Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 6 tháng 3 năm 2020 | 13:51

Đảm bảo an toàn và tạo sự an tâm cho HS-SV là ưu tiên số 1

Để phòng chống dịch Covid-19, đầu tháng 3, từ hệ THPT trở lên tiến hành học tập trở lại. Cụ thể: Toàn quốc có 59/63 tỉnh thành đã cho học sinh THPT đi học trở lại; riêng tỉnh Bến Tre quyết định cho cả học sinh lớp 9 đến trường từ 2/3.

Trong khi đó, Tiền Giang, Hà Nội, Thái Bình, TP.Hồ Chí Minh vẫn chốt cho toàn bộ học sinh chưa tới lớp. Tại Vĩnh Long, học sinh khối lớp 12 đi học lại từ ngày 2/3; còn học sinh khối lớp 10, 11 đi học lại từ ngày 9/3.

 

t8.jpg
Giáo viên trường TH Gia Thụy thực hành đo thân nhiệt.
 

Thời gian qua, các trường học triển khai nhiều biện pháp nhằm đảm bảo sự an toàn, an tâm cho học sinh, phụ huynh và xã hội trước hiểm họa từ dịch Covid 19.

Hà Nội: Trường học đã an toàn, phụ huynh vẫn lo lắng

Khẳng định nhà trường đã bảo đảm an toàn, cô giáo Nguyễn Thị Hồng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Gia Thụy (Long Biên) cho biết, tính đến ngày 2/3, trường đã tiến hành làm vệ sinh, khử khuẩn bằng dung dịch CloraminB lần thứ 5. Trong tuần này, nhà trường tiếp tục làm vệ sinh và khử khuẩn bằng dung dịch CloraminB lần thứ 6, để bảo đảm an toàn khi đón học sinh đi học trở lại.

“Thực hiện chỉ đạo của UBND quận và Phòng GDĐT quận Long Biên, nhà trường đã chuẩn bị đầy đủ nhiệt kế đo thân nhiệt học sinh, đảm bảo tối thiểu mỗi lớp có một nhiệt kế. Ngoài ra còn một số nhiệt kế dùng cho nhân viên y tế của nhà trường để kiểm tra học sinh trước khi vào trường”, cô Hồng cho biết thêm.

Để chuẩn bị chu đáo đón học sinh đến trường, ngày 28/2, nhà trường đã tổ chức tập huấn cho giáo viên về cách sử dụng nhiệt kế đo thân nhiệt cho học sinh; quy trình vệ sinh, sát khuẩn, phòng chống bệnh Covid-19 ngay từ khi học sinh bước chân đến cổng trường, bảo đảm khi các con đến trường,  sẽ được bảo vệ một cách an toàn về sức khỏe.

Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đô thị Việt Hưng Nguyễn Hằng Nga cho biết, nhà trường đã chuẩn bị rất kỹ mọi phương án và biện pháp xử lý để đón các con đi học trở lại. Trong thời gian học sinh được nghỉ, nhà trường đã tiến hành dọn vệ sinh, phun dung dịch CloraminB khử khuẩn toàn bộ các phòng chức năng, lớp học, nhà ăn, đến thời điểm hiện nay là 6 lần.

“Toàn bộ đồ dùng học tập,  trang thiết bị, dụng cụ phục vụ cho học sinh đều được nhà trường dùng dung dịch CloraminB và các loại dung dịch sát khuẩn khác để ngâm, lau chùi, rửa sạch sẽ, sau đó phơi khô ráo, để bảo đảm an toàn nhất cho học sinh nếu được phép đi học trở lại sẽ không bị ảnh hưởng lây truyền”, cô Nga chia sẻ.

Thời gian học sinh được nghỉ học kéo dài đã sang tuần thứ 6, nhưng không làm cho hoạt động của Trường Tiểu học Chu Văn An (quận Hoàng Mai) bị đình trệ. Cô  Lê Thị Thêu, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: Ngoài những buổi tổng vệ sinh, phun dung dịch CloraminB sát khuẩn theo định kỳ, nhà trường thường xuyên phân công và giao trực tiếp cho giáo viên chủ nhiệm của từng lớp phải chịu trách nhiệm lau dọn, làm vệ sinh từng lớp học của mình. Bảo đảm an toàn sức khỏe cho học sinh khi trở lại đi học.

