Đại hội Đại biểu Toàn quốc các dân tộc thiểu số Việt Nam lần thứ II hội tụ 1.592 đại biểu ưu tú, là diễn đàn giao lưu, trao đổi, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đồng bào dân tộc thiểu số, tạo sự đồng thuận và niềm tin vững chắc vào sự lãnh đạo của Đảng.
Đại hội đại biểu toàn quốc các dân tộc thiểu số Việt Nam lần thứ II chính thức khai mạc sáng nay (4/12) tại Thủ đô Hà Nội.
Đây là một sự kiện có ý nghĩa chính trị xã hội sâu sắc, một biểu tượng đặc biệt, sinh động nhất về sự đoàn kết các dân tộc “như cây một cội, như con một nhà”.
Đặc biệt, xin nhiệt liệt chào mừng 1.592 đại biểu ưu tú, “những bông hoa rực rỡ của núi rừng” đại diện cho hơn 14,2 triệu đồng bào dân tộc thiểu số trên cả nước về dự Đại hội quan trọng ngày hôm nay.
Đó là nhấn mạnh của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Trưởng Ban Chỉ đạo Đại hội trong lời phát biểu khai mạc Đại hội sáng nay (4/12).
Hội tụ đại diện ưu tú nhất của 54 dân tộc
Theo Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, Đại hội cấp tỉnh và các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương đã chọn cử được 1.592 đại biểu ưu tú về dự Đại hội đại biểu toàn quốc các dân tộc thiểu số Việt Nam lần thứ II đủ đại diện của cả 54 dân tộc, đại diện Lãnh đạo các cấp, nhân sỹ trí thức, văn nghệ sỹ, tướng lĩnh quân đội, công an, anh hùng lực lượng vũ trang, anh hùng lao động, doanh nhân, nghệ nhân, người có uy tín... thể hiện tinh thần đại đoàn kết, thống nhất ý chí và hành động, đóng góp vào thành công của Đại hội chúng ta.
Đại hội đại biểu toàn quốc các dân tộc thiểu số Việt Nam lần thứ II là diễn đàn giao lưu, trao đổi, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đồng bào dân tộc thiểu số, tạo sự đồng thuận và niềm tin vững chắc vào sự lãnh đạo của Đảng trước thềm Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Niềm tin được nhân lên gấp bội khi mới đây Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 65-KL/TW về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc; Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 88 phê duyệt Đề án và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.
Đây là lần đầu tiên chúng ta có một Chương trình mục tiêu quốc gia dành riêng cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi với tổng mức vốn bố trí cho giai đoạn 2021 – 2025 là hơn 130 nghìn tỷ đồng, đầu tư phát triển toàn diện các lĩnh vực với trọng tâm là phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo bền vững cho đồng bào; phát triển sự nghiệp giáo dục, đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; nâng cao chất lượng công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân; phát triển văn hóa, thông tin và du lịch; đảm bảo quốc phòng, an ninh, đối ngoại; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ở cơ sở vùng dân tộc thiểu số và miền núi vững mạnh.
Đặc biệt là giải quyết những vấn đề cấp thiết về nhà ở, đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt..., tạo sinh kế, tăng thu nhập cho người dân; thu hẹp dần khoảng cách so với vùng phát triển, giảm dần, tiến tới không còn xã, thôn có điều kiện đặc biệt khó khăn về kinh tế, xã hội của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi vào năm 2030.
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cho hay, Đại hội của chúng ta sẽ dành nhiều thời gian thảo luận Báo cáo chính trị của Đại hội, với chủ đề “Dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp đỡ nhau, phát huy nội lực cùng phát triển với đất nước”; nghe báo cáo của các điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Đặc biệt, Đại hội sẽ được lắng nghe đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước phát biểu ý kiến chỉ đạo Đại hội.
Phấn đấu mức thu nhập của người DTTS tăng trên 2 lần
Trình bày báo cáo chính trị tại đại hội Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến cho biết, nước ta có 54 dân tộc, trong đó 53 dân tộc thiểu số (DTTS) với 14,119 triệu người, chiếm 14,7% dân số cả nước. Các DTTS chủ yếu ở miền núi, biên giới vùng kinh tế - xã hội đăch biệt khó khăn; là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, đối ngoại và môi trường sinh thái.
