Nước, chia sẻ thêm: “Hiện địa phương trồng khoảng 100ha giống lúa Cà Mau 1 và Cà Mau 2 do Trường ĐH Cần Thơ chuyển giao. Sau khi thử nghiệm thành công, chúng tôi đã đưa vào sản xuất đại trà tại 2 xã Phú Hưng và Thạnh Phú”.

Cùng với 2 giống lúa Cà Mau 1 và Cà Mau 2, PGS-TS Võ Công Thành cũng lai tạo thành công 2 giống lúa Sỏi và Một Bụi Đỏ, đang được gieo trồng ở huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu.

Thời gian qua, các nghiên cứu của Trường ĐH Nam Cần Thơ về lựa chọn con giống, cây trồng thích ứng với biến đổi khí hậu cho từng vùng ở ĐBSCL được giới chuyên môn đánh giá cao.

Theo đó, vùng Đồng Tháp Mười (gồm các tỉnh Đồng Tháp, Long An và Tiền Giang) và vùng cao như tỉnh An Giang, một mặt vẫn có thể tiếp tục duy trì diện tích trồng lúa nhờ chủ động được nguồn nước ngọt, một mặt kết hợp trồng xen canh lúa - màu và nuôi trồng thủy sản. Điển hình là tỉnh Đồng Tháp đang bắt đầu chuyển đổi cơ cấu cây trồng, như lên liếp trồng cây xoài hoặc hạ mặt đất xuống thấp để trồng sen. Cách làm này cho ra nhiều sản phẩm có giá trị gia tăng cao mà không phụ thuộc vào cây lúa vốn cho lợi nhuận thấp như trước đây. Một số vùng ở tỉnh này còn đào ao thả cá, nuôi tôm càng xanh để thay thế dần cho cây lúa và tất cả đều đạt lợi nhuận cao, nhờ giá tôm ổn định ở mức 120.000-150.000 đồng/kg (loại 60 con/kg).

Đối với những vùng thường xuyên chịu ảnh hưởng của hạn mặn hay vùng ven biển ở các tỉnh Kiên Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng, Cà Mau, Bạc Liêu..., nghiên cứu của Trường ĐH Nam Cần Thơ chỉ ro: mô hình nuôi tôm sú, tôm thẻ và cả tôm càng xanh là phù hợp hơn cả, vì có thể chịu được độ mặn 2‰ ngay trong mùa khô như hiện nay. Ở các địa phương này, nông dân cũng có thể tận dụng nuôi cá kèo, cá rô phi. Khi mùa mưa về thì bà con có thể làm lại đất để trồng lúa theo mô hình lúa - tôm hoặc chỉ toàn tôm để không phải phụ thuộc vào cây lúa vốn khó giúp nông dân thoát nghèo.

Một trong những mô hình thích ứng biến đổi khí hậu hiệu quả ở ĐBSCL phải kể đến mô hình trồng mận (miền Bắc gọi là cây gioi) sạch trong nhà lưới của ông Tống Văn Phong, Giám đốc HTX Nông sản an toàn Vĩnh Thới (huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp). Ông Phong chuyển đổi cây trồng, chọn giống mận An Phước canh tác vào năm 2016. Lợi nhuận từ trồng mận mang về cho gia đình ông Phong cao hơn hẳn cây lúa và các loại cây trồng khác. Tuy nhiên, do cây trồng này hay bị sâu bệnh nên từ năm 2018, ông chuyển sang mô hình trồng mận sạch trong nhà lưới. Ông đầu tư 200 triệu đồng, mua màng lưới phủ vườn mận, đồng thời bao trái bằng bao xốp để trái có thêm lớp bảo vệ tránh sâu rầy. Ông Phong tuân thủ nghiêm các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm, năng suất lại cao (mỗi năm thu hoạch 3 vụ, năng suất toàn vườn từ 80-90 tấn/năm). Hiện tại, ông Phong được hệ thống siêu thị Vinmart nhận cung ứng 10-20 tấn mận/tháng. Điều mà ông an tâm nhất là mô hình này ứng phó tốt với hạn hán. Nhờ lớp lưới cách nhiệt giúp giữ ẩm tốt cho vườn, tiết kiệm khoảng 30-40% nước tưới nên ông không quá lo khi khô hạn xảy ra.

 

 

 

Hữu Thắng
Ý kiến bạn đọc
  • Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Ngày 19/4, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức sơ kết 1 năm triển khai chương trình vận động, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cho người nghèo, người có khó khăn về nhà ở giai đoạn 2023-2025 (Chương trình 1838).

  • “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    Với 28 lần hiến máu nhân đạo, trình dược viên Từ Thị Tuyên (SN 1989), xã Thạch Thắng, Thạch Hà (Hà Tĩnh) đã trở thành tấm gương sáng trong các hoạt động an sinh xã hội, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng…

  • PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    Với tinh thần tương thân tương ái, vừa qua, Đoàn Thanh niên Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) đã tổ chức chương trình từ thiện “Xuân tình nguyện 2024” để thăm hỏi, động viên và trao quà đến các em học sinh nghèo, các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại xã Nậm Chảy, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Đây là hoạt động hưởng ứng tinh thần Tháng Thanh niên và Năm Thanh niên tình nguyện của tuổi trẻ PVcomBank.

  • Thanh Hóa - Hậu phương lớn trong chiến dịch Điện Biên Phủ

    Thanh Hóa - Hậu phương lớn trong chiến dịch Điện Biên Phủ

    Cách đây 70 năm, cuộc kháng chiến chống Pháp của dân tộc ta kết thúc thắng lợi bằng chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, trở thành mốc son chói lọi bằng vàng tạc vào lịch sử dân tộc.

  • Khai mạc Lễ hội Du lịch biển Hà Tĩnh năm 2024

    Khai mạc Lễ hội Du lịch biển Hà Tĩnh năm 2024

    Tối 21/4, tại quảng trường Hồ Tùng Mậu (Khu du lịch Thiên Cầm, Cẩm Xuyên), UBND tỉnh Hà Tĩnh long trọng tổ chức khai mạc Lễ hội Du lịch biển năm 2024 với chủ đề “Hà Tĩnh – Thanh âm ngày nắng mới”.

  • Người dân Cổ Loa mong sớm xây dựng đền thờ vua Ngô Quyền

    Người dân Cổ Loa mong sớm xây dựng đền thờ vua Ngô Quyền

    Sau chiến thắng quân xâm lược Nam Hán (năm 938) trên sông Bạch Đằng, Ngô Quyền xưng Vương và chọn đất Cổ Loa làm kinh đô, mở đầu cho kỷ nguyên mới của dân tộc sau gần 1000 năm Bắc thuộc. Mặc dù đóng đô ở Cổ Loa từ tiền Ngô Vương đến hậu Ngô Vương gồm 26 năm, nhưng đến nay vẫn chưa có một công trình tôn vinh Ngô Vương Quyền trên vùng đất Cổ Loa nơi ông dựng nghiệp và chọn làm kinh đô. Xây dựng đền thờ Ngô Quyền tại mảnh đất linh thiêng này là thỏa nỗi ước mong của các hậu thế.

Top