Còn đối với các bậc phụ huynh, biết rằng việc các con mình nghỉ học do dịch  Covid-19 làm ảnh hưởng không nhỏ đến việc học tập và sinh hoạt của gia đình, tuy nhiên, khi được hỏi có muốn cho con đến trường học trong thời gian này hay không, chị Nguyễn Thị Nga (phường Ngọc Thụy, quận Long Biên) cho biết: Gia đình cũng lo lắng, không biết khi con em mình đến trường có bị lây nhiễm bệnh hay không? Nếu có sự bảo đảm an toàn tuyệt đối thì chúng tôi mới yên tâm cho con đi học.

Cùng đồng quan điểm, chị Trần Linh Hoa ở quận Hoàng Mai cho biết, các địa phương khác đã cho học sinh đi học trở lại, nhưng ở Hà Nội thì chưa. Nhưng dịch bệnh ngày càng lan rộng, phụ huynh chúng tôi lại càng thêm lo lắng, ai có thể bảo đảm cho các cháu an toàn khi đến trường?

Khác với chị Hoa và chị Nga, chị Nguyễn Vân Anh (quận Long Biên) cho rằng: Mặc dù chúng ta có 16 trường hợp dương tính với Covid-19 nhưng đã được điều trị khỏi, từ đó đến nay chưa phát hiện thêm trường hợp nào nhiễm bệnh mới, các trường hợp đi từ vùng có dịch đều được cách ly và theo dõi, hơn nữa các nhà trường đã làm công tác dọn vệ sinh và khử khuẩn nhiều lần. Tôi nghĩ học sinh có thể đi học trở lại bình thường, tuy nhiên, khi các con đến trường, cần phải được thầy cô giáo hướng dẫn và thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp để ngăn ngừa và phòng chống dịch. 

Điện Biên: Bài học đầu tiên là truyền thông phòng dịch

Trên địa bàn tỉnh Điện Biên, học sinh các trường học từ bậc THPT trở lên đã trở lại trường học tập bình thường.

Trường Cao đẳng Nghề Điện Biên đã nghiêm túc thực hiện các biện pháp ngăn ngừa và phòng chống dịch. Giờ học đầu tiên ở đây là truyền thông phòng dịch .

 

t8a.jpg
Dọn dẹp vệ sinh trong phòng học.

 

TS. Đoàn Thanh Quỳnh, Hiệu trưởng nhà trường, chia sẻ: Thực hiện sự chỉ đạo của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội và của cấp trên, nhà trường đã đón sinh viên trở lại học tập từ đầu tháng 3. Tiết học đầu tiên, chúng tôi chỉ đạo các thầy cô giáo tuyên truyền phổ biến thông tin phòng dịch và tiến hành dọn dẹp sạch sẽ phòng học, bàn học,... Trong thời gian này, chúng tôi vẫn nghiêm túc chỉ đạo công tác phòng dịch, nhà trường không tổ chức các hoạt động đông người; quán triệt sinh viên không được dùng mạng xã hội với mục đích xấu... Bên cạnh đó, cán bộ y tế của nhà trường luôn chuẩn bị vật tư phòng dịch, tinh thần sẵn sàng xử lý nếu có trường hợp khả nghi.

Vào Trường Cao đẳng nghề Điên Biên hôm nay, tuy chưa hoành tráng nhưng khuôn viên nhà trường khá gọn gàng, sạch sẽ và đặc biệt là tinh thần phòng dịch Covid -19 luôn sẵn sàng. Hy vọng sau giờ học đầu tiên về công tác phòng chống dịch, nhà trường sẽ có thêm nhiều sự lan tỏa tốt trong công tác giảng dạy và học tập.

