Cơ sở giết mổ gia súc tập trung xã Đại Tâm (Mỹ Xuyên) là một trong nhiều cơ sở giết mổ gia súc trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng nằm trong diện buộc phải di dời, chấm dứt hoạt động trong năm 2015. Tuy nhiên, hiện cơ sở này vẫn hoạt động bình thường, bất chấp phản ứng của dư luận.
>> Sóc Trăng: Chủ cơ sở giết mổ kêu cứu!
Cảnh giết mổ mất vệ sinh môi trường tại cơ sở Đại Tâm.
Tuyệt đường sinh sống!
Tiếp xúc với phóng viên, một người dân sống gần cơ sở giết mổ gia súc tập trung xã Đại Tâm cho biết: "Từ khi cơ sở này đi vào hoạt động thì nước thải, mùi hôi thối cùng những âm thanh phát ra trong quá trình giết mổ đã ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của nhiều hộ dân xung quanh".
Chỉ vào chiếc xe nước mía nằm trơ trọi ở góc nhà, bám đầy bụi bẩn, người dân than thở: "Lúc trước nhà tôi bán nước mía, nhưng vì ruồi nhặng bu quá không ai dám mua, đến nay phải nghỉ bán, giờ không biết phải buôn bán thứ gì để kiếm sống".
Chị Lê Thị Xuân Mai, chủ quán cơm G.B, ấp Tân Phước, xã Đại Tâm, bức xúc: "Nhiều khi khách hàng đến ăn cơm đã bỏ đi vì quá nhiều ruồi. Dù chúng tôi đã dùng mọi biện pháp để diệt nhưng không hiệu quả. Nguyên nhân là do môi trường xung quanh quá ô nhiễm".
Kinh doanh èo uột nên chị Mai nghỉ bán, nhưng sau đó vì không có thu nhập nên mở cửa trở lại, chủ yếu bán cho khách ở khu vực gần đây. “Nếu tôi có tiền thì đã chuyển đi nơi khác, con gái tôi cũng đòi bán căn nhà này vì nó sợ mấy đứa nhỏ bị ảnh hưởng sức khỏe…”, chị Mai nói.
Chị Lê Thị Xuân Mai, chủ quán cơm G.B.
Chi cục Thú y “quên” kiểm tra
Theo Thông tư số 60/2010/TT-BNNPTNT ngày 25/10/2010 của Bộ Nông nghiệp và PTNT “Quy định điều kiện vệ sinh thú y đối với cơ sở giết mổ lợn” thì các cơ sở giết mổ phải được cơ quan thú y kiểm tra và cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh thú y 2 năm một lần mới được phép hoạt động. Tuy nhiên, qua trao đổi, một cán bộ Chi cục Thú y tỉnh Sóc Trăng, cho biết: Trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng có khoảng 28 cơ sở giết mổ tập trung và 54 điểm giết mổ nhỏ lẻ, tất cả đều chưa được Chi cục Thú y kiểm tra điều kiện vệ sinh thú y cũng như chưa được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh thú y theo Thông tư số 60/2010/TT-BNNPTNT, dẫn đến nhiều cơ sở giết mổ không tiếp tục đầu tư, nâng cấp nhà xưởng vì sợ tốn chi phí làm “đội” giá thành?
Vị cán bộ này còn chia sẻ: Cơ sở giết mổ gia súc tập trung xã Đại Tâm nằm trong diện phải chấm dứt hoạt động và di dời tới vị trí mới thích hợp vì nằm trong khu vực đông dân cư, không đảm bảo an toàn thực phẩm, gây ô nhiễm môi trường. Trước đó, Trạm Thú y Mỹ Xuyên đã nhiều lần làm việc, yêu cầu di dời và chủ cơ sở cũng cam kết đến cuối năm 2015 sẽ chấm dứt hoạt động. Tuy nhiên, đến nay, chủ cơ sở này vẫn cố tình hoạt động. Theo công suất thiết kế thì cơ sở này chỉ có thể đáp ứng nhu cầu giết mổ 100-120 con heo/ngày nhưng trên thực tế đã giết mổ tới 200-220 con heo/ngày. Sự quá tải này dẫn đến việc không đảm bảo vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm, an toàn lao động…
Qua khảo sát chúng tôi được biết, hiện trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng vẫn còn khá nhiều cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm không có giấy phép, không đạt các tiêu chuẩn về vệ sinh thú y, vệ sinh môi trường nhưng vẫn ngày đêm hoạt động rầm rộ, mỗi ngày hàng trăm tấn thịt có thể bị nhiễm bẩn trong quá trình giết mổ từ các cơ sở này vẫn “ung dung” đưa ra thị trường tiêu thụ. Trong khi đó, các cơ sở giết mổ hiện đại, đảm bảo các điều kiện về an toàn thực phẩm, vệ sinh thú y lại đang "chết yểu" vì không thể cạnh tranh nổi.
