Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ tư, ngày 18 tháng 12 năm 2019 | 23:20

Đằng sau việc chi thù lao cho cán bộ Sở GD&ĐT TP. Hồ Chí Minh

GS. Nguyễn Minh Thuyết đã xuất hiện nhiều trên truyền thông nêu ý kiến một cách “khá đanh thép” về việc NXB GDVN chi thù lao cho cán bộ Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh.

Báo Kinh tế nông thôn trích đăng bài viết xoay quanh vấn đề này của tác giả Hoàng Phương Hiền (giáo viên tại TP Hồ Chí Minh). 
 
Những ngày gần đây, trên một số diễn đàn báo chí, người ta thấy một loạt bài báo nói về việc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (NXB GDVN) chi thù lao việc tham gia làm sách giáo khoa cho một số cán bộ Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh. Dưới góc nhìn của những bài báo, việc chi thù lao này có “lý do không thuyết phục”, “xung đột lợi ích”, là hành động “cạnh tranh không lành mạnh”,...
 
Người ta đặt vấn đề các cán bộ Sở Giáo dục và Đào tạo rồi đây sẽ tham gia hội đồng chọn sách giáo khoa hoặc sẽ “chỉ đạo ngầm” việc chọn sách giáo khoa, một khi đã hưởng thù lao thì làm sao không chọn sách của NXB GDVN? Nhìn chung, các bài báo cho rằng việc này khiến cho việc chọn sách giáo khoa mới sẽ không còn khách quan. Trong trường hợp ấy thì làm sao bộ sách khác ngoài NXBGD VN có thể được lựa chọn nữa? Làm sao chủ trương xã hội hoá việc xuất bản sách giáo khoa thành công?...
 
Với những nội dung nêu trên thì ở đây có chuyện gì đó như thể khuất tất giữa Nhà xuất bản với Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh. Nhiều cư dân mạng còn chia sẻ các đường link bài báo trên các mạng xã hội kèm theo những bình luận theo tâm lý đám đông.
 
Nhưng những người có sự tỉnh táo, có thói quen phản biện trước các thông tin cực đoan, những người thực sự quan tâm đến giáo dục, thực sự tâm huyết với việc lựa chọn sách giáo khoa, qua loạt bài báo này sẽ thấy rõ một chân tướng, một sự thật ẩn hiện ở đằng sau những con chữ và những ý kiến tưởng chừng như họ đang đại diện cho công chúng, đại diện của sự ngay thẳng và công tâm. 
 
Vậy, chân tướng sự thật đằng sau đó là gì?
 
Một điều…rất lạ”
 
Sự “rất lạ” đó chính là sự xuất hiện của một người khá nổi tiếng, đó là GS. Nguyễn Minh Thuyết. GS Thuyết đã xuất hiện trong lời dẫn của nhiều bài báo và nêu các ý kiến một cách khá đanh thép “cả chục lần” về việc NXB GDVN  chi thù lao cho cán bộ Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh.
ảnh-gs-thuyết.jpg
Chiều (17/12), NXB ĐH Sư phạm, NXB ĐHSP TP.Hồ Chí Minh và Công ty Đầu tư xuất bản – Thiết bị giáo dục Việt Nam (Vepic) tổ chức buổi tọa đàm giới thiệu về bộ SGK Cánh Diều trong chương trình GDPT mới. Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết – người thứ ba từ bên phải sang. (ảnh internet)
Nguyễn Minh Thuyết đã hiện diện trong các bài báo như thế nào?
 
Tất cả các bài báo đều giới thiệu GS. Nguyễn Minh Thuyết là Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông 2018 hoặc Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới… Những thông tin nêu trên là đúng. Nhưng việc đó kết thúc và đã hoàn thành.
 
Vấn đề hiện tại và được dư luận quan tâm là GS. Nguyễn Minh Thuyết đang là gì, đang làm gì cho ai, cho công ty nào, tuyệt không có bài báo nào nhắc đến. Đây có phải là ngẫu nhiên hay có chủ ý?
 