Hà Tĩnh: Ý thức tự bảo vệ của học sinh là giải pháp căn bản

Hơn 48 ngàn học sinh khối THPT các cơ sở giáo dục trên địa bàn Hà Tĩnh đã trở lại trường sau 1 tháng nghỉ tránh dịch Covid-19. Công tác phòng chống dịch đã được các trường tích cực triển khai.

 

t8b.jpg
Mỗi ngày học sinh sẽ được kiểm tra thân nhiệt trước và sau khi ra vào cổng trường.

 

Sau 1 tháng xa trường, lớp, nhiều học sinh ở Hà Tĩnh rất hào hứng, phấn khởi khi gặp lại bạn bè, thầy cô. Tại các nhà trường, với sự hỗ trợ của ngành y tế, hoạt động kiểm tra thân nhiệt cho học sinh diễn ra ngay cổng trường. Tại đây, nhiều trường học cũng đã chủ động chuẩn bị nước rửa tay sát khuẩn cho các em, tuân thủ quy định không tụ tập đông người.

 “Sau một thời gian nghỉ học khá dài, em rất vui khi được trở lại trường, trước tình hình dịch Covid -19 diễn biến phức tạp, nên ngoài chuẩn bị hành trang là sách vở, bài tập đầy đủ, trong ba lô của em còn có thêm chai nước rửa tay khô và chai nước uống. Em cũng thực hiện nghiêm túc nội quy, quy định của trường, lớp về công tác phòng chống dịch”, em Bùi Việt Hà, Lớp 12D, Trường THPT Nghèn (Can Lộc) cho biết.

Quyết định cho học sinh đi học trở lại cũng đồng nghĩa với tình hình dịch bệnh trên địa bàn Hà Tĩnh đang được khống chế tốt. Thế nhưng, trước diễn biến phức tạp của dịch ở các nước, các  trường vẫn đề cao tinh thần chủ động, nhằm đảo bảo sức khỏe cho học sinh, giáo viên. Điều đáng nói, ngay từ ngày đi học trở lại, giáo viên đã thực sự là tuyên truyền viên tích cực nhất.

Ngay từ khi có thông báo đi học trở lại, các trường học trên địa bàn đã tổ chức tuyên truyền về phòng chống dịch Covid-19 tới giáo viên, nhân viên, học sinh và phụ huynh. Mỗi ngày, dù có tiết dạy hay không, giáo viên chủ nhiệm đều có mặt ở trường từ sáng sớm để dự sinh hoạt 15 phút đầu giờ với học sinh, tuyên truyền nhắc nhở các em thực hiện nghiêm túc công tác phòng chống dịch bệnh.

Trước khi đón học sinh trở lại trường, các trường đã tiến hành phun hóa chất tiêu độc khử trùng 3 lần. Bên cạnh đó, chủ động trang bị máy đo thân nhiệt cầm tay, dung dịch sát khuẩn rửa tay tại các lớp học; dán áp phích tuyên truyền ở những nơi dễ nhìn. Để đảm bảo vệ sinh, trước và sau mỗi buổi học, nhà trường tiến hành vệ sinh bề mặt các dụng cụ học tập, tay cầm, bồn rửa...

Đặc biệt, các trường dành 15 phút sinh hoạt lớp để tuyên truyền cho học sinh biết cách phòng chống dịch Covid-19...; bố trí khu vực cách ly tại trường đề phòng khi có học sinh xuất hiện các triệu chứng ho, sốt, khó thở...

“Theo chỉ đạo của nhà trường, giáo viên phải cập nhật tình hình, diễn biến sức khỏe học sinh trong lớp và duy trì chế độ báo cáo mỗi buổi 2 lần cho Ban giám hiệu nhà trường. Dù đi học trở lại nhưng trường tiếp tục tạm dừng những hoạt động tập trung đông người, không tổ chức chào cờ tập trung, các nội dung sinh hoạt dưới cờ; có cán bộ chuyên trách hướng dẫn học sinh, học viên các kỹ năng phòng chống dịch theo chỉ đạo, khuyến cáo của Bộ Y tế, Bộ GD&ĐT vào tiết học đầu tiên”,   Hiệu trưởng Trường THPT Phan Đình Phùng (TP Hà Tĩnh) Nguyễn Hồng Cường thông tin.

