Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ hai, ngày 6 tháng 5 năm 2024  
Thứ hai, ngày 14 tháng 11 năm 2016 | 2:27

Đánh thuế căn nhà thứ 2: Liệu có khả thi?

Sử dụng công cụ thuế để điều tiết thị trường là việc nên làm của các cơ quan quản lý nhà nước. Tuy nhiên, việc đánh thuế vào bất động sản thứ 2 cần cân nhắc. Vì thông thường loại thuế này chỉ giải quyết tình trạng đầu cơ trong nhà đất, trong khi đó có thể khiến thị trường bất động sản vừa khởi sắc chuyển qua nguội lạnh.

Nhiều tác động tới thị trường

Theo Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh (HoREA), ông Lê Hoàng Châu việc ban hành sắc thuế của Bộ Tài chính nhằm điều tiết thị trường và công cụ thuế có hiệu quả lớn nhất trong nhóm các công cụ (tín dụng, quy hoạch, chính sách). "Sắc thuế đánh vào bất động sản thứ 2 sẽ có 3 tác động tích cực. Thứ nhất sẽ hạn chế nguy cơ đầu cơ trên thị trường bất động sản, ngăn chặn nhà đầu tư thứ cấp trên thị trường bất động sản. Lúc này, người dân có điều kiện không tích trữ nhà nữa còn giới đầu cơ thấy thuế phải nộp cao thì sẽ hạn chế đầu cơ. Đầu cơ giảm, giá bất động sản sẽ không bị đẩy lên cao, thị trường bớt đi một nguyên nhân gây ra bong bóng nhà đất", ông Châu chia sẻ.

Cũng theo Chủ tịch HoREA, việc đánh thuế căn nhà thứ 2 cũng sẽ giúp nhà nước dễ dàng quản lý hoạt động giao dịch trên thị trường bất động sản. Vì việc đánh thuế sẽ đưa các nhà đầu tư thứ cấp vào khuôn khổ đầu tư, phải thành lập doanh nghiệp, giúp thị trường ngày càng minh bạch. Đồng thời việc đánh thuế bất động sản thứ 2 sẽ tạo điều kiện cho những người có nhu cầu nhà ở thật sự có cơ hội tiếp cận với các sản phẩm bất động sản trên thị trường.

Nhiều tác động tới thị trường bất động sản khi việc tính thuế bất động sản thứ 2 được áp dụng

Ở góc độ khác, việc đánh thuế bất động sản thứ 2 sẽ tác động rất lớn đến các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, đặc biệt là các doanh nghiệp có phân khúc sản phẩm hướng tới giới đầu tư, đầu cơ. Cụ thể, khi đánh thuế vào bất động sản thứ 2, nhà đầu tư, đầu cơ sẽ giảm kéo theo đó giao dịch bất động sản cũng sẽ giảm theo. Từ đó, doanh thu của doanh nghiệp cũng đi xuống. Khi tình trạng này xảy ra, các doanh nghiệp buộc phải định hướng lại sản phẩm, giá sản phẩm và chất lượng sản phẩm để có hướng đi phù hợp với thị trường. "Như vậy, với mục đích chống đầu cơ ban đầu, việc đánh thuế sẽ làm được 2 điều rất tốt cho thị trường về lâu dài đó là giá nhà sẽ giảm và minh bạch hóa thị trường bất động sản, hạn chế tình trạng người giàu ôm quá nhiều nhà trong khi người nghèo không có nhà ở", ông Châu cho biết.

Liệu có khả thi?

Trong buổi trả lời báo chí ngày 28-10, ông Võ Thành Hưng, Vụ trưởng Vụ Ngân sách Nhà nước (Bộ Tài chính) cho biết đây không phải lần đầu tiên Bộ Tài chính có chính sách đánh thuế trực thu vào các tài sản có giá trị như nhà đất. Cuối năm 2009, trong quá trình xây dựng dự thảo Luật Thuế nhà đất trước đây, Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội đã thống nhất chưa đánh thuế nhà ở vì chưa có sự đồng thuận cao trong dân. Ở thời điểm đó, mục tiêu, theo Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, nguyên là Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách là nhằm hạn chế đầu cơ nhà ở. Trên thực tế, giá trị nhà ở lại gắn liền với giá trị đất, và đầu cơ lại tập trung vào đất, căn cứ vào vị trí, địa thế của đất, mà không phải là đầu cơ giá trị xây dựng nhà trên đất.