GS. Nguyễn Minh Thuyết hiện là Tổng chủ biên bộ sách giáo khoa Ngữ văn – Tiếng Việt của Công ty cổ phần đầu tư Xuất bản và Thiết bị giáo dục Việt Nam (Vepic) – một công ty đang là đối thủ cạnh tranh về lĩnh vực sách giáo khoa với NXB GDVN.
 
Và như các báo chí đã đưa tin từ ngày 22/11/2019, GS. Nguyễn Minh Thuyết là Tổng chủ biên của cuốn sách giáo khoa Tiếng Việt 1 - một trong năm cuốn sách giáo khoa Tiếng Việt 1 theo chương trình mới vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành theo Quyết định số 4507/QĐ-BGDĐT ngày 22/11/2019.
 
Đây là bộ sách được biên soạn thực hiện chủ trương một chương trình nhiều sách giáo khoa theo tinh thần của Nghị quyết 88/2014/QH13. Có điều mừng cho chúng ta với tư cách người tiêu dùng, sự xuất hiện của bộ sách này đã xoá bỏ việc độc quyền xuất bản sách giáo khoa của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. Bộ sách giáo khoa của Vepic, trong đó có sách giáo khoa Tiếng Việt 1 do GS. Nguyễn Minh Thuyết làm Tổng chủ biên hiện được đăng kí xuất bản qua hai nhà xuất bản là Nhà xuất bản Đại học Sư phạm Hà Nội và Nhà xuất bản Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh.
 
Nhưng có điều rất đáng lo ngại là việc xuất hiện thường xuyên của GS. Nguyễn Minh Thuyết trong hàng loạt những bài báo nêu trên. Nếu như GS. Nguyễn Minh Thuyết chỉ là Tổng chủ biên chương trình thôi thì không có gì để nói về tính khách quan, bởi ở cương vị đó, tiếng nói của GS. Thuyết có thể được tin là vô tư, chính trực.
 
Tuy nhiên, với vị trí Tổng chủ biên một bộ sách giáo khoa và hiện nay bộ sách này đang cạnh tranh thị phần với các bộ sách giáo khoa của NXB GDVN, thì việc GS. Nguyễn Minh Thuyết xuất hiện như một “chiến binh” ở hàng chục các bài báo với các ý kiến tỏ ra rất sắc sảo, lời lẽ rất to tát, như thể đại diện cho sự công minh, chính trực, vô tư, tấn công trực diện vào NXB GDVN nói chung và bộ sách Chân trời sáng tạo nói riêng, thì những ý kiến đó rất cần bạn đọc phải tỉnh táo xem lại.
 
Rõ ràng là, trong trường hợp này, ý kiến của GS. Nguyễn Minh Thuyết không còn vô tư nữa. Bởi ý kiến ấy không thể không có một tỉ lệ rất cao ý chí của cá nhân GS. Nguyễn Minh Thuyết. Làm sao có thể nói rằng trong ý kiến đó của GS. Thuyết không có mong muốn đánh bật các bộ sách của NXB GDVN ra khỏi thị trường TP Hồ Chí Minh để sách của mình được có cơ hội nhảy vào?
 
Có một sự thật hiển nhiên qua nội dung trả lời của NXB GDVN là quá trình nhiều năm đóng góp công lao của các cán bộ Sở Giáo dục và Đào tạo TP. Hồ Chí Minh vào việc tổ chức biên soạn, biên tập bộ sách giáo khoa Chân trời sáng tạo. Đó là mồ hôi nước mắt, là sức lao động của biết bao con người trong đó có các cán bộ Sở Giáo dục và Đào tạo TP. Hồ Chí Minh. Họ đã làm việc và làm việc trong nhiều năm trời. Và công sức đó của tập thể đó đã được đền đáp. Các cuốn sách giáo khoa trong bộ sách Chân trời sáng tạo đã được các hội đồng quốc gia thẩm định thông qua, được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành chính thức được sử dụng trong phạm vi toàn quốc.
 