Duy trì nền nếp học tập cho học sinh nhưng vẫn đảm bảo sức khỏe, an toàn cho các em là vấn đề không đơn giản. Chính vì thế, việc thực hiện tinh thần chỉ đạo của Bộ GD&ĐT đang được các nhà trường, các cơ sở giáo dục ở Hà Tĩnh triển khai nghiêm túc, bài bản. Tinh thần “chống dịch như chống giặc” đang trở thành ý thức tự giác của mỗi giáo viên, học sinh, dù cho Hà Tĩnh đang là địa phương an toàn trước dịch bệnh Covid-19..

Chung tay phòng chống dịch Covid-19, nhiều trường học ở Hà Tĩnh đã pha chế dung dịch rửa tay theo công thức hướng dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới nhằm phục vụ nhu cầu cho giáo viên, học sinh  khi trở lại trường.

Hoạt động pha chế dung dịch tại trường học vừa là hoạt động trải nghiệm lý thú vừa giúp trường học tiết kiệm được chi phí khi chỉ cần bỏ ra một ít tiền là có đủ dung dịch cho hàng nghìn học sinh và giáo viên dùng trong 1 tuần học.

Ngay trong những ngày đầu học sinh quay trở lại trường, TS. Nguyễn Lương Tâm, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hà Tĩnh (CDC) cùng các thành viên đoàn công tác của Sở Y tế tỉnh Hà Tĩnh đã trực tiếp xuống các trường học để hướng dẫn giáo viên, học sinh công tác phòng chống dịch.

Bên cạnh đó, CDC Hà Tĩnh cũng chỉ đạo trung tâm y tế dự phòng các huyện, thị xã, thành phố phối hợp với các trường tiếp tục tuyên truyền công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19; theo dõi sức khỏe của giáo viên và học sinh;  điều tra, kiểm soát các học sinh có người nhà đi từ vùng dịch về như: Trung Quốc, Hàn Quốc...; tập trung vệ sinh sạch sẽ toàn bộ khuôn viên nhà trường, lớp học.

Nghệ An: “Đến trường sẽ an toàn”

Học sinh THPT, GDTX trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã bắt đầu đi học trở lại. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền phòng chống dịch Covid-19, hầu hết học sinh, phụ huynh, thầy cô giáo đều an tâm trong việc giảng dạy, học tập.

 

t8c.jpg
“Sau thời gian dài nghỉ học vì dịch Covid-19, chúng em đều muốn đến trường, vì chúng em an tâm khi luôn được thầy cô tuyên truyền, nhắc nhở, được đo thân nhiệt mỗi ngày, có nước rửa tay sát khuẩn” – Các em học sinh trường THPT Lê Viết Thuật chia sẻ.

 

Trao đổi với phóng viên, ông Trần Đình Trung, Hiệu trưởng Trường Trung cấp kinh tế - kĩ thuật Tây Nam Nghệ An, cho biết: “Vì là trường đặc thù, học sinh từ nhiều huyện khác nhau trên địa bàn tỉnh, nên việc tuyên truyền cho học sinh về dịch Covi-19 ngay buổi đầu quay lại trường được đặc biệt quan tâm. Tất cả cán bộ, nhân viên, học sinh trong trường luôn luôn trong tình trạng cảnh giác, chấp hành nghiêm túc khuyến cáo về dịch Covid-19”.

Với các em học sinh, luôn rửa tay bằng xà bông, sát khuẩn và đeo khẩu trang. Bên cạnh đó, trường còn phối hợp với TTYT huyện tiêu độc khử trùng trong khuôn viên, kí túc xá, nhà xưởng, phòng học lý thuyết, phòng học thực hành, luôn kiểm tra giám sát chặt chẽ nhà vệ sinh, nhà bếp, cùng với đó là phát quang bụi rậm. Chính vì vậy, học sinh hoàn toàn yên tâm đến trường sau chuỗi nghỉ dài ngày vì dịch Covid-19.