Mỗi dân tộc có một sắc thái văn hóa riêng tạo nên sự đa dạng, phong phú, đặc sắc, thống nhất trong nền văn hóa dân tộc Việt Nam. Cộng đồng các DTTS là một bộ phận không thể tách rời của dân tộc Việt Nam, đều là “con Rồng, cháu Tiên” chung sống hòa thuận, một lòng theo Đảng, kề vai, sát cánh trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Từ Đại hội đại biểu toàn quốc các DTTS lần thứ nhất (năm 2010) đến nay, Đảng và Nhà nước ta tiếp tục dành sự quan tâm đặc biệt, ưu tiên đầu tư phát triển KT-XH, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến cũng cho hay, một số mục tiêu cụ thể đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 được đặt ra là phấn đấu mức thu nhập bình quân của người DTTS tăng trên 2 lần so với năm 2020; đến năm 2030 bằng 1/2 bình quân chung của cả nước.
Tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS mỗi năm giảm trên 3%; đến năm 2030 giảm hộ nghèo xuống dưới 10% (theo chuẩn nghèo đa chiều hiện nay).
Đến năm 2025 hoàn thành cơ bản công tác định canh, định cư; sắp xếp, bố trí ổn định 90% số hộ di cư không theo quy hoạch. Đến năm 2030, quy hoạch sắp xếp, di dời, bố trí 100% hộ DTTS đang cư trú phân tán, rải rác trong rừng đặc dụng, các khu vực xa xôi, hẻo lánh, nơi có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở.
Đến năm 2030 không còn tình trạng nhà ở tạm, dột nát; ngăn chặn tình trạng suy thoái môi trường sinh thái; duy trì, nâng cao tỷ lệ che phủ rừng.
Cơ bản hoàn thành chỉ tiêu đã đề ra trong Mục tiêu quốc gia về phát triển bền vững đến năm 2030.
Đoàn kết chính là cội nguồn sức mạnh của đại dân tộc Việt Nam
Khẳng định đoàn kết chính là cội nguồn sức mạnh của đại dân tộc Việt Nam ta, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, trong hệ thống quan điểm hướng đến đồng bào các dân tộc anh em mà Bác Hồ đã dặn, có hai điều quan trọng nhất mà chúng ta không được phép quên, đó là “đoàn kết các dân tộc và nâng cao thực chất đời sống của đồng bào".
Theo Thủ tướng những năm qua, Đảng và Nhà nước đã ưu tiên bố trí nguồn lực để thực hiện hỗ trợ về giáo dục, y tế, phát triển hạ tầng, kinh tế xã hội cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi, chiếm 71,4% tổng chi cho các nhiệm vụ này của cả nước, chiếm 80% tổng chi giảm nghèo của vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Bên cạnh đó, các giá trị truyền thống, văn hóa tốt đẹp của đồng bào dân tộc thiểu số được quan tâm bảo tồn và phát huy, không chỉ trở thành một tài sản tinh thần cho con cháu mà còn là một tài nguyên mới cho sự phát triển, nhất là du lịch. Niềm tin của đồng bào các dân tộc đối với Đảng và Nhà nước được củng cố và tăng cường hơn. Nhìn một cách tổng quát, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số chưa bao giờ được khởi sắc như ngày nay.
Chúng ta không chỉ một chiều nhìn thấy các chính sách mà Đảng và Nhà nước đã chăm lo cho đồng bào các dân tộc, mà chúng ta cũng nhận thấy đồng bào các dân tộc đã góp phần rất to lớn vào những thành quả phát triển vĩ đại của đất nước xuyên suốt chiều dài lịch sử dựng nước, giữ nước của dân tộc ta, và gần đây nhất là thành quả của gần 35 năm Đổi mới đất nước.
Chỉ chiếm chưa đến 15% dân số, nhưng đồng bào các dân tộc đã và đang góp phần to lớn vào tiến trình phát triển của đất nước.
Nhấn mạnh cộng đồng các dân tộc thiểu số là một bộ phận không thể tách rời và là “máu-thịt” của dân tộc Việt Nam, “no đói có nhau, sướng khổ cùng nhau”, Thủ tướng cho rằng, đầu tư phát triển toàn diện vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là đầu tư phát triển bền vững đất nước, đảm bảo tiến bộ và công bằng xã hội; là yếu tố có tính nền tảng để bảo đảm đại đoàn kết toàn dân tộc.
Vun đắp khát vọng vượt khó
Trong hệ thống quan điểm hướng đến đồng bào các dân tộc anh em mà Bác đã dặn, có hai điều quan trọng nhất mà chúng ta không được phép quên, đó là: "Đoàn kết các dân tộc và nâng cao thực chất đời sống của đồng bào".