Liên quan tới vấn đề đánh thuế vào bất động sản thứ 2, Chủ tịch HoREA đánh giá, liệu cách tính thuế tài sản quy định dựa trên diện tích, quy mô, giá trị của bất động sản có chi li cho từng trường hợp và có hợp lý? Thực tế, tại TP. Hồ Chí Minh có nhiều nhà mua cả 3 căn hộ thì diện tích cũng chỉ xấp xỉ 100m2; trong khi đó có người mua 1 căn nhà lên tới vài trăm mét vuông. “Vậy nên, có công bằng với những người sở hữu nhiều nhà, diện tích nhỏ bị đánh thuế trong khi có người mua 1 căn nhà nhưng diện tích lớn”. Cũng theo ông Châu, rất khó để có thể biết 1 người chỉ sở hữu 1 nhà đất hay 2 hoặc 3 căn nhà nếu chỉ dựa vào cơ sở dữ liệu quốc gia về quản lý nhân khẩu vẫn đang hình thành.

Theo đánh giá của một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, việc lách luật là quá dễ, không những thế sẽ và có vô vàn cách lách luật. Để tránh bị đánh thuế, người mua nhà có thể cho người thân đứng tên, hoặc không loại trừ việc người mua nhà bắt tay ngầm với cán bộ thuế để kê khai chỉ mua 1 nhà. Ngược lại có nhiều ý kiến cho rằng việc thu thuế là cần thiết. Cụ thể, trong bối cảnh hiện nay, với thực trạng ngân sách khó khăn, việc mở ra các sắc thuế mới, tăng diện thu thuế đang được triển khai thì việc đánh thuế với người mua nhà lần thứ 2, thứ 3 vẫn có thể được tính đến.

Cùng quan điểm này, ông Chung Thành Tiến, Giám đốc Công ty kế toán Đồng Hưng, cho rằng ở góc độ người dân có thể thấy không phù hợp và tăng thêm gánh nặng. Bởi nguồn tiền họ mua, đầu tư thêm căn nhà thứ 2, 3 đa phần là nguồn tiền đã chịu thuế. “Một người góp vốn vào thành lập doanh nghiệp thì doanh nghiệp đã nộp thuế. Cổ tức thì phải chịu thuế thu nhập cá nhân. Cũng số tiền thu nhập đó, người dân gửi tiết kiệm hoặc giữ ở nhà thì không bị đánh thuế, nhưng nếu muốn đầu tư một căn nhà cho thuê thì đã phải chịu lệ phí trước bạ, thuế thu nhập chuyển nhượng, thuế nhà đất. Như vậy, người dân phải chịu 2 đầu thuế, gây ra sự thuế chồng thuế, căn cứ tính thuế không đồng nhất, dễ dẫn đến sự không bình đẳng về mức thuế phải nộp giữa các đối tượng có cùng loại tài sản”.

Lại Hùng

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Thị trường bất động sản nghỉ dưỡng hướng đến phát triển bền vững

    Thị trường bất động sản nghỉ dưỡng hướng đến phát triển bền vững

    Tại Hội nghị Meet The Experts lần thứ 15 với chủ đề “Phát triển bền vững và yếu tố wellness” diễn ra mới đây, các đơn vị, nhân sự, chủ đầu tư đã cùng trau dồi kiến thức chuyên môn, cập nhật thông tin thị trường và xu hướng mới nhất trong ngành bất động sản (BĐS) nghỉ dưỡng vốn gặp nhiều khó khăn trong thời gian qua.

  • Phân khúc văn phòng hạng A được ưa chuộng tại Việt Nam

    Phân khúc văn phòng hạng A được ưa chuộng tại Việt Nam

    Theo báo cáo của Savills, phân khúc văn phòng hạng A trên toàn cầu ghi nhận mức tăng. Tại Việt Nam, phân khúc này tiếp tục là phân khúc được ưa chuộng.

  • TP. Hồ Chí Minh vận dụng cơ chế đặc thù để phát triển nhà ở xã hội

    TP. Hồ Chí Minh vận dụng cơ chế đặc thù để phát triển nhà ở xã hội

    Thực hiện Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh, lãnh đạo thành phố vừa giao Sở Xây dựng rà soát, hệ thống lại nhiệm vụ được giao, tham mưu UBND thành phố ban hành văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành và đơn vị có liên quan thực hiện các nội dung về đầu tư xây dựng nhà ở xã hội quy định tại khoản 3, Điều 6 của Nghị quyết.

Top