Ghé thăm Trường THPT Lê Viết Thuật (TP Vinh), chúng tôi thấy khuôn viên trường khá sạch sẽ, gọn gàng. Thầy Phan Xuân Phàn, Hiệu trưởng Trường THPT Lê Viết Thuật, chia sẻ: “Trong thời gian nghỉ vì dịch Covid-19, nhà trường tổ chức 2 đợt dạy trực tuyến để học sinh ôn tập, đồng thời cho học sinh làm bài tập trực tuyến để lấy điểm”.

Thầy Phàn tâm niệm, trong sâu thẳm mỗi người “lái đò”, ai cũng muốn đến trường để đưa các em “qua sông” an toàn. Bởi thế, với khẩu hiệu “đến trường sẽ an toàn”, thầy cô, cán bộ, nhân viên luôn làm tốt công tác tuyên truyền phòng chống dịch cho phụ huynh, học sinh.

Nhiều học sinh Trường THPT Lê Viết Thuật tâm sự: “Sau thời gian dài nghỉ học vì dịch Covid-19, chúng em đều muốn đến trường, vì chúng em an tâm khi luôn được thầy cô tuyên truyền, nhắc nhở, được đo thân nhiệt mỗi ngày, có nước rửa tay sát khuẩn”.

Tại cuộc họp Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch bệnh COVID-19 diễn ra sáng 14/2 ở Hà Nội, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo:  “Nếu chưa làm được cho phụ huynh an tâm thì chưa nên cho đi học”. Việc cho học sinh nghỉ học chắc chắn có gây cản trở cho ngành giáo dục và sinh hoạt của các bậc phụ huynh, tuy nhiên, những điều đó không thể so được với sức khỏe học sinh, sự an tâm, tin tưởng của nhân dân.

Muốn làm được việc này, nhất thiết chính quyền, nhà trường phải thực hiện đầy đủ các giải pháp để đảm bảo trường học, lớp học thật sự an toàn, phải hướng dẫn, tuyên truyền để phụ huynh, học sinh an tâm.                         

 

Kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tại tỉnh Phú Thọ, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ yêu cầu: Trường học phải được đảm bảo an toàn tuyệt đối. Để làm được điều này, ngoài trách nhiệm và sự nỗ lực của lãnh đạo, cán bộ ngành Giáo dục, các nhà trường, bản thân các em cũng cần nâng cao ý thức trách nhiệm, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch .

Cần nâng cao nhận thức, trách nhiệm phòng chống dịch lên mức cao nhất. Dù Việt Nam thời gian qua đã kiểm soát tốt việc phòng chống nhưng nguy cơ lây nhiễm vẫn tiềm ẩn cao khi diễn biến dịch ở các nước khác đang phức tạp. “Không được để dù một học sinh bị lây nhiễm bệnh từ trường học” - Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ  yêu cầu ngành GD&ĐT tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp an toàn phòng chống dịch.

 

Nhóm PV
Ý kiến bạn đọc
  • Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hàng ngàn người đổ về thị trấn Sông Đốc (Trần Văn Thời - Cà Mau) để xem cuộc đua vỏ lãi kỳ thú. Thị trấn ven biển này cũng là nơi 70 năm trước diễn ra sự kiện tập kết ra Bắc lịch sử.

  • Dòng chảy tri thức - Hành trình tri thức không thể thiếu vắng hình bóng “Người lái đò”

    Dòng chảy tri thức - Hành trình tri thức không thể thiếu vắng hình bóng “Người lái đò”

    Hòa cùng không khí cả nước, chào mừng 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/1982 - 20/11/2024, tri ân sự đóng góp, hy sinh của thầy, cô giáo - những “Người lái đò” thầm lặng, đưa nhiều thế hệ học trò đến với bến bờ tri thức.

  • Thắp sáng ước mơ cho các em học sinh Làng Nủ

    Thắp sáng ước mơ cho các em học sinh Làng Nủ

    Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.

Top