Lớp học bác sĩ y học cổ truyền tại Trường Trung cấp Đông Á bị cắt ngang khiến nhiều học viên hoang mang, mất thời gian và tiền bạc nhưng đến nay lại không được tiếp tục học.
Ai sẽ phải chịu trách nhiệm để giải quyết những quyền lợi chính đáng cho học viên? Trong sự việc này có khá nhiều mập mờ, dấu hiệu lừa đảo và một số hành vi vi phạm pháp luật.
Dấu hiệu giả mạo chữ ký, con dấu
Làm việc với Trường Đại học Hoà Bình, nhóm phóng viên ghi nhận nhiều điều bất thường bởi sau khi Trường Trung cấp Đông Á có thông báo dừng liên kết với Trường Đại học Hoà Bình vào ngày 9/10/2020 thì Trường Đại học Hoà Bình không tham gia vào việc tuyển sinh cùng với Trường Trung cấp Đông Á nữa.
Ông Dương Văn Bá, Trưởng phòng đào tạo - Trường Đại học Hoà Bình, cho biết: “Năm 2019, Trường Đại học Hoà Bình có liên kết với Trường Trung cấp Đông Á để tuyển sinh. Sau đó, do một số vấn đề nên việc liên kết tuyển sinh không tiếp tục thực hiện. Trường Đại học Hòa Bình có gửi thông báo nhập học cho 42 học viên vào năm 2019, địa điểm nhập học tại Trường Đại học Hoà Bình chứ không phải học tại Trường Trung cấp Đông Á. Vì một số lý do nên lớp bác sĩ y học cổ truyền chưa được tổ chức. Trường Đại học Hòa Bình chưa hề tổ chức bất kỳ lớp học nào tại Trường Trung cấp Đông Á. Việc có lớp học bác sĩ y học cổ truyền là do Trường Trung cấp Đông Á tự tổ chức”.
Trong sự việc tổ chức lớp học bác sĩ y học cổ truyền tại Trường Trung cấp Đông Á có dấu hiệu của sự lừa đảo, thu tiền trái quy định, giả mạo chữ ký, con dấu của cá nhân tổ chức. Điều bất thường là sau khi Trường Trung cấp Đông Á có thông báo chấm dứt liên kết với Trường Đại học Hoà Bình vào ngày 9/10/2020, nhưng đến ngày 30/10/2020, Trường Đại học Hoà Bình vẫn có giấy báo nhập học với một số học viên. Thậm chí đến năm 2021, Trường Đại học Hoà Bình vẫn ký giấy xác nhận cho học viên đang học tập tại trường. Làm việc với Trường Đại học Hoà Bình thì đại diện nhà trường cho biết, tất cả các giấy tờ này sau ngày 9/10/2020 đều là giấy tờ giả mạo chữ ký, có dấu hiệu làm giả con dấu.
Trao đổi với nhóm phóng viên, tiến sĩ Đào Hải, Phó hiệu Trường Đại học Hoà Bình, khẳng định: Một số văn bản có chữ ký của tôi và đóng dấu Trường Đại học Hoà Bình sau ngày 9/10/2020 là hoàn toàn giả mạo. Trường Trung cấp Đông Á đã giả mạo chữ ký của tôi, tôi không hề ký văn bản xác nhận học viên đang học tại Trường Đại học Hoà Bình vào năm 2021. Việc này cần nhờ đến cơ quan công an vào cuộc.
Để xác thực việc này, tiến sĩ Đào Hải đã ký chữ ký của mình cho phóng viên xem. Sau khi so sánh hai chữ ký, thấy không giống nhau.
Tự thu tiền của học viên
Một việc nữa cần đề cập là việc thu kinh phí của học viên. Trường Trung cấp Đông Á đã tiến hành thu học phí của học viên học hết 3 kỳ là 54 triệu đồng, mỗi kỳ học tập, học viên phải đóng 18 triệu đồng. Không có văn bản nào của Trường Đại học Hoà Bình quy định học viên phải đóng số tiền đó. Ở đây, Trường Trung cấp Đông Á đã tự thu. Bên cạnh đó, mỗi học viên khi vào học còn phải đóng từ 5 triệu đến 40 triệu không có danh mục thu của Trường Trung cấp Đông Á. Tiền này được thu mà không có hoá đơn, chứng từ ghi nội dung cụ thể. Người đứng ra nhận số tiền này là ông Phạm Quốc Huy (em ruột Hiệu trưởng Phạm Minh Trí, nhân viên của Trường Trung cấp Đông Á) bằng hình thức nhận tiền mặt hoặc chuyển khoản. Căn cứ vào đâu mà Trường Trung cấp Đông Á lại thu khoản tiền này của học viên, nhân viên Phạm Quốc Huy lấy tư cách gì để đứng ra nhận tiền này?
