Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ ba, ngày 1 tháng 3 năm 2016 | 9:37

Đậm nét văn hóa lễ hội hang Bua

Trái với những lễ hội dưới xuôi, không có cảnh chen lấn xô đẩy, không hương vàng đốt mã mù mịt..., Lễ hội hang Bua, Quỳ Châu (Nghệ An) trong những ngày 20-22 tháng Giêng âm lịch với nhiều hoạt động mang đậm văn hóa dân gian cổ truyền của cư dân miền sơn cước đã thu hút đông đảo du khách hội tụ nơi đây.

Hàng ngàn người tham gia lễ hội.

Lễ hội hang Bua được bắt đầu bằng những nghi lễ mang đậm nét văn hóa tâm linh của người thái gồm lễ yết tế, lễ đại tế cáo yết thần linh và những người có công dựng bản lập mường được tổ chức và hành lễ rất trang nghiêm do vị Mo cả chủ trì với đầy đủ các phẩm vật tế lễ truyền thống ngay tại Đền Chiềng Ngam (Đền Tạ Bọ) trên ngọn núi cao trong khu vực lễ hội.

Đây là lễ hội lớn nhất trong năm, là dịp để người dân vùng đất Quỳ Châu hay còn gọi là mường Chiêng Ngam gửi gắm những nguyện vọng tâm linh và nhớ lại truyền thuyết về một lễ hội với những sắc màu huyền thoại.

Các tiết mục văn nghệ đặc sắc tại lễ hội.

Ngoài các trò chơi như ném còn, nhảy sạp, khắc luống, cồng chiêng, hát nhuôn, suối, giao duyên, thi người đẹp vùng sơn cước… thì những cuộc thi  như thi kể chuyện dân gian Thái, thi trình diễn kỹ thuật chế biến rượu cần, thi viết chữ Thái, quấn hương trầm… đã thu hút đông đảo người dân địa phương và du khách thập phương.

Các trò chơi dân gian.

Đến với lễ hội, du khách cũng sẽ được chiêm ngưỡng một kiệt tác của thiên nhiên được hình thành trong quá trình kiến tạo địa tầng cách đây hàng triệu năm, là một danh thắng tự nhiên, gắn liền với truyền thuyết lịch sử, phong tục tập quán, sinh hoạt văn hóa của đồng bào dân tộc Thái.

Chuyện kể lại rằng: trong một trận đại hồng thủy, con người đã vào hang trú ngụ, họ cùng nhau ca hát, nhảy múa, đánh cồng chiêng, thổi sáo để không ngủ gật, như thế sẽ không bị hóa đá theo lời nguyền. Nhưng sức người có hạn, tất cả đều đã hóa đá, vì thế mà trong hang có những hình thù giống những sinh hoạt của người xưa như ông già thổi sáo, bộ cồng chiêng, cây cổ thụ bằng đá tỏa bóng, thửa ruộng hình bậc thang, v.v… Trong hang còn có giếng tiên, và lớp nhũ đá ướt đẫm, dáng vẻ mềm mại như biểu hiện cho dòng chảy bền bỉ của thời gian bao nhiêu năm qua.

Trong lớp trầm tích tìm thấy ở hai cửa hang trước và sau có hóa thạch các loài động vật giống như hóa thạch động vật đã được phát hiện ở Thăm Ồm và các hàng động khác trong vùng, đó là: tê giác, hươu nai, lợn rừng, cheo chèo… Đặc biệt, những người dân địa phương còn nhặt được trong hang hai chiếc rìu đá - loại công cụ đặc trưng của con người thời kỳ đồ đá mới hậu kỳ.

Về với lễ hội hang Bua du khách cũng sẽ được biết đến những huyền thoại về sự tích: Thần Núi (Phí Nu Phá hủng) và thần nước (Phí Nặm huồi hạ) giao tranh; chuyện tình Tạo Khủn Tinh và Nàng Ni…

Thuở đó, trong vùng có người con gái một phìa bản giàu có tên gọi là Nàng Ni. Nàng Ni đẹp lắm, da trắng như trứng gà bóc, mắt sáng như sao. Mỗi lần nàng cất tiếng hát Nhuôn, hát Xuối, ngay cả con chim, con sóc cũng lặng yên để nghe. Bao nhiêu trai bản con nhà giàu có đem lòng yêu nàng, nhưng nào chỉ yêu chàng trai nghèo mạnh khỏe, hiền lành nơi cuối bản. 

Cho đến một hôm, phìa bản sai chàng trai nghèo vào Thẳm Bua để diệt loài thuồng luồng hung dữ chuyên gây hại cho dân bản. Chàng trai đi vào lòng hang và cứ đi mãi mà không thể trở về. Nàng Ni ở nhà đợi không thấy người yêu quay trở lại, bèn quyết đi vào hang sâu để tìm chàng. Qua bao ngõ ngách trong lòng hang, trải bao vất vả, nàng men theo những bậc đá lên tới đỉnh Thẳm Bua, ngồi đó đợi chàng. 

Nàng ngồi vậy khóc thương người yêu không biết bao ngày, cho mãi đến khi nước mắt cạn kiệt nơi phiến đá lớn trên đỉnh Thẳm Bua. Nhớ thương người con gái chung tình, phiến đá từ đó được người đời gọi là Choong Nang (giường đá nàng Ni …)….

Hằng năm cứ dịp xuân về, trai gái trong vùng lại rủ nhau vào lòng Thẳm Bua tình tự như chia sẻ, cảm thông với mối tình trong sáng của người con gái đẹp đất Mường. Năm này qua năm khác, dần dần thói quen đó trở thành một lễ hội hàng năm với người dân vùng sơn cước.

Đình Lam

 

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hàng ngàn người đổ về thị trấn Sông Đốc (Trần Văn Thời - Cà Mau) để xem cuộc đua vỏ lãi kỳ thú. Thị trấn ven biển này cũng là nơi 70 năm trước diễn ra sự kiện tập kết ra Bắc lịch sử.

  • Dòng chảy tri thức - Hành trình tri thức không thể thiếu vắng hình bóng “Người lái đò”

    Dòng chảy tri thức - Hành trình tri thức không thể thiếu vắng hình bóng “Người lái đò”

    Hòa cùng không khí cả nước, chào mừng 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/1982 - 20/11/2024, tri ân sự đóng góp, hy sinh của thầy, cô giáo - những “Người lái đò” thầm lặng, đưa nhiều thế hệ học trò đến với bến bờ tri thức.

  • Thắp sáng ước mơ cho các em học sinh Làng Nủ

    Thắp sáng ước mơ cho các em học sinh Làng Nủ

    Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.

Top