Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 3 tháng 5 năm 2020 | 11:53

Đại hội XIII của Đảng: Chọn cán bộ, dưới có vững thì trên mới bền

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng từng nhấn mạnh yếu tố "dưới có vững thì trên mới bền chắc" trong công tác cán bộ.

Trong bối cảnh toàn Đảng, toàn dân ra sức thi đua chuẩn bị hướng tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, tại hội nghị cán bộ toàn quốc mới đây, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Tiểu ban nhân sự một lần nữa nhấn mạnh đến yếu tố quan trọng "dưới có vững thì trên mới bền chắc", trong việc chuẩn bị nhân sự đại hội để tạo ra một tập thể Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư thật sự ăn ý, đoàn kết, thống nhất, có sức mạnh đưa đất nước tiếp tục phát triển bền vững trong thời gian tới. 

Xuất phát từ vai trò, vị trí quan trọng của cán bộ và từ kinh nghiệm thực tiễn phong phú trong cuộc đời hoạt động của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tổng kết: “Cán bộ là những người đem chính sách của Đảng, của Chính phủ giải thích cho dân chúng hiểu rõ và thi hành. Đồng thời đem tình hình của dân chúng báo cáo cho Đảng, cho Chính phủ hiểu rõ, để đặt chính sách cho đúng, vì vậy, cán bộ là cái gốc của mọi việc”.

tien toi dai hoi 13 cua dang: chon can bo, duoi co vung thi tren moi ben hinh 1

Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại hội nghị cán bộ toàn quốc.

Tại Lạng Sơn, quán triệt Chỉ thị số 35 của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, trong các công việc chuẩn bị cho đại hội Đảng các cấp thì việc chuẩn bị nhân sự cho cấp ủy khóa mới là nhiệm vụ được Ban Thường vụ Tỉnh ủy đặc biệt quan tâm, trên cơ sở thấm nhuần quan điểm “cán bộ là gốc của mọi công việc”. Ông Triệu Văn Quân, Phó Trưởng Ban Tổ chức tỉnh ủy Lạng Sơn cho biết, công tác nhân sự của tỉnh không phải đến bây giờ mới chuẩn bị mà đã được quan tâm trong cả nhiệm kỳ. Trên cơ sở quy hoạch hằng năm, tỉnh đều điều chỉnh bổ sung, trong đó đặc biệt coi trọng tỉ lệ cán bộ trẻ là nữ, người dân tộc, đề cao vai trò của tổ chức Đảng, tránh giản đơn, tùy tiện, không để lọt vào bộ máy những người không đáp ứng tiêu chuẩn, không đủ đức đủ tài.

Ông Triệu Văn Quân cho rằng: "Mặt bằng chung của tỉnh Lạng Sơn những năm gần đây, cán bộ thường xuyên được trẻ hóa. Đảm bảo đúng theo Quy định 105 của Bộ Chính trị về phân cấp quản lý cán bộ được tỉnh làm quyết liệt, trong đó chú trọng công tác đào tạo bồi dưỡng lớp cán bộ kế cận.”

Một điều đặc biệt quan trọng, cấp ủy các cấp cần nắm vững, đó là trong công tác cán bộ cần phải tuân thủ các nguyên tắc của Đảng, bảo đảm sự lãnh đạo tập trung, thống nhất của cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo có thẩm quyền, đề cao vai trò, trách nhiệm nêu gương của tập thể lãnh đạo, nhất là người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng và cán bộ làm công tác tham mưu về tổ chức, cán bộ, bảo đảm dân chủ, công khai, khách quan, minh bạch, đề cao trách nhiệm cá nhân trong thảo luận và quyết định theo đa số.

Theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, công tác cán bộ đóng vai trò then chốt trong công tác xây dựng Đảng, là mắt xích trọng yếu trong toàn bộ hoạt động của Đảng, quyết định sự thành bại của cách mạng. Cán bộ là cái gốc của mọi công việc, muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ. 

Hiện nay, cùng với việc chuẩn bị và tiến hành đại hội đảng bộ các cấp, Đảng ta đang chuẩn bị Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Chính vì vậy, chuẩn bị nhân sự Đại hội XIII của Đảng là chuẩn bị nhân sự Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cán bộ chủ chốt, đặc biệt là người đứng đầu, nếu chọn đúng người thì đất nước phát triển, nhân dân được nhờ:

Thực tế cho thấy, thời gian qua, hàng loạt cán bộ cao cấp, trong đó có cả những cán bộ chủ chốt của Trung ương vi phạm kỷ luật. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay đã có nhiều cán bộ, đảng viên thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý bị thi hành kỷ luật Đảng và xử lý hình sự. Trước tình hình này, theo ông Lê Quang Thưởng, nguyên Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, các Bộ ngành địa phương cần phải quán triệt sâu sắc tinh thần “Lựa chọn những cán bộ - Dưới có vững thì trên mới bền” của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng để chăm lo giới thiệu đội ngũ cán bộ kế cận đủ đức đủ tài.

tien toi dai hoi 13 cua dang: chon can bo, duoi co vung thi tren moi ben hinh 2

Nguyên Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương - ông Lê Quang Thưởng.

Ông Lê Quang Thưởng cho rằng: "Theo tôi, các ngành địa phương cần tiếp tục quán triệt nắm vững tiêu chuẩn lựa chọn cán bộ đã được Ban Chấp hành Trung ương ban hành trong thời gian qua để sáng suốt lựa chọn người tài, đủ tiêu chuẩn tránh cục bộ địa phương, lợi ích nhóm trong việc lựa chọn nhân sự thì mới tạo được tính khách quan, dân chủ trong Đại hội.”

Còn theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh thì qua ý kiến phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tại hội nghị cán bộ toàn quốc càng cho thấy Đảng ta rất coi trọng công tác cán bộ, vì đây là then chốt của then chốt.

PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc khẳng định: "Quan điểm đó theo tôi cần quán triệt sâu sắc hơn từ nay cho đến lúc Đại hội để lựa chọn cán bộ vào cơ quan lãnh đạo các cấp, tức là Đại hội Đảng bộ các cấp để lựa chọn cho đúng, rồi từ đó tiến tới lựa chọn vào trung ương Đại hội lần thứ 13. Tinh thần Tổng Bí thư luôn luôn nhắc ý là không được để lọt vào các cơ quan lãnh đạo của Đảng, tức là các cấp trung ương, những người không xứng đáng”.

Đại hội XIII của Đảng diễn ra vào thời điểm rất quan trọng, là dấu mốc có ý nghĩa định hướng tương lai, cổ vũ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân tiếp tục công cuộc đổi mới, xây dựng đất nước giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, chính vì vậy việc các cấp các ngành làm thật tốt công tác nhân sự trên tinh thần chỉ đạo của Trung ương Đảng và những ý kiến tâm huyết của TBT, CTN Nguyễn Phú Trọng, cùng sự ủng hộ giám sát của nhân dân sẽ góp phần tổ chức thành công Đại hội XIII./.  

 
Văn Hiếu
Ý kiến bạn đọc
  • “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.

  • “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.

  • Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.

Top