Đứng về mặt chất lượng, về mặt quản lí nhà nước, bộ sách giáo khoa Chân trời sáng tạo hoàn toàn đảm bảo. Bộ sách đã đủ tư cách đi vào nhà trường trên phạm vi toàn quốc. Ấy vậy mà trong cái nhìn “phiến diện” của một số cá nhân cho rằng: bộ sách Chân trời sáng tạo cứ như thể là một cái gì đó độc hại, nguy hiểm, cần bài trừ?!
 
Theo nhiều người làm khoa học và trực tiếp làm công tác biên soạn SGK có kinh nghiệm lâu năm: Việc gần đây có một số người chỉ vì cạnh tranh thiếu lành mạnh có những phát biểu không được khách quan, mang tính xung đột lợi ích về sách là sự dẫm đạp “thô bạo” lên công sức của biết bao con người, của tập thể tác giả, biên tập viên, hoạ sĩ thiết kế, của những người tham gia tổ chức bản thảo bộ sách Chân trời sáng tạo nói riêng và các bộ sách giáo khoa khác nói chung để tạo cơ hội cho bộ sách giáo khoa của mình vào đó để tranh giành thị trường?
 
Một bộ sách giáo khoa đầu tư hàng trăm tỉ đồng, cộng với một tập thể đã lao tâm khổ trí để đạt được thành công ngày hôm nay, ấy vậy mà những người trồng cây đến ngày hái quả thì đang có nguy cơ bị một số cá nhân mưu toan, hòng đập nát những hoa trái đã đến ngày thu hoạch của họ.
 
Là đại diện cho đạo đức, cho sự công tâm, xin hãy cạnh tranh lành mạnh, hãy thuyết phục giáo viên và học sinh sử dụng sách giáo khoa của mình bằng chính chất lượng bộ sách của mình. Xin đừng cạnh tranh bằng cách tấn công và giẫm đạp lên các giá trị của những người khác.
 
Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết liên quan gì đến Vepic?
 
GS Nguyễn Minh Thuyết từng chia sẻ trong bài viết “Tổng chủ biên Nguyễn Minh Thuyết và ông Ngô Trần Ái, ai trung thực” trên báo điện tử Giáo dục Việt Nam ngày 2/6/2018 rằng: 
 
"Sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết số 88 về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, để chủ động trong công việc, NXB GDVN đã mời một số chuyên gia tham gia các đề tài xây dựng chương trình giả định, nghiên cứu mô hình sách giáo khoa và biên soạn thử một số bài soạn và bản thảo sách.
 
Là một chuyên gia về giáo dục phổ thông, tôi được mời tham gia các công việc trên. 
Tôi đã hoàn thành các đề tài nghiên cứu về mô hình sách giáo khoa môn Tiếng Việt - Ngữ văn cho Viện Nghiên cứu sách giáo khoa và học liệu của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam; 
 
Hoàn thành bản thảo sách Tiếng Việt lớp 1 theo mô hình mà tôi đề xuất cho một đơn vị thành viên được Nhà xuất bản Giáo dục  giao nhiệm vụ là Công ty VEPIC.
 
Tuy nhiên, từ khi nhận lời làm Tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông mới, tôi không còn thời gian để tiếp tục các công việc trên.
 
Chương trình giả định đang phác thảo cũng được “đóng băng” từ khi Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức các ban phát triển chương trình giáo dục phổ thông vì nó không còn ý nghĩa nữa".
 
Qua nội dung GS. Nguyễn Minh Thuyết nói ở trên, có thể thấy rõ GS. Thuyết đã biên soạn sách giáo khoa Tiếng Việt 1 cho Vepic trước khi nhận lời làm Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Điều này khiến cho dư luận xã hội nhận thấy rõ ràng là có vấn đề về việc hợp tác giữa GS. Thuyết và  Vepic?
 