Ông Dương Văn Bá, Trưởng phòng đào tạo-Trường Đại học Hoà Bình, chia sẻ thêm: Trường Đại học Hòa Bình không hề có văn bản nào thu tiền của học viên lớp bác sĩ y học cổ truyền tại Quảng Ngãi. Trường Đại học Hoà Bình cũng chưa nhận bất cứ khoản kinh phí nào từ Trường Trung cấp Đông Á. Việc thu tiền của học viên là Trường Trung cấp Đông Á tự thu. Trường Đại học Hòa Bình không mở lớp bác sĩ y học cổ truyền ở Quảng Ngãi nên cũng không có lý do gì trường thu tiền của học viên. Hai trường đã ngừng liên kết từ ngày 9/10/2020 mà đến ngày 30/10/2020 vẫn có giấy báo nhập học cho học viên lấy danh nghĩa là Trường Đại học Hoà Bình gọi nhập học là điều không đúng, giấy báo nhập học đó không hợp lệ và có dấu hiệu làm giả.
Chúng tôi đến Trường Trung cấp Đông Á thì biết được ông Phạm Minh Trí, Hiệu trưởng nhà trường đang bị cơ quan cảnh sát điều tra tạm giữ liên quan đến một vụ án khác. Có thể thấy, việc mở lớp và thu tiền học viên lớp bác sĩ y học cổ truyền tại Trường Trung cấp Đông Á có dấu hiệu lừa đảo, thu tiền trái quy định, giả mạo chữ ký để trục lợi bất hợp pháp. Ở đây cần đề cập đến trách nhiệm của ông Phạm Minh Trí. Là người lãnh đạo đứng đầu nhà trường, ông Trí đã làm nhiều việc chưa đúng quy định, đẩy nhiều học viên vào tình cảnh khốn đốn.
Làm việc với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Ngãi (đơn vị chủ quản của Trường Trung cấp Đông Á) về việc một số vấn đề liên quan tại Trường Trung cấp Đông Á, ông Nguyễn Đăng Thương, Chánh văn phòng Sở giới thiệu gặp ông Huỳnh Việt Hùng, Trưởng phòng lao động – việc làm và giáo dục nghề nghiệp. Ông Hùng thông tin cho chúng tôi biết, hiện tại, Trường Trung cấp Đông Á chưa có lãnh đạo mới.
Chứng kiến nhiều gia cảnh khó khăn phải làm đủ mọi cách đóng các khoản tiền cho Trường Trung cấp Đông Á để được đi học khiến nhiều người phải nghẹn lòng. Người thì nuôi cha mẹ già, người có con nhỏ, người phải đi làm thuê… Một số người phải cầm cố, bán tài sản trong nhà, đi vay ngân hàng để có tiền ăn học. Học viên ở các tỉnh xa phải đi lại vất vả, tốn kém khi tham gia lớp học tại Quảng Ngãi. Giờ đây, việc học tập bị dừng, đẩy nhiều người vào tình cảnh khốn cùng. Họ đã mất thời gian 3 năm cùng với một số tiền khá lớn để đóng góp và chi tiêu trong quá trình học tập. Nhiều học viên bất lực trong những tiếng nấc nghẹn ngào. Họ là nạn nhân của những việc làm trái quy định của Trường Trung cấp Đông Á. Đề nghị các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ngãi vào cuộc điều tra, làm rõ những sai phạm của Trường Trung cấp Đông Á để làm sáng tỏ trách nhiệm của từng cá nhân và tập thể, đồng thời bảo vệ quyền lợi của những học viên là nạn nhân của những việc làm trái quy định tại Trường Trung cấp Đông Á.
Có dấu hiệu hình sự?
Theo luật sư Nguyễn Doãn Hồng, Giám đốc Công ty Luật Quốc tế Đà Nẵng: Cần phải làm rõ thỏa thuận hợp tác giữa Trường Đại học Hoà Bình và Trường Trung cấp Đông Á xem việc đào tạo diễn ra ở Hà Nội hay Quảng Ngãi, để từ đó đánh giá hành vi của các cá nhân liên quan.
Việc thu tiền của học viên dựa trên cơ sở nào và tại sao học viên phải đóng tiền cho ông Phạm Quốc Huy mà không có biên lai ghi nội dung thu? Tiền này phục vụ cho nhà trường hay cho cá nhân?
Còn việc giả mạo thì cần phải giám định xem chữ ký và con dấu có phải giả hay không? Trong trường hợp này, nếu có việc giả chữ ký, con dấu thì các cá nhân liên quan đã phạm vào Điều 174, Bộ luật Hình sự về tội lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, nếu trên 500 triệu đồng thì sẽ phạm vào khoản 4, Điều 174 với mức phạt từ 12 đến 20 năm tù. Ngoài ra, nếu các cá nhân có hành vi giả mạo chữ ký và con dấu còn phạm vào Điều 341, Bộ luật Hình sự về tội làm giả con dấu của cơ quan, tổ chức với mức phạt cao nhất là 7 năm tù, và phạm vào Điều 359, Bộ luật Hình sự về tội giả mạo trong công tác với mức hình phạt cao nhất là 20 năm tù.
Đối với học viên đã nộp tiền mà chưa thu hồi được, trong trường hợp vụ việc bị khởi tố thì những người làm sai phải có trách nhiệm hoàn trả lại số tiền đã chiếm đoạt bất hợp pháp. Việc khắc phục hậu quả cho học viên sẽ là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.
Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.