Trên tinh thần đó, thời gian tới, Thủ tướng đề nghị các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị từ Trung ương đến cơ sở nỗ lực cao nhất để giải quyết căn bản những vấn đề bức thiết đặt ra trong thực tiễn, tạo sinh kế, nâng cao thu nhập và đời sống của người dân, thực hiện phương châm hành động “không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Các chính sách hỗ trợ của Nhà nước cần tập trung khuyến khích đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số; thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập so với mặt bằng chung cả nước.
“Tôi mong muốn đồng bào dân tộc thiểu số của chúng ta dù khó khăn vất vả đến đâu cũng phải ưu tiên thời gian và tiền của, tạo mọi điều kiện để cho con em chúng ta được đến trường, được vui chơi, được học hành đến nơi, đến chốn”, Thủ tướng chia sẻ. Chỉ có giáo dục mới là con đường duy nhất đưa bản làng, quê hương, đất nước chúng ta phát triển giàu mạnh được. Trong tương lai, ngày mai tươi sáng phụ thuộc vào những gì chúng ta chuẩn bị trong ngày hôm nay. Chúng ta hãy cùng vun đắp khát vọng vượt khó vươn lên, phấn đấu làm giàu chính đáng, ngay trên mảnh đất quê hương mình.
Hãy cùng nhau giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc (về tiếng nói, chữ viết, dân ca, dân vũ, dân nhạc...), đồng thời cần kiên quyết bài trừ các hủ tục lạc hậu, mê tín, dị đoan, nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết. Hãy tìm cách chuyển hóa các di sản và bản sắc dân tộc đó trở thành một nguồn lực, một thứ tài nguyên cho sự phát triển bền vững. Hãy truyền dạy cho con cháu muôn đời về lòng yêu nước của cha ông ta, về tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc; về đức tính cần cù, chịu khó, thật thà, tốt bụng; về ý chí dấn thân vì cộng đồng, đất nước; hãy khơi gợi tinh thần và khát vọng về một Việt Nam hùng cường 2045 trong đồng bào dân tộc thiểu số.
Thủ tướng nêu rõ, rừng là lá phổi của chúng ta. Với đồng bào dân tộc thiểu số, rừng trước tiên còn là tấm áo giáp góp phần bảo vệ an toàn khỏi thiên tai, lũ lụt, sạt lở. Rừng cũng là sinh kế cho đồng bào. Vì thế, đã đến lúc đồng bào dân tộc thiểu số phải giữ rừng như chính giữ sinh mạng của mình. Cùng nhau lên án và chặn đứng các tệ nạn khai thác, chặt phá rừng trái phép. Đảng và Nhà nước sẽ tiếp tục chỉ đạo nghiên cứu để ban hành cơ chế, chính sách phù hợp hơn với thực tế; từng bước để đồng bào tăng thu nhập, đảm bảo lợi ích nhiều mặt từ bảo vệ và phát triển rừng, bảo vệ lá phổi xanh của đất nước, góp phần quan trọng chống thiên tai và biến đổi khí hậu.
Chúng ta phải cùng nhau tiếp tục xây dựng, vun đắp cho tinh thần đại đoàn kết các dân tộc trường tồn mãi mãi. Như Bác Hồ kính yêu từng dạy: "Trước kia các dân tộc để giành độc lập phải đoàn kết, bây giờ để giữ lấy nền độc lập càng phải đoàn kết hơn nữa.” Đại đoàn kết là cội nguồn sức mạnh, là truyền thống quý báu của dân tộc ta, được bao thế hệ cha anh bền bỉ xây dựng, vun đắp, bằng mồ hôi, công sức; bằng sự nhọc nhằn, hy sinh; bằng ý chí, sức mạnh và niềm tin của lòng dân.
“Bởi vậy, tôi rất kỳ vọng gần 1.600 đại biểu ưu tú của 54 dân tộc anh em, từ mọi miền của đất nước hội tụ về Đại hội hôm nay sẽ lan tỏa tinh thần đại đoàn kết các dân tộc lên tầm cao mới; truyền cảm hứng, kết nối đồng bào các dân tộc thiểu số cùng với toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, đồng lòng chung sức, hiện thực hóa khát vọng xây dựng đất nước ta phát triển cường thịnh, hạnh phúc, sánh vai với các cường quốc năm châu”, Thủ tướng chúc khối đại đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam ta ngày càng vững mạnh. “Cơ đồ đất nước, vinh quang tổ quốc đời đời thuộc về cộng đồng các dân tộc Việt Nam ta”.
Tại Đại hội, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất cho Ủy ban Dân tộc Việt Nam./.
Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.
Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.
Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.