Vấn đề khác nữa không kém phần lo lắng đó chính là chất lượng của sách giáo khoa Tiếng Việt 1 và chất lượng của chương trình môn học Tiếng Việt 1. Với cương vị Tổng chủ biên chương trình, có hay không việc GS. Thuyết đã “lái” hoặc “nắn” chương trình đi theo nội dung sách giáo khoa Tiếng Việt mà GS đã biên soạn xong trước khi có chương trình cho  Vepic, giống như một số quan chức từng “lái quy hoạch” để đường phố đi qua cửa nhà mình vậy? Trong trường hợp ấy, thật đáng suy nghĩ và xem lại về chất lượng, về cái gọi là trí tuệ tập thể của việc làm chương trình giáo dục phổ thông.
 
Nói ở trên, GS. Thuyết đã không còn thời gian để tiếp tục làm sách giáo khoa Tiếng Việt, ấy vậy mà giờ GS đã và đang là Tổng chủ biên bộ sách giáo khoa Tiếng Việt của Vepic. Và giờ với tư cách đó, GS đang hàng ngày hàng giờ tìm cách phát biểu trên các diễn đàn hòng làm giảm uy tín của các bộ sách giáo khoa khác, để sách của GS có cơ hội được lựa chọn. Thực sự đây là một việc đáng xem xét lại.
 
Là giáo viên của TP. Chí Minh, tôi và các đồng nghiệp rất tự hào vì ngành giáo dục thành phố cùng với Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã thành công trong việc phối hợp làm một bộ sách giáo khoa.
 
Báo chí xin hãy quan tâm đến tiếng nói của chúng tôi, những người đang trực tiếp đứng lớp, những người sử dụng sách giáo khoa để hướng dẫn cho học sinh học tập. Sức sống của các bộ sách phải qua thực tiễn mới chứng minh được. Nếu sách giáo khoa của GS. Thuyết hay và tốt, chắc chắn chỉ sau một thời gian nữa sẽ biết thôi mà./. 
 
 

Thường trực UBND TP. Hồ Chí Minh vừa có kết luận sau khi nghe báo cáo giải trình của Sở Giáo dục và Đào tạo TP. Hồ Chí Minh về thông tin liên quan đến việc NXB Giáo dục Việt Nam chi thù lao cho cán bộ, chuyên viên Sở. 

UBND TP. Hồ Chí Minh giao Sở Giáo dục và Đào tạo báo cáo giải trình đầy đủ về việc NXB Giáo dục Việt Nam chi thù lao cho cán bộ, chuyên viên Sở; làm việc với NXB Giáo dục Việt Nam để xác định rõ các nội dung báo chí phản ánh về sự việc này. Và báo cáo về Thường trực UBND, Thường trực Thành ủy. 

Ngoài ra, UBND TP. Hồ Chí Minh giao Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức họp báo thông tin đến cơ quan báo chí. 

 
Hoàng Phương Hiền
Ý kiến bạn đọc
  • Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hàng ngàn người đổ về thị trấn Sông Đốc (Trần Văn Thời - Cà Mau) để xem cuộc đua vỏ lãi kỳ thú. Thị trấn ven biển này cũng là nơi 70 năm trước diễn ra sự kiện tập kết ra Bắc lịch sử.

  • Dòng chảy tri thức - Hành trình tri thức không thể thiếu vắng hình bóng “Người lái đò”

    Dòng chảy tri thức - Hành trình tri thức không thể thiếu vắng hình bóng “Người lái đò”

    Hòa cùng không khí cả nước, chào mừng 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/1982 - 20/11/2024, tri ân sự đóng góp, hy sinh của thầy, cô giáo - những “Người lái đò” thầm lặng, đưa nhiều thế hệ học trò đến với bến bờ tri thức.

  • Thắp sáng ước mơ cho các em học sinh Làng Nủ

    Thắp sáng ước mơ cho các em học sinh Làng Nủ

    Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.

Top