Thủ tướng Chính phủ đã ra Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 9/5/2016 về việc tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, trong đó xác định: UBND các cấp chịu trách nhiệm về đảm bảo an toàn vệ sinh thực phầm trên địa bàn. Đồng thời nêu rõ: Chủ tịch UBND cấp trên trực tiếp chỉ đạo và thường xuyên đôn đốc, kiểm tra chấp hành pháp luật về an toàn thực phẩm của cơ quan nhà nước cấp dưới; kiên quyết xử lý cán bộ, công chức thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý... Như vậy, trách nhiệm quản lý của chính quyền cùng các ngành chức năng địa phương, đặc biệt là vai trò của Chi cục Thú y tỉnh Sóc Trăng ở đâu khi để tình trạng các cơ sở giết mổ “chui” ngang nhiên hoạt động nhiều năm trời, bất chấp phản ứng dư luận?
Ông Lê Văn Hiểu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, cho biết: Sau khi nhận được Bản tường trình của DNTN Vựa heo Tý phản ánh các cơ sở giết mổ trên địa bàn không chấm dứt hoạt động và di dời khỏi khu vực đông dân cư làm ô nhiễm môi trường, mất an toàn vệ sinh thực phẩm, ngày 16/6/2016, UBND tỉnh đã có cuộc họp khẩn gồm UBND thành phố, huyện thị và sở ngành chức năng có liên quan báo cáo đề, xuất hướng giải quyết vụ việc như dư luận đã thông tin.
Thường trực UBND tỉnh đã thẳng thắng phê bình các ngành chức năng, UBND huyện Mỹ Xuyên và các địa phương khác về việc chậm tiến độ thực hiện Quyết định 841 của UBND tỉnh và yêu cầu rút kinh nghiệm. Đồng thời chỉ đạo các ngành chức năng nhanh chóng thành lập tổ kiểm tra liên ngành để kiểm tra, đánh giá các cơ sở giết mổ trên địa bàn TP. Sóc Trăng, huyện Mỹ Xuyên, huyện Châu Thành, sau đó tới huyện khác.
"Đối với cở sở giết mổ động vật xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên, ông cũng đề nghị cơ quan chuyên môn tập trung đánh giá, kiểm tra và vận động cơ sở này sớm thực hiện việc đóng cửa và di dời ra khỏi khu đông dân cư theo Quyết định 841 không thể kéo dài hoạt động đến cuối năm 2016. Đồng thời chỉ đạo tổ kiểm tra liên ngành kiểm tra, đánh giá lại công suất giết mổ của cơ sở này, nếu vượt quá công suất thiết kế thì buộc phải hạ công suất giết mổ, không để mất an toàn vệ sinh thực phẩm, an toàn lao động và gây ô nhiễm môi trường", ông Hiểu khẳng định.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin vụ việc đến bạn đọc.
Trong buổi tiếp xúc cử tri tại phường 8, TP.Sóc Trăng (nơi có lò mổ của DNTN Vựa heo Tý đang treo bảng bán), ông Nguyễn Văn Thể - UVTƯĐ, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng, đã yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cùng các ngành chức năng phải đi thực tế để giải quyết bức xúc của chủ lò giết mổ lớn nhất tỉnh. Trong khi đó, bà Tiết Thị Tố Như (đại diện DNTN Vựa heo Tý) cho biết: “Theo chủ trương kêu gọi đầu tư của tỉnh, doanh nghiệp chúng tôi đầu tư khoảng 35 tỷ đồng xây dựng lò giết mổ dây chuyền hiện đại này có công suất giết mổ 800 con heo, 300 trâu bò/ngày, lớn nhất khu vực ĐBSCL. Thế nhưng chỉ sau nửa năm hoạt động đã lỗ khoảng 4 tỷ đồng. Hiện nay chúng tôi đã phải treo bảng bán lò giết mổ vì mỗi ngày chỉ giết mổ được khoảng 80 con heo, mỗi tháng lỗ trên 300 triệu đồng”. Theo bà Như, nguyên nhân doanh nghiệp hoạt động không hiệu quả, phải treo bảng bán lò mổ vì UBND tỉnh Sóc Trăng buộc một số lò mổ không đủ tiêu chuẩn, ngoài quy hoạch phải di dời trong năm 2015. Tuy nhiên, một số lò mổ ngoài quy hoạch, trong đó có lò mổ ở Đại Tâm nằm giáp ranh TP.Sóc Trăng, lại không được huyện Mỹ Xuyên di dời. Thậm chí, Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Xuyên Đào Đắc Hùng còn có văn bản xin cho lò mổ này tồn tại hết năm 2016. Bên cạnh đó, chủ lò mổ này luôn hạ giá giết mổ khiến doanh nghiệp của bà Như cạnh tranh không được dẫn tới nguy cơ bị phá sản. Tại buổi tiếp xúc cử tri, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng Nguyễn Văn Thể chân thành tiếp thu ý kiến, giao cho các ngành có thẩm quyền xem xét, xử lý, đề nghị lãnh đạo UBND tỉnh cùng các ngành phải đi thực tế, không để doanh nghiệp đầu tư theo chủ trương kêu gọi của tỉnh mà lại gặp khó khăn, kinh doanh không hiệu quả. Nguồn: Dân trí |
Nguyên Anh - Điền Long
Mọi thông tin bạn đọc khiếu nại, phản ánh, xin liên hệ Báo Kinh tế nông thôn, 57 Hàng Chuối, phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội. Đường dây nóng: 0913516232. E-mail: [email protected]. |
Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.
Thời gian qua, tỉnh Nghệ An triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, cơ chế, chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nâng cao ý thức tự lực, tự cường vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo nên diện mạo mới cho nông thôn miền núi xứ Nghệ.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.